Chủ nhật, 22/12/2024,


“LỜI CA CỦA NGỌ” - Tác phẩm còn ít người biết đến của thi sĩ Phạm Thiên Thư (21/11/2011) 

      Bài lục bát này rất ít được phổ biến, tạp chí ấy bây giờ cũng không mấy ai còn lưu giữ được. Người viết bài này vì yêu thích thơ lục bát đã vô tình đọc thuộc lòng, dù thời gian đã qua 40 năm, âu cũng là nghiệp duyên của những kẻ mê thơ!

Bìa tập thơ "Động hoa vàng"


            Có một thiếu nữ dáng người nhỏ nhắn ngày ngày tan trường đi bộ về nhà, với mái tóc dài thả xuống bờ vai xinh xắn, để cho cậu học trò si tình đi theo ngẩn ngơ trong mưa rơi lất phất… Chàng cứ lặng lẽ theo sau rồi tương tư nàng, nhưng lời yêu chẳng bao giờ dám ngỏ. Hình ảnh đó sau này đã tạo nguồn cảm hứng cho chàng viết nên bản tình thơ bất hủ “Ngày xưa Hoàng Thị”.

            “Ngày xưa Hoàng Thị” đã được phổ thành ca khúc vào năm 1971, một ca khúc đã đưa tên tuổi của thi sĩ Phạm Thiên Thư đến với giới yêu nhạc bởi nhạc sĩ Phạm Duy bằng giai điệu thật lãng mạn:

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay

Em đi dịu dàng
Bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường
Nằm im dấu mỏ
Anh theo Ngọ về
Gót giầy lặng lẽ đường quê…
 
Thi sĩ Phạm Thiên Thư (tên thật là Phạm Kim Long) xuất hiện trên thi đàn Việt Nam vào khoảng thập niên 60 và 70, trong đó có 2 thi phẩm lục bát “Động hoa vàng” (1971) và “Đoạn trường vô thanh” (1972) đã gây nhiều tiếng vang và làm say mê giới yêu thơ thời đó. Mở đầu “Động hoa vàng” ông đã viết:
 
Mười con nhạn trắng về tha
Như lai thương trụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm
Xe lên bụi quán hoa đường
Qua sương trắng dặm phố phường úa thu
 
            Cách dùng ngôn từ của ông rất thiền mà cũng rất trữ tình, khi diễn tả một thiếu nữ thay áo để ra phố vào một buổi sớm mùa thu, mười ngón tay ngà ngọc đang mở khuy áo và nghiêng vai xuống để cho “đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm”. Đoạn giữa của bài thơ, khi thiếu nữ ấy trở về nhà lấy thau nước để rửa mặt tẩy trang. Lời thơ của ông đã vẽ nên một bức tranh tuyệt tác:
 
Em từ rửa mặt chân như
Nghiêng soi hạt nước mời hư không về
Thau hương hiện kính bồ đề
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi
 
            Trong thi phẩm “Đoạn trường vô thanh”, ông đã viết tiếp theo Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, thành một trường thi dài 3294 câu lục bát. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng phổ nhạc bản “Gọi em là đóa hoa sầu” trong đoạn ông viết về cuộc tình của chàng thư sinh Vương Quan với nàng Ẩn Lan. Xin trích dẫn một đoạn thơ:
 
Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn
Dáng ai cắp rổ lên cồn hái dâu
Tiếng nàng hát vọng đôi câu
Dừng tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ
Lều tranh còn ủ chăn mơ
Mối tình là một bài thơ vô đề
Ẩn Lan ơi mái tóc thề
Gió xuân nay có vỗ về hương xưa
Đêm nao học dưới trăng mờ
Nến leo lét lụi, chữ hờ hững im
Ngoài song thoảng tiếng hài em
Như sương đọng hạt êm đềm vừa sa
 
 
Bìa tập thơ "Đoạn trường vô thanh"
 
            Khi tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn 1972) phỏng vấn ông về phần kết của “Đoạn trường vô thanh”, Phạm Thiên Thư đã kể: “Ngày xưa có một thi nhân vào ngủ đậu ở chùa Hương Tích – nghe tiếng chuông khuya mà giác ngộ, hôm sau tìm một động hoa vàng ngủ say. Khi tỉnh ra, thì một chùm lan bạch ngọc đã nở bên chàng từ bao giờ - chàng cảm hứng viết một trường ngâm vịnh lan:
 
Lá đài cong nhịp cầu xanh
Vượt qua đoạn lệ trổ nhành hoa tiên
Từ hoa hé nụ cười hiền
Biến thân giữa vạn bút nghiên hóa người
 
            Ngâm xong, tim chàng đọng thành ngọc, chỉ còn bài thơ vang trong trời đất thành một dòng linh thức. Trường ngâm này vào nhà họ Vương thành Thúy Kiều, cỏ cây quanh động chùa Hương biến thân theo thành ra Mã, Sở. Kim Trọng, Hồ Tôn v.v… “cũng vì nặng một lòng thương, cho bài thơ vượt đoạn trường bay cao” tạo nghịch duyên chung quanh Kiều. Khi “cỏ cây giam kín một đời tinh anh” thì thiền sư tác giả của trường ngâm kia ứng thân thành Từ Hải đến “đón bài thơ nọ khỏi cầu đau thương” sau lại vào sư bác Văn Chương để “đem Kim Cương cắt tơ vương giấc vàng”. Sau cùng bài thơ trở nên một minh triết Đại Hòa của Việt Tộc.”
 
            Trở lại với “Ngày xưa Hoàng Thị”, đó là cô nữ sinh Hoàng Thị Ngọ, học lớp 10 (ngày ấy gọi là lớp Đệ Tam), cùng trường với thi sĩ. Trong một bài phỏng vấn của phóng viên Hà Đình Nguyên (báo Thanh Niên 5-6-2011) Phạm Thiên Thư tâm sự:
 
            “Tôi tuổi Thìn (1940), còn cô ấy tuổi Ngọ (1942) cho nên được bố mẹ đặt luôn tên là Ngọ. Cách nhau 2 tuổi nhưng học cùng lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) ở trường Trung học Văn Lang (khu Tân Định). Ngọ có dáng người thanh mảnh với mái tóc dài thả ngang vai. Mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô ấy đứng đầu hàng bên nữ, tôi đứng cuối hàng bên nam, tha hồ ngắm... Vào lớp, cô ấy ngồi bàn đầu, tôi bàn cuối. Ngọ học rất giỏi, còn tôi chỉ giỏi... đánh lộn (gia đình tôi vốn có truyền thống võ thuật). Có lần thầy giáo gọi tôi lên trả bài, tôi không thuộc nhưng thay vì lên tận bàn thầy giáo trên bục giảng, tôi chỉ đi đến ngang chỗ Ngọ ngồi thì dừng lại. Ngọ biết ý, mở cuốn tập ra cho tôi... liếc, đọc vanh vách! Nhà tôi ở đường Trần Khát Chân, nhà Ngọ ở Trần Quang Khải, cũng cùng khu Tân Định nên đi về chung đường. Mỗi lần tan trường, cô ấy ôm cặp đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Tóc Ngọ bay bay trên đôi vai gầy nhỏ nhắn. Có những hôm trời mưa lất phất, cô ấy đưa cặp lên che ngang đầu. Tôi thấy thương quá, muốn làm một cử chỉ gì đó như là để chở che nhưng... thở mạnh còn không dám, nói chi là...”
 
 Ngoài bài thơ trên, thi sĩ còn có bài lục bát viết về cô nữ sinh Hoàng Thị Ngọ trước khi ký bút hiệu Phạm Thiên Thư, đó là bài “Lời ca của Ngọ” đăng trên tạp chí Thời Nay vào khoảng đầu thập niên 70. Bài này ông ký tên thật là Phạm Kim Long:
 
 LỜI CA CỦA NGỌ
 
Vừa đi chừng đã xa vời
Mù sông khói nước nghe hơi trở buồn
Khuất người nẻo phố giăng sương
Buồn trao tay gởi lên đường hành trang
Hoa thu chừ đã hoe vàng
Mùa thu tháng tám vừa sang tội tình
Buồn theo dốc núi chênh vênh
Bước chân anh bóng xuân tình quẩn theo
 
Bài lục bát này rất ít được phổ biến, tạp chí ấy bây giờ cũng không mấy ai còn lưu giữ được. Người viết bài này vì yêu thích thơ lục bát đã vô tình đọc thuộc lòng, dù thời gian đã qua 40 năm, âu cũng là nghiệp duyên của những kẻ mê thơ!
 
 TP.Hồ Chí Minh, 20-11-2011
Nguyễn Chinh
(ĐT: 0938 205 207)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: