LBT: Ngày 1-11-2011, tại Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp – Bộ Công an đã long trọng tổ chức Tổng kết vào Trao thưởng cuộc thi mang tên “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, dành cho các phạm nhân và trại viên trên toàn quốc. Đây là một cuộc thi độc đáo, ý tưởng được gợi mở và hình thành trên cở sở “Chuyện đời tôi” (còn được gọi là “Tự truyện bình dân”).
“Chuyện đời tôi” từng là tên một chuyên mục của lucbat.com, đồng thời cũng là tên một Tủ sách của NXB CAND do Nhà văn Đặng Vương Hưng khới xướng. Nhiều tác phẩm trong số đó của các tác giả Nguyễn Hồng Công (1978 – 2009); Lê Minh Nguyệt (1984 – 2009); Nguyễn Ngọc Sơn; Nguyễn Văn Toán… đã được xuất bản thành sách và giới thiệu trên nhiều báo chí, gây xúc động hàng triệu bạn đọc, bởi những mảnh đời bất hạnh, những số phận éo le… đã vượt ra ngoài khuôn khổ những cuốn sách thông thường; góp phần hướng thiện, giúp cho người ta sống tốt hơn và sống đẹp hơn…
Nhà văn Đặng Vương Hưng được vinh dự là một trong những thành viên Tổ chức và Giám khảo cuộc thi nói trên. Lucbat.com xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
Một buổi họp của Ban Tổ chức và Giám khảo cuộc thi
Một cuộc thi độc đáo và nhân văn
Nếu chúng tôi không nhầm, thì trên thế giới, người ta mới chỉ tổ chức cho các nhà văn, nhà báo, các chuyên gia nghiên cứu tội phạm… thi viết về cuộc đời các phạm nhân. Lần đầu tiên có một quốc gia như Việt Nam tổ chức cho các phạm nhân đang thi hành án viết Tự truyện về cuộc đời mình.
Được phát động trong thời gian rất ngắn, chỉ có 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2011), nhưng Cuộc thi mang tên “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” do Tổng cục Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an tổ chức, đã đạt được kết quả vượt trên cả sự dự đoán của Ban tổ chức. Đã có tới trên hai vạn phạm nhân tham gia, với trên 23.000 bài dự thi; có tới hơn 150.000 trang viết tay hoặc đánh máy. Hơn 400 bài viết trong số đó đã lọt qua vòng loại của các Trại giam, Trại Tạm giam và Cơ sở Giáo dục được gửi về cho Ban Tổ chức Cuộc thi. 70% các bài viết đó có độ dài trên 10 trang A4, một số tác phẩm dài gần trăm trang. Sau khi sơ khảo, có 64 tác phẩm đã lọt vào vòng trong. Ban Giám khảo với 8 thành viên, gồm một số Nhà văn, Nhà báo và Chuyên gia uy tín của Đơn vị chuyên trách nhiệm vụ Giáo dục, Cải tạo và Hòa nhập cộng đồng của Bộ Công an; đã làm việc miệt mài, công tâm, thảo luận sôi nổi để chọn ra 29 tác phẩm của 29 tác giả vào Chung khảo và xếp giải.
Đây là một cuộc thi độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc. Nó độc đáo bởi đối tượng dự thi là những phạm nhân, trại viên đang ở các Trại giam, Trại Tạm giam và Cơ sở Giáo dục. Nó nhân văn bởi hầu hết các bài thi đều được viết theo thể loại “Chuyện đời tôi”, nghĩa là Nhân vật với Tác giả là một; là người thật, là việc thật, không hư cấu. Họ được quyền giãi bày tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình không chỉ với người thân, gia đình mà với cả xã hội. Điều đặc biệt hơn: Các phạm nhân dù đang thi hành án, nhưng họ vẫn được quyền đứng tên Tác giả với các Tác phẩm của mình, khi phát hành công khai. Họ được nhận nhuận bút và tiền giải thưởng. Với những phạm nhân có tác phẩm đạt giải, còn được cộng điểm để giảm án phạt tù.
Nhiều phạm nhân muốn viết “Chuyện đời tôi”
Dường như cuộc thi đã đụng chạm đến một nhu cầu tự thân có sẵn của nhiều phạm nhân. Đó là nhu cầu được giãi bày, kể lại, viết ra những điều chất chứa, dồn nén trong lòng, để mong nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của người thân, bạn bè và cộng đồng xã hội. Người viết bài này đã có may mắn được đến một số Trại giam, trực tiếp gặp gỡ với các phạm nhân có bài dự thi đạt giải cao như: Trần Thị Hoàng Mai (hiện đang thi hành án tại Trại giam Thanh Xuân - Hà Nội); Đặng Văn Thế (hiện đang thi hành án tại Trại giam số 6 - Nghệ An); Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc (hiện đang thi hành án tại Trại giam số 5 - Thanh Hóa)… Khi trò chuyện cùng tôi, tất cả đều không giấu diếm, thú nhận: Họ đều có nhu cầu viết về cuộc đời mình từ lâu. Viết những điều mà không thể kể hết bằng lời và không tiện nói với ai. Cuộc thi này chính là dịp để họ có điều kiện thực hiện nguyện vọng ấy. Có vô vàn lý do khiến người ta phạm tội, lầm lỗi, trở thành tội phạm. Nhưng khi đã chịu sự trừng phạt của pháp luật, thì họ thường có chung một suy nghĩ giống nhau là: hối hận và hướng thiện; mong đợi một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
Thành công của Cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” không chỉ là việc kết quả Ban tổ chức thu được hàng vạn bài dự thi, với hàng ngàn bài viết có giá trị về nhiều mặt; hàng trăm tác phẩm trong số đó có thể biên tập, xuất bản và phát hành cho công chúng đọc; mà còn góp phần giúp Lực lượng Công an, các Chuyên gia nghiên cứu hiểu thêm diễn biến tâm lý tội phạm và thủ đoạn, hành vi phạm tội; từ đó, đưa ra những biện pháp đấu tranh tích cực, có hiệu quả với các loại đối tượng cũng như công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên… Cuộc thi không chỉ là đợt sinh hoạt giáo dục lớn đối với phạm nhân và trại viên; mà còn mang lại niềm vui cho hàng vạn gia đình, cùng hàng vạn con người có quá khứ lỗi lầm, có thêm cơ hội, điều kiện hoàn thiện mình, đang hoàn lương để chuẩn bị tái hoà nhập với cộng đồng và quyết tâm sống có ích cho xã hội.
Nhà văn Đặng Vương Hưng và phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai - Tác giả đạt giải Nhât,
hiện đang chấp hành án phạt tù tại Trại Giam Thanh Xuân - Hà Nội.
Những tác giả đoạt giải cao nói gì?
Không hề hư cấu, không cần tưởng tượng, cho nên cũng không có gì thật hơn, thuyết phục hơn, là chính những câu chữ do những “quái kiệt” đã phải trả giá đắt cho những lỗi lầm của mình, trực tiếp viết ra. Tự truyện “Bước về phía mặt trời” của phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai đã thuyết phục người đọc bởi thân phận của một phụ nữ khốn khổ, suốt đời chỉ gặp những điều không may mắn, vì bị cái ác và cái xấu săn đuổi; vì điều ngang trái và sự oan ức đeo bám. Cuộc đời của Hoàng Mai, từ khi còn là một cô bé ngây thơ, trong trắng, đến khi tới tuổi làm vợ, làm mẹ… dường như luôn phải “sống trong nước mắt”, tương lai với chị luôn mịt mờ. Đã có lúc tưởng chừng hạnh phúc lóe lên, khi người phụ nữ này bỗng có tình yêu, thậm chí có con, nhưng tất cả đã nhanh chóng vụt tắt và chìm vào bóng tối. Có lẽ vì thế mà cả cuộc đời chị khao khát “giã từ bóng tối” để được nhìn thấy một “Mặt trời” của Niềm tin - Khát vọng và Hạnh phúc. Khi cầm bút viết tác phẩm được Giải Nhất này, Trần Thị Hoàng Mai đã chung sống với HIV gần 10 năm. Hiện nay cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ trong người Hoàng Mai đã chuyển giai đoạn cuối, thời gian với chị vô cùng quý giá, bởi nó chỉ còn được tính từng ngày...
Cùng đạt Giải Nhất, nhưng tác phẩm “Lời sám hối của một tử tù” của Đặng Văn Thế lại được đánh giá cao bởi tính trung thực, bởi tình huống nhân vật được đẩy đến tận cùng cảm xúc sống - chết, sự nghiêm minh và nhân đạo của pháp luật thông qua những cán bộ Quản giáo và Giám thị. Với tội danh tàng trữ và buôn bán chất ma túy, phải lĩnh án phạt cao nhất: Tử hình! Thế đã tham dự cuộc thi bằng cách tự viết lại cái cảm giác khủng khiếp của những đêm dài mất ngủ đón đợi ngày phải chết của mình, với những suy nghĩ rất thật. Chính bản năng sinh tồn và khát vọng hoàn lương đã giúp anh ta tồn tại được đến ngày hôm nay. Thế tâm sự: Một tử tù đã phải thấp thỏm chờ chết “vắt qua hai thế kỷ” hay nói chính xác là bốn nghìn ba trăm hai mươi ngày đi tìm sự sống. Một tử tù đã làm cho giới báo chí tốn rất nhiều giấy mực. Một tử tù đã trải qua ba đời giám thị và 10 cán bộ quản giáo. Nhưng nhờ có sự khoan hồng của pháp luật và tấm lòng độ lượng của Chủ tịch nước, nên sau đúng 11 năm kể từ ngày bị tuyên án tử hình, tôi đã được khai sinh ra lần thứ hai... Có lẽ vì vậy, mà khi được thông báo tác phẩm được giải cao, Thế rất bất ngờ và cảm động đến rưng rưng nước mắt.
Với phạm nhân Đặng Văn Thế (đồng giải Nhất), hiện đang
chấp hành án phạt tù tại Trại giam Số 6 - Nghệ An.
Vượt qua mặc cảm, chiến thắng chính mình
Tôi tin là quý bạn đọc sẽ dễ dàng đồng cảm, chia sẻ, khi nhận ra một số tác giả của cuộc thi này từng là “nhân vật nổi tiếng”, là “người của công chúng” một thời. Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc (Giải Nhì với tác phẩm “Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng”) là một trong những người như thế. Trong tác phẩm của mình, nữ phạm nhân này viết: “Mười sáu tuổi, tôi đã có những bước chân kiêu hãnh trên sàn catwalk. Tôi từng được biết đến và nổi danh trong làng người mẫu. Suốt gần 10 năm trong nghề của thập niên 90, tôi đã gặt hái được khá nhiều thành công với những chuyến lưu diễn nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo… với những đêm diễn đầy ánh hào quang. Từng lọt vào tốp 15 người đẹp với nụ cười quyến rũ, tôi từng bước đi vào lòng người hâm mộ…”. Tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế, sử dụng thành thạo Tiếng Anh, rồi về làm việc tại Ban Đối ngoại của một Đài Truyền hình… Sự nghiệp thăng tiến với một cô gái trẻ tưởng không còn gì hơn, nhưng giờ đây Quỳnh Ngọc lại đang chấp hành án phạt 20 năm tù giam vì tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Trong số các phạm nhân tham gia cuộc thi này, không hiếm người đã tốt nghiệp đại học, là các cử nhân, kỹ sư, thậm chí có trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ… hơn cả Quỳnh Ngọc. Nhưng họ đã tự nguyện cầm bút và sẵn sàng viết lại cuộc đời lầm lỗi một thời. Trừ một số ít phạm nhân đã viết tự truyện với mục đích thanh minh cho tội lỗi (những bản thảo này, sau khi thẩm định và xác minh đã bị Ban Giám khảo loại khỏi cuộc thi), còn hầu hết đều viết với thái độ hối hận và hướng thiện thực sự.
Phạm nhân Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc, (thứ 2, từ phải qua), từng là một
người mẫu nổi tiếng thập niên 90, lọt vào "Tốp 15 người đẹp với nụ cười
quyến rũ"; hiện đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Số 5 - Thanh Hóa.
Tự kể chuyện cuộc đời mình, nhất là những chuyện lầm lạc, xấu xa tới mức tội lỗi, là cả một sự cố gắng to lớn của các phạm nhân và trại viên. Bởi theo quy luật tâm lý tình cảm thông thường, không ai muốn gợi lại quá khứ buồn đau, những vết thương lòng thầm kín. Chắc chắn, mỗi người trước khi đặt bút đều phải suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt… Họ phải tự mình vượt lên sự mặc cảm quá khứ tội lỗi và chiến thắng chính mình. Phạm nhân Đặng Văn Thế cho biết: Để có tác phẩm dự thi, hàng ngày vẫn đi lao động, anh phải chật vật viết trong 15 đêm liền, mỗi đêm tranh thủ khoảng 2 tiếng đồng hồ, trước khi đi ngủ. Thế mới học hết lớp 4, do tay phải bị tật từ nhỏ, nên anh ta viết bằng tay trái, đánh vật với trang giấy vất vả như cày cuốc. Chữ xấu và khó xem, nên Thế đã phải nhờ một người bạn tù chép lại bản thảo trước khi gửi đi cho Ban tổ chức cuộc thi… Còn phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai, với trình độ văn hóa lớp 9/12, lại ốm đau liên miên, nên chị vừa phải kiên cường chống lại bệnh tật, vừa tranh thủ giờ nghỉ, say sưa cần mẫn viết, thể hiện bản thảo trong gần một tháng trời. Hoàng Mai cho biết thực ra là chị đã ghi hàng trăm trang nhật ký về cuộc đời mình, nhưng tiếc là cuốn sổ đó đã mất, nên chị phải vừa nhớ lại, vừa viết với quyết tâm rất cao. Viết xong trang cuối, cảm giác nhẹ cả người. Tác phẩm “Bước về phía mặt trời” của Trần Thị Hoàng Mai đã khiến cho nhiều thành viên Giám khảo bất ngờ, bởi nó chứa đựng một dung lượng thông tin lớn về quan hệ giữa người với người trong gia đình và xã hội; cuộc đời và thân phận của nhân vật chính đầy kịch tính và đậm chất tiểu thuyết. Nếu tác giả dụng công hơn, có thể triển khai viết thành một cuốn sách dày dặn và hấp dẫn bạn đọc.
Và gợi mở những ý tưởng mới
Xét về nghệ thuật bút pháp thể hiện, dù bắt buộc phải viết theo thể loại Tự truyện và những yêu cầu bám sát nội dung, mục đích “đề bài” của cuộc thi; nhưng các phạm nhân tham dự đã biết sáng tạo và linh hoạt thể hiện, để người đọc không cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Ở một số bài viết, tác giả đã chọn nhân vật chính có danh xưng là “hắn” hoặc “nó” để thay cho “tôi” kể chuyện về cuộc đời mình với những tình tiết hấp dẫn, có lời đối thoại, miêu tả và bình luận. Một số bài khác, nhiều tác giả còn viết dưới dạng một lời tâm sự, một bức thư gửi về cho người thân, nhưng lại có cốt chuyện, nhiều thông tin, được dồn nén và chắt lọc. Một số tác phẩm dự thi, ngoài việc tác giả quan tâm đến nội dung, còn được đầu tư cả về hình thức và mĩ thuật trình bày; thậm chí, một số tác giả đã tự vẽ tranh minh họa cho tác phẩm của mình.
Cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” đã kết thúc, dù có thể còn khiếm khuyết, cần rút kinh nghiệm, nhưng đã tạo ra một tiền lệ tốt đẹp và gợi mở những ý tưởng mới trong công cuộc Giáo dục, Cải tạo và Hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân và những người một thời lầm lỗi. Rồi đây sẽ có thêm những cuộc thi tương tự được tổ chức.
Nhà xuất bản CAND đã quyết định ấn hành những tác phẩm đạt giải của cuộc thi nêu trên. Có thể, những tác phẩm và tác giả góp mặt trong cuốn sách này chưa phản ánh hết tầm vóc, ý nghĩa của cuộc thi, nhưng hi vọng ấn phẩm này mở ra một cách tiếp cận mới cho một đề tài, từ lâu được cho là nhiều “bí hiểm” đã và đang được bạn đọc quan tâm; bởi nhiều câu chuyện đời xúc động đã vượt ra khỏi khuôn khổ của những cuốn sách thông thường với tính nhân văn cao đẹp của nó.
Xin chúc mừng các phạm nhân đã có tác phẩm đoạt giải và được quyền đứng tên tác giả trong những tập sách sắp phát hành! Chúc các anh chị luôn mạnh khỏe, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, yên tâm cải tạo để có đủ điều kiện sớm được trở về với người thân, gia đình, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.