Tôi biết ơn họ vì đọc thơ của họ tôi học hỏi được nhiều điều; trong chừng mực nào đó, tôi cũng xem đó là những người thầy của tôi trên bước đường sáng tác còn nhiều chông gai gian khó...
Lang thang trong vườn thơ Lucbat.com, tôi gặp nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan với những vần thơ ngọt ngào lay động lòng người, có nỗi cô đơn nào lớn hơn thế như những câu thơ sau đây của Thúy Ngoan không:
“Một đời lận đận đi tìm
Bóng chim tăm cá nổi chìm ngoài khơi
Em giờ như cánh hoa trôi
Bến sông thì cạn… Bến đời thì sâu”
(Xin đừng)
Tuổi xuân của một đời chóng qua mau nhất là đối với người phụ nữ, sự hờn trách được thể hiện trong thơ của chị bao giờ cũng nhẹ nhàng như sương khói, như chính tâm hồn mong manh rất đàn bà dễ bị tổn thương:
Xin anh đừng nhớ làm chi
Tuổi xuân đã cạn, tóc thì đã sương
Thơ buồn như sợi chỉ vương
Em ngồi khâu lại vết thương cuối mùa.
(Xin đừng)
Đọc Lục bát của nhà thơ Hồ Phong Tư, ta cũng dễ “say” với cái say của thi sĩ. Có vẻ là hơi “trái khoáy, bất cập” trong bài thơ “Chiều Đồng Mô” khi người đọc đang chờ đợi cảm xúc của tác giả vào một buổi chiều hoàng hôn tại Khu du lịch Ðồng Mô với rừng cây, thảm cỏ bên cạnh sân gôn cùng những biệt thự xinh đẹp ẩn mình sau bìa rừng, soi bóng xuống mặt hồ nước trong vắt, thế mà hai câu kết lại là:
“Nửa đêm thức giấc sững sờ
Thấy trăng lẻ bóng bên hồ tắm sương…”
(Chiều Đồng Mô)
Thì người đọc cũng đã có đầy đủ các thông tin về mặt hồ lao xao là sóng, có “ráng chiều nhuộm đỏ lòng thung”, cũng cảm nhận được vị “cay đắng” của cuộc đời bên ly rượu mà cảnh đẹp không thể làm “nhòe” đi được…, Nhưng cái đẹp tinh túy mà tác giả muốn mời ta cùng “thưởng ngoạn” thực ra lại là cảnh ngắm “trăng lẻ bóng bên hồ tắm sương” giữa màn đêm tĩnh mịch kia! Thế là quá logic rồi còn gì nữa? Đọc xong ta mới chợt nhận ra cái thông điệp mà tác giả muốn nhắn gởi đến người đọc là: Chiều Đồng Mô thơ mộng hữu tình lắm đấy nhưng đêm Đồng Mô còn quyến rũ hơn nhiều…
Việt Hà xuất hiện không nhiều trên trang lucbat.com nhưng tôi luôn mong được đọc những bài thơ của cô, tôi có thoáng thấy Việt Hà trong lễ hội Lục bát Canh dần khi người phụ nữ bé nhỏ xinh xắn này trên tay cầm máy ảnh thoăn thoắt đi qua các chiếu thơ để chụp ảnh cho các bạn thơ của mình (mà ảnh của Việt Hà thì không phải ai cũng “chộp” được), tôi và Việt Hà chưa kịp nhận ra nhau thì cô lại đã biến mất trong dòng người đông đúc của Lễ hội. Chưa giáp mặt nhau nhưng thơ của Việt Hà luôn nằm trong một góc tâm hồn tôi:
“Anh như ráng đỏ chân trời
Em như con nước rối bời bến sông
Chiều xuân man mác cánh hồng
Dập dềnh sóng nước bềnh bồng hợp tan”
(Nỗi niềm)
Phạm Trung Kiên với những bài thơ mang tính triết lý sâu sắc cũng luôn ám ảnh tôi mỗi khi thơ anh xuất hiện trên trang. Còn trẻ nhưng theo tôi thơ của Kiên đã đạt được độ chín chắn, chắc tay mà không phải ai cũng có thể dễ dàng với tới được
“Rồi người cũng bỏ ta đi
Nến hoa ở lại cùng khi tiệc tàn
Câu thơ nghiêng ngả trên bàn
Người trong tự cảm giấu ngàn cuộc vui…
Và:
Cả hoa và nến cùng đau
Ta- tên thực khách về sau lại buồn”
(Sau)
Tôi cũng không thể không nhắc đến một người nữa, anh không phải là nhà thơ chuyên nghiệp mà là một bác sĩ đã nghỉ hưu và có tấm lòng với trang Lucbat, mặc dù là nhà thơ không chuyên nhưng anh cũng đã “ẵm” trong tay bốn, năm giải thưởng trong các cuộc thi thơ. Tuy rằng giải thưởng đôi khi cũng chỉ là tương đối và còn phải bàn luận nhiều về các kiểu chấm thi trao giải, nhưng tôi cho rằng bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên sẽ không phải hổ thẹn với các giải thưởng mà mình đã được nhận.
“Mái hiên rụng mấy giọt mưa
Sập sùi thấm lạnh như chưa từng buồn
Núi chìm trong váng hoàng hôn
Thương sao cánh vẫy cô đơn ngang trời”
(Gởi một người xa)
Hay là:
“Mảnh sành cắm buốt gốc già
Lạ thay cây bỗng đâm hoa nảy chồi
Nhíu mày mím chặt làn môi
Chịu một lần để biếc chồi sai hoa”
(Cây mướp)
Đó là những câu thơ mà khi đọc xong ta có thể nghiệm ra được nhiều điều…
Có một nhân vật thơ nữa trong “vườn thơ” Lucbat.com mà tôi muốn nhắc đến là tác giả Nguyên Nguyên
“Buồn buồn mặc áo đi tu
Ngỡ từ bận ấy thiên thu lặng rồi
Dọn sang thế mới ta ngồi
Ngỡ từ ấy đã lặng rồi trần gian…”
(Vụng đường tu)
Câu thơ vừa toát lên sự nghiêm nghị bọc trong sự “tưng tửng, dửng dưng” rất độc đáo, một cách viết rất riêng không lẫn vào ai được của Nguyên Nguyên mà tôi rất ngưỡng mộ.
Những điều cảm nhận tôi viết trên đây với những tác giả được xuất hiện theo mạch nguồn cảm xúc mà không theo một thứ tự nào. Chắc chắn những tác giả này chưa hẳn đã là những cây viết lục bát xuất sắc nhất và những câu thơ được minh họa trên cũng chưa phải là những câu thơ hay nhất; tuy nhiên, như đã nói ở trên, đó là những tác giả đã có những bài thơ hoặc là những câu thơ mà tôi “cảm” được. Tôi biết ơn họ vì đọc thơ của họ tôi học hỏi được nhiều điều; trong chừng mực nào đó, tôi cũng xem đó là những người thầy của tôi trên bước đường sáng tác còn nhiều chông gai gian khó. Có những tác giả tôi chưa một lần được diện kiến nhưng đọc thơ của họ tôi cảm thấy có một sợi dây gắn kết rất gần về mặt tinh thần. Tôi nghĩ, nếu có rộng rãi thời gian để tiếp cận thì trong vườn hoa lucbat.com sẽ còn nhiều thơ hay của nhiều tác giả nữa mà tôi chưa có “duyên” được “bắt nhịp” mạch cảm xúc của họ. Đó cũng là những cảm nhận rất riêng của cá nhân về một vài tác giả có đăng bài trên trang Lucbat.com, có thể không đồng điệu với cách đánh giá của một số độc giả hoặc là tôi chưa hiểu thấu đáo những tâm sự mà chính tác giả đã gởi gắm trong những bài thơ của mình, nếu có sai sót nào đó cũng mong được bạn thơ lượng thứ…
TP. Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2011
Trương Nam Chi