Chủ nhật, 05/05/2024,


Anh Dáng (Truyện ngắn của Vũ Thanh Phương) (02/01/2012) 

        Kính gửi các anh chị trong Ban Biên tập lucbat.com!
Nhân ngày thành lập QĐND Việt Nam, tôi xin gửi tới các anh chị một câu chuyện của một CCB được tôi viết thành truyện ngắn có nhan đề: ANH DÁNG, cùng một bài Lục Bát (dạng ca dao) có nhan đề: HỠI AI.
       Hai tác phẩm này kể về một con người thật đang sống gần tôi. Anh là một CCB  vô cùng đau khổ vì hậu qủa chiến tranh, nhưng chưa hề được hưởng một chế độ gì.
         Xin tóm tắt hoàn cảnh của anh:
         Họ tên: Trần Xuân Duyên . Quê Lý Nhân - Hà Nam.
         Đi bộ đội Trường Sơn (Mặt trận 379), bị bom B52 vùi trong khi chiếu phim phục vụ chiến trường tại Cánh đồng Chum (Lào). Xuất ngũ và lên làm công nhân Nông trường Than uyên từ năm 1972. Từ đó đến nay vẫn mang di chứng của bệnh thần kinh do sức ép bom thù. Nhưng do bị thất lạc giấy tờ nên không làm được chế độ gì. (Hiện chỉ còn một nửa tờ giấy xuất ngũ và một lá thư của đơn vị giới thiệu đi làm chế độ xuất ngũ).
          Gia đình anh và mọi người biết anh đều rất mong anh có được chế độ Bệnh binh để được điều trị và chăm sóc theo chế độ đối với người có công, mà hiện chưa biết làm sao được.

          Kính mong Ban Biên tập lucbat.com cho đăng truyện ngắn này để mọi người cùng chia sẻ.

          Tân Uyên, đêm 22/12/2011
           Vũ Thanh Phương
         
                                                                                                                    
 

Anh Dáng 

      Tôi thay vào cây đàn Măng - đo - lin một bộ dây mới, so, chỉnh, đánh thử vài ba bài để đảm bảo rằng âm thanh của nó không bị thay đổi, rồi đưa cây đàn cho anh:
      -Thưa "Đại tá"! Mời ngài dùng!- Tôi vẫn quen đùa với anh như vậy, nhưng anh thích tự xưng là "nguyên soái bảy sao".
Anh đón cây đàn, mắt sáng lên, miệng lẩm bẩm câu gì đó và bắt đầu những khúc nhạc của mình.Anh thường chơi những bản nhạc thời chống Mỹ như:"Nổi lửa lên em","Chiếc gậy Trường Sơn","Tiếng đàn Ta Lư"v.v..Ngoài ra, anh chơi các loại nhạc chèo và dân ca ba miền cũng rất hay. Có điều, gần đay, càng ngày anh chơi đàn càng mất tiết tấu, mất trường độ. Kể cả kỹ năng nói cũng vậy. Nge anh đàn và nói cứ như người ta mở cát- sét nhầm vào nút phát thanh, cứ líu ra líu ríu, rất mệt.
       Từ khi biết tôi còn giữ được cây đàn Măng- đô- lin, hầu như ngày nào anh cũng vượt chặng đường sỏi đá năm cây số lúc khô lúc lầy từ nhà anh đến nhà tôi, chơi đàn một hồi rồi về. Thấy tội tội, nhân chuyến công tác, tôi mua một cây đàn cứ dùng ở nhà, không phải đi lại nắng mưa vất vả. Anh phấn khởi lắm, lấy dây đeo như khẩu súng trên lưng, mang về. Nhưng chỉ được vài ngày, lại thấy anh đến. Mãi sau, nge vợ anh nói, tôi mới biết rằng anh thích đến chơi nhà tôi và chơi cây đàn cũ của tôi. Thế là anh trở thành vị khách thường xuyên của gia đình tôi. Anh cứ tự nhiên đến, lấy đàn chơi, lúc nào chán thì về. Cả nhà tôi và hàng xóm hình như đã quen với sự có mặt của anh, đến nỗi vài hom mà không thấy anh là có người khác: "Chắc ông Dáng hâm ốm rồi!".

       Ở cái thị trấn nhỏ như lòng bàn tay này, hầu như ai cũng biết anh, người ta gọi anh là "Dáng hâm", bởi anh rất khác người. Nhưng anh đã từng là cây văn nghệ có hạng. Còn nhớ những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX, tôi còn làm cán bộ văn hóa quần chúng của nông trường. Phong trào văn nghệ ngày ấy rầm rộ lắm, năm nào nông trường cũng tổ chức hội diễn. Đơn vị anh chuyên canh cây hoa mầu lương thực. Vậy mà có một năm, hội diễn lại trùng với mùa thu hoạch ngô, đơn vị anh không tổ chức luyện tập được. Đêm hội diễn, anh ôm cây đàn Măng- đô- lin và một cây sáo trúc, lên đăng ký tham gia ba tiết mục. Vậy mà hai tiết mục được xếp giải A là tấu đàn và tấu sáo. Còn tiết mục đơn ca bị xếp giải B vì một lý do rất bật cười. Hôm đó anh hát một khúc ca chèo viết về phong trào sản xuất bèo hoa dâu làm phân bón. Anh hát khá hay, nhưng đến câu hát sử: "Rồi mai đây tất cả sẽ thành phân, bèo dâu cũng góp phần to lớn!", khi đưa tay minh họa cho lời hát, anh lại lướt qua ban giám khảo và bàn đại biểu, làm cho các vị bị hố, còn khán giả thì bỗng dưng không nín được cười! Hội diễn năm sau, anh dựng một hoạt cảnh chèo. Nội dung ca ngợi tinh thần hăng say luyện tập của một chiến sĩ tân binh, đén nỗi ốm mà vẫn ra thao trường. Nữ y tá phát hiện ra người chiến sĩ này ốm liền yêu cầu anh về nghỉ để đảm bảo sức khỏe, đoạn này được thể hiện bằng làn điệu "Gà rừng" . Cô y tá hát: "Anh ốm rồi ! Anh ốm rồi!". Khổ nỗi, theo đúng làn điệu "Gà rừng" thì tất cả những chữ "ốm" ở đoạn này mất dấu sắc, thành ra :
        Tôi đã bảo cô rằng không ôm, cô cứ bảo tôi ôm, tôi không ôm!
        Thế là khán giả được một phen cười vỡ bụng!.
        Từ đó, những câu chuyện văn nghệ của anh trở thành giai thoại, người ta truyền khẩu cho nhau như truyện tiếu lâm.
         Sau này, tôi mới biết anh Dáng đã từng là một chiến sĩ văn nghệ Trường Sơn, hoạt động theo đường dây năm chín. Trong một đợt công tác, anh bị trúng bom, cũng may chỉ ảnh hương sức ép, nhưng không còn đủ sức khỏe phục vụ chiến trường, anh được giải ngũ về quê. Rồi nhờ có người mà giới thiệu, anh được lên Tây Bắc làm công nhân nông trường. Vào những dịp lễ, tết, người ta đã quá quen mắt khi thấy anh chững chạc trong bộ quân phục, với đầy đủ cả quân hàm, quân hiệu, huân huy chương lấp lánh trên ngực. Anh đi đến các điểm vui chơi tập thể, bắt tay niềm nở với mọi người, nói những lời của một cán bộ chính trị. Những khi thay đổi thời tiết, anh thường kêu đau đầu và nói những câu chẳng đâu vào đâu. Thế là người ta bảo anh "hâm". Nhưng rồi anh cũng có vợ, chị Phượng người miền xuôi, tính cũng hơi "mát". Thật đúng là:"Nồi vào vung ấy". Có người mượn cách nói trong chương trình "Thế giới đó đây", còn trêu anh chị "Đang sống trong một thế giới nghiêng". Khi mới lấy nhau, anh chị sống trong một ngôi nhà tập thể. Sau này, đơn vị và khu phố ủng hộ mỗi người một ít vừa công vừa của, thế là anh chị có căn nhà gỗ nhỏ lợp tranh và một miếng đất làm vườn. Chỉ mấy năm sau, anh chị đã sinh được hai cháu, có nếp có tẻ đàng hoàng, cộng thêm thằng con riêng của chị nữa là ba. Năm nhân khẩu như nhà anh, vật lộn với những tháng ngày bao cấp thật là vất vả, con cái anh đứt bữa là thường. Sức khỏe của anh ngày càng kém, không còn đảm bảo được ngày giờ công với đơn vị, nông trường cho anh về nghỉ mất sức. Căn bệnh thần kinh của anh cũng đến thời kỳ nặng hơn, đã hơn một lần anh châm lửa đốt nhà mình và cũng đã hơn một lần bà con lối xóm làm lại nhà cho gia đình anh. Cũng đã không biết bao lần trở trời, anh bị lên cơn nặng, chị phải đưa anh vào viện điều trị.                   Nhưng sức khỏe của anh chỉ khá hơn một chút là chị lại xin cho anh về. Phần vì nhà neo người, phần vì không có tiền nên chưa khi nào anh được đi khám bệnh ở tuyến trên.Cứ nghĩ anh được hưởng trợ cấp thương bệnh binh, nên đã có lần tôi hỏi ông Lợi-chủ tịch hội Cựu chiến binh thị trấn:
       - Chế độ của anh Dáng như thế nào? Sao các anh không tạo điều kiện cho anh ấy đi khám hoặc điều dưỡng tuyến trên, xem anh ấy có khá hơn được không?
        - Khổ lắm ông ạ ! Ông Lợi giãi bày.- Ai cũng bảo ông ấy có đi bộ đọi đánh Mỹ về, hiện là hội viên Cựu chiến binh. Bà ấy cũng chỉ biết là ông ấy đi bộ đội văn công, đường dây năm chín, nhưng hỏi đến giấy tờ thì chịu, không hiểu ông ấy đẻ đâu mà tìm. Ông ấy bây gipf ngây ngây, dại dại, có nhớ gì đâu!?
        - Không còn cách nào hả anh?- Tôi vớt vát.
        -Tôi đã báo cáo việc này với huyện hội, trên ấy trả lời:" Không có giấy tờ, không có người xác nhận thì không làm được gì".
Tôi bàn với ông Lợi, sang bên xí nghiệp chè, nơi anh Dáng công tác trước khi về nghỉ mất sức, nhờ cán bộ tổ chức tìm trong hồ sơ cũ xem có giấy ra quân không? Chỉ vài ngày sau, ông Lợi đến, thông báo với tôi:
       - Không ăn thua gì ông ạ! Trong hồ sơ của ông ấy chỉ ghi thế này:" Từ tháng tư năm 1963 đến thang sáu năm 1965 đi bộ đội văn công, đường dây 59", ngoài ra không có giấy tờ gì kèm theo.
       Thế là hết hi vọng. Vì thực lòng muốn giúp anh Dáng nên cả hai chúng tôi cùng buồn, nhưng "lực bất tòng tâm", chưa có cách nào giúp được. Hai anh em đang ngồi uống nước thì có tiếng xe đạp lạch cạch ngoài cửa. Anh Dáng xuất hiện trong bộ trang phục công an đã cũ, với quân hàm, quân hiệu anh tự cắt bằng đủ loại chất liệu, từ vải đến giấy màu, cây đàn Măng- đô- lin trên lưng. Lấy tư thế nghiêm túc của một sĩ quan quân đội, anh giơ tay chào chúng tôi:
        - Báo cáo ban chỉ huy! Tôi Trần Xuân Dáng, cấp bậc nguyên soái bảy sao, phụ trách đoàn văn công Trường Sơn, đến đề nghị ban chỉ huy đổi nhạc cụ để đêm nay anh em phục vụ chiến trường!
Anh tháo cây đàn trên lưng, đưa cho tôi. Tôi nhìn qua một lượt, cây đàn đã bị gãy một khóa, bộ dây thì đứt quá nửa, còn cía ngựa đỡ dây không thấy đâu, Tôi đùa:
        - Đồng chí " Nguyên soái", đàn bị mất con ngựa rồi!
Anh ngớ ra, hết nhìn cây đàn lại nhìn ra đường như muốn tìm kiếm, thấy thế ông Lợi bảo:
        - Đồng chí đánh mất ngựa ở đâu, mau tìm về trả cho ban chỉ huy!
Không ngờ, anh đặt chén nước rồi ra lấy xe, đạp nhanh về hướng nhà anh. Tôi với ông Lợi đều có chung nhận xét là: Hôm nay anh Dáng tỉnh táo hơn mọi ngày, nói năng chậm rãi và dễ nghe hơn. Chỉ vài phút sau, anh Dáng đã quay lại, mặt tươi tỉnh, anh móc túi áo đưa cái ngựa đàn cho tôi:
         - Báo cáo! Đã thu hồi đủ, xin nộp lại ban chỉ huy.
        - Anh tìm thấy ở đâu? - Tôi hỏi.
        - Ở ngay đằng kia - Anh trả lời, rồi đi vào lấy cây đàn cũ ra.
        Anh lại say sưa với những kỷ niện chiến trường, mặc tôi và ông Lợi muốn trò chuyện gì anh cũng không tham gia. Vừa nói chuyện, tôi vừa mắc thêm dây cho cây đàn anh Dáng vừa mang đến. Cái khóa gãy chưa có thể thay, đành chấp nhận đàn bảy dây vậy. Tôi bảo anh đánh dây mi buông để tôi so. Khi hai dây đàn đã đồng âm, tôi hòa và bản nhạc " Nổi lửa lên em" mà anh đang độc tấu. Tôi có tình chơi chậm để kìm tốc độ nhanh hơn bình thường của anh, rồi anh cũng chơi chậm lại được, âm thanh của hai cây đàn đã hòa quyện. Bỗng ông Lợi cất tiếng hát " Nổi lửa lên em, nổi lửa lên em!ánh trăng sáng ngời đưa ta vào trận đánh núi rừng xanh dồn dập bước quân hành. Lửa cháy lên rồi mang tình em rực sáng, sáng quê hương " Căn nhà nhỏ của tôi ngập tràn tiếng đàn, tiếng hát, cứ như một buổi tập văn nghệ thực sự.Có lẽ cái không khí đó đã tác động vào tình cảm của anh dáng nhiều lắm. Khuôn mặt khắc khổ của anh đã dãn ra vì xúc động. Anh đặt cây đàn xuống, đứng lên trịnh trọng sửa lại trang phục, rồi nói như với cả ngàn khán giả;
        - Kính thưa các đồng chí! Để tiếp theo chương trình, mời các đồng chí thưởng thức bài hát " Lá đỏ", sáng tác: Hoàng Hiệp, người thể hiện : Xuân Dáng.
       Giới thiệu xong, anh quay sang gật đầu với tôi, hieur ý anh, tôi dạo nhạc bài hát " Lá Đỏ". Anh hát bà biểu diễn say sưa, còn ông Lợi vừa khẽ hát theo, vừa vỗ tay giữ nhịp " ...Đoàn quân vẫn đi vội vã, rừng Trường Sôn hòa trong trời lửa. Chào em! Em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương, hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn " Hết câu hát, anh giơ tay vẫy vẫy, đi lùi mấy bước rồi gập người chào. Bỗng có nhiều tiếng vỗ tay và tiếng hô " Hay quá, lại đi! "ngoài cửa, chúng tôi nhìn ra,thì ra mấy bà hàng xóm nhà tôivaf đám học sinh đi học về đã đứng nghe từ lúc nào.               Anh Dáng hoạt bát hẳn lên, anh chắp hai bàn tay như một động tác múa Lào rồi nói:
       - Xin phép các đồng chí! Bây giờ tôi phải về chuẩn bị cho buổi biểu diễn đêm nay.
       - Rồi quay sang tôi, anh nói tiếp: - Đồng chí cho phép đổi đàn chứ ạ?
       Tôi cũng lấy giọng nghiêm túc:
        - Đồng ý, nhưng yêu cầu đồng chí giữ gìn cẩn thận, không được để xảy ra hỏng hóc!
        - Rõ! - Anh lại dập chân chào như một người lính.
        Tôi tháo dây đeo từ cây đàn gãy khóa, đưa cho anh, anh nhận lấy rồi lại buộc vào cây đàn cũ, đeo như khẩu súng trên lưng:
        - Chào các đồng chí, tôi đi!
         Anh Dáng về rồi, bất giác tôi và ông Lợi nhìn nhau. Nãy giờ, chúng tôi hóa thân, nhập vai để diễn với một người thần kinh không bình thường, để ôn lại những ký ức chiến trường hiện về qua âm nhạc. Đến khi người ấy về rồi, bỗng lòng ai cũng như thấy hụt hẫng. Phải một lúc lâu sau tôi mới phá tan sự im lặng:
        - Này, hôm nay hình như anh Dáng hết bệnh hay sao ấy anh ạ!
         - Tớ cũng thấy như vậy! - Ông Lợi nhận xét. - Hay là tại thêm hai thằng hâm nữa thì thằng thứ nhất bớt hâm đi?!
Cả hai chúng tôi cùng phá lên cười.

****

         Thấm thoắt đã hơn hai năm, kể từ cái ngày anh Dáng đến đổi cây đàn. Trong khoảng thời gian đó, thi thoảng anh mới ghé nhà tôi. Sức khỏe của anh ngày càng kém, nói năng ngày càng khó nghe hơn. Có những hôm, tôi tháy anh chửi bới, quát tháo ầm ĩ trên đường, nhưng chẳng nhằm vào ai. Vài ba lần, anh xồng xộc vào nhà tôi, miệng lầm bầm câu gì chẳng rõ, đi hết nhà trong nhà ngoài, rồi lại ra đường chỉ trỏ, quát tháo vu vơ.
         Một lần, vào tầm gần trưa, trời nắng gay gắt, cái nắng giao mùa giữa xuân và hè, anh đến nhà tôi trong lúc sức khỏe rất tệ. Anh đi bộ thất thểu, xiêu vẹo, vừa đi vừa ôm đầu rên rẩm.... Nước da anh xám ngoét, người gầy rộc. Quần áo xộc xệch, mấy thứ quân hàm, quân hiệu "rởm" cũng không thấy anh đeo. Khác với mọi lần, anh không ngồi ngoài phòng khách uống nước hay lấy đàn chơi, mà vào thẳng phòng ngủ của tôi, anh nằm ôm đầu rên nghe rất thương tâm. Trong những tiếng rên lúc to, lúc nhỏ, tôi thấy có câu: " Chúng mày cứ đánh chết tao đi...".Rồi:"Các đồng chí bảo vệ nhạc cụ...."v..v...Tôi hỏi gì anh cũng không nói, đành cứ để anh nằm. Lát sau mẹ tôi mang lọ dầu gió ra xoa rồi ngồi bóp đầu cho anh, anh ngoan ngoãn nằm im. Khi chị Phượng vợ anh hớt hải tìm đến thì mọi người mới biết là chị đang trên đường đưa anh đi khám bệnh, chị chỉ tạt vào chợ một lát mà khi ra đã mất hút anh. Biết rằng anh chẳng đi đâu ngoài nhà tôi nên chị tìm thẳng đến. Kể cũng lạ, mọi người hỏi thì anh như điếc, thế mà chị Phượng nói câu nào thì anh nghe răm rắp. Hai người rắt nhau tới bệnh viện. Kể từ hôm ấy không thấy anh trở lại nhà tôi.
        Tôi có cái may mắn được gặp và quen biết cả hai ông chủ tịch và phó chủ tịch hội cựu chiến binh tỉnh. Với cả hai ông, tôi đều mang chuyện của anh ra hỏi, nhưng ai cũng trả lời là phải có giấy tờ hoặc hai đồng đội xác nhận. Tôi với ông Lợi bàn nhau viết tin nhắn tìm đồng đội, gửi Đài tiếng nói Việt Nam rồi chờ đợi.
          Bẵng đi một thời gian dài vắng anh, một hôm ông Lợi đến, rủ tôi:
         - Anh em mình đi thăm " Dáng hâm " một lát, nghe nói hắn ốm nặng lắm!
         Tôi đồng ý ngay, thế là hai anh em lên đường. Con đường đất chỉ có năm cây số vốn chẳng xa lạ gì với chúng tôi, nhưng đang giữa mùa mưa nên lầy lội, rất khó đi. Hai vệt bánh xe sâu hoắm biến con đường thành bốn rãnh và ba cái sống trâu. Đoạn nào khô thì có thể đi trên sống trâu, đoạn nào ướt thì tốt nhất là đi xuống rãnh. Chiếc xe máy Tầu đã cũ của tôi gầm gào, có lúc còn rê ngang làm hai anh em xuýt đo đường. Vật lộn gần nửa giờ, chúng tôi cũng đén được nhà anh. Vẫn ngôi nhà nhỏ hai gian hai chái thấp tè như từ hai mươi năm trước, chỉ khác phần mái tranh đã được thay bằng tấm lợp Bờ-rô. Chúng tôi lách qua cánh cổng tre xiêu vẹo được chằng mấy sợi dây thép gai rỉ nhoèn. Nhà vắng hoe, cánh cửa gỗ khép hờ. Trong mảnh sân láng xi-măng đang phơi ngô đỏ, cả bắp cả hạt dễ đến vài tạ. Xung quanh nhà trồng toàn ngô, những cây ngô đã hết bắp, gục cờ vẫn còn đứng thẳng hàng thẳng lối. Trước sân là hai cây cam chua, quả lớn quả nhỏ, lá xoăn tít. Mấy cây đu đủ lêu đêu, quả bám tận ngọn
         Hết dặng hắng lại gọi, mãi chẳng thấy ai thưa, chúng tôi đành cứ mở cửa. Một bàn, hai ghế băng làm chỗ tiếp khách. Gian chính bên cạnh kê hai chiếc giường, một to một nhỏ, quần áo chăn màn bừa bộn. Chái phía Đông thấy cửa khóa, chắc là buồng. Chái phía Tây, có đầu chiếc màn xanh lấp ló, chúng tôi cùng bước vào. Anh Dáng đang nằm thiêm thiếp trong lớp chăn mỏng màu cỏ úa. Khuôn mặt hốc hác, xám ngắt, trên trán dâm dấp mồ hôi. Một cánh tay để hờ hững ngoài chăn, trông vô hồn như cành củi khô. Toàn thân tiều tụy, còm nhom. Chúng tôi lay mãi anh mới từ từ mpr mắt và đôi môi khẽ mấp máy. Ông Lợi hỏi :
         - Đồng chí "Nguyên soái " có dậy được không ?
           Anh chỉ khẽ nhếch mép như cười, kèm theo cái lắc đầu yếu ớt. Tôi rót chén nước ấm, ghé vào môi cho anh nhấp giọng, rồi dùng điệu chèo "Gà rừng " trêu anh:
          -Anh ốm thật rồi !
         Lần này thì anh cười tươi hơn một chút, nhưng suýt bị sặc nước. Tôi ân hận vuốt ngực cho anh rồi đỡ anh nằm xuống. Nhìn quanh căn chái anh nằm, chỉ thấy một chiec hòm gỗ nhỏ đặt trên một chiếc ghế đẩu, cạnh đó là chiếc mắc áo và...cây đàn Măng- đô- lin. Tôi bước lại, lấy cây đàn xuống. Bộ dây còn đủ nhưng đã hơi han và chẳng dây nào ăn với dây nào. Trong khi ông Lợi đi tham quan quanh nhà thì tôi ngồi cạnh anh, so dây đàn, rồi tôi vừa đàn vừa hát bài "Tiếng đàn Ta Lư ":
          -Đi chiến trường, gùi trên vai nặng trĩu, đàn Ta Lư em cât5s tiếng cavang cùng núi rừng, mừng thắng trận Gio An.
Bỗng ang xoay người, rồi đặt bàn tay gầy guộc lên tay tôi bóp nhẹ theo nhịp bài hát. Biết anh lại xúc cảm với một thời tuổi trẻ nên tôi cố nhớ để hát hết bài. Khi câu hát cuối cùng :" Bộ đội giải phóng quân ơi, các anh đánh hay hung ... Hú " Tôi dừng đàn nhìn lại , gặp khuôn mặt anh tươi tỉnh hẳn và hai dòng nước mắt đã chảy dài trên má anh từ lúc nào. Toi chẳng biết nói gì ngoài một lời an ủi theo kiểu vẫn đùa với anh :
          - Đồng chí " nguyên soái " phải cố gắng chiến thắng bệnh tật để còn đi nhận nhiệm vụ mới!
Anh mấp máy môi như muốn nói nhưng không thành lời, nên lại gật nhẹ đầu.Ngoài cổng có tiếng chị Phượng loác choác :
           - Ai đến chơi mà có xe máy đẹp thế ?
           - Đẹp màu bùn hả bà Phượng ?- Tiếng ông Lợi đùa lại - Chúng tôi đến khuôn hết của rồi mà chẳng ai biết đây này.
          - Ối giời! Hóa ra bác Lợi. Nhà em có cái gì mà khuôn hở bác. Mời bác vào nhà uống nước ! Em chạy vào trong bản kiếm cho nhà em mấy quả trứng, đợt này nhà em ốm quá bác ạ !
          - Ờ ! Anh em tôi tự biên tự diễn rồi.
          - Chào bà chị !- Tôi bước ra, thấy chị Phượng đang te tái dọn dẹp hai cái giường- Các cháu đâu cả hở chị ?
         - Chú Thanh à ! Các cháu nghỉ hè, tranh thủ đi hái chè kiếm thêm mấy đồng chú ạ ! Chị cứ bảo lúc nào mang trả chú cây đàn, lâu lắm rồi anh ấy có gẩy được bài nào đâu.
          - Không phải trả đâu chị ạ, cứ để đấy lúc nào khỏe anh ấy lại chơi, ở nhà em vẫn còn một cây mà.
        - Thế thì tốt quá ! Này, anh ấy còn bảo chi9j lên xin với chú để bao giờ anh ấy chết thì cho anh ấy mang theo cơ đấy. Anh ấy sợ xuống dưới đấy không có đàn thì buồn lắm !
        - Anh ấy lo xa quá ! Em định nói tặng từ lúc đưa cây đàn mới cơ, nhưng anh ấy thích cây này em cũng nhất trí. Em vừa chỉnh dây rồi, lại đàn hát cho anh ấy nghe một bài nữa, anh có vẻ phấn khởi lắm.
        - Đúng rồi, anh ấy mà nghe được ai đàn hát là cứ như trẻ ra ấy.
Ông Lợi từ nãy ngồi trầm ngâm bỗng hỏi:
        - Này bà Phượng, nhà không có ti vi đài đóm gì à?
Chị Phượng bất giác thở dài:
      - Bác với chú tính, mỗi lần anh ấy lên cơn là còn biết gì đâu, đập phá hết. Đến cái nhà này anh ấy cũng đốt đến ba lần.
     Tôi và ông Lợi cùng đưa mắt quan sát kỹ ngôi nhà, thì ra cột xà đều có dấu tích của giặc lửa và đã được bào gọt lại. Còn đồ đạc thì chẳng có gì ngoài ba cái giường và bộ bàn ghế chắp vá. Chúng tôi thầm cảm thông với mẹ con chị khi phải sống từng ấy năm trời với anh. Ông Lợi lại hỏi:
     - Bà lo thuốc thang cho ông ấy ra sao rồi?
     - Thì em cũng mua thuốc bổ thần kinh cho anh ấy uống, với lại thuốc trợ lực, nhờ cô Mến tiêm hộ như mọi lần bác ạ!
     - Lần này tôi thấy ông ấy căng đấy, có ăn uống được gì không? - Ông Lợi trầm giọng.
     - Mỗi bữa vài thìa cháo hoặc mì thôi bác ạ! Em thấy yếu lắm!
      - Thế thì gay đấy! - Ông Lợi tiếp - Để tôi về đề nghị với ủy ban xem có giúp gì cho ông ấy được không?
Chúng tôi gửi lại cân đường hộp sữa dặn chị Phượng chăm sóc anh. Cùng vào nắm tay từ biệt anh rồi về, trong lòng ai cũng nặng trĩu ưu tư. Tôi cứ thầm hứa khi nào rảnh sẽ lại xuống chơi để đàn cho anh nghe.


* * *



          - Thông báo tin buồn! ...Đồng chí Trần Xuân Dáng - Sinh ngày ...Đã từ trần hồi...Lễ tang hồi...
        Mới sáu giờ sáng, tôi còn đang lơ mơ trên giường vì đêm qua thức xem trận bóng đá tranh cúp C1 Châu Âu, đã nghe tiếng đài truyền thanh của thị trấn thông báo cái tin anh qua đời. Từ hôm chia tay anh đến nay mới được 10 ngày, tôi chưa có dịp trở lại thăm anh và không hiểu ông Lợi đã kịp tác động để ủy ban giúp đỡ gì cho anh chưa?Vậy mà anh đã ra đi...Chợt có tiếng chuông điện thoại, tôi vội chạy ra nhấc máy. Tiếng ông Lợi:
        - Ông nghe thông báo chưa? Ông Dáng đi rồi!
        - Tôi biết rồi! Các ông đã giúp gì cho ông ấy chưa? - Tôi hỏi.
       - Rất tiếc là chưa, ủy ban chưa họp để thống nhất được! - tiếng ông Lợi trầm hẳn xuống - Ông làm cho chúng tôi đôi câu đối,còn ủy ban và hội người cao tuổi thì bức trướng như mọi khi nhé!
       Tôi lặng lẽ cúp máy, quên béng cú điện thoại vừa rồi cho tôi thu nhập vài chục ngàn, vì dịch vụ hiếu hỉ là nghề kiếm cơm của tôi. Tôi hành nghề như một cái máy. Xong việc, tôi thu dọn rồi mua nắm hương xuống để kịp dự lễ truy điệu anh. Dọc đường, ông Lợi mặt buồn rười rượi đưa tôi một chiếc phong bì:
       Tôi mở phong bì ra xem. Trời ơi! Có hẳn ba đồng đội xác nhận thời gian tham gia chiến trường của anh. Đúng là cái số anh vất vả thật. Giá những tờ giấy này đến với anh sơm hơn, biết đâu...
        Từ đường cái vào đến cổng nhà anh, hai hàng cờ tang rũ xuống ảm đạm. Rồi tiếng kèn, tiếng trống nghe não ruột. Mảnh sân nhỏ nhà anh hôm nay căng một tấm bạt rộng làm rạp, người ra kẻ vào nhộn nhịp. Tôi đến nơi thì linh cữu anh đã được đưa ra sân, ở đó được bài trí cho một lễ truy điệu kiểu quân đội với cả tiêu binh mặc lễ phục màu trắng bồng súng nghiêm trang. Các đoàn đại biểu của ủy ban và các đoàn thể trong thị trấn đang vào viếng, có cả bức trướng, vòng hoa và phong bì.Ông trưởng ban lễ tang đọc một bài điếu văn khá kêu, đại ý nói lên công lao và thành tích của người quá cố. Chắc ông Lợi vừa thông báo về việc tờ giấy xác nhận của các đồng đội nên bài điếu văn có nhắc đến mấy dòng làm cho vợ con anh khóc toáng lên, còn mọi người thì xì xào tiếc nuối cho anh...!
Đứng bên cạnh, hình như ông Lợi đang nói với tôi về chuyện sẽ làm hồ sơ xin truy lĩnh chế độ cho anh. Tôi xót xa nghĩ về những ngày tháng khó khăn mà anh vừa trải qua,giá như...!
        Thắp cho anh một nén nhang, tôi lầm rầm khấn, hẹn với anh rằng khi nào gặp nhau ở thế giới bên kia, sẽ lại cùng nhau đàn hát những bài ca sống mãi cùng năm tháng./.

                V.T.P

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: