Thứ ba, 23/04/2024,


Thêm “Những dấu hỏi” cho Nghệ thuật trình diễn (05/11/2008) 

     'Những dấu hỏi' của nghệ sỹ Phạm Văn Trường là tác phẩm đã được bình chọn nhiều nhất và được trao giải thưởng trị giá 3000 USD. Như vậy, cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật trình diễn (NTTD) do ĐSQ Đan Mạch tổ chức đã khép lại với 8 tác phẩm cùng sự góp mặt của các nghệ sĩ trẻ: Nguyễn Văn Hè, Nguyễn Huy An, Lê Thị Minh Nguyệt... Tuy nhiên, xung quanh cuộc thi này vẫn còn nhiều dư luận trái chiều và nhiều câu hỏi đang được đặt ra. TT &VH trò chuyện với nghệ sĩ Như Huy (một trong 3 thành viên của BGK cuộc thi).

 

* Với tư cách là một người quan sát, anh thấy cuộc thi chung kết tài năng nghệ thuật trình diễn do đại sứ quán Đan Mạch tổ chức đã có những hiệu ứng tích cực như thế nào đến NTTD nói chung?

Với tôi, đây thực sự là một không khí tổng lực, khi trước mắt tôi - công chúng xuất hiện chật kín cả ba khu vực trình diễn, di chuyển theo những luồng từ bên này qua bên kia để xem các tác phẩm. Cùng lúc, toàn bộ khu vực trình diễn ngập tràn âm thanh, ánh sáng - tập trung vào từng màn trình diễn riêng. Công chúng im lặng theo từng hành vi nghệ sỹ và khi mỗi một màn trình diễn kết thúc đều có rất nhiều tiếng vỗ tay. Đây là hiệu ứng quan trọng nhất mà tôi cảm thấy qua cuộc thi trình diễn này - hiệu ứng của việc NTTD và công chúng địa phương, lần đầu tiên có cơ hội đối mặt nhau trực diện và một cách ngang quyền, để qua đó, có cơ hội nhận ra rằng họ có thể gần gũi nhau, có thể tác động tới nhau. Đây cũng chính là khía cạnh tôi thấy BTC cuộc thi này đã thành công với mục đích ban đầu của họ: tìm cách bắc một câu cầu cho NTTD - một loại hình có tính du nhập, với công chúng.

 

* Trong khi NTTD có xu hướng 'ra đường' để đến gần công chúng, thì việc dựng lên 3 sân khấu, một sân khấu lớn, 2 sân khấu nhỏ có làm ảnh hưởng đến sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ không?

Trước hết, ta nên hiểu rằng, cả ba khu vực trình diễn này đều nằm trong một tổng thể duy nhất. Hiểu như thế, ta sẽ thấy ra bản chất dàn dựng không gian của đêm chung kết. Đó là môt tổng thể không gian trình diễn duy nhất - bao gồm ba chiều khác nhau. Thực tế là các công chúng đã không hề bị đổi cảm giác tiếp nhận và tương tác trong tổng thể này. Và việc tuần tự đổi chỗ của công chúng để xem các tác phẩm khác nhau, theo cảm nhận của tôi, đã không hề làm ảnh hưởng tới sự tương tác của họ với nghệ sỹ. Trái lại, chính nó còn giúp công chúng thay đổi cảm giác tiếp nhận khi không gian tâm thức của họ đã luôn có cơ hội được làm mới lại, khi tiếp cận với các màn trình diễn khác nhau.

 

           Tác phẩm có tên 'Lụt' của Lê Văn Sơn.

 

 

* Anh nghĩ sao khi nhiều người quan sát khác cho rằng nhiều tác phẩm dự thi lần này quá lạm dụng các loại hình nghệ thuật khác dẫn đến những kiểu kịch câm mới, kịch hình thể hay ' nhạc múa tạp kỹ' đội cái vỏ NTTD?

Tôi cho rằng, NTTD không phải là một cái vỏ, chính xác hơn, nó là một nội dung - mà theo thời gian - luôn tìm cách vùng quẫy vượt thoát khỏi mọi cái vỏ khác nhau định bọc nó. Thật vậy, cho tới hiện nay, việc định nghĩa NTTD là gì cũng còn có vẻ nhà đậm chất nhà 'Tùy'. Ngay tại phương Tây - là nơi người ta thường cho là đã khai sinh ra NTTD. Nhà nghiên cứu Attanasio Di Fellice cho là NTTD có nguồn gốc từ thời Phục Hưng, trong khi một nhà nghiên cứu khác, Roselee Goldberg lại cho rằng nó ra đời cùng trào lưu Dada. Một người khác nữa, Kristine Stiles lại cho rằng nhóm gutai của những thập niên 50 thuộc thế kỷ trước mới là những kẻ khai sinh ra NTTD. Mới đây, tôi còn được đọc một tham luận rất độc đáo của nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam Nora Taylor, trong đó, bà có một ý nhỏ đặt vấn đề về mối tương liên giữa nghệ thuật trình diễn Việt Nam và nghệ thuật chơi quan họ. Nói như vậy để thấy rằng, ngay cả tại phương Tây, cho tới hiện nay, các nhà nghiên cứu còn chưa biết làm sao định ra một lịch sử thống nhất, và qua đó, khu biệt loại hình một cách nghiêm cẩn cho NTTD. Nếu quả thật ở phương Tây đã như vậy, tại sao chúng ta ở đây lại cứ phải đi hạn chế NTTD trong một dáng vẻ nào đấy?

 

* Ý anh là…

Tại sao chúng ta - trong vai trò là các nghệ sỹ - không nhân dịp này, vứt bỏ mọi cuốn từ điển khỏi tay, để làm những gì chúng ta thích, sử dụng hết những gì chúng ta thấy cần thiết và dấn thân vào bất cứ điều gì làm chúng ta cảm thấy xúc động hay phẫn nộ? Về khía cạnh công chúng, tôi nghĩ, việc nhìn nhận vấn đề theo kiểu: Cái chúng ta xem 'GIỐNG' với kịch hình thể, giống với kịch câm mới, tạp kỹ ở đâu; không hay bằng việc - tìm cách xem - cái chúng ta xem “KHÁC” với những thứ ấy ở chỗ nào? Về mặt logic, tôi cho rằng cách tiếp cận sau sẽ làm giàu có cho chúng ta hơn hẳn cách tiếp cận trước bởi nó sẽ mang tới cho tâm trí ta những chiếc cầu bắc ngang qua mọi lĩnh vực và rồi mở rộng trường cảm nhận của chúng ta, trong khi cách đầu tiên - khi tìm cách khu biệt và thải loại - chỉ làm nghèo nàn chúng ta trong một mớ định nghĩa mà rõ ràng là tù mù.

* Xin cảm ơn anh!

 

Theo Việt Quỳnh (TT&VH)

             

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: