Thứ sáu, 27/12/2024,


"Ông tha mà bà chẳng tha" (02/11/2008) 

     Những ngày này, nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đang ngập trong mưa lũ. Đồng ruộng, hoa màu chìm ngập trong mênh mông nước đã đành, nhiều đường phố như đã thành sông, hàng trăm người chết...

'Ông tha mà bà chẳng tha

Sinh ra lũ lụt hăm ba tháng mười'

     Chẳng biết câu ca ấy có từ bao giờ, nhưng nó nhắc người ta nhớ đến một mối lo thường trực, thiên tai hãi hùng với người dân nghèo đã từ bao đời nay là lũ lụt.

 

 

     Vẫn biết bão lụt là hiện tượng thiên nhiên, đâu phải ai muốn thế. Cứ mỗi năm quay vòng giáp múi thì thiên tai lại đều đặn giáng xuống, không chỉ ở miền Trung như mấy năm trước. Nước, chỉ là những tai họa tích tụ từ những đám mây trông hiền lành thế mà ồ ạt đổ sập xuống làm cho núi cũng phải mòn. Người chết đành yên chịu một bề, người sống còn phải đối mặt với cái đói dài ngày. Mùa màng bị nước cuốn sạch ra biển, nhà cửa bị lũ cuốn băng theo dòng nước, còn thứ gì ăn đỡ đói sống qua ngày?

 

     Sau những trận 'đại hồng thủy', tôi xem trên tivi thấy hình ảnh một vùng nông thôn nhỏ hẻo lánh bị lũ quét sạch, ở đó người nông dân nghèo khó phải cuốc đất trồng rau má để kịp cầm hơi, vì không có loại cây ngắn ngày nào có thể giúp con người chống chọi nổi với cơn đói. Nông dân Việt Nam sợ nhất là một cơn lũ vét nằm chờ sẵn trên đầu những mùa màng cuối vụ chưa thu hoạch kịp. Y như một kế hoạch “treo” của thời tiết. Mùa màng khoai lúa bị mất sạch đã đành, lo nhất là nỗi trắng tay về văn hóa. Hàng loạt trường tiểu học bị ngâm nước đã rệu rã, hàng lô bàn ghế bị cuốn trôi, hàng mớ sách vở bị rách mủn. Trẻ con nhiều em đã bỏ học vì không có trường, không có sách vở, một số lớn khác vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

 

     Cứ sau một trận lụt, cuộc sống xã hội ở đó lại phải xuống cấp về văn hóa thêm một ít; và để giữ một nét thăng bằng nào đó trong đời sống tinh thần của toàn thể dân tộc, tránh được những ổ trũng trên con đường tiến hóa, chúng ta biết người nông dân đã cố gắng biết chừng nào!

 

     Có một hiện tượng mang tính thời tiết: ở nông thôn quê tôi, nhiều người tên là Bão và Lụt, ấy là dấu vết để lại của những trận bão lụt khi ra đời. Phải nói rằng những trận bão lụt là những kỷ niệm kinh hoàng trong đời người nông dân. Như trận bão lụt vừa qua, nước lụt như liền một khối từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, Bình Thuận và kéo dài nhiều ngày. Sáu trận lũ chồng lên nhau kèm theo một cơn bão có tính sinh đôi ở biển Đông, cơn bão vừa chạm bờ biển lại quay ngược trở ra, tuy không gây tổn thất nhiều nhưng cũng hành người dân ở toàn vùng phải bao đêm thức trắng, một cuộc di dời vô công tốn sức, một nỗi lo bão đến ngột thở.

 

     Tôi còn nhớ sau trận lụt kinh hoàng năm 1985, tôi có việc đi vào Sài Gòn. Trong chuyến tàu tốc hành, tôi mua được một vé nằm tầng trệt. Tàu chuyển bánh được 30 phút, nhìn xuống phía dưới chân mình bỗng thấy một ông già quắc thước nhân hậu, da bánh mật, đang ngồi tựa vào chiếc ghế nằm của tôi. Tôi chợt kêu lên: “Bác ơi! Sao bác ngồi đây, chỗ của bác đâu rồi?”.

 

     Ông già nhìn tôi giọng thật thà: “Ông không có tiền, ông đã xin ban quản lý tàu cho ông ngồi đây, trận bão lụt làm nhà ông bay hết rồi, xã có cấp cho gia đình mười cân thóc nhưng hai ông bà đã ăn hết. Ông làm nghề đi biển, nhưng tàu bè cũng đã trôi cả, ông có người con ở vùng kinh tế mới trên Đắc Lắc, ông lên xin con ít tiền và gạo sống qua ngày vì còn bà ở nhà nữa”.

 

     Tôi rất xúc động trước hoàn cảnh của ông. Tôi mời ông lên giường ngồi, mời ông cùng ăn cơm. Sau khi dùng cơm tối xong, ông lại ngồi xuống chỗ cũ, tôi nói mãi ông cũng không chịu chuyển chỗ. Chắc ông sợ làm phiền giấc ngủ của tôi. Khuya đó, khi tàu dừng lại trên một sân ga. Ông già vội vã từ biệt tôi để tìm xe lên Tây nguyên, tôi gửi ông một ít tiền rồi ngậm ngùi chia tay ông.

 

    Hai năm sau, vào một ngày gần Tết, tôi với con gái đi qua dự đám giỗ của bà ngoại, khi về trời đã chập choạng, ngang qua cửa Thượng Tứ chỗ hàng chè nổi tiếng của Huế, tôi chợt thấy ông già năm trước, cũng với bộ áo nâu sồng nhưng nay đã bạc màu và khuôn mặt ông không còn hồng hào như trước. Ông đưa chiếc mũ bạc sờn ra xin bố thí, giúp đỡ. Tôi là người ít khi mang theo tiền trong túi, thương ông già quá nhưng không làm sao giúp ông được. Đành phải đi qua với sự ngậm ngùi, xót xa. Có lẽ người con trai của ông cũng đói khổ, thiếu thốn, đành bất lực không có gì giúp cha mẹ được. Bão lụt là như thế, nó làm tan nát cả một gia đình về tinh thần cũng như vật chất.

 

     Ở làng tôi, tôi có quen một bà mẹ chuyên bán hàng rong nuôi con ăn học, mà bà gọi rằng làm nghề “đòn gánh đè vai”: từ sáng sớm tinh mơ đến trước tiếng chuông thu không là có chiếc đòn gánh trên vai bà. Suốt hai mươi năm như thế! Suốt hai mươi năm tôi vắng mặt, về làng gặp lại bà, đời bà không có gì thay đổi; không thấy bà khá lên cũng chẳng sa sút đi, vẫn hai mớ hàng rong, nhưng điểm tựa vai ở giữa đã mòn đi đến mỏng gần như lá lúa. Do đó, hình ảnh “đòn gánh” đối với tôi trở thành ám ảnh của một số phận nghèo không thể thay đổi. Kế đó, những bài học địa lý hồi tuổi thơ cứ lặp đi lặp lại: miền Trung như một cái đòn gánh, gánh hai đầu hai thúng hàng nặng, là châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông Cửu Long ở phía Nam.

 

     Tôi đã trải một đời dân lặn lội trong bão lụt, chỉ dám ước mơ Nhà nước mình sớm tìm ra một giải pháp chìa khóa giúp người dân nghèo vượt qua thiên tai. Có thể để ra một năm để lo chuyện bão lũ và những chính sách chấm dứt số phận của những người nghèo bất hạnh.

 

Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường (TTO)

 

 

___________

Chùm ảnh minh hoạ trong bài: Theo Dân Trí

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: