Ngày 4/10/2011 vừa qua ở nước ta đã ra mắt Hội Kiều học, tỉnh Bắc Ninh có một số hội viên sáng lập, trong đó có ông Nguyễn Khắc Bảo, nhà Kiều học hàng đầu của tỉnh với các tác phẩm khảo cứu đã công bố như Đường đến nguyên tác Truyện Kiều, Truyện Kiều văn bản hướng tới phục nguyên… Nhân dịp này xin được trao đổi thêm về một chú thích trong tác phẩm Truyện Kiều văn bản hướng tới phục nguyên.
Câu thứ 48 các văn bản trước thường đọc là “Ngựa xe như nước áo quần như nen”, chữ nen rất khó hiểu nhưng lại giữ được vần mát ở câu tiếp theo là “Ngổn ngang gò đống kéo lên”. Qua tham khảo nhiều bản Kiều nôm cổ và các tài liệu khác, ông Nguyễn Khắc Bảo đề xuất cách đọc hợp với nguyên bản hơn là “Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Để khẳng định cách đọc này ông có lời chú giải như sau: “Hán thư có câu: “Xa như lưu thuỷ, mã như du long, y quan tắc lộ”: Xe như nước chảy, ngựa như cỏ dong, quần áo đầy đường. Phương ngôn: “Chật như nêm cối”, chỉ cảnh người đi dự hội đông sin sít nhau như những miếng nêm cối gỗ sít liền nhau trên mặt cối xay lúa. Vậy nêm là danh từ, đối với nước cũng là danh từ (Liên hệ câu 988). Nhị độ mai: Tiễn đưa xe ngựa như nêm; Thạch Sanh: Ngựa xe đường cái thực thì như nêm; Văn hoá Liễu Đôi: Trống chầu đàn hát như nêm.
Trước hết về mặt chữ nôm được chọn in song song bản chữ quốc ngữ gồm bộ tài gẩy và chữ nam, đọc là nêm là không phải bàn. Tuy nhiên bộ tài gẩy là chỉ động tác tay do đó chữ nêm này là động từ chứ không phải danh từ. Nếu là động từ thì câu Kiều ở dạng tiểu đối không chỉnh. Nếu nêm là danh từ thì phải thay bộ tài gẩy bằng bộ mộc thì chữ nêm này mới có nghĩa là cái nêm, vật thường làm bằng tre, gỗ. Bộ tài gẩy và bộ mộc nét viết khá giống nhau, cứ cho là việc in khắc sai hoặc thiếu nét đi thì người khảo đính cũng nên chú rõ ra như vậy mới phải.
Tuy nhiên lời chú vẫn chưa thoả đáng, chưa chuẩn ở chỗ cái nêm và việc nêm cối xay lúa.
Cái nêm là vật dụng thường làm bằng tre, gỗ hoặc kim loại có kích thước dài ngắn to nhỏ khác nhau tuỳ theo công việc đòi hỏi. Nêm cán cuốc, cán cào, cán mai… cho chặt để dễ làm, làm năng suất cao thì người ta chỉ dùng cái nêm một lần cố định ở cán luôn. Đan rổ, sảo khó dùng tay ấn nan chặt giữ kích thước mắt đan thì phải dùng cái nêm và dùi đục gõ cái nêm để nêm nan. Bổ củi người ta cũng dùng cái nêm để tách thớ củi đỡ sức. Cái nêm ở các việc này là vật chuyên dụng, dùng nhiều lần, lâu dài. Việc nêm răng cối xay lúa cũng vậy. Cối xay lúa có vỏ đan bằng tre chắc chắn. Vỏ giữ phần đất bột mịn đã được giã kĩ để cố định răng cối. Răng cối làm bằng gỗ nhãn già, kích thước ba ngón tay, dày khoảng 3 mm và được trồng theo hàng lối nhất định để khi xay làm bật vỏ trấu và đùn gạo, trấu ra ngoài được. Do trồng răng cối trên đất nên nhất thiết phải dùng nêm để nêm cho chắc, nếu làm không kĩ khi xay bật răng cối thì sống thóc nhiều và hỏng cối. Như vậy răng cối mới sin sít nhau trên mặt cối xay lúa chứ không phải cái nêm cối vì cái nêm cối là vật dụng chuyên dùng của thợ đóng cối.
Về mặt phân loại từ tiếng Việt có hiện tượng đồng âm, đồng mặt chữ nhưng khác loại khó nhận biết. Chữ Hán và chữ nôm dễ nhận biết hơn do đồng âm nhưng khác mặt chữ. Chữ Nga do có phần từ căn chung nên khác vĩ tố thì là khác từ loại rất dễ nhận biết. Với chữ nêm trên đây ta đã biết hai nét nghĩa của hai loại từ: nêm là động từ (động tác nêm) và nêm là danh từ (cái nêm). Tuy nhiên còn một nét nghĩa nêm là danh từ (không phải cái nêm) mà ta ít nhận thấy, đó là sự nêm, công việc nêm, kết quả việc nêm. Ví dụ:
- Bác phó nêm cối (nêm là động từ).
- Nêm là việc của thợ giỏi (nêm là danh từ chỉ loại công việc).
- Cái nêm của bác phó mất rồi (nêm là danh từ chỉ đồ vật).
Trở lại câu Kiều 48 và lời chú giải, trước hết ta phải khẳng định áo quần ở đây là cách nói dùng bộ phận để chỉ toàn thể, và cụ thể nó có nghĩa chỉ người mặc quần áo chứ không phải đơn thuần chỉ áo quân là đồ vật. Áo quần như nêm là chỉ người đi đứng đông đúc, sin sít như răng cối trên mặt cối xay lúa đã nêm chặt. Và rõ ràng câu Kiều đã có sự tiểu đối rất chỉnh: Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Phạm Thuận Thành
Hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
02413.782.355 - 0168.5300.803
Phạm Ngọc Hải - phamngochai1657@gmail.com - 0915089079 - KP 3, P, Đông Lương, TP Đông Hà
(Ngày 03/01/2019 15:32:07)
Tôi đã từng nghe một ông thầy nào đó( tôi quên tên rôi) giải thích từ "nen" một lần và nhớ mãi và nếu ai đã thấy cây nen, rừng nen một lần sẽ hiểu ngay: nen là một loại cây bụi mọc tốt trên cát lá cứng rậm rạp và mọc dày đặc, cũng khá đẹp. Nen được trồng để chắn cát giữ đất, thấy nhiều ở vùng đất cát Quảng Trị, Quảng Bình, và có lẽ vùng Hà Tĩnh quê cụ Nguyễn Du gần biển cũng nhiều. Cụ dùng từ thật tài và quá hay, chữ "nêm" theo tôi không vần và cũng không hay bằng. Mong được phản hồi
Lê Văn Thuyết - thuyetsgdht@gmail.com - 0989786968 - Hà Tĩnh
(Ngày 03/04/2018 13:47:31)
Theo tôi thì chữ “nen” chứ không phải “nêm” bởi vì: Cụ guyễn Du quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ở HT quê tôi có cây nen cùng dạng như sim, mua, móc,... ở trên núi. Nhìn cây nen giống như hoa ngũ sắc, quả nen còn non có màu xanh, rồi dần chuyển màu vàng, hồng, tím, đen. Vì vậy, câu “Ngựa xe như nước, áo quần như nen” là đúng!
Nguyễn Phi Diếu - phidieuvungtau@yahoo.com.vn - 064.3818.817 - 286/17 Lê Hồng Phong TP Vũng Tàu
(Ngày 30/03/2012 11:46:14)
Nguyễn Phi Diếu - phidieuvungtau@yahoo.com.vn - 064.3818.817 - 286/17 Lê Hồng Phong Vũng Tàu
(Ngày 09/10/2011 14:16:06)
Kính thưa ông Phạm Thuận Thành.Ông viết về chữ NEM và NÊM là ông khịa ra chứ tôi thấy từ cổ chí kim văn bản nào cũng viết chữ NÊM cả.chẳng qua là sách nào đó in sót dấu chứ chúng ta vẫn hiểu cái tài của Nguyễn Du dùng từ chứ. Ai mà chẳng hiểu chữ nêm của tác giả nói lên người chật như nêm cối hình tượng ví von " Trong nhà người chật một lần như NÊM"...Chuyện này ông nêu hơi thừa. Chúng ta không đáng bàn, bởi vì không có gì mới và hay cả. Đấy là theo ý tôi. Xin lỗi ông và mong ông tha thứ sự mạo muội của tôi. Truyện Kiều còn có nhiều cái đáng nói hay hơn nữa. Chúng ta nên nghiên cứu thêm. Kính chào ông. |