Thứ sáu, 26/04/2024,


Cô gái rửa bát thuê, phụ hồ thành sinh viên Đại học (26/10/2008) 

 

Dành trọn mùa hè cho... phụ hồ và rửa bát thuê

 

Với nước da trắng hồng, đôi mắt to, đen láy, nói chuyện có duyên, không ai nghĩ rằng, Nhung có hoàn cảnh rất vất vả và nghèo khó.

Cả nhà Nhung 5 người đều trông chờ vào mấy sào ruộng, những lúc mất mùa thì phải đi vay từng bữa để ăn. Quá khó khăn, bố Nhung đành phải xa vợ con để lên thành phố làm thuê. Lúc đầu, ông đi buôn sắn, rau nhưng bấp bênh quá nên chuyển sang làm nghề thợ xây.

Nhung tâm sự: “Bố em đi làm nhưng vẫn không đủ ăn vì mẹ em ở nhà thường xuyên bị ốm nên gia đình em nhiều lúc phải chạy từng bữa ăn”. Là chị cả nên khi mẹ ốm, Nhung thay mẹ làm hết mọi việc trong gia đình, dạy em học đến việc đồng áng. Nghỉ hè năm lớp 10, Nhung được người quen giới thiệu vào một quán phở ở Hà Nội làm chân rửa bát, chạy bàn.

Sau những tháng làm lụng vất vả ở quán phở, Nhung đã có số tiền hơn 1 triệu mang về giúp cho gia đình bớt vất vả và có tiền đóng học cho 3 chị em năm học mới.

Đến hè lớp 11, Nhung xin bố cho đi phụ hồ ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Làm việc quần quật cả ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, mỗi ngày Nhung được 25.000đ nhưng Nhung rất vui vì không như làm việc ở quán phở, buổi tối em có thời gian ôn tập để thi đại học.

Nghèo nhưng quyết tâm không cho con nghỉ học, ông Nguyễn Văn Hùng, bố Nhung cho biết: “Vì gia đình quá khó khăn nên chúng tôi mới cho con đi làm thuê nhưng vào năm học vẫn phải đi học đầy đủ. Tôi chỉ ước mong sao con vào đại học để về sau bớt khổ”.

Cuộc sống khó khăn vất vả, nên lúc nào Nhung cũng lo lắng chỉ sợ mình phải bỏ học nhưng nhìn gương mặt khắc khổ của bố và bệnh tật của mẹ em lại quyết tâm vượt qua - Nhung tâm sự: “Những lúc đó, em nghĩ mình phải cố, nếu bỏ cuộc thì sẽ không làm được gì”.

 

Trở thành nữ sinh viên sư phạm

 

Khi được tin Nhung đỗ ĐH Sư phạm Thái Nguyên khối C với 20 điểm, cả nhà Nhung mừng rỡ ôm nhau khóc.

Niềm vui vừa qua thì nỗi lo lắng lại đến. Bố mẹ Nhung tính đi học bây giờ vừa chi phí học tập và ăn uống mỗi tháng tằn tiện cũng đến gần 1 triệu, đây là số tiền lớn đối với gia đình. Còn hơn 1 tháng mới nhập học, Nhung lại xin xuống quán phở ở Hà Nội làm thêm. Sau 1 tháng làm việc vất vả, Nhung được chủ quán trả 800.000đ, đủ tiền nhập học.

Ngày Nhung đi nhập học, dù muốn ở lại xem con nhập trường thế nào nhưng khi đóng đủ tiền học đầu năm cho con, bố Nhung để lại cho con được 500.000đ và vội vàng về để đi làm.

Không được như các sinh viên khác là lĩnh tiền hàng tháng bố mẹ gửi lên, Nhung lĩnh theo tuần. Hàng tuần bố đều đến trường đưa tiền để em chi tiêu, tuần thì 100.000, tuần thì 200.000 tuỳ theo thu nhập của bố.

Bây giờ Nhung đang làm thêm ở một hiệu sách, làm từ 3h30 chiều đến 9h tối, được 20.000đ. Nhung tâm sự: “Có công việc làm là tốt lắm rồi, em cố gắng học thật giỏi để có học bổng bớt đi một phần khó khăn hiện nay”.

 

Theo Hồng Hạnh (Dân Trí)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: