Thứ sáu, 26/04/2024,


Luật sư Bùi Sinh Quyền và tâm nguyện công bằng (kỳ cuối) (02/11/2008) 

     Người xưa thường chúc nhau những lời tốt đẹp: “Phúc như Đông Hải, Thọ tỉ Nam Sơn”... Sau mấy chục năm phục vụ trong trong lực lượng vũ trang, đã được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu, Luật sư Bùi Sinh Quyền và các cộng sự đã sáng lập văn phòng luật sư Phúc Thọ tại 23 Hồ Đắc Di - Hà Nội cũng không ngoài mong muốn ấy và tâm nguyện góp phần mang lại sự công bằng cho xã hội...

 

Năm 1976, Bùi Sinh Quyền tự học ôn và thi đỗ Đại học. Nhưng năm 1978, khi đang học dở năm thứ 3 Đại học Bách khoa Hà Nội thì phải gác lại ước mơ học hành chưa trọn vẹn, xung phong lên biên giới Lạng Sơn cùng 60 đồng chí của mình, để lại phía sau người vợ trẻ và 2 đứa con thơ.

Anh được tăng cường về xã khó khăn nhất của huyện Cao Lộc.

Tiếng là ở một xã, nhưng dân cư thưa thớt, giao thông cực kỳ khó khăn nên có khi đi công tác từ bản này sang bản kia cũng hết cả ngày đường. Tình hình biên giới đang ở thời điểm ngày càng căng thẳng, nên ban ngày, các cán bộ tăng cường ở nhà một người dân, nhưng đêm khuya lại phải bí mật di chuyển đến một gia đình khác ngủ nhờ, để tránh bị bọn xấu bắt cóc và sát hại. Cái chết rình rập, nguy hiểm cận kể như vậy nhưng cuộc sống của những cán bộ tăng cường lúc này cũng hết sức khó khăn.

Sự hiểm nguy rình rập, lao động vất cả, nhưng các cán bộ tăng cường còn phải chịu cái đói triền miên. Lương thực theo tiêu chuẩn được hơn hai chục cân mang theo, cộng với mấy hộp thịt hộp, đưa vào dùng chung cho cả nhà, chưa được chục ngày đã hết veo. Thời gian còn lại chỉ sắn, ngô thay cơm.

 

Cận kề cái chết

Ngày 17 tháng 2 năm 1979. “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới.” Chiến tranh ập đến thật bất ngờ và khốc liệt. Bị giặc tấn công bất ngờ và chặn khóa phía trước, một tuần sau, Bùi Sinh Quyền và các cán bộ đi cùng những người dân tản cư mới ra được đến Đồng Mỏ. Rồi tập hợp anh em cùng đi tìm kiếm thương binh, liệt sĩ, kiểm quân, khắc phục hậu quả. Những ngày này không chỉ là mệt mỏi, mà còn là căng thẳng khi chiến tranh vẫn lẩn khuất đâu đây, trong những trái bom mìn còn vương lại, trong những phát súng của kẻ thù chưa rút hết. Nhưng anh em trong đơn vị vẫn bám sát bà con trong địa bàn mình phụ trách đang tản cư, để nắm được số lượng người, làm cơ sở để cấp phát lương thực, thực phẩm cho đồng bào. Nỗi đau cũng ập đến khi trong số 60 anh em lên Lạng Sơn tăng cường, có một người đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này, không kịp về cùng đồng đội. Đó là liệt sĩ Trần Văn Suốt – nguyên Phó phường 12  Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và là Phó Trưởng đồn Công an Đồng Đăng, Lạng Sơn.

 Sau 2 tháng tình hình mới được ổn định. Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn lúc này là ông Đào Đình Bảng - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Cao Lạng. Bùi Sinh Quyền được phân công làm Chánh văn phòng Đảng ủy Công an tỉnh Lạng Sơn, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Lạng Sơn, Thường vụ Tỉnh Đoàn Lạng Sơn. Với cương vị của mình, ông cùng anh em trong phòng Tổ chức - Chính trị làm các thủ tục để đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng cho một đại đội Cảnh sát Cơ động của Công an Lạng Sơn trong cuộc chiến đấu với kẻ thù những ngày tháng 2 năm 1979 máu lửa. Ông còn nhớ, 5 chiến sĩ được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày ấy, đều là những chiến sĩ dũng cảm trong việc chặn các cuộc tấn công của địch. Họ đều là người dân tộc ở địa phương và thông thạo địa hình, nhưng cũng rất kiên cường chống giặc. Trong đó, người mang tên Điện là chiến sĩ lập chiến công oanh lịêt nhất, dũng cảm nhất trong việc chủ động tấn công các đợt địch tràn sang từ các cao điểm. 

 

“Vì an ninh Xứ Lạng”

Năm 1981, khi Phòng Công tác Chính trị của Công an Lạng Sơn được thành lập, Bùi Sinh Quyền lại giữ cương vị Phó phòng phụ trách phòng, Đảng ủy viên Công an tỉnh Lạng Sơn. Với cái nhìn nhận đúng về hiệu quả của công tác tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị đã quan tâm sâu sắc đến hoạt động này. Công an Hà Nội khi đó có tờ nội san “An ninh Thủ đô” có tác dụng tuyên truyền khá tốt. Vì thế, áp dụng vào thực tế ở địa bàn đến công tác, Bùi Sinh Quyền  cũng đề xuất với lãnh đạo để xuất bản tờ “An ninh Lạng Sơn” gồm 4 trang. Có tờ báo, Bùi Sinh Quyền lại vận động anh em trong lực lượng ở tỉnh và cả những cây bút ngoài lực lượng viết cho, nên tin bài khá phong phú, lại bám sát cuộc sống và bảo vệ an ninh ở vùng biên ải này khá sâu sát, nên hiệu quả tuyên truyền rất tốt. Để lưu lại những kỷ vật quý giá của một giai đoạn của Công an Lạng Sơn, mà ông Quyền biết rằng, sẽ là khó tìm lại được nếu không gìn giữ từ bây giờ, nên ông đã cùng với anh em trong phòng xây dựng được một bảo tàng truyền thống của Công an Lạng Sơn. Qua nghiên cứu quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an Lạng Sơn, Bùi Sinh Quyền đã phát hiện hiện Công an tỉnh Lạng Sơn đủ tiêu chí. Ông đã đề xuất các cấp và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Công an tỉnh Lạng Sơn.

Sau đó, Bùi Sinh Quyền đã cùng anh em sáng tác một bộ ảnh về những ngày chống xâm lược phương Bắc rất ý nghĩa, đã được triển lãm ở nhiều địa phương trong tỉnh và được đánh giá cao. Với sự tham mưu của ông và tổ chức thực hiện chu đáo của Phòng Tổ chức - Chính trị, lần đầu tiên, Công an tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng: ký kết với Báo Lạng Sơn thường xuyên dành 1/2 trang để giới thiệu về các hoạt động bảo vệ an ninh trên địa bàn; xây dựng chương trình 15 phút mang tên “Vì an ninh Lạng Sơn” trên Đài phát thanh tỉnh Lạng Sơn. Đặc biệt, là việc xây dựng bộ phim tài liệu “Nơi xảy ra tội ác” đã gây tiếng vang trong dư luận. Có thể nói đây là những năm tháng đầy ý nghĩa với Bùi Sinh Quyền, khi ông đã làm tất cả công việc bằng tình cảm với mảnh đất đã cho ông hiểu thêm thế nào là lòng yêu nước, ý chí tự tôn dân tộc và bằng cả tinh thần trách nhiệm một người cán bộ Công an.

Sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao của Bùi Sinh Quyền và anh em trong phòng Chính trị đã tạo nên phong trào hoạt động sôi nổi và mang lại hiệu quả thiết thực. Sau gần 10 năm, trong số 60 người từ Hà Nội lên Lạng Sơn tăng cường công tác, chỉ còn lại một vài người, trong đó có Bùi Sinh Quyền.

Ông về lại Thủ đô, làm Phó Văn phòng Đảng ủy, rồi Phó ban Tuyên giáo của Đảng ủy Công an Hà Nội, thi đỗ vào Đại học Luật. Tốt nghiệp, có bằng cử nhân Luật rồi, lúc này ông mới được đưa vào qui hoạch cán bộ phòng, nhưng ông đã từ chối với lý do nhường cho những người còn trẻ. Năm 1998 ông Quyền được phong hàm Thượng tá An ninh Nhân dân.

 

Doanh nhân Bùi Sinh Quyền

Hình như những mất mát trong sự nghiệp làm cho Bùi Sinh Quyền muốn được bù đắp cho vợ con nhiều hơn theo hướng khác. Và ít nhiều, ông đã cải thiện được đời sống cho vợ con, tuy cũng lắm thăng trầm.

Còn nửa tháng nữa đến ngày nhập học Đại học Luật, ông Quyền bỏ vào Tây Ninh buôn xe máy được nhập từ Campuchia ra Hà Nội bán. Khi đó, việc nhập khẩu xe còn khó khăn nên buôn bán rất lãi. Do có mối quen biết, nên mỗi chiếc xe đưa ra Hà Nội lãi ròng mấy chỉ vàng. Mà mỗi chuyến, mấy chục chiếc xe. Chỉ cần chở về đến nhà đã có người mua tới tấp, do xe có giấy tờ, lại rẻ hơn giá thị trường một chút. Khi đó, buôn bán trả bằng vàng nên cách tính tuổi vàng chênh lệnh giữa miền Nam và miền Bắc cũng đem lại cho ông khoản lãi không nhỏ mỗi chuyến hàng. Sau chuyến đầu thành công, không có thời gian đi lại, ông liền lập đường dây buôn bán xe máy Tây Ninh – Hà Nội, rồi giao hàng đi khắp nơi. Nhờ có nghề buôn xe máy mà “doanh nhân” Bùi Sinh Quyền mới biết học để lái xe máy.

Cũng nhờ nghề buôn xe máy, Bùi Sinh Quyền còn có thêm nghề rửa xe. Lúc bấy giờ, ông là người đầu tiên ở Hà Nội có dây chuyền rửa xe máy nên rất đông khách. Thời điểm đó mà mỗi tháng, vợ chồng ông thu từ tiền rửa xe cũng 8 - 9 triệu đồng. Cho đến nay, dây chuyền rửa xe còn tiếp tục hoạt động ở Khu tập thể Trung Tự.

Được vài năm, thị trường xe máy bão hòa do thời điểm này, lượng xe do số công nhân xuất khẩu đưa về cũng nhiều. Bùi Sinh Quyền nhanh nhạy rút chân khỏi lĩnh vực này để bảo toàn vốn, rồi nhảy sang lĩnh vực mới toanh khi ấy ở Hà Nội là cầm đồ. Có rất nhiều tiền, vàng trong tay nhưng vợ chồng ông lại không phải là người “sành” tiền nên tất cả đều được qui đổi ra tiền mặt. Nào ngờ, những trận lạm phát khiến đồng tiền mất giá, khiến cho khối của nả mất bao mồ hôi công sức mới có được cứ tự đội nón ra đi.

Có thể nói, cửa hiệu của ông là điểm đầu tiên ở Hà Nội dựa vào một tư cách pháp nhân khác là Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Có điều, mở hiệu cầm đồ, nhưng lại không phải là những người “rắn mặt” nên số đồ cầm phải là rởm cũng nhiều, mà số cho vay song không trả được cũng lắm, lên tới mấy trăm triệu đồng, nên sau 2 năm, đã bị “sập tiệm”. Ông lại tiếp tục mở hàng kinh doanh băng đĩa hình. Song am hiểu về lĩnh vực này không nhiều, vả lại, không có nhiều thời gian đầu tư nên chỉ sau 6 tháng, ông lại dẹp bỏ.

Nhưng Bùi Sinh Quyền chưa dễ khuất phục mộng làm giàu. Thời buôn xe máy, tiền lãi được ông dành một phần để mua một xe ô tô 12 chỗ với giá rất “bèo”. Đây vốn là một chiếc xe cứu thương ở Lâm Đồng, được ông đầu tư và cạy cục chuyển đổi lại thành xe khách, rồi ông thuê người chở khách tuyến Hà Nội  - Hải Phòng. Khi đó, ông cũng là một trong ít người đi tiên phong nên công việc cũng lãi. Mấy năm sau, xe chở khách bung ra thì ông Quyền lại thu lại vì không có điều kiện cạnh tranh. Nhưng ông lại là một trong 3 người đầu tiên đứng ra thành lập “Hợp tác xã Vận tải chi nhánh Thăng Long” mà cho đến nay, mô hình này vẫn tồn tại. Tuy nhiên, luôn là người đi đầu trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, nhưng ông cũng là người rất tỉnh táo, luôn biết điểm dừng khi có nhiều đối thủ có sức cạnh tranh lớn hơn.

Sau rất nhiều nghề kinh doanh, thành công lắm nhưng thất bại cũng nhiều: Từng làm cả nghề sản xuất kem mút vào thời điểm bao cấp rất khó khăn, từng lọc cọc đạp chiếc xe cà khổ, cũ nát đi làm môi giới, từng kinh doanh cả xe máy, vận tải… nhưng cuối cùng, ông Quyền rút ra một kết luận: có những cái không hiểu gì cũng làm nên vừa mệt thân vừa mất tiền và kinh doanh là có lúc phải tàn nhẫn; như một lần, vào thời điểm rất khó khăn về tiền mặt, ông đã nhận 30% của một tấm séc 600 triệu đồng chỉ để đổi lấy tiền mặt. Về sau nghĩ lại, ông bảo, 30% số tiền ấy vào tay ông và những người cùng làm, thì có bao nhiêu người công nhân phải chịu thịêt thòi vì mất đi 30% ấy. Vì thế, ông quyết định làm một công việc mà ông cho rằng, sẽ gắn bó lâu bền nhất bởi tính nhân đức, phù hợp với điều ông luôn tâm niệm “phúc đức tư lương” (phúc đức gắn với cuộc đời của con người). Đó là nghề Luật sư.

Bùi Sinh Quyền là người có 40 năm kinh nghiệm trong nghề nghiệp và công tác điều tra nên phù hợp với công việc của Luật sư. Hơn nữa, bản tính ông vốn hay bênh vực những người dân lành thấp cổ bé họng, do đó làm công việc này hoàn toàn thích hợp. Ông còn nghĩ rằng, cuộc đời này còn nhiều oan ức, như chính ông từng phải chịu, quyền lợi người dân cũng bị xâm phạm nhiều, mà họ biết kêu ai, trong khi những người bảo vệ họ còn ít, nên “giúp một người phúc đẳng hà sa”. Mong muốn của ông thật giản dị, chỉ là muốn có những đối trọng với cơ quan Nhà nước, tổ chức, với cơ quan tố tụng, để người ta phải nâng cao trình độ, thực hiện đúng pháp luật, tránh vô cớ xâm phạm đến quyền lợi người dân và làm oan sai cho họ.

Thế là sau khi về hưu, ông quyết định đầu tư mở Văn phòng luật sư Phúc Thọ (làm Phúc sẽ được sống lâu, được hưởng hạnh phúc nhiều) đặt ngay bên hồ ở phố Hồ Đắc Di lộng gió, như một sự khẳng định mình vẫn là một “lão đương ích tráng”. Với cách làm việc đầy chữ Tâm mà ông chủ trương, hơn 20 cộng sự của ông đã giúp tháo gỡ được nhiều “mối tơ vò” trong pháp luật.

Bùi Sinh Quyền hài lòng kể cho chúng tôi nghe khoảng 50 vụ mà Văn phòng của ông đã thành công: sau khi các luật sư của văn phòng tranh tụng, Tòa án đã ra bản án hủy quyết định cấp sổ đỏ sai thẩm quyền của Uỷ ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng cho một công dân; ra bản án hủy quyết định cấp sổ đỏ sai của ủy ban Nhân dân thị xã Hưng Yên… Sau các vụ án về dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hình sự… nội bộ nhiều cơ quan trở nên đoàn kết hơn; nhiều doanh nghiệp thoát khỏi thảm cảnh bị phá sản; nhiều dòng họ, gia đình đoàn tụ, yêu thương và hiểu nhau hơn; nhiều người được thay đổi số phận khi bị bắt oan đã được trả lại tự do, được minh oan… Với ông Bùi Sinh Quyền, đó chính là những lúc ông cảm nhận trọn vẹn hơn 2 từ Hạnh Phúc.

 

“Một nửa yêu thương”

Ông Bùi Sinh Quyền rất ít nhắc về vợ trong suốt câu chuyện của mình, nhưng những kỷ niệm liên quan đến “tao khang chi thê” (người  vợ thủy chung từ lúc còn nghèo khổ) đều làm ông rưng rưng. Đó là khi cái đêm mà ông bò vào trận địa pháo sau đợt bom Mỹ, bà can ngăn ông nhưng không được, đến khi thấy ông trở về, bà vội lôi ông vào nhà, vuốt khắp người xem ông có bị vết thương nào không rồi ôm chặt lấy ông mà khóc nghẹn ngào. Vuốt mái tóc người yêu, lau những giọt nước mắt rơi trên gò má, ông thấy hạnh phúc chợt dâng đầy khi phía sau luôn có một nửa yêu thương lo âu và ngóng đợi. Những ngày ông đi biên giới phía Bắc, công việc cơ quan, lại một nách hai đứa con nheo nhóc, nhưng bà không phàn nàn một lời, lặng lẽ nuôi dạy con lớn khôn để ông yên tâm công tác. Mỗi lần ông được trở về nhà, với bà, là cả một trời hạnh phúc. Thế là đủ. Trong mọi nhọc nhằn cơm áo, mọi ấm ức mà cuộc đời đổ lên vai ông, bà luôn là người chia sẻ. Trong những thành công của ông, đều có dấu ấn của bà. ánh sáng lấp lánh từ những tấm Huân chương chống Mỹ cứu nước; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và Huy chương Vì sự nghiệp an ninh Tổ quốc, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng... mà ông được tặng, đều có bóng dáng bà trong đó. Với ông, bà là một khoảng bình yên, tĩnh lặng cho tâm hồn ông sau cả chặng đường đời đầy bon chen, vất vả.

Bùi Sinh Quyền không nói nhiều, nhưng chỉ cần nhìn cử chỉ âu yếm, chu toàn của ông khi đi mua từng viên thuốc, cẩn trọng mang về cho người vợ đau ốm ở nhà, rồi mới bắt tay vào công việc của mình, đủ thấy được tấm lòng ông dành cho vợ. Rồi nữa, nhìn cái cách mà ông nâng niu những tấm ảnh kỷ niệm của 2 vợ chồng từ ngày trẻ, đủ biết tình yêu của họ sâu nặng thế nào.

Nhắc về hai đứa con đều đã trưởng thành, ông kể về bà với niềm biết ơn sâu sắc vì suốt cả quãng thời gian dài ông xa nhà, bà đã nuôi dạy các con ngoan ngoãn  học giỏi. Giờ đây, cô con gái lớn đã là cán bộ của thành ủy Hà Nội và đã là mẹ của hai đứa bé kháu khỉnh và dễ thương. Còn cậu con trai sau khi tốt nghiệp Đại học Ngân hàng đã theo nghiệp cha, về công tác ở Phòng chính trị Công an Hà Nội.

Hình như càng về hậu vận, ông Bùi Sinh Quyền càng có được cuộc sống an lành và thanh thản như mong muốn. Nhưng từ đáy lòng người Luật sư này vẫn không thôi mơ ước những giấc mơ công bằng cho cuộc sống không chỉ riêng mình hôm nay.

                                                 Ngô Thanh Hằng

                                               

 

______________

LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: