Chủ nhật, 05/05/2024,


Cái vỏ chăn con công (29/12/2011) 
 
“Còn tôi thì đến tận bây giờ vẫn giữ một chiếc. Cái vỏ chăn này mẹ tôi khâu bằng tay (tất nhiên là phải mua trong thời kì vụng trộm), rất khéo, có "cửa" để luồn ruột vào. Từ khi ra khỏi nhà, đi đâu tôi cũng mang theo nó. Mang cả về Hà Nội học đại học, đắp suốt mấy năm trời. Sau này khi có gia đình riêng, cũng mang ra đắp, nhưng đến lúc nó thủng một lỗ thì cất đi…”.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy tại café Babetta Hà Nội 2011
Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy (trích bộ ảnh Không gian xanh)

Cách đây khoảng ba chục năm về trước, một trong những "tài sản" quý mà nhà nào ở Hà Giang cũng cố gắng "tậu" cho bằng được là một cái vỏ chăn bằng vải hoa Trung Quốc. Có hai loại mà dân tình ưa chuộng là vải in hình những bông hoa rất to, giống như hoa phù dung và vải in hình con công - thường gọi là chăn con công, cả hai loại này đều có màu đỏ là chủ đạo. Riêng vải con công lại có nhiều loại: một công, hai công (có hai con công trống và mái âu yếm nhau), bốn công (tức bốn công đang tạo dáng)... Mỗi cái vỏ chăn hồi ấy, có lúc trị giá đến hàng chỉ vàng, và nhà nào có chăn con công thì thôi rồi, giữ gìn, cất giấu cho thật cẩn thận. Và cũng hồi ấy, rất nhiều vụ trộm lẻn vào nhà chỉ lấy đi mỗi cái vỏ chăn con công làm gia chủ bần thần cả tháng giời. Ở rừng, hôm nào trời nắng ráo, ấm áp là y như rằng, cả làng đỏ rực lên vì nhà nhà mang chăn ra phơi.
Tại sao nó đắt đỏ đến thế, quý giá đến thế? Chắc là vì ở thời bao cấp, cái thứ vải gì trong nước sản xuất được cũng không thể đem so với nó, và quan trọng hơn, nó lại là thứ bị cấm đoán buôn bán. Thì vốn dĩ cái gì bị cấm đoán cũng có giá cả. Dân buôn vải con công từ biên giới Trung Quốc về thường phải quấn tấm vải quanh người, mặc quần áo thật rộng (giống y như cánh buôn thuốc lá ở biên giới Tây Nam bây giờ) để che cho kín. Rồi ai muốn mua thì phải nhờ người này người nọ môi giới, người bán cũng phải biết chắc người mua đó không phải do mấy ông hải quan cài vào mới dám bán. Vải con công hồi ấy, cùng với phích nước, đèn pin, len sợi... là những mặt hàng xuất sứ từ TQ hấp dẫn vô cùng.
Thế nên hồi chiến tranh biên giới, phía TQ thường thả rất nhiều những bao tải hàng, bên trong lót nilon để chống thấm nước, cho trôi trên sông Lô. Những món hàng này được bà con ta gọi là hàng tâm lý chiến. Hồi ấy mình còn bé, chẳng biết hàng tâm lý chiến là cái quái gì, và chắc chắn bà con ta cũng chẳng vì mấy cái bao tải hàng cho không biếu không ấy mà bỏ quê hương đất nước chạy qua biên giới. Trong những bao tải trôi lềnh phềnh trên sông ấy thường có gạo (rất ngon), mì chính, đường, vỏ chăn, đèn pin, len sợi... tức là toàn những thứ cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của mỗi gia đình, đặc biệt là trong sự khó khăn của đời sống bao cấp.

Loại vải này bây giờ vẫn rất được các cô gái vùng cao ưa chuộng, thường thì các cô dùng
để khâu thành những cái khăn vấn đầu như trong ảnh, cũng có khi dùng để may phần
vạt trước của cái váy, trông hơi giống cái tạp dề. Chắc cũng vì màu sắc sặc sỡ nổi trội của nó,
đỡ cho một phần công sức phải xe lanh, nhuộm lanh, dệt lanh.
Hai ông anh nhà tôi cũng từng vớt được một cái bao tải như vậy. Trong cái bao tải có cả gạo, cả phích nước, cả một bọc len sợi. Hôm ấy hai anh em rủ nhau bơi mảng qua sông để cắt cỏ về nuôi cá thì nhìn thấy cái bao tải, thế là anh cả nhảy ùm xuống vớt ngay lên, bỏ cả buổi cắt cỏ. Nhưng mang về nhà thì bố mẹ tôi bỏ hết vì nghe nói trong gạo có thuốc độc (cái này chắc là sản phẩm của mấy bác tuyên huấn), còn phích đựng nước thì nghe nói trong ruột của nó bao giờ cũng có một viên thuốc gì đó (chắc cũng độc, he he), hễ rót nước sôi vào thì chất độc sẽ phát tác!!! Thế là mẹ giữ lại có mỗi bọc len. Bọc len ấy đan được cho bé Thúy một cái áo.
Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được mặc một chiếc áo đẹp đến độ cả lớp phải xúm xít vào sờ mó, ngắm nghía. Bọc len có rất nhiều cuộn, mỗi cuộn một màu, khiến cái áo gần như đủ bảy sắc cầu vồng. Và thế là tôi diện nó suốt ba bốn năm học tiểu học, cho đến lúc nó vừa cộc lên quá rốn, vừa thủng lỗ chỗ mới chịu bỏ đi. Mà cũng chưa bỏ hẳn, mẹ lại dỡ ra, nối các đoạn len với nhau, đan tiếp thành một cái mũ.
Lại nói chuyện vỏ chăn con công. Về sau này, khi vỏ chăn cong công không bị coi là "hàng cấm" nữa thì cũng là lúc giá trị của nó đã vơi hao đi rất nhiều. Và nó không chỉ được dùng làm vỏ chăn mà nhiều gia đình người dân tộc thiểu số lại còn dùng để làm rèm cửa buồng ngủ cho các cô gái. Thậm chí dùng làm khăn đội đầu, làm vạt trước của váy, giống như cái tạp dề.
Còn tôi thì đến tận bây giờ vẫn giữ một chiếc. Cái vỏ chăn này mẹ tôi khâu bằng tay (tất nhiên là phải mua trong thời kì vụng trộm), rất khéo, có "cửa" để luồn ruột vào. Từ khi ra khỏi nhà, đi đâu tôi cũng mang theo nó. Mang cả về Hà Nội học đại học, đắp suốt mấy năm trời. Sau này khi có gia đình riêng, cũng mang ra đắp, nhưng đến lúc nó thủng một lỗ thì cất đi.
Giữ mãi, mỗi lần dọn tủ, nhìn thấy nó lại nhớ những năm tháng thiếu ăn, thiếu mặc nhưng lúc nào cũng ăm ắp niềm vui, ăm ắp khát khao mơ mộng, và... nhớ mẹ nữa. Cho dù bây giờ mẹ đang ở ngay bên cạnh mình, 5 phút phi xe máy là có thể nhìn thấy mẹ, nhưng vẫn nhớ. Kì lạ thế chứ. Giống hệt hồi bé, chia tay mẹ ở chân dốc để vào trường, ở trường có nửa ngày mà cũng nhớ mẹ quay quắt.
Giờ, chẳng ai còn thèm đắp cái vỏ chăn ấy nữa.

Nhà văn ĐỖ BÍCH THÚY
(Tạp chí VNQĐ)
Email: dobichthuyvnqd@gmail.com
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: