Thứ hai, 16/09/2024,


Đạo đức trong văn chương (07/01/2012) 
 
Đạo đức nhà văn không chỉ là ở cách sống, cách ứng xử với nghề nghiệp, sâu xa hơn, nó chính là động cơ sáng tác của anh ta. Khi cầm bút, tức là nhà văn công khai bày tỏ thái độ của mình trước cuộc sống. Anh ta có quyền phẫn nộ, có quyền hân hoan, có quyền ngợi ca và cũng có quyền phê phán. Mọi thái độ đều có thể được chấp nhận, miễn là phía sau nó dung chứa một tinh thần xây dựng nhân đạo. Văn chương có thể mổ xẻ sự sa đọa, sự tàn lụi của một thể chế, một cá nhân, nhưng dứt khoát không phải để thanh toán cho những ân oán giữa các cá thể.
Vậy mà đó đây vẫn xuất hiện những trường hợp văn chương được viết bởi lòng căm hờn, oán thán. Có những người bỏ công ra để viết một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn, một bài thơ chỉ vì muốn “thanh toán” với ai đó, với tập thể nào đó, với chế độ nào đó và hoàn toàn chỉ là “thanh toán” thế thôi, cho hả giận. Đây thực sự là xu hướng cần phải báo động bởi nó dẫn tới tình trạng tha hóa nhân cách nhà văn và tệ hơn, nó dẫn dụ văn chương lệch cốt sang sự tàn nhẫn, phũ phàng, phi đạo đức. Nhà văn không bao giờ viết bằng sự oán hờn bởi vì thiên chức của anh ta là mổ xẻ đời sống với lòng bao dung vốn là bản chất của anh ta, dù bản thân anh ta có thể là nạn nhân của đời sống đó.
Oán thù không làm cho nhà văn lớn lên, trái lại nó khiến văn chương bị suy đồi theo đúng nghĩa tồi tệ nhất của từ này. Khi một tác phẩm được viết ra bởi động cơ oán hận, dù với một chế độ hoặc với một cá nhân cụ thể, thì nhân cách nhà văn, kẻ viết tác phẩm ấy, sẽ nhỏ lại theo tỉ lệ nghịch với độ dài và sự uất ức ẩn chứa trong tác phẩm đó. Và hơn ai hết, trong trường hợp ấy, chính tác giả sẽ là nạn nhân đầu tiên, vì anh ta đã vi phạm đạo trời, nếu chúng ta nhất trí với nhau rằng tài năng văn chương là thứ trời cho.
Những tác phẩm văn học thứ thiệt là những tác phẩm khi bóc đi sự gai góc, sự lạnh lùng bề ngoài, người ta thấy cái lõi của lòng thương yêu đối với đồng bào mình. Đạo đức của nhà văn xét cho cùng là lòng thương yêu. Chưa từng có một tác phẩm văn chương lớn nào tồn tại mà bên trong nó chứa nọc độc của sự oán thù. Nếu văn chương chỉ thuần túy dùng để “thanh toán” thì loài người đã tuyệt diệt từ những trang viết đầu tiên và lai lịch nhà văn sẽ là lai lịch của những rủa nguyền.
Văn chương được kính trọng bởi nó là vũng nước thanh khiết cuối cùng để con người soi mình vào đó. Nó là nơi cho những kẻ thất bát đến ngồi cạnh nhau để thấy rằng mình vẫn còn thứ mà gặt hái trên cõi đời này, đó là hơi ấm đồng loại. Ở cái chốn ngơi nghỉ kín đáo cuối cùng của lương tri ấy mà lại cắm ngược lên một mũi dao nhọn thì xem ra còn xóc óc hơn cả tội ác.
VĂN NGUYÊN
Nguồn: VNQĐ
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thanh Hà - nguyenthanhhahy@gmail.com - 01668383020 - CLB lục bát Đoàn Thị Điểm  (Ngày 07/01/2012 19:45:54)

Đúng như Văn Nguyên viết trong bài "Đạo đức trong văn chương", tôi rất thú vị khi đọc bài này, tuy ngắn nhưng đặt ra rất nhiều vấn đề trong "đạo đức người cầm bút" nói chung, không phải chỉ có loại hình văn chương, mà trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong văn chương, cần có đạo đức như Văn Nguyên nói, thế trong hội họa, âm nhạc, thơ ca, kiến trúc...liệu có cần "đạo đức" không ? Nếu cần thì nó trong phạm trù nào. Tóm lại, những người cầm bút đứng trong đội ngũ những người làm văn học, nghệ thuật nói chung rất cần mẫu mực về đạo đức lắm chứ. Theo tôi, cái "mẫu mực" ấy toát ra từ tác phẩm, từ những nhân vật của tác phẩm. Đó là tính thẩm mỹ, tính giáo dục cao, nhưng lại phải được đông đảo người nghe, người đọc, người nghiên cứu, người giáo dục thừa nhận và tác phẩm ấy phải sống mãi với thời gian. Đó là những tác phẩm văn học nghệ thuật phục vụ con người, phục vụ quảng đại quần chúng. Những nhân vật của nghệ sĩ được hình thành trong tác phẩm phải là những hình tượng, những mô hình được quần chúng nhân dân nâng niu quý trọng, thậm chí lấy làm mẫu mực, lấy làm cách xử thế trong đời sống hằng ngày. Từ nền văn học, nền thơ ca cổ xưa đến cận đại và hiện đại, đây có lẽ là chân lý vĩnh cửu. Những người tạo nên các tác phẩm văn học nghệ thuật dứt khoát không thể là những người sống vô đạo đức, buông thả, lỳ lợm, lưu mạnh sa đọa trong lối sống, tất nhiên không đòi hỏi họ phải là Phật, là Tiên, vì suy cho cùng thì Phật hay Tiên đều không phải những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ...Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ trước hết là những con người bằng xương bằng thịt, cũng như mọi người về phương diện sống, song họ lại có được cái tài năng bẩm sinh, trời phú, và rèn luyện. Không phải ai học đại học văn đều là nhà văn. Không phải tất cả những người biết làm thơ và làm thơ hay đều là nhà thơ. Cũng như vậy, ai biết vẽ, không một lúc mà thành họa sĩ. Bê-tô-ven, Mô-da...là những nhạc sĩ thiên tài, nhưng cũng là những nghệ sĩ sáng tác vì đời sông nhân loại, được nhân loại gìn giữ như một thứ tài sản quý giá thế hệ này sang thế hệ khác. Một nghìn năm nữa, một vạn năm nữa, người ta có thể quên Nguyễn Du, nhưng chắc chắn các thế hệ nối tiếp chúng ta không thể quên Truyện Kiều. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đên câu chuyện "quanh chén trà" với ông Nguyễn Văn Khánh, một trong những người tôi ngưỡng mộ về sự uyên thâm và hiểu biết văn chương của ông. Ông nói rằng, từ ngày thống nhất nước nhà đến nay, ít có những tác phẩm văn học mà nhân vật của nó khắc sâu trong tâm khảm người ta như những nhân vật của thời trước. Nhiều thế hệ người đọc quên làm sao số phận Nàng Kiều của Nguyễn Du, quên làm sao Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến...của Nam Cao, quên làm sao Nghị Hách Thị Mịch của Vũ Trọng Phụng, cùng rất khó quên những nhân vật trong "Những người khốn khổ" của Vic-to Huy-gô..Còn bây giờ, khá nhiều tiểu thuyết truyện ngắn, truyện vừa là những sáng tác công phu của nhiều thế hệ nhà văn, song chúng tôi vẫn thấy nó "bàng bạc" thế nào ấy. Ví dụ tác phẩm của Nguyễn Công Hoan như "Đống rác cũ" và những nhân vật của nó ít nhớ hơn "Kép Tư bền"...Trong thời "Tự lực văn đoàn, có nhiều tên tuổi sống mãi, trong đó có anh em nhà Thạch Lam, văn ít mà nhân vật, văn chương của họ thấm vào đời một cách kinh khủng. Bên cạnh ta là ông bạn Trung Quốc chẳng hạn, tác phẩm văn học cũng như tác phẩm điện ảnh, có thể nói không ngoa rằng, được sản xuất hàng ngày, hàng tháng. Trong điện ảnh Trung Quốc, đáng chú ý là các bộ phim lịch sử nhiều mặt, nhiều dạng, xem rất thú vị. Tuy nhiên, Đài truyền hình của ta, cả trung ương lẫn địa phương, vì sao cứ mở nút là thấy phim Trung Quốc rồi. Mà Phim lịch sử của Trung Quốc, mở TV là thấy "tâu bệ hạ...là nô tài"...là rất phong kiến. Chúng ta có nền điện ảnh nhiều chục năm mà không đào đâu ra những tác phẩm lịch sử. Trần Hưng Đạo ba lần chiến thắng quân Nguyên, Tây Sơn "hành quân thần tốc" ra Bắc...cả đến những chuyện tình đau khổ nữa, giá lên thành phim, rồi đừng tổ chức "liên hoan" thi thố làm gì cho tốn kém, "Cánh diều vàng, cánh diều bạc" trao xong bỏ vào kho, tiền nong ấy ai chịu và làm điện ảnh làm gì cho tốn kém công sức ? Văn chương cũng vậy, quyển nào có "gây gợn một chút" lập tức bị in lậu và phát hành lậu. Đây có phải là sản phẩm của đạo đức văn chương hoặc đạo đức văn học nghệ thuật không ?

Phải làm gì và làm như thế nào để có một nền văn học nghệ thuật đích thực và đạo đức văn chương, hoặc đạo đức nghề nghiệp làm văn học nghệ thuật phải hướng về mục đích nào, phục vụ ai, xây dựng, giáo dục cái gì, cho ai ? Đấy quả là vấn đề mà chúng ta dường như "biết rồi, khổ lăm, nói mãi !" như cái lão Cố Hồng trong một tác phẩm xưa kia nữa. Ngay đạo đức văn học nghệ thuật cũng phải có chuẩn mực mà chuẩn mực ấy không thể do một số người thu chân xuống gậm bàn đề ra được mà phải xuất phát từ cuộc sống, kiểm nghiệm từ cuộc sống và được thử thách, thay đổi theo sự phát triển của cuộc sống. Mong lắm thay !
Nguyễn Thanh Hà, CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên

Các bài khác: