Thứ ba, 23/04/2024,


Thơ nữ Việt Nam... xuất ngoại (23/10/2008) 

     Nhà xuất bản Phụ nữ vừa cho ra mắt bạn đọc một ấn phẩm độc đáo: Tuyển tập 'Thơ nữ Việt Nam từ xưa tới nay'. Độc đáo không chỉ bởi cái tên có tính ôm trùm, mà trước hết bởi nó được phối hợp xuất bản tại Mỹ (NXB Feminist thuộc Đại học TP New York), nội dung là do các biên tập viên của NXB Feminist tuyển chọn.

 

     Ở bản in tại Việt Nam tới đây, cuốn sách được in song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh). 'Lời nói đầu' do Grace Paley chấp bút, và 'Lời giới thiệu' được thực hiện bởi nhà 'Việt Nam học' rất nổi tiếng với đông đảo bạn đọc nước ta: Bà Lady Borton.

 

     Mặc dù thơ ca Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung còn xa lạ với đông đảo người dân Mỹ, song khi đọc tuyển tập 'Thơ nữ Việt Nam từ xưa tới nay', đại diện cho NXB Feminist - ông Grace Paley cũng đã có một cảm nhận chính xác 'Rời khỏi những bài thơ ấy, ta vẫn còn giữ lại cảm giác về phụ nữ. Rất nhiều bài thơ đẹp'.

 

     Bà Lady Borton - với vốn hiểu biết uyên bác về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lịch sử Việt Nam, trong bài giới thiệu khá quy mô của mình (dài tới gần ba chục trang, khổ sách 15,2x22,7cm) đã điểm lại những nét cốt yếu về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, từ hai bà Trưng Trắc - Trưng Nhị thế kỷ thứ nhất sau công nguyên đến bà Nguyễn Thị Định của thế kỷ XX.

 

     Chuyển sang lĩnh vực thơ ca, bà nhắc tới và phân tích cái hay từ những vần thơ của các nhà thơ nữ, hoặc những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp cốt cách của họ. Nếu như ở dòng mở đầu bài viết, Lady Borton trích dẫn 2 câu thơ trứ danh của nữ sĩ Ngân Giang trong bài 'Trưng nữ vương' viết ca ngợi Trưng Trắc: “Ải bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi', thì ở kết bài, bà đã trích dẫn một đoạn thơ của nữ tác giả thế hệ 8X Vi Thùy Linh - một đoạn thơ thể hiện cái khát khao được 'chối bỏ những kiểu yêu vụng trộm/ Không thỏa hiệp sống tẻ nhạt'; được 'sống cho ra sống', nhất là với 'tình yêu - phát minh vĩ đại nhất mọi thời'.

 

     Lady Bonrton cho rằng, cả Vi Thùy Linh và những nhà thơ trẻ khác có thơ được tuyển trong tập sách này đã được 'trưởng thành trong thời bình', 'được nuôi dưỡng đầy đủ' và cũng được 'hưởng những quyền tự do mà các cụ bà của họ, những người trưởng thành ở thời Khổng giáo chẳng bao giờ tưởng tượng nổi'.

 

     Căn cứ vào phần thơ tuyển, ta thấy nhận định của Lady Borton là có cơ sở. Gọi là 'Thơ nữ Việt Nam từ xưa tới nay', song thực chất phần 'Thơ xưa' đâu có nhiều. Điều này cho thấy, dưới các triều đại phong kiến, phụ nữ bị kìm kẹp bởi rất nhiều quan niệm, lễ giáo hà khắc nên rất khó có cơ hội thể hiện mình trong sáng tạo. Những bài thơ được chọn của Nguyễn Thị Điểm Bích (thế kỷ XII), Ngô Chi Lan (thế kỷ XV) cũng chỉ là những bài thể hiện tình cảm nhẹ nhàng của họ trước vẻ đẹp thiên nhiên.

 

     Bài 'Thơ phúc đáp Nguyễn quân' của Nguyễn Thị Lộ (thế kỷ XV) thì cũng vẫn chưa thoát được khuôn phép của Khổng giáo. Các bài thể hiện cá tính góc cạnh, thể hiện cái tôi bứt phá ra ngoài những khuôn viên gò bó, giả tạo của đạo đức phong kiến của các nữ sĩ như Hồ Xuân Hương thì thực chất cũng chỉ có vài ba người. Bởi vậy, xuất hiện hùng hậu nhất trong tập sách này vẫn là các nhà thơ nữ sinh ra trong thế kỷ XX. Số trang dành cho họ nhiều gấp ba lần số trang dành in tác phẩm của các nhà thơ nữ của mấy mươi thế kỷ trước.

 

     Chúng ta có thể gặp ở đây những tác giả từng làm nên danh phận trong văn học Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX, như: Sương Nguyệt Anh, Đạm Phương, Tương Phố… rồi đến các nữ sĩ xuất hiện trong phong trào Thơ Mới: Vân Đài, Mộng Tuyết, Ngân Giang, Anh Thơ, T.T.K.H…, các nhà thơ lứa chống Pháp, chống Mỹ: Cẩm Lai, Thúy Bắc, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ…, các nhà thơ trưởng thành sau 1975: Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Thị Ngọc Liên, Khánh Chi, Đỗ Bạch Mai, Thu Nguyệt, Trần Kim Hoa…

 

     Đặc biệt, đối với các tác giả nữ trẻ thì mặc dù thời gian xuất hiện chưa bao xa, song một số đại diện trong đó cũng kịp có mặt ở tập sách này như: Dạ Thảo Phương, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư. Điều ấy cho thấy, các nhà soạn sách cũng đã khá 'cập nhật'.

 

     Thật ra, so với các nam thi sĩ, các nữ thi sĩ của chúng ta viết không nhiều. Song, một khi họ đã 'nổi' là nổi bật, những bài hay của họ dễ trở nên phổ biến và nhanh chóng được thừa nhận. Đây không phải là sự 'ưu ái' của xã hội đối với chị em, mà bởi những tố chất mà chị em đóng góp vào nền thơ ca của chúng ta hiện đang còn rất thiếu.

 

     Chính vì lẽ ấy, việc các nhà làm sách chọn đưa vào tuyển tập những gương mặt mới, với những bài thơ xác đáng, là một điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vì đây là một tập thơ song ngữ, nên cũng có những điều chúng tôi không khỏi băn khoăn: ở phần xuất bản tại Việt Nam thì không nói làm gì, vì người đọc có thể đọc thẳng phần thơ bằng tiếng mẹ đẻ. Nhưng liệu phần chuyển ngữ có giữ được ít nhiều tinh hoa của nguyên tác?

     Sở dĩ tôi phải nói điều đó vì ngoại trừ bài viết của tác giả Lady Borton được chuyển ngữ khá nhuần nhuyễn, thì phần chuyển ngữ 'Lời nói đầu' của Grace Paley có phần… ngọng nghịu. Phần lời các biên tập viên NXB Feminist cũng vậy. Nhưng dẫu sao đây là một kỷ niệm đẹp của thơ nữ trong năm 2008 này.

Phạm Nhật Linh

(Nguồn CAND)

 

 

 

 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: