Thứ tư, 15/01/2025,


Tục nhuộm răng của người Việt xưa (24/10/2008) 

     Trong các truyện cổ tích thì từ hàng nghìn năm trước người nước ta đã có tục nhuộm răng, theo truyền thuyết tục này đi cùng với tục xăm mình và ăn trầu. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư trang 133 chỉ ghi lại lời vua Hùng về tục xăm mình chứ tục nhuộm răng thì không thấy “... rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái vào mình. Từ đấy không thấy thuồng luồng đến cắn hại nữa”. Không chỉ người Việt mới có tục nhuộm răng mà các dân tộc khác như Thái , Si La ... cũng có tục này nhưng mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có cách nhuộm răng khác nhau về ý nghĩa, thẩm mỹ, sức khỏe và chất liệu sử dụng trong lúc nhuộm như người Thái ở Việt Bắc thì họ nhuộm răng và ăn trầu là làm cho răng bền chắc tránh sâu răng.

     Suốt trong thời niên thiếu thì người con gái Thái chưa, chỉ sau khi lấy chồng mới nhuộm răng và ăn trầu. Cách nhuộm răng của họ cũng khác với người kinh, để làm sạch răng họ phải chà sát nhiều lần bằng một miếng cau khô sau đó dùng lưỡi dao hoặc lưỡi thuổng cùn hơ cho vừa nóng, rồi rắc bột cánh kiến lên để bột nhựa cánh kiến nóng chảy ra mà không cháy thành than. Chờ cho bột nhựa cánh kiến vừa nguội mới lấy nhựa đó miết vào răng. Miết cho đến lúc chất nhựa này bọc hết hai hàm răng mới thôi. Trong vòng 7 dến 10 ngày sau không được dùng thức ăn uống nóng, không nhai đồ ăn cứng, khi răng trở nên màu ngà họ sẽ nhuộm đen bằng nhựa cây mét non.

     Tục nhuộm răng là tục cổ xưa của dân tộc Việt, có từ thời các vua Hùng với tục ăn trầu. Sứ thần của nước Văn Lang (Giao Chỉ) trả lời vua nhà Chu (Trung Quốc) về tục ăn trầu 'Chúng tôi có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm cho răng đen...'.

     Về thời Hùng Vương, ai cũng xăm mình. Ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn (nhưng cũng có người bỏ xoã tóc hoặc tết đuôi sam). Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng, ăn trầu (Lịch sử Việt Nam, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1971, tr. 48).

     Trong bài hịch của Quang Trung năm 1789, trước lúc xuất quân có câu liên quan đến tục nhuộm răng

 

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

 

     Còn trong văn chương, ca dao thì tục nhuộm răng và răng đen của người phụ nữ được ca ngợi tôn vinh như một nét đẹp không thể thiếu được. Răng đen là nét đáng yêu được xếp vào hàng thứ tư trong cái duyên của người con gái:

 

Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua

 

     Và để hấp dẫn, để sửa soạn, để trang điểm người con gái bao giờ cũng rất chú trọng đến hàm răng đen gợi cảm của mình:

 

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bỏ công trang điểm má hồng răng đen.

Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.

 

     Trong truyện Kiều có những câu liên quan đến cái răng nhưng không phải bởi cái màu răng đen hạt huyền mà là bởi trận bão ghen tuông của Hoạn Thư :

 

Vội vàng xuống lệnh ra uy
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng.

 

     Trong những thói tục của người dân quê nước ta thì trẻ con bị gãy răng, nếu là răng hàm dưới thì vứt răng xuống gầm giường, nếu là răng hàm trên thì vứt lên mái nhà và hô 3 tiếng cho “ ông thiêng ” nó tha đi để cho mau mọc răng.

Thầy nhuộm răng


     Thông thường người ta chỉ nhuộm răng sau khi đã thay toàn bộ răng sữa, thời gian đó là thích hợp nhất để nhuộm vì lúc ấy răng còn non, độ thấm cùa thuốc nhuộm dễ gắn chặt vào men và ngà răng hơn. Người bình dân thường nhuộm theo phương pháp đơn giản, nhưng giới giàu có hay quý tộc, quan lại lại nhuộm răng theo nhiều lối cầu kỳ với những phương pháp gia truyền khác nhau. Huế là nơi còn lưu giữ được nhiều công thức chế thuốc nhuộm răng cũng như các thứ thuốc để duy trì mầu đen bóng của răng.

     Tục nhuộm răng đen có từ thuở xa xưa, nhưng chỉ thông dụng ở miền Trung và miền Bắc. Từ thuở mười ba, mười bốn tuổi, trai gái đều thích nhuộm răng. Việc nhuộm răng nhiêu khê, phải trải qua nhiều giai đoạn, kéo dài một tuần có khi đến nửa tháng và những thứ thuốc gia truyền thường được xem như một thứ gia bảo, người ngoài khó biết đưọc công thức pha chế của họ.

     Xưa ở nông thôn có thầy nhuộm răng, ông ta đi từ làng này sang làng khác để hành nghề như người làm nghề thiến heo, thiến gà chó... Ở Huế lại có các 'bà thầy' nhuộm răng thường hành nghề cố định trong các chợ, như chợ Đông Ba có đến 5 , 6 người hành nghề này. Họ có một cái sạp ngay giữa lồng chợ, còn như các chợ nhỏ như chợ Bến Ngự, chợ Bao Vinh, chợ An Cựu chỉ có một hai bà thầy nhuộm răng mà thôi

     Cách đây 70 năm có một bà thầy nhuộm răng nổi tiếng nhất ở kinh đô Huế không ai là không biết đó là bà thầy Thại ở làng Sư Lỗ cách cầu Ngói Thanh Toàn một con sông. Bà thầy vừa hành nghề nhuộm răng vừa sản xuất thuốc nhuộm, thuốc xỉa, cao dán mắt, cao no hơi dầy bụng cho trẻ sơ sinh... Muốn nhuộm răng các cô chiêu, cậu ấm phải ghi tên và đặt tiền cọc trước, có khi mất cả hàng tháng trời mới tới phiên mình được nhuộm. Mỗi đợt nhuộm là 15 người ăn ở luôn tại nhà bà thầy trong suốt thời gian nhuộm khoảng từ 12 ngày đến nửa tháng. Chiều chiều bà thầy thường cho các cô chiêu câu ấm leo lên một đồi nhỏ trong làng quay mặt ra hướng đông, bảo họ há miệng to để gió biển thổi vào cho thuốc nhuộm mau khô (!) và bà cũng kể cho các cô chiêu cậu ấm đó nghe về những chuyện cổ tích, danh nhân lịch sử , lòng yêu nước, hiếu thảo với cha mẹ. Đặc biêt có một ông già mù phụ thêm hát vè Mụ Đội, vè Phạm Công Cúc Hoa, vè Lục Vân Tiên, vè thất thủ Kinh Đô ... để mua vui cho các cô các cậu và những người hiếu kỳ đến xem. Thuốc nhuộm răng của bà thầy Thại càng ngày càng nổi tiếng vang khắp cả một vùng Trung kỳ, có mấy cái đại lý của bà ở chợ Đông Ba, Quảng Trị, Đông Hà vô tới Quảng Nam, Quảng Ngãi... Đến năm 1949, không hiểu tại sao ông già mù hát vè bị Tây bắt và lôi ra bắn chết dứơi dốc cầu An Cựu. Cả nhà bà thầy Thại dọn đi đâu mất trong ngày hôm ấy, nghe đâu mấy năm sau có người gặp bà ở cửa Tranh Đề.

Cách nhuộm răng:


     Việc nhuộm răng phải tuân theo từng giai đoạn làm sao cho răng đạt mầu đen bóng. Để khởi đầu cho việc nhuôm răng thì miệng và răng phải được làm vệ sinh, phải chuẩn bị hàm răng cho thật sạch. Không được có bợn, bả răng trong các kẻ và chân răng phài lấy hết cho đến khi lấy tay sờ vào thân răng phải trơn láng mới được.

     Trong ba ngày đầu phải đánh răng, xỉa răng bằng vỏ cau khô với than bột trộn với muối sống hầm chín thành bột. Một ngày trước khi nhuộm phải nhai ngậm chanh hoạc hạnh, súc miệng bằng rượu trắng pha nước chanh. Tác dụng của nước cốt làm cho lớp men ngoài răng 'mềm' đi, tính acid của chanh sẽ bào mòn tạo thành những vệt lõm sần sùi trên men răng. Thơi gian này là thời gian đau đớn nhất cho người nhuộm răng, môi, lưỡi, lợi và niêm mạc trong vòm họng sưng tấy, hai hàm răng lung lay gần như muốn rụng. Thuốc nhuộm răng bằng nhựa cánh kiến được điều chế trước đó 7 –10 ngày theo đúng công thức với tỷ lệ bột nhựa cánh kiến và nước cốt chanh tùy theo mỗi người, chất sền sệt đó được trét lên một mảnh vải thô trắng hay lụa. Ở thôn quê, người ta trét lên lá dừa, cau hay lá ngái sau đó mới áp lên hai hàm răng. Việc áp thuốc nhuộm răng được thực hiện vào sau buổi ăn chiều, đến giữa đêm sẽ được thay bằng một miếng áp mới.

     Đến sáng bà thầy sẽ gỡ ra thật nhẹ nhàng tránh bị bong tróc lớp nhựa sơn mới phủ lên đêm trước. Sau khi lấy thuốc ra phải súc miệng bằng nước mắm, có nơi dùng nước dưa chua để thải hết chất thuốc còn sót lại. Người nhuộm răng gần như phải ngậm miệng suốt đêm, tránh tối đa miếng thuốc nhuộm rơi bong ra, phải làm như vậy mỗi đêm 2 lần trong 7 đêm. Khỏang thời gian đó người nhuộm răng chỉ được nuốt trửng thức ăn chứ không được nhai. Thông thường các bà thầy cho các người nhuộm răng ăn bún trộn với mỡ heo và nước mắm để dể nuốt trửng. Khi thấy răng có mầu đỏ già, mầu của cánh kiến thì việc nhuộm răng sẽ bước qua giai đoạn 2 là giai đoạn nhuộn đen răng bằng cách phết dung dịch bôi đen lên răng. Thuốc bôi đen là hỗn hợp phèn đen trộn với nhựa cánh kiến, dung dịch này được phết trong 2 ngày.

     Sau đó phải súc miệng bằng một thứ thuốc gọi là thuốc xỉa nước. Giai đoạn cuối cùng là cố định bằng nhựa của gáo dừa được đốt hay nấu chảy, chất nhựa này tạo thành một lớp men trên thân răng. Người ta gọi giai đoạn này là “giết răng”. Khi hoàn tất giai đoạn này người nhuộm răng sẽ có một hàm răng đen bóng như hột mãng cầu.

Công thức pha chế của thuốc nhuộm răng
Thuốc nhuộm răng gồm các thành phần căn bản như sau :

- Bột nhựa cánh kiến.

- Nước cốt chanh

- Phèn đen

- Nhựa của gáo dừa

     Sâu cánh kiến đỏ còn gọi là bọ rùa cánh kiến đỏ hoặc rệp cánh kiến đỏ có tên khoa học là Laccifer lacca Kerr thuộc họ sâu cánh kiến (Lacciferidae).

     Sâu cánh kiến đỏ chích và hút nhựa cây chủ tiết ra một loại nhựa gọi là nhựa cánh kiến đỏ. Đây là một loại đặc sản quý có giá trị kinh tế cao, hiện tại được sử dụng trong một số ngành công nghiệp cao cấp và y học…


     Sâu cánh kiến đỏ còn gọi là bọ rùa cánh kiến đỏ hoặc rệp cánh kiến đỏ có tên khoa học là Laccifer lacca Kerr thuộc họ sâu cánh kiến (Lacciferidae).

     Sâu cánh kiến đỏ chích và hút nhựa cây chủ tiết ra một loại nhựa gọi là nhựa cánh kiến đỏ. Đây là một loại đặc sản quý có giá trị kinh tế cao, hiện tại được sử dụng trong một số ngành công nghiệp cao cấp và y học…
 
     Ở nước ta có gần 60 loài cây trong rừng tự nhiên hay rừng trồng có thể làm cây chủ để sản xuất ra nhưa cánh kiến có chất lượng tuyệt hảo như các cây họ phèn, cọ khiết, muồng đen, sung, vả, vải, nhãn, đậu thiều, táo... trong đó cọ phèn, cọ khiết và nhất là đậu thiều cho cánh kiến có chất lượng cao nhất.

     Người ta chọn những cành cây chủ có sâu cánh kiến định cư phát triển tốt, không bị nấm mốc sâu bệnh. Cánh có lớp nhựa dày, sáng màu và đã chín thành thục. Khoảng 1 tuần trước khi kiến nở tiến hành cắt kiến giống, đem buộc thả ngay lên cây chủ, hoặc trải mỏng trong sọt tre thông thoáng để nơi râm mát ít ngày rồi đem buộc lên cây chủ. Trước khi buộc thả giống phải phát luỗng cây cỏ xâm lấn, tỉa cành, tạo tán cho cây có nhiều cành bánh tẻ càng tốt. Thời vụ: tháng 4-5, thu hoạch vào tháng 8-9. Thời điểm thu hoạch: tốt nhất trước khi kiến nở 2-4 tuần.


 

Răng đen nhưng nhức hạt dưa
Miệng cười tủm tỉm như chưa có chồng.


     Tục nhuộm răng đen là một nét văn hóa để phân biệt với các tộc người khác. Hầu như tất cả ngừơi ngừơi dân Việt Nam từ kẻ nghèo cho đến người giàu, từ giai cấp nông dân cho đến giới quan lại, điền chủ, hoàng thân quốc thích, vua chúa ai ai cũng nhuộm răng. Kể từ khí nền văn minh tây phương xâm nhập mạnh mẽ vào nước ta (1862) nhất là đầu những năm của thế kỷ 20, nhiều phụ nữ đã để răng trắng hay cạo hàm răng đen được nhuộm từ thuờ mới thay răng để trở thành người phụ nữ mới nhằm tham gia vào công cuộc cải cách xã hội, phong trào đòi nữ quyền, giải phóng, phong trào tiễn phát đang râm rộ trong thời đại canh tân. Thuở ấy trong xã hội có hai phái kình chống nhau kịch liệt, một nhóm cho rằng để răng trắng, hớt tóc là bè lũ theo tây, làm me tây... còn nhóm kia thì cho rằng bối tóc củ hành, răng đen, áo the quần vải là hủ lậu, kém văn minh... Bấy giờ người ta chỉ thấy, chỉ đánh giá cái bề ngoài mà không chú trọng cái nhân cách, tư tưởng ở bên trong... Đấy là giai đoạn đánh dấu sự suy tàn của tục nhuộm răng ở nuớc ta.

     Riêng cá nhân tôi thì hàm răng óng ả hạt huyền là một hình ảnh đẹp nhất trong đời niên thiếu, bởi vì mẹ tôi và các dì tôi là những người có những hàm răng với những chiếc răng đều đặn, óng ả đen mượt tựa hạt huyền, cho đến khi bà cụ 92 tuổi bà vẫn còn lại được 6 cái răng đen. Nét duyên dáng, móm mén với những chiếc răng thế kỷ làm cho khuôn mặt của bà đôn hậu và vui hơn, tôi nghĩ có lẽ khi ba tôi cưới mẹ tôi phần nào có thể là :

 

Răng đen ai nhuộm cho mình
Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say?

Tác giả Hồ Đắc Duy
(Nguồn E-cadao)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: