Thứ bảy, 04/05/2024,


Trả 110 triệu đồng để làm 100 tập phim từ một cuốn sách… (31/07/2011) 
Đó là một chi tiết đáng chú xung quanh cuốn sách mới “Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn” của Đại tá Nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Hơn 2 tháng sau khi ra mắt độc giả, với những góc nhìn đầy mới mẻ về nhân vật lịch sử này, Đài Truyền hình TP.HCM đã cử đoàn công tác ra ký hợp đồng trị giá 110 triệu đồng với tác giả cuốn sách để chuẩn bị làm thành 100 tập phim truyền hình…
Trong giới Nhà báo, Nhà văn Việt Nam, hiếm ai có được may mắn như Nhà văn - Đại tá Nguyễn Trần Thiết? Ông đã từng hỏi cung tướng De Castries ở Điện Biên Phủ tháng 5/1954, ông cũng là người được hỏi cung toàn bộ các thành viên trong nội các Dương Văn Minh từ 12 giờ 12 phút ngày 30/4/1975.

1. Giờ đây, dưới ngòi bút của Nguyễn Trần Thiết, nhân vật Tổng thống cuối cùng Dương Văn Minh được thể hiện là một trí thức theo Nho học rồi Tây học; một viên tướng được đào tạo và trưởng thành trong quân đội Pháp, một nhà chính trị luôn hoạt động theo xu hướng trung lập, mềm dẻo, khôn khéo...
Nguyễn Trần Thiết là người cầm bút chuyên nghiệp đã 58 tuổi nghề với 93 đầu sách xuất bản. Ông chẳng những rất sở trường khi viết báo, viết truyện về các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn thành công đặc biệt xuất sắc khi viết về đề tài tình báo (một “lãnh địa” mà nhà văn đã dày công khai phá - như một mình độc quyền sở hữu) và viết về những nhân vật đã ở chiến tuyến bên kia một thời.
Nguyễn Trần Thiết chịu đi lắm. Trời phú cho nhà văn có được một sức khỏe tốt, một cặp giò dẻo dai. Ông đã đi khắp các trận địa trên 2 miền đất nước, đã cuốc bộ hàng tháng trời dọc rừng Trường Sơn, đã hành quân suốt từ Thượng Lào đến Hạ Lào, đã ăn lương khô, nằm hầm nửa năm trời ở Quảng Trị (1972), đã tham gia Ban Liên hợp quân sự 4 bên ở khu vực Cần Thơ (1973), đã sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ Giải phóng ở mặt trận Buôn Ma Thuột..., rồi ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh với quân hàm Thiếu tá và có mặt tại Dinh Độc Lập trong giờ phút trọng đại của lịch sử dân tộc (12 giờ 12 phút, ngày 30/4/1975).
 

Đại tá, Nhà văn Nguyễn Trần Thiết (trái) và cuốn sách đã ra mắt hồi tháng 4/2011

Từ một nhà báo quân đội có uy tín và ảnh hưởng lớn tới bạn đọc, Nguyễn Trần Thiết được cấp trên tín nhiệm cử đi lấy tài liệu về những tên gián điệp nước ngoài hoạt động chống phá nước ta đang ở trong trại giam, được thả sức tham khảo, tìm tòi trong đống hồ sơ mật của chính quyền Mỹ -Ngụy để lại, được các đồng chí lãnh đạo Miền tin cậy, trao cho những tư liệu quý báu về những năm tháng đấu tranh cách mạng ở miền Nam...
Nguyễn Trần Thiết được tiếp cận với những nhân vật đã chỉ đạo vụ Dương Văn Minh từ 1960- 1975. Ông có trong tay những tư liệu gốc, những chỉ thị tuyệt mật có liên quan đến tướng Minh và đã gặp những chiến sĩ tình báo tài giỏi đã vào Sài Gòn, qua Hong Kong, sang Paris để gặp Minh. “Có bột mới gột nên hồ”, Nguyễn Trần Thiết may mắn có được một “vốn liếng” rất lớn, rất giàu có để viết.
Ông nói: “Tôi đã gặp may lớn. Từ chỗ không biết gì về quân Ngụy, tôi đã cho xuất bản Viên chuẩn tướng dày 404 trang, viết về tướng Nguyễn Hữu Hạnh - viên tướng đối phương ta đã “mua” và nuôi trong suốt 12 năm để chỉ sử dụng trong 2 ngày 29 và 30/4/1975: chỉ huy toàn bộ quân Ngụy theo lệnh của ta, nên tôi dám mạnh dạn đăng ký viết về Dương Văn Minh. Tôi đã trực tiếp báo cáo với anh Võ Văn Kiệt: “Nếu anh mời các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đến, bố trí riêng mỗi anh một phòng, đề nghị đánh giá về Dương Văn Minh, tôi tin là có những ý kiến trái ngược nhau. Tôi dự kiến lấy Dương Văn Minh làm nền, dựng lại hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta để có câu trả lời “Vì sao Việt Nam thắng Pháp, thắng Mỹ?”cho độc giả. Xin anh ủng hộ tôi, cho tôi giấy giới thiệu để viết về đề tài này”.
Nhà văn đã đạt kết quả vượt quá yêu cầu của mình: Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết thêm lá thư riêng ký tên Sáu Dân gửi bà Năm Mè (Bà mẹ Việt Nam anh hùng - nguyên là Thứ trưởng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), trao cho ông, dặn: “Chị Năm và ông Minh là bạn rất thân với nhau từ thuở thiếu thời. Theo tôi biết, hiện nay hai người vẫn thư từ trao đổi với nhau”.
Cứ như thế, những năm sau chiến tranh, Nhà văn Nguyễn Trần Thiết vào ra trong Nam ngoài Bắc “như đi chợ”, để không biết bao nhiêu lần gặp gỡ, trò chuyện với những người như bà Năm Mè, ông Mười Ty (tức đại tá Dương Văn Nhật, người được cử vào sống chung với anh ruột là Dương Văn Minh ở Sài Gòn để tìm cách nắm, “lôi kéo” viên tướng Ngụy cao cấp này), ...v.v và v.v... nhằm tích lũy tư liệu.
 
 

Ba nhân vật lịch sử năm 1975: Tổng Thống Dương Văn Minh, Thủ Tướng Vũ Văn Mậu,
Tổng Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung (ảnh tư liệu sưu tầm của lucbat.com).

 

2. Sau khi cho xuất bản Viên chuẩn tướng, Nguyễn Trần Thiết bắt đầu thai nghén tác phẩm viết về Dương Văn Minh (1980). Tập bản thảo Viên Tổng thống cuối cùng của anh cứ dày lên theo năm tháng. Bạn bè, đồng nghiệp, có người bảo ông: “Nếu đánh giá sai về nhân vật chính, anh sẽ bị nhân dân ta phê phán, và toàn bộ sự nghiệp viết lách của ông hơn nửa thế kỷ sẽ đổ xuống sông, xuống biển”.
Có người chê trách ông: “Còn biết bao nhiêu tấm gương chiến đấu, hy sinh; bao nhiêu nhân vật anh hùng sao cậu không viết tiếp lại đi viết về một tên chóp bu của Ngụy quyền Sài Gòn, một tên Việt gian phản động đầu sỏ”? 
Nhưng Nguyễn Trần Thiết tự tin ở bản thân mình. Như con tằm tự nguyện rút ruột nhả tơ, nhà văn cần mẫn, say sưa, thận trọng viết. Gần ba chục năm ròng, ông đã hoàn thành xong bản thảo dày cộp (ngót 800 trang) của cuốn truyện về Dương Văn Minh, lòng khấp khởi, hy vọng tác phẩm kịp ra mắt độc giả dịp kỷ niệm 33 năm thống nhất đất nước (năm 2008). Chẳng ngờ bị một số ý kiến lên án rất nặng nề. Tuy nhiên, số người khen nhiều hơn, khen hết lời, khen quá mức! Nguyễn Trần Thiết không nao núng. Ông kiên trì thuyết phục và nhẫn nại chờ đợi.
Kết quả là tác phẩm đã có giấy phép xuất bản, đã ra mắt độc giả ngày 29/3/2011, (với khổ giấy A4, dày 560 trang, giá 159.000 đồng).
Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn là tác phẩm lớn nhất, đồ sộ nhất mà cũng ra đời khó khăn nhất của nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Tác giả tâm sự: “Tôi chưa bao giờ bị mất ngủ, thế mà khi nhận được tin đã “bấm máy in”, tôi trằn trọc không sao chợp mắt nổi. Hạnh phúc quá! Vui sướng tột cùng!...Là người cầm bút, tôi rất vui vì tôi được phép in Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng là do tôi hoàn toàn khách quan, vô tư, không có lý do gì buộc tôi uốn cong ngòi bút,viết sai sự thật. Tôi đã thành công sau 31 năm chờ đợi!”
 
Nguyễn Thị Mỹ Dung
(Nguồn: TT&VH)
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: