Đó là vào năm 1972 khi người dân thủ đô Hà Nội buộc phải rời bỏ nhà cửa ra khỏi thành phố để tránh cảnh bom đạn của chiến tranh. Lúc đó cha tôi đang công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam (58 phố Quán Sứ - HN) và phải ở lại Hà Nội để trực chiến, vì thế bốn mẹ con tôi dắt díu nhau về vùng ven đô tạm trú trong nhà một gia đình họ hàng ở Hà Tây. Đến bây giờ những ký ức xa xưa ấy thỉnh thoảng lại hiện về trong tâm trí với tiếng gầm rú của những pháo đài bay B 52, tiếng tên lửa phòng không và âm thanh của những chiếc máy bay tiêm kích Mig 21 của không quân ta xuất phát , tiếng bom nổ như muốn vỡ toác cả không gian, cảnh bom đạn, chết chóc với những ngôi nhà đổ sụp chỉ trong chốc lát. Tôi vẫn nhớ rất rõ tiếng còi báo động lanh lảnh theo sau là giọng của cô phát thanh viên được phát ra từ những loa phóng thanh hình như có mặt khắp Hà Nội lúc đó :”Đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội…cây số, đồng bào hãy nhanh chóng xuống hầm trú ẩn, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu!” Giọng cô rõ ràng dứt khoát như một mệnh lệnh mà cả thành phố phải tuân theo, chúng tôi phải sơ tán khỏi Hà Nội là vì thế, vì những mối nguy hiểm luôn rình rập cả ngày lẫn đêm…
Nơi chúng tôi ở chỉ cách Hà Nội khoảng vài chục cây số, thỉnh thoảng những chiếc máy bay có mang theo một “bụng” bom cũng bay ngang qua nhưng chúng tôi biết rõ mục tiêu máy bay chỉ đánh phá Hà Nội nên cảm giác sợ hãi về bom đạn trút lên đầu bất cứ lúc nào cũng giảm đi rất nhiều. Đó là một miền quê có thể tạm gọi là yên bình với những cánh đồng lúa xanh bát ngát , những đứa trẻ con chúng tôi hồi đó vẫn được đến trường và con đường nhỏ dẫn đến trường với những hàng cây phi lao rất đẹp ngang qua cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng thật là hấp dẫn đối với một cô bé mười tuổi như tôi .
Chiến tranh thiếu thốn đủ thứ, vì thế tôi cũng “nhập gia tùy tục” bằng cách tập tành theo những đứa trẻ hàng xóm đi mò cua, bắt ốc. Tôi cũng trang bị cho mình một cái giỏ đựng cua cột ngang hông y như cô tấm và sau giờ học thì men theo bờ ruộng lúa bắt cua, tôi được bọn trẻ vùng quê truyền kinh nghiệm bắt cua như sau : Cứ men theo bờ ruộng, vạch cỏ và tìm những hang cua, hễ thấy cái hang nào có đất đùn ra thì “đích thị” là có một chú cua trong đó và phải nhanh tay “thọc sâu” vào hang tóm gọn thì “chú” cua trong hang mới không kịp phản ứng, nếu không nhanh tay và lúng túng vì sợ thì có thể bị cua kẹp như chơi, và cứ theo đúng nguyên tắc đó tôi nhớ mình chưa “bị” cua kẹp lần nào…, những lúc như thế tôi rất vui.
Nhưng ngoài niềm vui còn có một nỗi sợ hãi tột cùng : đó là khi phải đối diện những con đỉa hút máu, thời đó người ta không dùng thuốc trừ sâu tràn lan như hiện nay nên ruộng đồng có rất nhiều đỉa, cũng vì “say sưa” với việc “tóm gọn” những chú cua trong hang theo đúng quy trình mà bạn bè chỉ dẫn nên chỉ đến khi thoáng thấy máu chảy dưới chân tôi mới biết đã có 1 con đỉa đang bám vào chân, con bé thành phố là tôi lúc đó vô cùng sợ hãi, nhưng giữa cánh đồng bao la có khi chỉ có một mình biết tìm ai mà cầu cứu, vì thế tôi lại áp dụng kinh nghiệm mà những đứa trẻ quê truyền lại cho mình : Nhả một chút nước miếng ra lòng bàn tay, liếc mắt định vị đúng chỗ có đỉa bám dưới ống chân và “bặm môi, nhắm tịt mắt lại" đập tay vào đó, chú đỉa vì “xót” sẽ rơi ra, thật là hú vía! Đến bây giờ nghĩ lại mà tôi vẫn còn thấy một nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm hồn mình, cũng tự thán phục con bé là tôi thời đó, cũng có thể đó là thời điểm chiến tranh, trẻ con đối diện giữa sự sống và cái chết cũng can đảm hơn lên rất nhiều…
Cũng vì cái công việc mò cua bắt ốc để cải thiện cho gia đình ngoài giờ học mà tất cả mười móng tay của tôi đều vàng như nghệ do nước phèn bám vào, và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến một kỷ niệm tuy nhỏ thôi nhưng tôi còn nhớ mãi đến sau này; Kỷ niệm đó có liên quan đến cô giáo của tôi ngày đó.
Trong tâm trí tôi lúc đó thì cô giáo của tôi rất xinh, vì đi sơ tán cùng gia đình chứ không theo cơ quan của bố mẹ nên trong lớp chỉ có mình tôi là “người Hà Nội”, vì thế có lẽ tôi cũng được cô quan tâm hơn một chút nhưng tôi còn nhỏ không để ý nhiều cho đến một hôm cô hẹn tôi đến nhà chơi, tôi lại men theo những cánh đồng lúa tìm đến nhà cô, đó là một gian nhà nhỏ xíu lợp mái tranh nhưng đồ đạc rất gọn gàng ngăn nắp, tôi nhớ hai cô trò nói chuyện cũng nhiều nhưng chủ yếu là cô nói vì hồi bé tôi vốn nhút nhát, cô hỏi về gia đình, về bố mẹ và cuộc sống của chúng tôi ở Hà Nội và nơi sơ tán, lúc đó tôi thấy cô thật gần gũi, bỗng cô cầm hai bàn tay của tôi rồi vuốt vuốt những móng tay vàng khè với ánh mắt xót xa mà đến bây giờ tôi không thể nào quên được :”Ôi! Em cũng đi bắt cua ư?”, tôi nhỏ nhẹ “vậng ạ”, có lẽ lúc đó cô mới phát hiện ra và cũng “ngỡ ngàng”; đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ đôi mắt ấy với một ánh mắt nhìn âu yếm, đằm thắm xen lẫn xót xa. Càng lớn “ánh mắt” ngày ấy của cô lại càng ăn sâu vào trí não tôi mà tôi không thể nào xóa đi được, và tôi cứ nghĩ tâm hồn tôi, suy nghĩ của tôi cũng như cách ứng xử với những phận đời khó khăn cũng được nuôi dưỡng chính từ ánh mắt của cô giáo tôi ngày ấy, cái tình cảm thương yêu cô dành cho một cô bé như tôi với mái tóc cháy nắng và những móng tay dính phèn sau những ngày dang nắng trên đồng ruộng mà tôi cảm nhận được chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi giữa 2 cô trò chúng tôi.
Thời gian ở Hà Tây cũng ngắn, vì hoàn cảnh gia đình tôi lại theo cơ quan của cha sơ tán đến một vùng quê khác và cũng từ đó tôi không được gặp cô nữa; tuy vậy, suốt cuộc đời tôi sẽ mãi nhớ về cô với những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu mà tôi không thể nào quên; và tôi nhận ra rằng những bài học làm người đôi khi không chỉ xuất phát từ những con chữ trong lớp học hay trên giảng đường đại học mà có thể xuất phát từ bất kỳ một “tín hiệu” đồng cảm nào mà người “cho” và người “nhận” có cùng một tần số về mặt tâm hồn.
Viết nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo VN - 20/11/2011
Trương Nam Chi
(Email: truongnamchi61@yahoo.com.vn)
Nguyễn Chinh - hschinh@gmail.com - 0938205207 - 184/34/14 Lý Chính Thắng - Q.3 - TP.HCM
(Ngày 24/11/2011 10:21:51)
Hồi ức về một thời để nhớ của nhà thơ Trương Nam Chi thật đẹp. Những kỷ niệm thuở ấu thơ tuy giản dị nhưng chơn chất và đầy tình cảm. Tình cảm thầy trò thật thân thương và cao quý.
Nguyễn Thanh Tuyên - bsnguyenthanhtuyen@gmail.com - 0989094933 - Hải Phòng
(Ngày 20/11/2011 18:48:25)
" Ôi! Em cũng đi bắt cua ư?". Một câu hỏi giản dị thôi mà xúc động! Bài viết của NT Trương Nam Chi gợi cho người đọc không quên một thời nhỏ dại, nhọc nhằn,thêm nhớ thầy nhớ bạn xưa. Nơi đó là điểm tựa, là nẫy nỏ giúp cho bao ước mơ bay cao bay xa thực hiện những hoài bão đẹp đẽ của cuộc đời. |