Thứ năm, 25/04/2024,


Nhà văn Việt Nam và sự khác biệt... (19/10/2008) 

Các nhà văn của chúng ta, trừ một vài trường hợp hiếm hoi, thường dừng lại ở những chặng đầu tiên của văn chương. Lý do có lẽ phụ thuộc từng cá nhân, nhưng tôi cho rằng ít có thể đổ lỗi cho vật chất, vì ở phương Tây, viết văn là một trong những nghề khó kiếm sống nhất. - Nhà văn Thuận 

 

Nhà văn ThuậnVNN: Nhà văn Việt Nam quan tâm và hướng đến giải thưởng văn chương nước ngoài - Nobel, Man Booker International, vân vân... - có phải là một điều tự nhiên, cần thiết và/hoặc chính đáng không? 

 

Nhà văn Thuận: Tôi tin rằng văn chương đủ thú vị để nhà văn đi theo trọn đời mà không màng đến danh vọng. Chỉ những kẻ lăng xăng cầm bút mới thừa cả thời gian lẫn ngây thơ cho các loại giải thưởng. Nếu Việt Nam giai đoạn này mà mơ tới Nobel văn chương thì chúng ta hẳn là những kẻ lăng xăng nhất, rỗi việc nhất, ấu trĩ nhất. Hy vọng đáy giếng không sâu lắm, miệt mài leo từng xăng-ti-mét, vài thế hệ nữa sẽ thấy được bầu trời, và giải thưởng của viện hàn lâm Thụy Điển tuy rực rỡ cũng chỉ là đám mây. 

 

VNN: Khoảng cách chủ yếu giữa nhà văn Việt Nam với nhà văn nước ngoài - cụ thể là nhà văn ở các nước có nền văn học lớn - là gì và nằm ở chỗ nào? 

 

Nhà văn Thuận: Tự do sáng tạo có lẽ là sự khác biệt đầu tiên giữa các nhà văn Việt Nam và các tác giả của một nền văn học lớn. Ở Pháp, nếu không được phép của tác giả, không ai có quyền tự động cắt đi một từ, thậm chí một dấu phẩy. Nhà văn có thể kiện ra tòa bất kì hành vi kiểm duyệt nào. Và đương nhiên, khi bị kiện ra tòa (trong trường hợp làm ảnh hưởng đến uy tín của một nhân vật hay một tổ chức có thật), nhà văn - như mọi công dân khác - cũng được quyền thuê luật sư bào chữa, sự vụ được công khai xét xử theo pháp luật hiện hành. Theo tôi, “công khai” là một từ rất đáng quan tâm. 

Ngoài ra, chuyên nghiệp là một đặc tính của các nhà văn phương Tây. Dù rất tài năng hay thường thường bậc trung, dù phục vụ nghệ thuật hay mục đích kiếm tiền, đã cầm bút thì viết là công việc được ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, các nhà văn của chúng ta, trừ một vài trường hợp hiếm hoi, thường dừng lại ở những chặng đầu tiên của văn chương. Lý do có lẽ phụ thuộc từng cá nhân, nhưng tôi cho rằng ít có thể đổ lỗi cho vật chất, vì ở phương Tây, viết văn là một trong những nghề khó kiếm sống nhất. Nhìn ra xung quanh, tôi không biết có bao nhiêu nhà văn làm báo, dạy học, lau cửa kính, bán pizza… để nuôi nghiệp văn. Tìm được nhà xuất bản đã khó, được nhà xuất bản lớn quan tâm thì coi như trúng xổ số. Mở hòm thư, thấy bản thảo bị trả lại là chuyện cơm bữa. Ngày đoạt giải Nobel, Cao Hành Kiện vẫn chỉ là tác giả của một nhà xuất bản tí hon và hầu như vô danh với giới truyền thông Pháp, đến nỗi không nhà báo nào rõ mặt Cao, nháo nhào chạy đến khu nhà thuê giá rẻ nơi ông trú ngụ ở ngoại ô Đông Bắc, người ta đã chĩa ống kính vào một công dân gốc Á chẳng  máu mủ ruột rà với tác giả của Linh Sơn

 

VNN: Nếu đúng như chị nói, nhà văn Việt Nam “thường dừng lại ở những chặng đầu tiên của văn chương; lý do có lẽ phụ thuộc từng cá nhân, nhưng ít có thể đổ lỗi cho vật chất”, thì, theo chị, nguyên nhân sâu xa và chủ yếu nào, về mặt cá nhân, khiến nhà văn Việt Nam thường dừng bước sớm như vậy? Vì bản thân người Việt Nam nói chung thiếu năng lượng đối với văn chương - như một số người nói -  chăng? 

 

Nhà văn Thuận: Người Việt nói chung thiếu năng lượng trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ văn chương. Đầu tư địa ốc hay chứng khoán để tháng sau có bạc tỉ - được cả xã hội nhiệt tình hưởng ứng, nhưng cặm cụi nghiên cứu hay viết văn thì ít ai qua nổi vài năm. Mà cặm cụi làm gì khi thành công dễ như trở bàn tay, khi tác phẩm đầu tay trở thành ngay hiện tượng, khi mỗi đầu sách là một nồi cơm Thạch Sanh nấu một lần ăn chục bữa.  

 

VNN: Với tư cách nhà văn, chị thấy mình đứng trước những thách thức nào và tự đặt cho mình những thách thức nào? Giải thưởng văn chương - một trong các giải thưởng “danh giá” của phương Tây, Goncourt, Femina, ví dụ vậy - có sức thu hút nào đối với chị không? Chị nghĩ sao về giá trị thực của một giải thưởng văn học nói chung và với nhà văn một nước “nhược tiểu” như Việt Nam nói riêng? 

 

Nhà văn Thuận: Ở Pháp, hàng năm mùa giải thưởng văn chương cũng là dịp để người ta nhắc lại cái câu: giải thưởng là sự sắp xếp nho nhỏ giữa các nhà xuất bản. Quả là hơi cường điệu, nhưng trên thực tế, ngay cả giải thưởng danh giá như Goncourt lắm khi cũng rơi vào tay các tác giả tầm thường. Ngày nay, đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, rất ít nhà xuất bản Pháp còn đủ dũng cảm làm “bà đỡ” cho các tài năng chưa-được-khẳng-định. Đầu tư vào loại văn chương nhẹ nhàng dễ đọc, chăm sóc giới truyền thông, chạy hành lang các loại giải thưởng… làm thế nào để giữa hàng nghìn đầu sách khác nhau, độc giả mở hầu bao cho đầu sách của mình, làm thế nào để hàng tháng đủ tiền thuê văn phòng và tiền lương cho nhân viên: nhà xuất bản tí hon thì vài chục mét vuông, một giám đốc và một thư ký; nhà xuất bản cá mập thì cả trăm phòng ốc và các loại ban bệ - ban giám đốc, ban biên tập, ban đối ngoại, ban quảng cáo… 

Thế nên, thách thức của một nhà văn không nằm ở giải thưởng. Giải thưởng, ngay trong trường hợp trao đúng, cũng chỉ có ý nghĩa xã hội, chứ không thể giúp nhà văn về mặt sáng tạo, càng không thể thay đổi diện mạo một nền văn học. 

 

VNN: Một số người cho rằng văn học của một nước ngoài phương Tây thường chỉ được văn đàn “chính mạch” (tức phương Tây) quan tâm chừng nào nước đó đã có vị thế đáng kể trước hết về kinh tế và chính trị. Nhà văn Việt Nam, nếu muốn, làm cách nào thoát được cái “dớp” này? Hay anh/chị ta không có cách nào khác ngoài chờ đến khi nào Việt Nam đã có một vị thế đáng kể hơn hiện nay về kinh tế và chính trị thì mới mong tới lượt mình được “thế giới” biết đến như một nhà văn? 

 

Nhà văn Thuận: Đúng là hiểu biết của phương Tây về Việt Nam nói chung quanh quẩn ở món nem rán, vịnh Hạ Long, và hai cuộc chiến khủng khiếp của thế kỉ 20. Đúng là danh từ "nhà văn" mà được kèm theo tính từ "Trung Hoa" hay "Nhật Bản" thì giá trị hơn rất nhiều. Nhưng cầm bút chỉ để được phương Tây quan tâm thì không gì vô nghĩa hơn, cho dù phương Tây hiện nay tương đương với "thế giới". 

Tôi cho rằng, văn chương trước hết là một lựa chọn cá nhân, cầm được bút, viết được văn là thực hiện sở thích của bản thân, là hoàn thành nhiệm vụ với chính mình. Như thế chưa đủ nghiêm túc hay sao? 

 

Thụ Nhân thực hiện

      (Theo Vietnamnet)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: