Ông từng từng có một tuổi thơ lam lũ, một thời thanh niên sôi nổi; từng trải qua những trận đánh ác liệt, thậm chí một mình bò giữa bãi bom mìn tìm đồng đội vẫn không run sợ, vẫn vững vàng... vậy mà khi kể lại chuyện đời mình, với những ký ức không dễ chia sẻ, nhiều lúc những giọt nước mắt ông vẫn ứa ra…
Đó là luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (23 Hồ Đắc Di, Hà Nội; Điện thoại: 0983651466) – Người đã có nhiều năm được tôi luyện và trưởng thành trong lực lượng CAND.
Vào đời trong khói lửa
Bùi Sinh Quyền tuổi Mậu Tý (1948), sinh ra và lớn lên tại một làng quanh năm chiêm trũng thuộc xã Sơn Hà, huyện Nho Quan Ninh Bình. Tròn 17 tuổi, Bùi Sinh Quyền xung phong đi bộ đội, nhưng không được chấp nhận. Một hôm có người bạn với bố Quyền, làm Trưởng Công an Thị trấn Nho Quan đến chơi nhà. Nhìn thấy Quyền, ông bạn của bố chê “bé quá” nhưng lại hỏi: “Cháu có muốn đi Công an không? Quyền ngây ngô hỏi lại: “Công an là... cái gì hả bác?” Ông bác chỉ tay vào người mình: “Như tao đây này”! A, thế thì cũng “oai” ra phết! Quyền gật đầu liền. Ông bác liền viết cho một lá thư tay để Quyền mang lên Công an huyện xin giấy tờ, hồ sơ về khai.
Thế là Quyền vào Công an. Ngày 20-9-1966, Quyền xách ba lô lên Trường đào tạo Công an Trung ương, mật danh là T17 sơ tán tại thôn Chí Phú ở Bất Bạt, Hà Tây tập trung, bắt đầu một năm học nghiệp vụ Công an. Kết thúc năm học, ai đi từ địa phương nào lại về địa phương nấy công tác, nhưng chẳng hiểu sao Bùi Sinh Quyền lại có trong danh sách về Hà Nội, công tác ở Phòng cảnh sát giao thông.
Bùi Sinh Quyền được phân công về Đội cầu phà, làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng cho xe các tuyến qua Hà Nội vận chuyển hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam. Thời chiến, đây là công việc hết sức gian khổ và nguy hiểm nên mọi hoạt động đều diễn ra vào buổi tối để tránh máy bay Mỹ bắn phá. Các bến phà Khuyến Lương, Chèm, Bác Cổ... sông Hồng; Đông Trù, Phù Đổng... sông Đuống, là những nơi địch thường xuyên tập trung đánh phá dữ dội, nhưng chẳng nơi nào không có dấu chân anh lính mới Bùi Sinh Quyền. Nhiều lần, cái chết cận kề trong gang tấc, Quyền vừa phân luồng thông xe được bến dưới thì máy bay Mỹ đánh bến trên. Có đêm, vừa mới di chuyển từ bến phà Chương Dương xuống bến phà Khuyến Lương thì khu vực bến phà Chương Dương và Long Biên bị đánh bom tan nát, người chết nhiều lắm.
Cuối năm 1968, sau khi đình chiến lần I, đội cầu phà của Phòng Cảnh sát Giao thông Sở Công an Hà Nội giải tán, Bùi Sinh Quyền về công tác tại Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy và nhận nhiệm vụ ở trạm Chèm với công việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, tuần tra kiểm tra hàng hóa trên tàu thuyền từ Hải Phòng về cảng Hà Nội, đi dọc sông Hồng lên phía Bắc. Một năm sau khi làm tổng hợp về xử lý khám nghiệm tai nạn giao thông, anh được đi học lớp chấp pháp trước khi về làm công tác điều tra xét hỏi. Thời gian này, Quyền quen biết chị Mai Thị Lan, một đồng đội ở cùng Phòng Cảnh sát Giao thông. Những tháng ngày gần nhau, hai người có hoàn cảnh tương đồng, lại hiểu biết và chia sẻ mọi tâm tư, tình cảm, nên nhanh chóng gắn bó.
“Lan không phải là cô gái xinh nhất, nhưng lại là người hợp nhất để tôi chọn lựa” – giờ đây, sau bao năm tháng cùng nhau, ông Quyền vẫn bằng lòng về quyết định của mình thời tuổi trẻ. Có lẽ tình yêu chính là động lực để họ cùng hăng say hơn trong công việc. Vì thế, những năm tháng này Bùi Sinh Quyền gặt hái được nhiều thành công. Anh cũng tranh thủ thời gian tiếng súng chiến tranh tạm ngưng để lao vào học bổ túc hết cấp ba, thực hiện nốt ước mơ học hành còn dang dở. Không chỉ thế, anh còn được dự thi học sinh giỏi bổ túc môn hóa học toàn thành phố.
Bức ảnh ngày cưới của vợ chồng Bùi Sinh Quyền - Mai Thị Lan năm 1973.
Chiến tranh bùng nổ trở lại, Bùi Sinh Quyền tiếp tục lao vào công việc với nhiệt huyết say sưa và một tinh thần quả cảm. Đã nhận nhiệm vụ là mưa bom, bão đạn cũng không quản. 5 năm liền (1969-1973), năm nào, anh cũng được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua.
Trong trận “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử cuối năm 1972, Sau một trận rải thảm của B52 Mỹ, trận địa pháo đặt ở khu vực bờ sông đường Bạch Đằng bị san phẳng. Không biết ai còn, ai mất. Sự quan trọng của trận địa pháo đến mức nghe tin dữ, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã yêu cầu cử người đến tận nơi xem xét và báo cáo. Nhưng giữa đêm hôm khuya khoắt thế này, ai sẽ là người xung phong làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm ấy? Bởi nơi đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Chỉ cần một quả bom bi còn sót lại có thể nổ bất thần với sức sát thương không hề nhỏ. Một quả bom chưa kịp nổ cũng có thể rình rập dưới bước chân người.
Là cảnh sát giao thông đường thủy, nhiệm vụ của Bùi Sinh Quyền không phải ở chỗ này bởi không phải địa bàn anh phụ trách. Nhưng lúc đó, là Bí thư Chi đoàn, anh hiểu được sự cần thiết phải cứu những người đồng đội trên trận địa nếu họ còn sống sót. Hơn nữa, anh cũng muốn ra đó để xem những đồng chí của anh trên bến sông có được an toàn và các phương tiện ca nô, tàu thủy ở đó có bị ảnh hưởng gì. Thế là anh xung phong đi, bất chấp sự ngăn cản của nhiều người vì thấy quá mạo hiểu, bất chấp cả tiếng khóc nghẹn vì lo âu thắt lòng của người yêu.
Giữa đêm đen đặc quánh, trong cái rét cắt da của đêm cuối năm Hà Nội, Bùi Sinh Quyền chỉ mặc độc chiếc quần đùi, rồi cầm mấy chục mét dây thừng buộc một thanh sắt, bò vào trận địa, kéo ngang dọc khắp nơi, để cho bom bi nổ nếu còn ở trận địa. Tất cả những người đứng ở xa đều nín thở vì căng thẳng. Ai cũng lo âu một tiếng nổ bất thần. Không có điều gì có thể đoán định được lúc này, trong sự khốc liệt của chiến tranh. Quyền vẫn bình tĩnh kéo đoạn dây bò mấy vòng khắp trận địa, cũng để tìm xem các chiến sĩ pháo thế nào. Nhưng chỉ còn lại sự im vắng mênh mông. Không một ai còn sống sót. Vẫn là họ đấy, những người đồng chí thân yêu thường đánh bóng chuyền với anh các chiều rảnh rỗi, trò chuyện với nhau đủ mọi việc trên đời và cùng mơ ước về một ngày hòa bình không tiếng súng, để được về bên những người thân yêu nhất trên đời. Vậy mà giờ đây, họ nằm đó giữa thinh không, giữa mùi khói bom khét lẹt, thân xác chẳng ai còn nguyên vẹn và những ước mơ bình dị của họ cũng tan trong sự tàn phá của bom mìn.
Bùi Sinh Quyền phải hết sức trấn tĩnh, để nỗi đau và những xúc cảm không chế ngự được anh lúc này, bởi hơn ai hết anh hiểu rằng, công việc phía trước vẫn bộn bề. Khi Quyền trở lại điểm xuất phát, mọi người ùa đến bên anh, xúc động tuôn trào. Hành động dũng cảm của anh đã nhanh chóng được bản tin của Công an Hà Nội và một số tờ báo đưa tin. Ngay sau đó, anh vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ.
Tinh thần quả cảm và sự tận tụy của Bùi Sinh Quyền trong những năm tháng chiến tranh đã được đồng đội ghi nhận. Năm 1972, anh đã là đại diện duy nhất của Sở Công an thành phố Hà Nội dự Đại hội “Thanh niên ba sẵn sàng toàn quốc”. Tại Đại hội này, toàn lực lượng Công an chỉ có 9 người, trong đó, có Bùi Sinh Quyền, Nguyễn Thị Minh Hiền, Anh hùng Lực lượng An ninh miền Nam.
Dù ở cương vị nào, Bùi Sinh Quyền cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với vai trò gương mẫu... Nhưng con đường sự nghiệp của Bùi Sinh Quyền lại không may mắn: Mãi đến năm 1973, Bùi Sinh Quyền mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1975, khi đã là Thường trực Đoàn thanh niên Sở Công an thành phố Hà Nội, Bùi Sinh Quyền có tên trong danh sách đi học trường Nguyễn ái Quốc, nhưng rồi, khi hồ sơ được hoàn tất thì tên anh lại chỉ nằm trong số những người đi học lớp sơ cấp chính trị đầu tiên của Thành ủy Hà Nội...
(Còn tiếp)
______________
LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận