Ngày nay, hầu hết các nhà văn, nhà thơ trẻ đều sáng tác trên máy tính, nghĩa là bản thảo không dùng bút mực và giấy viết nữa. Nhưng hiện ở Lục Bát Hội Quán (Văn phòng của Website lucbat.com – số 6, ngõ 40, phố Võ Thị Sáu, Hà Nội) có trưng bày hàng trăm chân dung và bút tích của các văn nghệ sĩ và trí thức nổi tiếng Việt Nam. Tại “Bức tường Chân dung – Bút tích” ở Lục Bát Hội Quán, bạn có thể tìm thấy nét chữ của các tên tuổi lừng danh như: Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, Đặng Thai Mai, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Quang Dũng, Tố Hữu, Trịnh Công Sơn, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Bút Tre, Vũ Trọng Phụng, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Xuân Sách… Nhiều bút tích trong số đó là bản gốc, nghĩa là độc bản duy nhất, rất quý giá.
Nhằm góp phần tôn vinh sự cống hiến của các Văn nghệ sĩ - Trí thức với đất nước và giúp thế hệ bạn đọc trẻ hôm nay có điều kiện tiếp cận với các tác giả dước góc độ "Bút tích học"; Lục Bát Hội Quán có tổ chức lưu bút. Các Văn nghệ sĩ – Trí thức khi đến địa chỉ này, đều được trân trọng mời lưu bút: chép một bài thơ, một câu nói hay, rồi ký tặng, ghi rõ bút danh, ngày tháng… bằng chất liệu giấy và mực khó phai, bền lâu.
Vậy những Bút tích có ý nghĩ như thế nào? Chúng tôi xin giới thiệu một số tư liệu vừa được lucbat.com sưu tầm, góp phần lý giải một phần nào điều thú vị nêu trên.
Họa sĩ Nguyễn Chinh, đến từ TP. Hồ Chí Minh, bên bức tường Bút tích
và Chân dung Văn nghệ sĩ - Trí thức Việt Nam tại Lục Bát Hội Quán.
1- “LƯỢM LẶT” BÚT TÍCH NGƯỜI XƯA
Chữ của nhà văn Hồ Biểu Chánh hơi nghiêng nghiêng nhưng cứng cỏi, nét chữ của Thanh Tịnh rất đẹp, chữ và bản thảo chép tay của Nguyễn Hiến Lê thì chỉn chu… mỗi nét bút đều thể hiện “nết người”.
Khác với thói quen chầu chực mong gặp được các nghệ sĩ, người nổi tiếng để xin chữ ký của nhiều bạn trẻ, những người sưu tầm bút tích, di cảo của các nhà văn ngày xưa phải tìm kiếm như những nhà “khảo cổ”, thậm chí phải bới tung những tiệm sách cũ, lục lọi ở các nhà xuất bản… để có được thủ bút của “những người muôn năm cũ” mà mình hâm mộ.
Sách cũ thì dễ nhận biết vì có năm xuất bản, số lượng phát hành, nhưng chữ viết của nhà văn thì thật khó, và không phải ai cũng có thể nhận biết một cách dễ dàng. Tìm được chữ đã khó, xác định chữ đó có phải là bút tích thật sự của nhà văn ấy hay không là chuyện còn khó hơn. Có người phải thông qua các văn bản trong thư viện, ảnh chụp kiểu chữ, hoặc tìm gặp những người họ hàng của nhà văn… để xác định.
Bút tích của giáo sư Hoàng Xuân Hãn
Nét chữ của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan trên tấm danh thiếp của mình
Chữ ký của nhà văn Nhất Linh trên tờ Văn Hóa Ngày Nay
Người xưa có câu “nét chữ, nết người” - cái chữ thể hiện tính cách và cả cảm xúc của nhà văn lúc viết. Độc giả dù được đọc rất nhiều sách của một tác giả nào đó, nhưng nếu nhìn vào cuốn sách có lời đề tặng, hay thấy bút tích của nhà văn đề lên sẽ có cảm giác gần hơn rất nhiều.
Cũng lạ, có những thủ bút của nhà văn được tìm thấy trên một tấm bưu thiếp, một tờ giấy xé vội từ một quyển sổ, hay trên tấm danh thiếp… mà nhiều người sưu tầm sau này vô tình tìm được. Trong bộ sưu tập bút tích của các nhà văn, nhà báo ngày xưa của anh Vũ Hà Tuệ, có những bản chép tay khá đặc biệt như bản thảo của nhà văn, dịch giả Nguyễn Hiến Lê khi ông viết sách Khổng Tử, trên bản thảo còn có dòng chữ “bản này sửa kĩ rồi 11/80”, hay một bản chép tay do nhà thơ Vũ Đình Liên chép lại bài thơ Ông đồ tặng một người bạn trên một tờ giấy màu hồng, nay đã phai sắc. Trên ấn bản đặc biệt của quyển sách Một chữ tình của nhà văn Hồ Biểu Chánh còn có lời đề tặng riêng cho con trai mà anh Tuệ tình cờ tìm được trong một nhà sách cũ…
Anh Tuệ nói, thú chơi này cũng lạ lắm, nhiều khi “quý mà không hiếm”. Thủ bút của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm… không hiếm vì bút tích của họ còn lưu lại rất nhiều. Thủ bút của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Thúc Kháng… được xem là hiếm, nhưng không phải là không tìm được.
Giới sưu tầm hiện đang săn lùng chữ viết của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mạc Tử, nhà văn Nam Cao... Cho đến nay nét bút của họ như thế nào vẫn là câu đố mà nhiều nhà sưu tầm chưa giải được, và ai cũng ước ao sẽ tìm thấy dù một “mẩu nhỏ” chữ viết của những nhà văn, nhà thơ tài danh này.
Theo Nguyên Trang
Bút tích của Nhà thơ Quang Dũng với bài "Tây tiến" bất hủ.
II- BÚT TÍCH HỌC
Từ thời xa xưa trong nền văn minh của phương Đông lẫn phương Tây, người ta đã biết đến một khoa học độc đáo - bút tích học (graphologie), tức là căn cứ vào nét viết, chữ ký để đoán định tâm tính và cuộc đời của con người. Khoa học này hiện được áp dụng trong ngành an ninh của nhiều nước trên thế giới.
Ông Vitas Salzhjunas, Phó cục Bảo vệ lãnh đạo của nước Cộng hòa Litva, là một nhà bút tích học nổi tiếng. Để "thí nghiệm" khả năng của ông, phóng viên báo “Trud” (Lao động) của Liên bang Nga viết mấy dòng chữ không có nghĩa lý gì đưa cho Vitas. Sau khi chăm chú xem kỹ trang viết đó, Vitas nói đúng về trình độ học vấn của phóng viên, nói rõ anh ta là một người cởi mở, dễ thích ứng trong xã hội, dễ xúc động, bướng bỉnh. Anh thừa nhận Vitas đã nói đúng cả những điều anh giấu kín trong lòng.
Bút tích của Thi sĩ Tản Đà, bản nháp bài "Thề non nước" nổi tiếng, được viết cách đây gần một thế kỳ.
Nét chữ tiết lộ tính cách
Vitas Salzhjunas nói: “Để phân tích đầy đủ thì phải viết hai trang. Hôm nay viết một trang và ngày mai viết một trang. Tâm trạng thay đổi, và các chuyên gia có nhận định sâu hơn về những đặc điểm của tính cách”.
Hiện nay, Cục Bảo vệ lãnh đạo của Litva chỉ nhận người vào làm việc sau khi có sự phân tích tâm lý. Nếu như một người nào đó có những nét tính cách tiêu cực thì che giấu chúng không phải là dễ. Trước con mắt của hội đồng xét tuyển, vệ sĩ tương lai của Tổng thống hay của Thủ tướng phải có nhiều phẩm chất. Những điều mà các ứng viên không kể về mình thì nét chữ của chính họ cũng bộc lộ.
Trong số những thử nghiệm có một yêu cầu như sau: Ứng viên phải viết trả lời một câu hỏi vô thưởng vô phạt. Người đó được phát những tờ giấy trắng không có dòng kẻ, một cây bút và anh ta phải bình tĩnh viết ra tất cả những điều mình cho là cần thiết trên một cái bàn phẳng. Sau đó, văn bản được phân tích về mặt bút tích học tâm lý. Và bằng sự kết hợp với những nghiên cứu khác, các giám định viên có được bức chân dung tâm lý của một người. Họ rút ra được kết luận tương ứng về khả năng nghiệp vụ của anh ta.
Bút tích một trang bản thảo của Nhà văn Nguyên Hồng,
tác giả "Bỉ Vỏ" được viết từ cuối thập niên 30 của thế kỷ trước.
Từ những năm 30 của thế kỷ trước, ở Liên Xô, các tài liệu về bút tích học tâm lý đã hoàn toàn bị cấm xuất bản. Theo Salzhjunas, có lẽ chính quyền sợ người dân qua nét chữ có thể biết được một số tính cách của những người điều hành đất nước. Mãi đến đầu những năm 90, người ta mới lại nhắc đến môn khoa học này.
Ở châu Âu, bút tích học tâm lý có mầm mống ngay từ thế kỷ 16. Từ đó trở đi, nó được phát triển rất năng động. Cho đến nay trên lãnh thổ Liên Xô cũ, thậm chí ở Litva, một số chuyên gia không tin vào môn này. Trên thực tế, nét chữ của con người là bức chân dung tự họa độc đáo về nhân cách của họ. Ở mỗi người, nó rất cá biệt, tựa như dấu vân tay, và nó kể về tác giả rất nhiều điều. Thậm chí bằng nét chữ, có thể uốn nắn được con người. Trong một thử nghiệm, bệnh nhân được đề nghị viết bằng phương pháp đặc biệt những con chữ, đoạn văn nhất định, vẽ những hình nào đó. Và điều này đôi khi dẫn tới việc phục hồi một số chức năng của não.
Dù bạn có viết bằng tay trái hay cố gắng thay đổi nét chữ, các chuyên gia bút tích học vẫn nhận ra tác giả của nó, và biết được năng lực, tính cách và những khao khát của bạn.
Nhiều người cho rằng nếu viết bằng tay trái, nét chữ sẽ thay đổi đến mức không thể nhận ra tác giả. Theo Vitas, tay được điều khiển bởi bộ óc. Nét chữ của người thuận tay phải viết bằng tay trái sẽ trở nên vụng về, nhưng căn cứ vào đó vẫn có thể nhận ra rằng tác giả chỉ là một người mà thôi.
Bút tích thư riêng của Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả Quốc ca Việt Nam - viết cho cựu
Bộ trưởng Văn hóa Trần Văn Phác, sau Đêm nhạc Văn Cao, tháng 9 năm 1988.
Mỗi nét đều có nghĩa
Tất cả những gì trình bày trên giấy đều có ý nghĩa. Chỗ để trống phía trên và ở bên lề, vị trí chữ ký sẽ cho thấy tác giả thích ứng với xã hội đến mức nào.
Nhà bút tích học có thể đưa cho người cần "xét nghiệm" một tờ giấy và yêu cầu vẽ một vòng tròn, song không nói là vẽ ở đâu và kích thước ra sao. Có người vẽ vòng tròn nhỏ xíu, có người vẽ một vòng tròn lớn. “Tác giả” của vòng tròn lớn có thể có tính cách cởi mở hơn. Hoặc họ được yêu cầu vẽ nhiều vòng tròn. Có người phân bố chúng cẩn thận thành từng hàng - người này thường có tính cố chấp. Có người vẽ lung tung trên mặt giấy - người này có thể có tâm hồn thi sĩ... Song nhìn chung, việc phân tích nét chữ và con người phức tạp hơn nhiều. Đây chỉ là một vài nét chấm phá mà thôi.
Tài liệu sách kinh điển về bút tích học, chữ “tôi” được viết ấn nét và có móc dài hất lên về phía bên phải nói lên tính cách mạnh mẽ của tác giả, sự mong muốn gây ấn tượng. Chữ “tôi” mảnh mai, không ấn nét có thể chứng tỏ khả năng gắn bó sâu sắc. Chữ “tôi” có dáng bay bổng với nét bút kiêu hãnh nói lên sự chân tình và nguyện vọng muốn phục vụ mỗi người. Song, tất nhiên, chỉ có thể rút ra kết luận sau khi tổng hợp tất cả các khía cạnh của chữ viết.
Cùng với thời gian, do những hoàn cảnh khác nhau, tính cách của con người, thái độ đối với cuộc sống có thể thay đổi, và điều đó cũng có thể hiện trong nét chữ, bút tích của họ...
Và qua bút tích của các Văn nghệ sĩ - Trí thức... mỗi chúng ta đều có thể khám phá thêm nhiều điều thú vị hơn nữa về những thần tượng của mình.
Theo Lê Sơn