Chủ nhật, 05/05/2024,


Có một tâm hồn Việt ở xứ sở Bạch Dương (01/12/2011) 
Bởi nhiều lý do, như đi học tập, vì hạnh phúc gia đình, làm kinh tế, lo mưu sinh… mà vài thập kỷ qua, đã có hàng vạn phụ nữ Việt Nam phải rời xa quê hương, để làm ăn sinh sống và định cư ở nước ngoài. Mỗi người một thân phận, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng dù có thất bại, hay thành đạt, hạnh phúc đến đâu, thì sống ở xứ lạ, thậm chí làm dâu nơi đất khách quê người, họ vẫn luôn giữ được cốt cách của phụ nữ Á Đông, mang tâm hồn Việt Nam.
Thương Giang cũng là một người như vậy. Nhưng hơn thế, cô đã biết cách vượt lên, góp một tiếng nói bằng Thơ ca cho cộng đồng người Việt ở Ucraina với cả thế giới. Và bước đầu, Thương Giang đã thành công…
 
“Em là con gái Bắc Giang”
Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng Đèo Khế gió sang... / Em là con gái Bắc Giang/ Rét thì mặc rét nước làng em lo… Những câu Thơ của Tố Hữu ấy đã ngấm vào một thế hệ, của một thời chưa xa, đơn giản là vì nó được người ta đưa vào sách giáo khoa. Nhưng cũng nhờ thế mà nhiều người mới tự hào nói “Em là con gái Bắc Giang”. Tôi tin là Vũ Tuyết Nhung (tên thật của Thương Giang) cũng đã mang trong lòng niềm tự hào đó. Bởi cô tuổi Hợi, sinh năm 1971 tại Phố Kế - Bắc Giang. Đó là một địa danh nổi tiếng cả nước với sản vật Bánh Đa. Những ai đã qua Ngã Ba Làng Thành - Phố Kế một lần, dừng chân ăn miếng bánh đa vừng to, dày, giòn tan, bùi ngậy, uống bát nước chè xanh, là suốt đời không quên được, phải thốt lên “Ơi quê ta bánh đa bánh đúc!”. Bánh đa vùng ấy đã vào Thơ, vào Nhạc, vào Tranh… và đã tốn không biết bao giấy mực của các Văn nghệ sĩ.
Từ Phố Kế muốn về Lan Thượng (quê nội của Nhung) phải đi qua Nhã Nam, cũng không xa. Tôi biết rất rõ miền quê ấy, bởi nhà tôi ở Tân Trung, rất gần Nhã Nam. Xét về địa lý hành chính, thì chúng tôi là đồng hương cùng huyện. Vùng đất Tân Yên ngày nay chính là Yên Thế hạ ngày xưa. Trong kháng chiến chống Pháp, đây từng là nơi “đóng đô” đi về của các Văn nghệ sĩ kháng chiến. Gia đình Nhà văn Nguyên Hồng từng cùng gia đình các Nhà văn Kim Lân, Nhà văn Ngô Tất Tố, Họa sĩ Tạ Thúc Bình, Họa sĩ Trần Văn Cẩn… lên tản cư ở ấp Ký Nhàn (nơi sau này được Nhà nước gọi là “Đồi văn hóa”). Vùng đất này từng đặt dấu chân của các tên tuổi lừng danh: Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Tô Hoài, Như Phong… và nhiều thế hệ các Nhà văn sau này. Đặc biệt, nó được Nhà văn Nguyên Hồng gắn bó suốt 23 năm để hoàn thành bộ tiểu thuyết “Cửa biển” và “Núi rừng Yên Thế” dày mấy ngàn trang sách… Và đó cũng chính là miền quê tuổi Thơ của Vũ Tuyết Nhung.
Xuất thân trong một gia đình Nhà giáo: Cha là Nhà giáo Vũ Đình Khôi, giảng viên của Trường Sư phạm 10+2 Tân Yên- ông là một người đa tài, hát hay, đàn giỏi và viết chữ rất đẹp; Mẹ cô là giáo viên trường Dĩnh Kế, hát Quan họ rất hay, lại giỏi nữ công gia chánh; chưa hết, ba chị gái của Nhung cũng đều là giáo viên. Đặc biệt, gia đình ông ngoại cô có nhiều người yêu thích và thuộc lòng rất nhiều ca dao, tục ngữ và hay đọc cho cô bé nghe mỗi lần sang chơi nhà. Ông ngoại Nhung cũng là người rất giỏi văn Thơ chữ Hán, chữ Nôm, Thơ Đường… nhưng ông chỉ đọc và dạy cháu Thơ Lục Bát. Ông bảo thể Thơ này thuần Việt, gần gũi, dễ nhớ và dễ thuộc nhất...
Mới năm lớp 4, Nhung đã thi đỗ vào Trường Chuyên Văn của huyện Lạng Giang, nhưng vì phải học xa nhà, nên bố mẹ chưa yên tâm và không đồng ý cho cô bé đi học. Đến năm học lớp 7, Nhung được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi Văn của huyện và lại đỗ vào Trường Chuyên. Lần này thì bố mẹ đồng ý cho cô bé đi ở tập thể, sống xa nhà. Mỗi tháng, Nhung chỉ được về thăm nhà đôi ba lần. Khi thi tốt nghiệp vào cấp 3 với tổng số điểm khá cao (35 điểm/ 4 môn), lại được cộng với điểm thi học sinh giỏi Văn, nên Vũ Tuyết Nhung được đỗ “đặc cách” vào Trường Ngô Sỹ Liên – Đó là một ngôi Trường dạy và học chất lượng tốt nhất của Thị xã Bắc Giang và nổi tiếng miền Bắc hồi đó.
Rời ghế nhà trường phổ thông, Vũ Tuyết Nhung đã thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng do hoàn cảnh gia đình, cô đã phải tạm ngưng học tập để sang Cộng hòa Liên bang Nga theo con đường “xuất khẩu lao động” khi chưa tròn 18 tuổi... Bằng nghị lực của chính mình, vừa làm vừa học, Nhung đã Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Kiev – Ucraina và có Bằng Thạc sỹ Ngữ văn. Số phận đã đưa đẩy cho Nhung xây dựng gia đình và lập nghiệp ở Xứ Bạch Dương.
Đã hơn 20 năm xa quê hương... “Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen, phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi”, nhưng nỗi nhớ và những hoài niệm về một vùng quê tuổi Thơ ở miền Kinh Bắc ngàn năm Văn hiến, vẫn chưa một ngày nào nguôi ngoai trong người phụ nữ mang tâm hồn Việt ấy. Dường như nỗi buồn của người tha hương luôn hiện hữu qua những vần thơ của Nhung với những hoài niệm và tiếc nuối khôn nguôi...
 
Bút danh mang tên một dòng sông quê hương
Chưa đầy 8 tuổi, Vũ Tuyết Nhung đã làm những bài Thơ đầu tiên về cô em út 4 tuổi của mình, những bài Thơ còn rất hồn nhiên, ngô nghê, nhưng lại có vần điệu hẳn hoi. Đặc biệt, là bài “Bàn tay” được viết bằng thể Lục Bát truyền thống:
Bàn tay bé Hạnh xinh xinh,
Trông kìa mười ngón giống hình búp măng.
Bàn tay chịu khó siêng năng,
Quét nhà thoăn thoắt ai bằng bé đâu?
Chắc chắn, dòng sông Thương, với hình ảnh “Nơi mẹ đưa nôi, nơi sáo diều chơi vơi, với dòng sông bên lở bên bồi” (lời ca từ trong ca khúc nổi tiếng “Về quê” của Nhạc sĩ Phó Đức Phương) chảy qua miền quê tuổi thơ của Vũ Tuyết Nhung, đã có ấn tượng đặc biệt trong một tâm hồn thi ca của cô. Có lẽ nỗi nhớ quê luôn đau đáu trong lòng kẻ xa quê, để rồi sau này tên đất tên sông đã theo mạch Thơ chảy mãi trong nữ tác giả này, hoà quyện và tạo thành bút danh “Thương Giang” (sông Thương ở Bắc Giang). Bút danh đó đã được Nhung sử dụng cho đến bây giờ.
Tuy không được đào tạo qua các trường viết văn, sáng tác chuyên nghiệp, nhưng Thương Giang đến với Thơ rất tự nhiên, như người ta viết nhật ký, mượn Thơ trải lòng mình. Nhưng viết xong, cô chỉ để đấy chứ không gửi. Mãi sau năm 1999 khi chính thức là cộng tác viên của tờ “Tuần tin Quê hương”, một ấn phẩm phát hành trong cộng đồng người Việt tại Ucraina, cô mới có điều kiện công khai những bài Thơ trên mặt báo, để giới thiệu đến bạn đọc.
Phải đợi đến 10 năm sau (2009), khi Thương Giang tham gia “Việt Nam thư quán” – Một diễn đàn văn Thơ tự do trên mạng của người Việt, thì những tác phẩm của cô mới thật sự được bạn đọc biết đến. Thương Giang có thói quen thường viết vào đêm khuya, khi mọi người đã yên giấc ngủ, những bận bịu lo toan mệt mỏi thường ngày đã lắng xuống. Xin bạn hãy hình dung: hằng đêm, ở một nơi xa lắm, có một thiếu phụ ngồi một mình trước máy tính lặng lẽ check mail cho bạn bè và hoạ Thơ phúc đáp bạn Thơ trên các Diễn đàn… Có những lúc đang lái xe trên đường, ý Thơ bất chợt ùa về, cô quyết định đỗ xe, ghi chép lại những ý tưởng rồi lại lái xe tiếp tục công việc của mình vì sợ để lâu sẽ quên.
Vốn cẩn thận, nên khi viết xong mỗi bài Thơ, Thương Giang thường hay đọc đi đọc lại, chỉnh sửa kỹ rồi mới gửi. Riêng Thơ đối, Thơ hoạ với Bạn Thơ, nhiều khi Thương Giang viết ngẫu hứng, chỉ đọc qua rồi chuyển ngay, chứ không có nhiều thời gian để chỉnh sửa. Bởi thế, chất lượng của những bài Thơ đó không đồng đều nhau cũng là điều dễ hiểu.
Thương Giang cho biết: Trước đây cô làm Thơ Tự do, Thơ Ngũ ngôn, Thơ Lục Bát, Thơ Đường, Thơ Tứ tuyệt... nghĩa là không chuyên sâu vào một thể loại nào. Nhưng sau này, nhất là từ khi tham gia sân chơi văn hóa truyền thống, làm Đại diện cho Lucbat.com tại Ucraina, chính những người bạn Thơ đã góp ý cho Thương Giang nên tận dụng thế mạnh, đi sâu viết Lục Bát sẽ thành công. Vì mọi người nhận ra rằng: khi viết Lục Bát, mạch Thơ của Thương Giang cứ tuôn chảy một cách tự nhiên, mượt mà như có sẵn trong người vậy... Và giờ đây, Thương Giang đã có hàng ngàn bài Thơ được viết bằng thể Lục Bát, mà tập “Giọt buồn” chỉ là một tập sách nhỏ, được chọn và in trong loạt tác phẩm đầu tay của cô.
Ngoài làm Thơ, đôi khi Thương Giang còn viết cả truyện ngắn, tuỳ bút, tản văn... Với những thể loại văn xuôi này, thì cô "khó tính” hơn, thường đọc lại chỉnh sửa rất kỹ, soát đi soát lại từng câu chữ, đến kết cấu, nội dung... Nhưng dường như với Thương Giang, Thơ vẫn là trên hết.
 
Từ hơn 4000 bài thơ đến những tập sách đầu tay
Đến nay, sau 12 năm đam mê sáng tác, theo thống kê tự động của máy tính, số lượng tác phẩm mà Thương Giang đã cho công bố trên “Việt Nam Thư quán” đã là 4222. Xin khoan hãy bàn về chất lượng của những bài Thơ ấy. Điều đó hãy để cho thời gian và bạn đọc phán xét! Chỉ biết rằng, đó thật sự là một khối lượng tác phẩm “đáng nể”, mà không phải tác giả nào cũng có thể đạt được.
Với Thương Giang, Thơ là hơi thở của cuộc sống, là niềm tin hy vọng. Thậm chí, có những lúc Thơ là “chiếc phao” cho cô bám víu vào để vượt lên những nỗi cô đơn, buồn đau tưởng chừng không thể vượt qua… Thơ là điểm tựa tinh thần giúp Thương Giang lạc quan, tự tin và thêm yêu cuộc sống hơn. Hơn thể, Thơ còn là người bạn thủy chung của cô, nó vượt khoảng cách về địa lý, không phân biệt đẳng cấp, vị thế trong xã hội… Thương Giang tin rằng chỉ có Thơ mới nói được và mới giúp cô thổ lộ được tất cả những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn với cả thế giới bao la…
Từ “gia tài” hơn 4000 bài thơ đã có, theo gợi ý, thúc giục của bạn bè, Thương Giang đã tự tuyển chọn ra 219 bài để đưa vào tập Thơ đầu tay mang tên “Hoài niệm Hội Lim” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép; rồi tiếp đó là tập “Giọt buồn”, gồm hàng trăm bài Thơ Lục Bát, do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành. Tên của những tác phẩm này có ý nghĩa gì? Thương Giang tâm sự: Nếu ai đã từng sống xa quê mới cảm nhận được thế nào là nỗi buồn tha hương. Hơn 22 năm nơi đất khách quê người, văn hoá khác biệt, mùa đông thì lạnh và dài. Nhất là những ngày Tết đến, Xuân về thì nỗi nhớ quê lại da diết hơn bao giờ... Thèm không khí quây quần ấm của của gia đình, nhớ những ngày còn ở nhà, nhớ những đêm hội làng xem hát đối... Bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về. Dù gia đình cô không làm ruộng, không có tuổi Thơ “chăn trâu cắt cỏ”, nhưng Thương Giang cũng có những buổi trưa trốn mẹ cùng em trai ra cánh đồng theo những đứa trẻ chăn trâu để đùa nghịch và bêu nắng... Rồi cùng bạn bè khâu nón, mang ra Chợ Kế bán, lấy tiền mua sách… “Hoài niệm Hội Lim” và “Giọt buồn” là những trăn trở, những hoài niệm về quãng thời gian đẹp đẽ đã trôi đi không bao trở lại và thấp thoáng có bóng dáng của chính Thương Giang trong đó.
Có được tập Thơ này công sức của rất nhiều người đã giúp đỡ Thương Giang. Cô muốn dành tặng những bản sách đầu tiên cho người thân và bè bạn. Nữ tác giả còn muốn trực tiếp ký tặng sách cho những độc giả yêu quí Thơ mình, bằng một buổi tiệc Trà – Cà phê Sách tại “Lục Bát Quán” ở Thủ đô Hà Nội, khi có điều kiện về thăm lại quê hương.
Sau những tập thơ đầu tay, Thương Giang dự định sẽ xuất bản tập truyện ngắn mang tên “Quá khứ không dịu êm”, gồm những truyện ngắn được cô sáng tác trong mấy năm gần đây, một số tác phẩm đã đoạt giải trong các cuộc thi thường niên do tờ “Tuần tin Quê hương” tại Ucraina tổ chức.
Bây giờ, thì cả “Hoài niệm Hội Lim” và “Giọt buồn” đều đã “trình làng” và có đời sống riêng của nó. Hi vọng rằng, nhiều bài Thơ trong những tập sách đầu tay của Thương Giang sẽ đồng hành được với Người yêu Thơ gần xa.
                                Hà Nội, tháng 9 năm 2011
                                  Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Xuân Quang - xuanquang2008@yahoo.com -  - Hà nội  (Ngày 12/12/2011 10:29:34)

Được nhận và đọc tập thơ “ Hoài niệm hội LIM” của Thương Giang, tôi liên tưởng đến một trong 50 câu thơ được NGÀY HỘI THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ TÁM tôn vinh thả lên trời cao tại Văn Miếu Quốc tử giám - Hà Nội đúng dịp Tết Nguyên tiêu Bính Dần - Năm 2010


Một câu quan họ mành như chỉ
Xuyên suốt tâm hồn mọi nẽo quê

“ YẾN LAN ”

Thơ Thương Giang đã thể hiện tình yêu quan họ xuyên suốt... mọi nẻo quê, kể cả Kiev.
Xin chúc mừng và hy vọng thơ Thương Giang còn bay cao, bay xa.

  Từ Đức Khoát  -  tukhoat@yahoo.com.vn - 01679920465 - khu8 Thạch Đồng -Thanh Thuỷ - Phú Thọ  (Ngày 06/12/2011 8:24:53)


THƯ GỬI THƯƠNG GIANG

Tôi cầm "Hoài niệm hôi Lim"...
của Thương Giang tặng mà tim bồi hồi
Mồng hai tháng chín qua rồi
Xa quê từ đấy , chân trời Bạch dương
Thơ ai giải lụa dòng Thương
Chảy sang Kyep còn vương vấn lòng
Chắt chiu gạn đục khơi trong
Thơ Nhung ấm giữa mùa đông quê người
Như là sức trẻ đôi mươi
Bật lên chồi biếc xanh tươi dịu dàng .
Đôi lời xin tặng Thương Giang
Chúc cho Nhung
gặt mùa vàng…nên thơ!

TĐK

  Nguyên Xuân  - nguyenxuan0911 - 0905127969 - Đà Nẵng  (Ngày 02/12/2011 9:21:59)

Xin chúc mừng thành công của Thương Giang. Hơn 4000 bài, Thương Giang muốn ngân lên tất cả những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn với quê hương và cả thế giới bao la…
Nguyên Xuân

  Trần Thanh Dũng - ntthanhdung@yahoo.com - 01657626888 - Sóc Trăng  (Ngày 02/12/2011 7:37:01)

Xin Chúc mừng thành công bước đầu của Thương Giang và cảm ơn lời giới thiệu đặc biệt này của nhà thơ, chủ nhiệm Lucbat.com Đặng Vương Hưng !
Thành Dũng ( Sóc Trăng)

Các bài khác: