“... Tôi sẽ dừng lại, ít nhất là 5 năm, sẽ không làm câu thơ nào nữa. Vì tôi không muốn giữ mãi hình ảnh thiếu nữ làm thơ. Tôi đã đủ lớn, đủ chín chắn, tôi muốn có một tôi khác tôi” – Vi Thùy Linh tâm sự.
Vi Thùy Linh
Nguyên nhân của sự "từ giã" này là vì cô không muốn mãi làm thiếu nữ trong thi ca. Cô muốn làm người đàn bà từng trải. Như câu thơ của cô, quả là Vi Thuỳ Linh mỗi lần đến lại mang một điều bí mật.
Nếu ai từng nghe Vi Thuỳ Linh đọc thơ, hẳn sẽ tin rằng cô coi thi ca là sự nghiệp của mình. Cô như một kẻ đang lên đồng, đắm đuối đọc những bài thơ của mình, rất thành kính với những con chữ. Và cô yêu những con chữ của mình thật lòng. Không ai được đụng đến những con chữ ấy, chỉ cần đọc sai một chữ cũng khiến cô đau lòng.
Tôi đã từng nghe Linh đọc bài “Đồng tử” trong Hội nghị những người viết văn trẻ tại Hội An năm 2005. Lúc ấy cô rất xuất thần và có phong thái của một nghệ sỹ biểu diễn.
Bài thơ của một người mẹ với đứa con của mình: “Vào lúc những hạt mồ hôi cha thấm vào ngực mẹ/Mặt đất già chật chội nở dần những luồng hoa đồng trinh/ Mẹ lẻ loi sống bằng mường tượng tỉ mỉ về ngày sống với Cha và con/ Mùi da thịt bụ sữa của con khiến bồn bề bỗng nhiên ngây thơ ngào ngạt/ Biển rộng ra, núi rừng xanh nguyên sinh, da trời liền lại/ Hoa muôn loài ùa về Việt Nam ta nở theo mái tóc của những bé xù/ Đêm tháng 5 mẹ nằm chờ sáng/ Bầu nước mắt hàm tiếu trong tim mẹ/ Chực vỡ oà theo bầu sinh sôi/ Ngôi nhà đầm đìa trăng ngân mãi đại hồ cầm”…
Cô nói, đây là bài thơ cô tặng “bé Xù”. Bé Xù là một đứa con mà cô mong ước. Cô luôn tin khi cô có con, con cô sẽ là một cậu bé xinh đẹp, có mái tóc xù.
Vi Thuỳ Linh từng bộc bạch, cô khao khát được làm mẹ từ rất sớm. Cô nghĩ mình có đủ tố chất, sự thông minh, sự dịu dàng và đức hy sinh của một người mẹ dành cho các con. Và cô mơ ước điều ấy. Tôi cũng nghĩ đó là một mơ ước đẹp của bất cứ cô gái nào.
Nhưng nếu gặp Linh ngoài đời thì có lẽ sẽ có phần e ngại. Bởi cô là mẫu con gái khiến cho đàn ông nghi ngờ về sự chín chắn trong ứng xử. Thậm chí có người nói cô…hơi “man man”.
Tôi nhớ có lần hẹn cô ở quán cà phê gần toà soạn – Linh đến, xe hồng, áo hồng, kính hồng và môi cũng…rất hồng. Sự xuất hiện của Vi Thuỳ Linh trong quán cà phê ngay lập tức tạo được sự chú ý đặc biệt với các thực khách và nhân viên phục vụ.
Cô nói, cô thích màu hồng vì nó tạo cảm giác cho sự hy vọng. Và Linh nói rất nhiều. Cô diễn giải những suy nghĩ của mình và luôn sợ người khác không hiểu. Phải nói cô có đọc, có xem và nghe nhiều thứ, thích làm việc như một nhà văn chuyên nghiệp. Cô muốn chứng tỏ mình không phải là kẻ chỉ coi văn chương là cuộc chơi. Và đừng ai so sánh cô với bất kỳ ai trên văn đàn Việt
Về điều này thì nhiều người đã chế giễu cô. Nhưng thực sự, đã là kẻ sáng tạo, thì khi viết một cái gì đó, chúng ta đều coi đó là cái hay nhất, rằng mình là tài nhất. Bởi từ sự cực đoan ấy thì mới hy vọng những tác phẩm lớn.
Tất nhiên, cách thể hiện của Vi Thuỳ Linh đôi khi cũng trở nên thái quá, khiến không ít người đã ác cảm với cô. Nhưng tôi hiểu rằng, cô không cố ý làm như vậy. Tất cả bởi sự nồng nhiệt quá đà mà thôi.
Đã có thời gian, giữa cô và một nữ nhà văn trẻ khác xảy ra mâu thuẫn, dù cả hai chưa hề…gặp mặt nhau. Vi Thuỳ Linh luôn nghĩ mình đã rất chín chắn, nhưng khi trả lời câu hỏi của báo chí, cô bị rơi vào tình trạng “say nói” và dẫn đến sự bốc đồng. Và cơn bốc đồng đó thường mang đến những hệ luỵ không đáng có, mà đôi khi lại liên quan đến người khác.
Chẳng hạn, trong một bài viết nào đó, người viết có ý nói rằng, “về mặt sexy” thì nữ nhà văn kia “đã đưa Vi Thuỳ Linh vào thì quá khứ”. Điều đó không có nghĩa là cô đã bị đưa vào thì quá khứ. Nó chỉ khẳng định rằng, thơ của cô không phải là thứ để gợi dục như vốn từng quy kết.
Nếu nói về tình dục, thì những gì cô viết trong những tập thơ đầu tiên vẫn chỉ ở mức “gợi cảm” chứ không “kinh hoàng” như những trang viết đầy bạo liệt của những cây bút nữ sau này. Nhưng Vi Thuỳ Linh thì khó chịu về điều đó, như thể thiên hạ ám chỉ cô đã…hết thời.
Thực sự văn chương đích thực thì không có thời. Đã có những câu, những đoạn trong thơ Linh tạo được ấn tượng mạnh. Và nó vượt qua được mọi định kiến, để đứng độc lập và có giá trị thực sự. Và đó là điều không ai thay thế được cô. Cô vẫn là cái tên được nhắc đến đầu tiên trong thơ trẻ.
Nhưng tôi nghĩ rằng, với một người nghệ sỹ, những thói tật là khó tránh, đôi khi vì cá tính của họ mạnh nên những gì họ thể hiện có thể hơi… quá, nhưng cái quan trọng là tài năng của họ. Họ thực sự có tài thì cần được ghi nhận. Và vì thế, đôi khi những thói tật cũng dễ được thể tất.
Cần phân biệt Linh với những cô gái mượn văn chương làm phương tiện đánh bóng tên tuổi, mượn sex làm bệ phóng cho những suy nghĩ bệnh hoạn và lên báo la lối về sự tự do.
Một buổi sáng, Vi Thuỳ Linh gọi điện cho tôi. Cô nói, tháng 11 này cô sẽ ra một tập thơ mới. Sau “Khát”, “Linh”, “Đồng tử”, Vi Thuỳ Linh đã đi được một hành trình dài. Và tập thơ mới này sẽ đánh dấu hơn 10 năm đến với thơ ca của Vi Thuỳ Linh.
“Và tôi sẽ dừng lại, ít nhất là 5 năm, sẽ không làm câu thơ nào nữa. Vì tôi không muốn giữ mãi hình ảnh thiếu nữ làm thơ. Tôi đã đủ lớn, đủ chín chắn, tôi muốn có một tôi khác tôi”. – Linh nói.
Nghe nói nhà thơ Dương Tường cùng một số nhà thơ, họa sỹ…đã ủng hộ và giúp sức cho Linh rất nhiều. “Bìa sách sẽ in hình tôi chụp ở một quán cà phê. Tôi thích màu tím nên đến đó chụp ảnh vì có mấy anh phục vụ đẹp trai mặc áo tím” – cô bất chợt biến từ một phụ nữ già dặn thành thiếu nữ. Rồi cô khoe sắp đi nước ngoài trình diễn thơ. Và nhiều dự định khác.
Khi cô tuyên bố tạm dừng sự nghiệp thơ ca, tôi chợt nhớ tới một thông tin tôi đọc trên Internet mới đây, đôi danh ca người Nga làm một tour diễn cuối cùng của họ. Rồi họ sẽ từ giã sân khấu. Không ai biết họ có từ giã sân khấu hay không.
Trong showbiz thì điều gì cũng có thể xảy ra. Và nó không phải là vấn đề đạo đức. Nhưng rõ ràng thông tin ấy cũng sẽ gây hiệu ứng với khán giả của họ. Ai cũng muốn đi xem danh ca hát những buổi cuối cùng. Chắc Linh tuyên bố mình rời thi đàn không phải để gây sốc.
Và cũng có thể thông tin đó có hiệu ứng với những người yêu thơ của cô. Nó sẽ giúp cuốn sách được chú ý hơn. Nhưng tôi nghiêng về khả năng, Vi Thuỳ Linh muốn tạm ngừng một thời gian, để nhìn nhận mọi việc tốt hơn, để thơ của cô nhiều trải nghiệm và đổi thay như cô muốn. Tất cả đều có thể xảy ra.
Nếu có ai đó dám hy sinh cho thơ ca trong lớp người làm thơ trẻ, thì có lẽ đó là Vi Thuỳ Linh. Cô như một thứ quả trái chín sớm, ban đầu được không ít nhà thơ đi trước vồ vập, nâng niu. Để rồi cô chính là nạn nhân của những lời ngợi ca ấy. Và kết quả là cô rơi vào vòng xoáy của thị phi. Có thể kèm theo đó là một chút ảo tưởng. Nhưng Vi Thuỳ Linh đã phải mất gần 10 năm để nhận rõ được nhiều điều.
Vi Thuỳ Linh yêu bản thân mình. Và cô cũng muốn được người khác yêu như thế. Nhưng cái cách mà cô thể hiện đôi khi lại khiến người khác ngần ngại. Cô sẵn sàng đứng ra bảo vệ bạn, sẵn sàng rủ người khác đi xem một chương trình nghệ thuật mà cô có thể xin được vé mời, hoặc sẵn sàng mua những cái lót nồi, lau cốc để tặng những người mà cô bất chợt gặp đâu đó.
Hoặc thi thoảng, máy điện thoại của bạn bè sẽ nhận được tin nhắn từ tổng đài 141 về những bức xúc, những tâm sự, những chia sẻ hay thông báo một thông tin gì đó về Linh. Có lẽ cô phải yêu đời lắm thì mới làm được những việc hồn nhiên đến vậy. Và cũng phải yêu đời lắm cô mới sống đến tuổi 28 mà hồn nhiên, không muộn phiền.
Tôi không tin Vi Thuỳ Linh từ giã được thơ ca. Nhưng nếu có thể, hãy cứ nghỉ ngơi và thay đổi đi. Bởi cô còn rất trẻ, đường đời còn rất dài. Và năng lượng trong cô còn rất nhiều, nó sẽ là lửa cháy và cháy rất mạnh mẽ…
(Theo An ninh Thế giới)