Sinh năm Giáp Thân (1944) tại
«Thường thì với các nhà thơ, khi được hỏi yêu tác phẩm nào của mình nhất, họ đều trả lời chung: yêu tất cả. Riêng anh thì khác. Có lần anh nói rằng, trong khoảng hơn chục đứa con tinh thần - những tập thơ - của anh, anh chỉ công nhận có '2 đứa'. Điều này có nghĩa là như thế nào?
- Chính chúng công nhận tôi đấy chứ! Chúng đã trực tiếp đi thử gen cơ mà. Chỉ có '2 đứa' có cái… gen của tôi. Ấy là chúng bảo thế.
«Vậy là '2 đứa' nào?
- Nhà thơ và hoa cỏ và Bản xônát hoang dã. Lúc ấy tôi chưa sinh 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh.
«Vậy bây giờ là 3. Thế những đứa kia là con ai?
- Con ông hàng xóm tốt bụng… có tên là… sách vở.
«Có vẻ anh đã đoán được số phận của chúng khi vừa mới ra đời?
- Tôi đâu có phải là thầy bói mà đoán biết trước. Phải ở với nhau nhiều năm mới nhận được ra đấy. Với tôi ư? 1/4 thế kỷ và hơn thế nữa...
«Anh có thể nói rõ hơn được không?
- Một lần Tỉnh ủy Quảng Ninh mời cơm đồng chí Trần Hoàn, tôi được cùng dự. Nhân có chén rượu, tôi nói rằng, em kính phục nhất ở anh Trần Hoàn không phải vì anh là ủy viên Trung ương Đảng, cũng không phải vì anh là Bộ trưởng Văn hóa… (mọi người ngơ ngác nhìn tôi) mà vì lần đầu tiên em vào Huế, anh đã để 3 ngày lái xe đưa em đi khắp thành phố sau giải phóng, vô cùng chu đáo. Chưa bao giờ em thấy một đồng chí lãnh đạo tự lái được xe, lại rất tận tình với cấp dưới của mình… Anh Hoàn nói xen vào: Mày còn quên một điều là tao đã lấy cái xe đẹp nhất cơ quan và mặc bộ quần áo đẹp nhất để đưa mày đi chơi… (Mọi người cùng cười). Tôi nhận ra 2 điều. Một là, tầm vóc lớn của một người thường diễn ra qua những cử chỉ nhỏ. Điều thứ nhất tôi rút ra từ cách ứng xử của anh Trần Hoàn, sau này trở thành tâm niệm sáng tác của tôi. Hãy viết về cái rất nhỏ để người đọc nhận ra được cái rất lớn.
Hai là, tôi đã tự làm hỏng mình rồi. Điều thứ hai này tôi thấy rất sâu sắc khi anh Hoàn đưa tôi đến gặp một số văn nghệ sĩ thành phố… Tôi thấy cả nước đã vượt qua cầu Hiền Lương vào giải phóng Sài Gòn, còn tôi vẫn không tự giải phóng được mình khỏi những ràng buộc của một đề tài, của một địa phương, của một loại nhận thức kể cả chính trị và thẩm mỹ…
Tất nhiên không phải chỉ có tôi. Có nhà thơ nhà văn cho đến tận bây giờ, vẫn không tự giải phóng được mình trong cả sáng tác, phê bình và lý luận văn học. Bạn cứ đọc kỹ đi, sẽ thấy rất rõ điều đó. Trong tôi lớn dần lên một quyết tâm là phải làm lại từ đầu, để thơ mình đến được với toàn thể nhân dân, kể cả những người không cùng đứng với chúng ta trong một chiến hào… Họ cũng phải tìm đến với thơ mình chứ. Tôi loay hoay mất đến 10 năm không biết sẽ viết như thế nào. Viết như cũ thì chính mình cũng không thích nữa. Còn viết khác thì chưa biết khác thế nào. May sao có công cuộc đổi mới từ Đại hội VI của Đảng đã cứu tôi. Tôi tìm được đường đi cho thơ mình. Tôi viết về nhân dân, với những vui buồn có thực trong đời họ, như chính bản thân tôi đã thấy, thậm chí đã cảm nhận bằng cả gan ruột có thực của cơ thể mình…
«Thế trước đây, anh không viết về nhân dân sao?
- Có chứ. Chả viết về nhân dân thì viết về cái chi, nhưng nhân dân trong tác phẩm của mình thuở ấy là do mình nghĩ ra, nói lấy được, với những tiêu chí rút ra từ sách vở. Vui buồn cũng phải xem có đúng với sách vở hay không… (cười). Phải có những bài học đau xót mới nhận ra rằng, cuộc sống là cuộc sống, sách vở là sách vở: Sự đời bao rắc rối / Phải trái tính sao đây? / Lòng mình thì nhàu nát / Kinh sách thì thơ ngây...
«Phải chăng vì thế, nên anh từng tự bạch có vẻ hơi… to tát rằng: “Cuộc sống và những khát vọng của nhân dân luôn xúc động tôi. Mọi cố gắng của cả cuộc đời tôi là biến những xúc động đó thành nghệ thuật”?
- Đấy là tâm niệm của tôi trong 15 năm cuối thế kỷ 20 và tôi đã thực hiện ý nguyện đó trong Nhà thơ và hoa cỏ, tập thơ đã tái bản tới lần thứ 16. Sang thế kỷ XXI, tôi đã nghĩ khác. Hai tập thơ đầu thế kỷ này của tôi là Bản xônat hoang dã và 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, tôi viết về đời sống thứ hai của con người. Ở đây, khái niệm nhân dân đã được thay thế bằng con người. Đó là đời sống văn hóa và tâm linh với những đúc kết, suy tưởng, chiêm nghiệm… Nó là hồn vía của cái thực. Cái thực không nhìn bằng mắt mà nhìn bằng hồn. Nó ảo. Tôi có cảm nghĩ rằng, nhà văn thì viết bằng cuộc sống, còn nhà thơ thì phải viết bằng hồn. Có cái gì đó ám ảnh anh, buộc anh phải viết ra cho bằng được với những đặc trưng như thế, như thế… nếu không viết được như thế, anh hoàn toàn mất thăng bằng. Đối với anh đó là sự giải thoát những bức bối như là của cá nhân, còn đối với bạn đọc, đó là sự khám phá không bao giờ nguôi ngoai về con người, về cõi người…
«Tôi được đọc nhiều nhận xét của những nhà thơ nổi tiếng về anh, đại ý rằng: thơ anh mang nặng nỗi đau đời, nỗi đau của kẻ sĩ, có những bài những câu đau đến xé lòng… Đã đành đó là tâm trạng của nhà thơ trước trần thế, nhưng bên cạnh nỗi đau, vẫn còn những niềm hạnh phúc chứ, thưa anh?
- Chính vì còn có những niềm hạnh phúc như thế nên tôi mới viết về nỗi đau. Tôi muốn người đọc nhận ra nụ cười sau những giọt nước mắt và theo tôi, chỉ có những ai thẩm thấu được vị mặn chát của những giọt nước mắt mới hiểu được hạnh phúc thực sự là như thế nào. Đây cũng là một cách để tiếp cận với hạnh phúc. Tôi nhớ khoảng tháng 4 tháng 5 năm 1954 khi tôi 10 tuổi, chui vào tăng sê tránh đại bác của giặc Pháp, cứ mỗi lần đại bác nổ, mẹ tôi lại rên rỉ kêu lên: Trời ơi, bao giờ thì hòa bình. Chỉ cần hòa bình thôi, suốt đời ăn cháo cũng được. Tôi nghĩ bát cháo mẹ tôi ăn sau này không cùng cảm nhận với những người chưa từng biết đại bác nổ ở bên cạnh…
«Còn những tập thơ anh không công nhận, số phận chúng ra sao?
- Có đến 4 tập, với 166 bài và 2 trường ca tôi đã viết trong 1/4 thế kỷ thời bao cấp (1960 - 1985). Hầu hết những bạn thơ thời chống Mỹ của tôi đều viết như thế cả. Có lẽ là tôi quá nghiệt ngã với mình, với quyết tâm làm lại mình, nên dứt khoát từ bỏ chúng. Sau tôi có đọc một số luận án tốt nghiệp đại học của mấy em sinh viên viết về thơ tôi, để hiểu tôi trong một quá trình, các em đã tự đi tìm trong điều kiện không có đủ tư liệu để chọn lựa và trích ra những câu thơ thời ấy của tôi… thú thực là tôi xấu hổ. Do đó, tôi tự chọn lại cho in thành tập Gửi lại dọc đường gồm 28 bài mà tôi gọi là Phụ lục thơ và ghi chú rằng, nếu cần trích dẫn làm ví dụ thì chỉ nên chọn từ sự cung cấp này của tôi. Bạn thử đọc lại mà xem, cũng chẳng đến nỗi nào, dù tôi coi đó là thời gian tập sự… Có những bài như Làm thủy lợi ở Giáp Khẩu đã in trong Tuyển tập thơ về Chủ nghĩa xã hội của nhà xuất bản Giáo dục, và vào sách giáo khoa lớp 8 nhiều năm…
«Nhà thơ Trần Đăng Khoa, em trai anh, nhận xét thế nào về thơ anh?
- Chú ấy đọc rất tinh và nhận xét thường rất đúng. Chú ấy thường nói rằng, viết thế này đâu phải đã là anh.
«Vậy câu chê nào mà Trần Đăng Khoa thường dành cho anh?
- Viết thế này, anh không thêm được cái gì!
«Anh nghĩ thế nào khi nghe những ý kiến đó?
- Tôi nghĩ, như vậy là tôi đã có một cái gì đó để chú ấy hình dung và so sánh tôi với người khác. Năm 1969, nhà văn Nguyễn Tuân về Quảng Ninh dự hội nghị văn học công nhân do Tổng công đoàn, Hội Nhà văn và Viện Văn học phối hợp tổ chức. Ông rải một cái chiếu đôi ra giữa nhà. Thấy chiếu quá rộng và ông thì gật gật mỉm cười, tôi bèn ghé vào ngồi. Ông bảo: không được! Đây là cái chiếu của tôi. Cái chiếu của cậu ở giữa làng văn, cậu phải tự rải lấy mà ngồi chứ. Tôi nhận ra đây là lời dạy của một bậc thày. Sau 48 năm cầm bút, với 13 tập thơ và 3 tập văn xuôi, hình như tôi cũng đã tự rải được một cái chiếu nho nhỏ cho mình rồi chăng? Thì ra con đường dài nhất và khó nhất là đến với chính mình, là tìm thấy chính mình: Mỗi người một câu hỏi? / Đi mang mang trong đời / Nổi chìm bao ghềnh thác / Tôi chưa tìm thấy tôi…
«Có bao giờ anh cho rằng, 'chú Khoa' với sự nổi tiếng từ năm lên 8 tuổi, đã che khuất anh đi chút ít?
- Thời bao cấp thì hiển nhiên là như thế rồi. Lúc ấy đói kém, cứ nói sắp liên hoan là mình đã xúc động. Mâm cỗ đóng 6, còn bao người chưa đến lượt ăn, làm sao 2 anh em ngồi cùng một mâm được. Mình cũng phải tự biết điều chứ. Thằng em được ăn đã là may rồi, thằng anh phải vui vẻ lánh xa rồi phấn khởi ra về thổi lấy cơm mà chén chứ. Đấy cũng là sự công bằng. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có đăng báo Văn Nghệ một câu rất vui: “Hai anh em nhà ấy, lọt sàng xuống nia có đi đâu mà thiệt.” (cười ). Còn bây giờ thì cỗ bàn nhiều, liên hoan bao la, đến mình cũng chán và chả còn xúc động gì… Bạn cứ ngó xem, nếu chú Khoa đứng cạnh tôi, chú ấy đẹp lão lên trông thấy đấy, còn tôi ngồi cạnh chú ấy, tôi đẹp giai ra rõ ràng… Nghĩa là cả 2 gã vừa hâm vừa ú ớ vịt giời chúng tôi, đều… chỉ có được.
Trần Hoàng Thiên Kim thực hiện
(Nguồn: Văn Nghệ Công An)