Chủ nhật, 22/12/2024,


Ấn tượng tiệc rượu văn chương (19/09/2011) 
 
 
Ngắm các gương mặt rạng ngời của các nhà văn, nhà thơ, đọc giả cũng có thể hình dung ra sự thành công của lễ hội diễn ra tại miền đất Dương Kinh.
Là người được Hội giao nhiệm vụ đón tiếp, bố trí ăn nghỉ cho các vị khách quý từ các vùng miền về dự lễ hội, tôi đã phác thảo kế hoạch đón tiếp khách một cách đặc biệt nhất. Đặc biệt ở đây không chỉ là cỗ bàn thịnh soạn, trang hoàng trang trọng, như các cuộc đón tiếp khách quý thường dạy rất kỹ trong giáo án của ngành dịch vụ du lịch…Trang trọng, lịch thiệp nhưng gần gũi thân thiện như người trong nhà. Các văn nghệ sỹ của ta xuất thân từ đời thường, họ sống thanh đạm, giản dị, và hòa đồng, vốn sống vốn kiến thức… nói chung là vốn văn hóa cao, họ không tỏ thái độ hay phong cách khệnh khạng, kệch cỡm bao giờ… Nhất là họ không mắc bệnh “Mít tơ oai” như ta thường gặp phải “Nhà thơ, quán thơ, liều thơ…” Ở các địa phương đâu đó…
Đại biểu các đoàn hầu hết tôi đã quen mặt, quen tên, nếu chưa gặp mặt thì cũng đã đọc tác phẩm của họ và họ cũng đã đọc tác phẩm của tôi. Hơn 10h, chiếc xe đầu tiên tiến vào sân khách sạn Hoa Thành Đạt, xe mang biển số Hà Nội do Nhà văn Đào Phong Lưu kiêm tài xế, tôi ra mở cửa xe, Nhà thơ, biên tập viên lucbat.com Thủy Hướng Dương, chân chưa chạm đất đã nhanh nhẩu giới thiệu: “Đây là Nhà thơ Dung Thị Vân, từ TP Hồ Chí Minh ra”  Tôi cười, rồi quay lại hướng người đẹp lên tiếng: “Ôi người đẹp này thì anh hổng quen, anh chỉ biết cái cô gái “Mùa thu Hà Nội ngồi khâu nỗi lòng”. Bất ngờ, lúng túng, Vân ôm chầm lấy tôi, không biết vì đôi guốc cao gót tiếp đất không chính xác, hay vì cảm động khi gặp một vị giám đốc KS đọc vang câu thơ của Vân, trước sự ngỡ ngàng của bao người. Dung Thị Vân thông minh và hoạt bát, cô ứng xử rất nhanh,Vân cũng đọc toáng thơ của tôi. Thế là các vị khách quý tiến vào đại sảnh không phải bằng thảm nhung trải đỏ mà bằng chính những câu thơ bạn bè đọc của nhau…
Sau màn chào hỏi qúa ấn tượng ấy, chủ, khách bắt tay ngay vào việc. Chả là thấy mỗi mình tôi tiếp khách, nhà văn Đào Phong Lưu tò mò hỏi:
           - Nhân viên của anh đâu hết?
          Tôi trả lời:
          - Hôm nay là một ngày đặc biệt chỉ có “Văn với thơ” thôi, nên tôi cho cán bộ nhân viên nghỉ hết rồi”. Đào Phong Lưu hỏi lại như không tin ở tai mình. Tôi cười, chỉ vào hai người đẹp:
          - Đây! đã có hai tình nguyện viên tài giỏi rồi, thì cần gì nhân viên nữa! Như hiểu ý tôi, mọi người phá lên cười hỉ hả. Tôi nhớ một câu nói của ai đó “Bữa ăn ngon, không phải ăn gì, mà là ngồi ăn với ai mới là điều quan trọng”. Trên đời này hẳn chẳng có bữa ăn ngon nào bằng “Anh đi chợ, em nấu” cả.
Thế là chủ, khách cùng chung tay vào bếp xào nấu cứ như những đầu bếp  thực thụ. Phải thừa nhận Thủy Hướng Dương là cô bé tháo vát, khéo tay, cô học sinh năng khiếu văn trường Lê Hồng Phong- Thành Nam ngày nào, còn có biệt tài hội họa, cho nên việc tỉa hoa bằng củ quả là do Thủy đảm nhận. Những đóa hoa nở ra từ đôi bàn tay cô bé, bông nào cũng đẹp, lá nào cũng xinh. Nhưng nổi bật nhất vẫn là những bông hoa “Hướng về mặt trời” hèn chi Nhà thơ có cái bút danh nghe rất gợi: Thủy Hướng Dương!
 
 
Dung Thị Vân là dân Kẻ Chợ xịn, chứ không như tôi và nhiều người khác chỉ là “…Kẻ Chợ nửa chừng” (thơ TAĐ). Cha mẹ cô là gốc Bắc và cô được sinh trưởng tại miềm Nam nhưng giọng nói vẫn mang âm hưởng của người miền Bắc. Tôi làm phụ bếp cho Vân, cứ ôm khư khư lọ đường bên cạnh mỗi lần xào nấu gì, tôi lại bảo “Đường đây, đường đây!” Vân nhìn tôi lạ lẫm “Anh này kỳ quá nghen. Vân pha tiếng chứ hổng pha đồ ăn. Cả nhà toàn nấu món Bắc không hà…” Hèn chi những món Vân xào nấu, mỗi lần bê ra, tôi đều phải “cảnh báo” cho thực khách “Xin quý vị cẩn thận, kẻo món ăn ngon “nuốt mất lưỡi’ chiều nay không đăng đàn, đọc thơ được đâu…”
Vào bữa, thực khách đề nghị được thưởng thức món rượu nổi tiếng của Hoa Thành Đạt “Tần Thủy Hoàng bảo tửu”. Thế là món rượu quý của bậc Đế vương, có xuất xứ từ đất nước Trung Hoa được ngự trên mâm tiệc. Sau lời phát biểu của họa sỹ Quang Ngọc, phó chủ tịch Hội LHVHNT thành phố Hải Phòng, Nhà thơ Hoài Khánh, phó tổng thư ký hội Nhà văn Hải Phòng, Nhà thơ Trịnh Anh Đạt chủ doanh nghiệp Hoa Thành Đạt và lời cảm ơn của Nhà thơ Bằng Việt, phó chủ tịch Hội liên hiệp các HVHNTVN, Chủ tịch hội đồng thơ, hội NVVN. Khi “nằm trong chăn… rượu” mới hay tửu lượng của các bậc văn nghệ sỹ thành phố cảng, chỉ “đỏ” trên hoa phượng vĩ thôi. Đến ly thứ hai, Họa sỹ Quang Ngọc, Hoài Khánh, nghệ sỹ Minh Tuệ, đều có “ní do” chính đáng để “khi nào đến hẹn lại …nâng!”. Phía đối tác toàn những cỡ “Bình ngâm rượu di động”: Nhà thơ Bằng Việt nhiều năm học tập tại Liên Xô cũ, cũng tại đây anh bảo vệ thành công luận văn tiến sỹ luật của mình. Quê hương của thứ rượu Voska, nổi tiếng thế giới. Bên cạnh là nhà thơ Trần Ninh Hồ, người con của Kinh Bắc, nổi tiếng với những làn điệu dân ca và những lò nấu rượu “cuốc lủi” năm nào… “Tửu nhập thì thi xuất” Hết Bằng Việt lại đến Trần Ninh Hồ thay nhau xả “stress” bằng …thơ, mà toàn thơ lục bát cả (Không biết có phải vì mấy người đẹp của lucbat.com ngồi cạnh hay không). Nhưng ngẫm ra thì trong những bữa tiệc thù tạc kiếu này chỉ hợp với cái tiết tấu, nhịp vần của thứ thơ được gọi là quốc hồn, quốc túy của dân Việt thôi.  
Nhân việc Thủy Hướng Dương mải ghi chép những câu thơ ngẫu hứng của các bậc đàn anh bên mâm rượu, tôi với tay “mượn” Thủy chai rượu mà tôi trực tiếp giao cho “trợ lý” Thủy quản lý, rót đầy ly của Quang Ngọc, Hoài Khánh, Minh Tuệ. Thấy thế ba cái vị “sỹ” này rất ái ngại (Họa sỹ, thi sỹ, nghệ sỹ) tôi nháy mắt động viên “:- Cứ uống đi! “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu!..” Câu động viên ấy có tác dụng hơn rượu mạnh. Ba vị “sỹ” nhắm mắt, nhắm mũi uống hết ly tôi vừa rót đầy, rồi lại rót tiếp và đề  cụng ly. Lời chúc tụng, tiếng chạm ly lách cách, không khí tiệc rượu sôi động hẳn lên. Khách không khỏi ngạc nhiên về “tửu lượng” của chủ nhà. Tôi quay sang hỏi họa sỹ Quang Ngọc “Còn sức chiến đấu chứ?” Họa sỹ nháy mắt nhìn tôi cười cười “OK! Chiến đấu đến cùng!”. Quang Ngọc là mẫu người “đi xe máy qua quầy bán bia đã say, ngã lăn quay ra đường” vậy mà hôm nay uống dữ vậy? Thì ra cũng chai ấy, rượu mầu ấy, với người sành rượu thì là “Tần Thủy Hoàng” với người tửu lượng kém thì chỉ là “Tần thủy… xoàng” thôi.
Quang Ngọc ghé vào tai tôi nói nhỏ “Rượu trong chai anh rót mời cứ ngọt như nước vôí mùng 5 tháng năm ấy!”… Hèn chi chai “rượu” trên tay tôi cạn đến giọt cuối cùng!
 
 
Trịnh Anh Đạt
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: