Chủ nhật, 22/12/2024,


Mưa Sài Gòn (Trương Nam Chi) (24/10/2011) 
       Khác với những người con của Hà Nội khi xa quê thường vấn vương với mùa thu vàng quyến rũ bên mặt Hồ Gươm gợn sóng và nhớ đến nôn nao mùi hương nồng nàn mà ngọt ngào của hoa sữa, thì những ai đã từng sống và làm việc tại Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) lại giữ trong ký ức sâu thẳm của mình những cơn mưa mùa hạ để nhớ về…


Còn gì thú vị hơn khi được ngồi trong một quán cà phê nào đó tại một góc phố thân quen của Sài Gòn  ngắm mưa rơi ngoài phố và nghe bản tình ca mang tựa đề “Như cơn mưa đầu mùa” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn…
“Những cơn mưa đầu mùa, thường làm đau cây lúa
Những cơn mưa đầu mùa thường làm ướt cánh chim …”
 Người Sài Gòn khi đi xa không ai mà không có một đôi lần nhớ về những cơn mưa chợt đến chợt đi gắn với kỷ niệm một thời để nhớ…, xin hãy bỏ qua một số rắc rối phiền toái mà những cơn mưa đem đến để cùng lắng lòng cảm nhận được cái thi vị ngọt ngào mà những cơn mưa như một liều thuốc nhiệm màu làm dịu không gian và tâm hồn con người của cả một thành phố công nghiệp lớn nhất nước này
Mưa Sài Gòn có một nét rất riêng mà không phải nơi nào cũng có, nó luôn đem đến cho tâm hồn nghệ sĩ một nguồn cảm hứng dồi dào, những cơn mưa “làm đau cây lá”, “làm ướt cánh chim”,”làm em ướt áo” thật vô cùng lãng mạn! Và những cơn mưa bất chợt rả rích bên hiên nhà ai đó luôn là chất xúc tác cho nhiều cặp tình nhân dệt nên tình duyên đôi lứa.
Nếu có dịp nào đó được cùng người Sài Gòn khoác chiếc áo mưa xuống phố, bạn cũng có thể may mắn chứng kiến cảnh nửa bên phần đường bạn đang lưu thông mưa như xối nước vào mặt và nửa phần bên kia vẫn “bình yên, vô sự” mà ranh giới khô – ướt nằm ngay giữa tim đường! Có những lúc ngay phía sau bạn trời mưa như trút nhưng phía trước mặt bạn một đoạn ngắn thôi thì mặt đường hoàn toàn khô ráo, hay bạn có thể bất ngờ được chiêm ngưỡng cảnh một vòng cầu vồng ngũ sắc uốn cong ngay trước mặt vắt ngang lưng chừng giữa hai tòa nhà mà chỉ một cái với tay là chạm đến được…, trong khung cảnh thơ mộng đó thi sĩ làm sao có thể cầm lòng được mà không bật ra những vần thơ làm xao xuyến lòng người.
“ Sài Gòn mưa lúc em xa
Thơ anh làm chiếc dù hoa tiễn người”

( Thơ Trương Nam Hương”)
 
Sài Gòn nằm trong vùng địa lý mà thời tiết được chia thành hai mùa mưa và nắng rõ rệt, mùa mưa lại kéo dài và những cơn mưa đến sớm thường xuất hiện vào cuối tháng ba đầu tháng tư đúng vào lúc thời tiết nắng nóng nhất; người dân sống ở Sài Gòn lâu năm về mùa mưa thường cẩn thận để sẵn mỗi người một cái áo mưa bên mình phòng khi có một cơn mưa bất ngờ ập đến. Mưa Sài Gòn cũng lạ, nó chợt đến chợt đi và hiếm khi có những cơn mưa kéo dài suốt cả ngày và không dai dẳng như những cơn mưa Miền Trung hay Miền Bắc; có lẽ vì vậy mà tính cách người Sài Gòn cũng cũng có một sắc thái riêng: Thẳng thắn, dứt khoát mang dáng dấp người quân tử ngay cả khi “Ứng khẩu” thành thơ:

“Em đi đời bụi như mưa
  Tóc bụi như cỏ tóc lùa qua vai
Bụi đời con gái con trai
Trăm năm lấm bụi thương hoài ngàn năm”
           (Mưa bụi- Thơ Bùi Chí Vinh)             
Mưa Sài Gòn luôn đem đến cho ta cảm giác thú vị, những cơn mưa làm tan đi cái nóng bức oi nồng của thành phố lúc nào cũng nhộn nhịp sôi động này, những cơn mưa làm cho cây cối xanh tươi và những búp non đâm chồi nảy lộc, Thật khoan khoái khi bước dưới vòm me và hít thở làn không khí trong lành, mát mẻ dễ chịu sau cơn mưa.
Có lẽ thiên nhiên cũng góp phần làm giảm bớt những căng thẳng luôn đè nặng trong lòng người Thành phố bởi nhịp sống nhanh và hiện đại của thời đại công nghiệp bằng cách ban tặng cho người Sài Gòn một mùa mưa đủ dài để mà nhớ mà thương mà mong muốn tìm về. Hình ảnh đôi tình nhân nắm tay nhau bước dưới làn mưa luôn gợi lên cho bất cứ ai những kỷ niệm đẹp thời thơ trẻ; Chính vì thế có rất nhiều ca khúc và những bài thơ của nhạc sĩ và thi sĩ của Thành phố này được sáng tác đã gắn tình yêu đôi lứa với những cơn mưa; Dưới mắt thi sĩ thì cơn mưa nào cũng dịu dàng êm đềm như tình cảm của người yêu, người bạn đời vậy. Nhà thơ Hoài Vũ, tác giả của rất nhiều bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc thành công như “Vàm cỏ đông”, “Anh đầu sông em cuối sông”, “Đi trong hương tràm”… cũng không thể tách được tình yêu với những cơn mưa, không có em thì đời anh sẽ trở nên vô vị, nhưng cái buồn của thi sĩ là nỗi buồn đẹp, bóng dáng thi sĩ chìm trong cơn mưa là một hình ảnh rất trữ tình và nhà thơ Hoài Vũ cũng chọn hình ảnh “đi trong mưa” để thể hiện nỗi lòng cô đơn, trống trải của mình.
“Vắng em trời dẫu sáng
Lòng anh đêm gió mùa
Vắng em dù giữa nắng
Đời anh đi trong mưa”
(Vắng em- Thơ Hoài Vũ)
 Những giọt mưa rơi như là chất men mà mỗi người tự tìm cho mình một quy trình ủ và chưng cất để kết nên những ca từ sống động hòa vào từng nốt nhạc hay những vần thơ bay bổng làm đẹp cho đời. Chẳng thế mà tác giả Trần Hồng Giang, một người con của miền quê Nam Định khi vào sinh sống trong Sài Sòn một thời gian cũng “đồng cảm” ngay với mùa mưa Sài Gòn, với những tiếc nuối muốn kéo thật dài buổi chiều mưa ra để cảm nhận được nỗi xốn xang trong lồng ngực khi một cơn mưa bất chợt ào đến.
Giữa thu trời thả bùa mê
Cho người lướt thướt tìm về bên nhau”

…..
Chiều ơi, sao chẳng thật dài?!
Để cho cơn khát lai rai sang mùa…”
(Ấm áp chiều mưa Sài Gòn - thơ Trần Hồng Giang)
Mưa Sài Gòn là thế, Mưa gắn liền với cuộc đời con người cùng với những thăng trầm qua bao năm tháng và cứ mỗi năm một lần “đến hẹn lại lên”, những cơn mưa làm dịu lòng những “tráng sĩ” Sài Thành và  luôn nằm trong một góc ký ức  của những ai đã từng sinh sống hoặc đã một vài lần ghé qua…
 Sài Gòn đang là mùa mưa, cho dù mưa rào hay cơn mưa bụi lay phay thì đó cũng là một nét đẹp rất riêng rất độc đáo mà cư dân nơi đây có quyền được hưởng, và nếu bạn có một chút ấn tượng nào về những cơn mưa  thì xin một lần hãy ghé thăm để cùng người Sài Gòn thưởng thức tách cà phê nóng và cùng nhau ngắm nhìn những hạt mưa bay…

 Và lại được nghe âm vang giai điệu mượt mà trong bản tình ca “ Như cơn mưa đầu mùa ” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn
“Những cơn mưa đầu mùa thường làm em ướt áo…
Những cơn mưa đầu mùa thường làm cay mắt nhau…”
Thành phố Hồ Chí Minh, Mùa mưa 2011
Trương Nam Chi

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Chinh - hschinh@gmail.com - 0938205207 - 184/34/14 Lý Chính Thắng - Q.3 - TP.HCM  (Ngày 27/10/2011 12:08:45)

“Còn gì thú vị hơn khi được ngồi trong một quán cà phê nào đó tại một góc phố thân quen của Sài Gòn ngắm mưa rơi ngoài phố và nghe bản tình ca mang tựa đề “Như cơn mưa đầu mùa” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn…
“Những cơn mưa đầu mùa, thường làm đau cây lúa
Những cơn mưa đầu mùa thường làm ướt cánh chim …”
Người Sài Gòn khi đi xa không ai mà không có một đôi lần nhớ về những cơn mưa chợt đến chợt đi gắn với kỷ niệm một thời để nhớ…”

Đọc đoạn văn trên của Trương Nam Chi, tôi chợt nhớ về những kỷ niệm xa xưa của một thời tuổi trẻ. Đã lâu lắm rồi tôi không được thưởng thức cảm giác ấy nữa. Thật lãng mạn nếu bây giờ Sài Gòn cũng có những cơn mưa đầu mùa làm ướt tâm hồn ta.
Tôi đã từng nghe nhiều lần bài hát Le passager de la pluie (Lữ hành trong mưa) của nhạc sĩ Francis Lai. Đó là bài hát trong bộ phim cùng tên do diễn viên Charles Bronson thủ vai. Bài hát thật hay!
Thời tuổi trẻ tôi cũng có những giây phút lãng mạn khi đạp xe ngoài phố với người yêu dưới một cơn mưa lất phất. Bất chợt tôi ngoái đầu lại nói lời tỏ tình với nàng. Nàng chỉ mỉm cười e thẹn.
Tình đầu quá đỗi ngây thơ
Là anh chàng trai khù khờ
Lời yêu vụng về bày tỏ
Em cười e thẹn vu vơ…
Xin cảm ơn nhà thơ Trương Nam Chi đã nhắc nhớ tôi về những kỷ niệm xa xưa ấy. Những kỷ niệm đẹp và vô cùng lãng mạn.

Nguyễn Chinh
 

  Ng. Tien Binh - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - HaNoi  (Ngày 25/10/2011 19:14:10)

GỬI MỘT NỮ SĨ SÀI GÒN

Làm thơ , lại viết phê bình
Trương Nam Chi thật tài tình nhiều môn
Đọc Thơ rung động tâm hồn
Đọc phê bình...cũng rung con tim này

Nữ sĩ giỏi cả hai tay
Càng đọc càng thấy yêu say ...

Các bài khác: