Chủ nhật, 22/12/2024,


Nhìn nhận tác phẩm văn học: “VĂN CHƯƠNG VÀ PHI VĂN CHƯƠNG” (25/11/2011) 

Đối với văn nghệ sỹ hạnh phúc nhất là được sáng tác. Giá trị của nhà văn là tác phẩm. Một bài thơ, một bản nhạc, một mẩu chuyện ngắn hay một bức tranh… là thước đo cuối cùng của người sáng tác.


Tác phẩm đoạt giải Nobel năm 1965

Tác phẩm là sự sống còn đối với nghiệp sáng tác, chính vì vậy văn nghệ sỹ phải tập trung vào chăm lo cho tác phẩm của mình. Văn chương là một học thuật. Có thể có văn chương đại chúng nhưng viết cho đại chúng cũng là một nghệ thuật. Một khoa học nghệ thuật viết cho đại chúng.
 
Văn chương là một học thuật. Chính vì vậy không thể viết đơn giản dễ dãi. Tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ sâu nó lại trở về phục vụ đại chúng. Truyện Kiều của Nguyễn Du là minh chứng cho quan điểm này.
 
Người ta hay nói đến chức năng tuyên truyền của văn chương và thường có cách hiểu máy móc: Đưa văn chương ra làm nhiệm vụ như một cơ quan tuyên truyền. Cách hiểu đó đã đánh mất giá trị đặc thù của văn chương. Chính vì vậy loại thơ mang tính cổ động, tuyên truyền, hô hào không thể đi vào tâm hồn bạn đọc. Nó cũng không có sức sống lâu bền và giá trị vĩnh hằng đối với nhân loại. Chúng ta cũng chưa có tác phẩm văn học đoạt giải Nobel. Gần đây tôi đọc được hai câu thơ của  Nguyễn Thế Kiên phản ánh đúng một thời ta đã quan niệm thơ rất đơn giản: Một thời thơ bỏ xa thơ/ Ngây ngô ru ngủ bến bờ nhân gian.
 
Như vậy văn chương là một nghệ thuật đặc thù. Người cầm bút phải hiểu được tính đặc thù của văn chương thì mới không sa vào lối viết tuyên truyền hô khẩu hiệu. Văn chương cũng như lời nói. Viết ra một chữ nếu không cân nhắc cảm thấy hổ thẹn giống như bị lỡ lời. Việc “lỡ lời” trong tác phẩm hiện nay nhiều vô kể. Thậm chí không chỉ lỡ về câu, chữ mà còn lỡ cho ra đời cả một tác phẩm. Có tác phẩm tuyển tập Thơ Đường mà có cả thơ Lục bát. Lỗi chính tả thì nhiều vô kể, thậm chí bài của người này cắm vào tên của người kia!
 
Nếu ngôn ngữ chủ đạo của báo chí là ngôn ngữ sự kiện thì ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ hình ảnh. Cái đích của báo chí là giải quyết các xung đột thời sự hàng ngày thì cái đích của văn chương là đưa lại giá trị thẩm mỹ có tác dụng lâu bền trong tâm hồn bạn đọc. Như vậy nhưng không ít người nhầm lẫn xem viết báo như là viết văn!
 
Viết một bài thơ, một truyện ngắn hay vẽ một bức tranh nó là sự chiêm nghiệm sâu lắng về cuộc sống. Biết bao nỗi đau dâu bể thông qua một kiếp hồng nhan bạc mệnh  trong Truyện Kiều: Rằng hồng nhan tự nghìn xưa/Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
 
Tác phẩm văn chương phải có sức nặng bằng cả một đời người viết ra nó. Như vậy đòi hỏi người viết phải có kiến thức về nghề và sự trải nghiệm về cuộc đời. Thi hào Nguyễn Trãi đã trải nghiệm về triều chính thời bấy giờ và viết nên những câu thơ như một đúc kết đầy trắc ẩn: Chốn cửa quyền đầy hiểm hóc/Đường danh lợi lắm quanh co.
 
Sức nặng của một câu thơ nằm ở chỗ nó bao hàm chất triết học, trạng thái cảm xúc và giá trị nhân văn: Dưới công danh đeo khổ nhục/Trong dầu dãi có phong lưu (Nguyễn Trãi).
 
Tác phẩm là kết tinh của sự trải nghiệm từ cuộc đời. Tố Hữu nói: Không có gì sâu thẳm, đa dạng như chính cuộc đời. Như vậy văn học bắt rễ sâu vào cuộc sống. Nếu nhổ cái rễ ấy khỏi đời sống thực tế thì văn học sẽ chết. Các nhà văn nên hỏi lại chính mình tác phẩm của mình viết ra có bắt nguồn từ cuộc sống không hay là sự bịa đặt chủ quan và giả tạo? Giá trị tác phẩm của mình có đạt được độ chín và giá trị nhân văn đưa lại cho người đọc?
 
Trần Đăng Khoa khi còn ở tuổi thiếu nhi nhưng viết câu thơ đầy trải nghiệm: Người ta trong lúc hiểm nghèo/ Hoặc vằng vặc sáng hoặc heo hút tàn. Hai câu thơ phản ánh độ chín trong tâm hồn của nhà thơ. Từ nhỏ Trần Đăng Khoa đã đọc thơ Đường và anh có người mẹ lấy Truyện Kiều làm sách gối đầu giường. Ảnh hưởng của thơ Đường và Truyện Kiều tạo nên một Trần Đăng Khoa thần đồng. Nói như Tố Hữu: Ông giời đã mượn cái miệng của Trần Đăng Khoa để làm thơ cho người lớn đọc.Giá trị của văn chương là sự trải nghiệm.
 
Không có gì hời hợt mà thành văn chương được. Nhiều người tự huyễn mình: Tại sao tác phẩm của mình viết hay thế mà mọi người không hiểu, không đón nhận. Thậm chí chê bai tác phẩm người này, người nọ nhằm đề cao tác phẩm của mình! Để hiểu mình tốt nhất nên đọc lại các kiệt tác văn học và chịu khó học hỏi xem các văn hào họ viết thế nào. Vì sao nhân loại tôn vinh họ?
 
            Để có một tác phẩm hay cần rất nhiều yếu tố như đề tài, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu… nhưng sự trải nghiệm từ đời sống, chất triết lý nhân sinh, tính nhân văn là yếu tố đặc biệt quan trọng làm nên giá trị của tác phẩm. Nói như thơ Phạm Xuân Trường:  “Dặn con” làm kiếp con người/Máu mình chảy mới thấu đời đứt tay. Chỉ khi nhà văn tự trải nghiệm qua những vui buồn và nỗi đau của nhân loại thì họ mới tạo ra được những tác phẩm có giá trị như những đúc kết chân lý. Những tác phẩm của họ sẽ có tác dụng thức tỉnh xã hội. Nó cũng là thước đo nhận diện tác phẩm văn chương hoặc phi văn chương.
 
Phạm Lam
(Email: phamlamtk@yahoo.com.vn)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: