Thứ sáu, 19/04/2024,


Đọc thơ Tuyên, nhớ quê nhà (04/11/2008) 

     Một buổi tối đã lâu, ít ra cũng khoảng hai mươi năm trước, tôi đi

kiếm nhà một người bạn vừa dọn tới vùng này thì lạc đường, chạy vào một công trường xây cất. Đêm hôm ấy đầu mùa thu, trời rất mát. Trận mưa buổi chiều còn đọng nước trong những vết bánh xe vận tải cầy nát một vùng. Trăng phản chiếu trong vũng nước mưa hơi xao động trong cơn gió. Đúng lúc tôi định quay xe chạy ra, thì tiếng một con ễnh ương đâu đó dưới những khoảng tối của những chiếc xe ủi đất đậu trong bãi vọng tới. Từ từ, đều đều, kiên nhẫn vang lên một lúc rồi im bặt.


     Tôi nhớ cơn mưa vừa tạnh buổi chiều, cơn mưa làm ngập khu xây cất, lúc ấy tôi đang ở nhà, mở cửa bước ra thì những giọt mưa phơi phới bay vào...


     Cảnh tượng cơn mưa chiều và những vũng nước trong công trường xây cất đều xảy ra trong cùng một ngày tôi đọc được trong một tờ báo cũ bài thơ của Giang Hữu Tuyên.


     Đó là lần đầu tiên tôi đọc thơ Tuyên.

     Những giọt mưa xuống buổi chiều, mùi đất ẩm xông lên từ trước nhà, tiếng con ễnh ương lẻ loi kêu thảm thiết dưới ánh trăng.


     Xúc động vô cùng.


     Đẩy cửa, lấy tay đẩy cánh cửa mở ra trước nhà.
    

     Đám lá phong vàng rực rỡ rơi xuống phủ hết bãi cỏ. Những ngọn cỏ ướt oằn mình xuống vì những giọt nước mưa. Nhớ mùi mưa trên một mái tóc của một chiều. Chiều của bầu trời nhiệt đới. Chiều trên bến sông nước đục ngầu phù sa, những cây dừa bên kia sông, những tàu lá loáng bạc, mùi gió sông, những chiếc thuyền tròng trành...

     Trở về Việt Nam từ lúc nào mà tôi không hay...


      Lúc ấy, những chuyến đi về con đường cũ tưởng như không bao giờ làm nổi trong chiều dài cuộc sống còn lại, thì thỉnh thoảng tôi vẫn làm được một chuyến đi trở về miền đất bỏ lại.

     Một cái địa danh lâu không nghe, gợi nghe lại là thấy quặn đi trong lòng một chút. Tưởng lại mùi nắng, mùi mưa trong cái không gian, vẫn còn chưa bỏ đi khỏi trí nhớ...

     Chiều hôm ấy tình cờ tôi đọc được bài lục bát này:

 

Ánh vàng rụng hết đêm qua
Chiều xô cửa ngó ra mưa rất buồn
Mưa đằm ngọn cỏ đan sương
Mưa nghiêng kỷ niệm, mưa luồn tóc bay
Hồn bình nguyên rộng trên tay
Căng đầy nỗi nhớ sông dài phù sa...

 

     Nói đây là một bài thơ hay tuyệt thì chưa phải.

     Nhưng phải nói nó là một bài thơ hay. Hình ảnh giản dị. Cơn mưa ở Arlington, cũng là thị trấn tôi đang sống. Có gì đâu. Thì cũng lá rụng, cỏ đẫm nước, gió ào ào. Vậy mà xúc động biết là bao.

     Những câu lục bát có chủ từ được trao cho làm những việc bất ngờ bằng những động từ người đọc không đoán trước được. Mưa làm sao 'nghiêng' được kỷ niệm? Mưa làm sao 'đằm' những ngọn cỏ? Những ngọn cỏ làm sao 'đan' những giọt mưa như sương? Mưa làm sao luồn trong tóc? Trên tay sao giữ được hồn bình nguyên?...

     Bài lục bát buổi chiều trở thành một ám ảnh suốt cả ngày hôm đó, cho đến tận lúc tối khi tôi lái xe đi lạc vào khu xây cất có tiếng con ễng ương đơn lẻ.

     Mấy năm sau người làm thơ 'Mưa Arlington, nhớ mưa quê nhà' và tôi mới gặp nhau.

     Tôi được đọc thêm một số thơ của Tuyên nhưng vẫn là những bài lục bát, Tuyên làm tôi xúc động nhiều nhất.

     Du Tử Lê, Cung Trầm Tưởng làm thơ lục bát rất hay, nhưng vẫn đứng cách xa hẳn người đọc.

     Người đọc thiếu hẳn sự can dự, gia nhập. Những 'tuyết lũng âm u', những 'đường xa phố thị' vẫn chỉ làm nổi bật hình ảnh của những người làm thơ đó. Cũng như 'trăng viễn xứ', và 'hồn thanh niên vàng'... Vẫn chỉ thấy Du Tử Lê trên một con đường ở Santa Ana.

     Đọc lại bài lục bát viết về cơn mưa ở Arlington người ta thấy ngay điều đó. Người làm thơ bỗng biến mất. Người đọc tiến vào làm công việc đẩy cái cánh cửa ngó ra trận mưa. Mái tóc ướt những giọt mưa bỗng trở thành mái tóc rất quen. Con sông đỏ quạch trở thành nơi hò hẹn, nỗi nhớ trở thành sự thật, trên tay là bát ngát bình nguyên của hoài niệm.

     Lục bát của Giang Hữu Tuyên như thế đấy, từ nhiều năm nay, vẫn thủy chung của chữ nghĩa giản dị, nhưng đằm thắm. Đây là mồng tơi tím, đây là đồng tháng chạp, đây là những cụm bèo, đọt rau, là lá trầu, là vườn mía, hàng tre, lạch nước, bờ kinh...

     Những hình ảnh không mới đã được đem lại cho những đời sống mới rất thân ái trong thơ Giang Hữu Tuyên:

 

Ơi miền Nam, ơi quê nhà
Dưới ao sen nở, mẹ già vo cơm...

 

     là những xúc động lập tức. Xúc động được gọi về hối hả. Không là tiếng gọi thường mà là một réo gọi chỉ bằng cách đổi chỗ cho một chữ trong câu thơ. Đẩy chữ 'ơi' xuống cuối câu sáu chữ, sự hối hả không còn nữa. Tác giả cầm lấy tay người đọc rồi kéo đi chỉ cho xem nỗi nhớ của ông và mời người đọc tiến vào...

Bùi Bảo Trúc

(Alexandria)

----------

Nguồn: Dactrung.net

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: