Thứ bảy, 20/04/2024,


"Hoa không tên" và một cuộc đời bình dị (19/10/2008) 

 

     Tôi biết chị Bùi Thị Bình - tác giả của tập thơ này từ khoảng giữa năm 2006, khi chị gửi cho tôi một số thư của người anh trai là liệt sĩ Bùi Xuân Hòa (đã hi sinh năm1969, trong một trận đánh ác liệt tại mặt trận phía Nam) để hưởng ứng cuộc sưu tầm những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam.

     Nữ tác giả Bùi Thị Bình sinh ngày 25 tháng 2 năm 1952, nguyên là Trưởng phòng kinh tế của UBND thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Chị đã tự giới thiệu về mình và cả quan niệm sáng tác, qua một bức thư gửi cho tôi cuối năm 2006, như một lời tự sự...

 

           Sau 35 năm công tác gắn bó với cuộc đời công chức; ngày tháng trôi qua vui có, buồn có nay mình đã có thông báo nghỉ hưu. Cảm ơn ông Trời đã cho mình quãng đời đã qua - một cuộc sống bình yên và tràn đầy hạnh phúc với người chồng tuyệt vời và hai con trai ngoan, thông minh, bước đầu thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống. Nói như vậy cho đến lúc này đây mình thực sự đã được ông Trời ưu ái. Về hưu sau gần hai mươi năm  làm Trưởng phòng cấp Huyện , mình đã được công nhận hai sáng kiến cấp Tỉnh, được tặng thưởng một Huân chương lao động hạng III, được bạn bè đồng nghiệp tin yêu, được cộng đồng dân cư quý mến, được anh em nội ngoại hết lòng yêu thương và hiện đang có một gia đình hạnh phúc... Đó chẳng phải là  một phần thưởng lớn nhất của cuộc đời một người phụ nữ như mình hay sao!

Còn lại phía sau những gì: Tiền tài ư? Địa vị ư? - Với mình mọi thứ đó không quan trọng và không đáng giá bằng cuộc sống gia đình mà mình đang có! Cuộc sống của những ngày sắp tới mới thật có ý nghĩa: Trước hết, mình hết lòng chăm sóc mẹ chồng đã 91 tuổi, nhưng vẫn khoẻ mạnh, tuy đôi lúc có lẫn cẫn do tuổi già, song mình luôn nghĩ có chắc đến tuổi như mẹ mình còn được ở trên cõi đời này không? Hoặc giả có thì liệu có được như mẹ lúc này không? Rồi kế đó mình có điều kiện trọn vẹn hơn để chăm sóc anh ấy. Mình sẽ làm tất cả để bù lại quãng thời gian chưa làm được nhiều cho anh vì sau hơn ba mươi năm chung sống, mình luôn được bạn bè đồng nghiệp mệnh danh là người phụ nữ ' Giỏi việc nước đoảng việc nhà'. Tiếp đến, mình sẽ là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho anh chị em bên nội, vì từ đây đã có mình ngày đêm chăm sóc mẹ. Mình sẽ có nhiều thời gian hơn giành cho các con các cháu và những người thân yêu.

Có rất nhiều người phàn nàn là đến lúc về hưu thì buồn lắm. Riêng mình thì không. Mình thấy nhẹ nhàng trước khi chia tay với bạn bè và đồng nghiệp để lại quá khứ cuộc đời công chức ba mươi nhăm năm không có điều gì nuối tíêc và ân hận. Mình sẽ  tiếp tục quãng đời còn lại với công việc bộn bề của đời thường, nhưng đầy ý nghĩa: với gia đình họ tộc, với mẹ người đã ban tặng cho con nửa kia của cuộc đời, với những đứa con thân yêu và rồi ả những đứa cháu sau này…

Cuộc đời đẹp biết bao nhiêu khi mình hiểu đúng nghĩa giá trị đem lại từ chính cuộc đời này. Mình mở trang mới cho quãng đời còn lại từ đây: Ngoài việc chăm sóc gia đình, mình sẽ viết lại và viết tiếp những gì đã có, đang có và sẽ có. Đó là những câu thơ, trang văn thay cho lời tâm sự từ sâu thẳm tâm hồn mình. Đó chính là những điều có ý nghĩa nhất mà mình có được của cuộc sống trong cả quá khứ - hiện tại và tương lai...

Trong một lá thư khác, nữ tác giả Bùi Thị Bình viết cho các con, chị đã giải thích về ý nghĩa cái tên của tập sách này:

'Các con yêu quý của mẹ! Mẹ có thể còn viết được rất nhiều, còn biết bao ý tưởng đầy ắp trong đầu mẹ nhưng thời gian chưa cho phép nên phải chịu thôi. Khi cảm xúc dâng trào mỗi bài thơ mẹ chỉ làm trong mấy phút. Các con hãy đọc kỹ các bài thơ mẹ làm sẽ thấy tâm trạng của mẹ trong ấy.

Bài thơ 'Hoa không tên' (cũng là tên chung của tập sách nhỏ này) mẹ chỉ làm trong năm phút, không phải sửa lại. Dù 'Hoa không tên' chỉ có mười hai câu thơ, nhưng là cả số phận cuộc đời mẹ đấy. Trong cuộc đời (dù trong gia đình hay ngoài xã hội) mẹ luôn sống hết mình, lặng lẽ suy ngẫm, lẵng lẽ cống hiến, một lòng với tất cả nhưng lúc nào cuộc đời mẹ cũng như một loài hoa không tên lặng lẽ nép mình bên thảm cỏ giữa sườn đồi đầy sương và gió. 'Hoa không tên' loài hoa không khoe sắc, nhưng lặng lẽ toả hương, mặc dù cuộc đời đầy mưa giông và nắng đốt.

Các con đã thấy 'Hoa không tên' thật ở ngoài đời chưa? Loại hoa này có khắp mọi nơi. Có lần, mẹ đi ô tô suốt tuyến đường từ Bắc vào Nam (từ Lạng Sơn đến Vũng Tàu, từ Buôn Ma Thuột đến đèo Ngoạn Mục. Nơi nào mẹ đi qua bên đường cũng có loài 'Hoa không tên' này đấy, những cánh hoa kết lại bên nhau như một lẵng hoa nhỏ Hoa không tên trông rất xinh và rất đáng yêu. Điều bất ngờ với mẹ là Tháng 6 năm 2006 mẹ đi Trung Quốc cùng với đoàn thăm quan học tập của Thị uỷ Tam Điệp Tỉnh Ninh Bình, mẹ lại thấy 'Hoa không tên' cũng có ở khắp nơi trên đất nước này (từ Nam Ninh - Bắc Kinh - Thượng Hải đến  Hàng Châu - Bắc Hải)  nơi nào mẹ đến cứ bên đường có cây cỏ mọc là có sự xuất hiện diệu kỳ của loại hoa ấy.

Bất ngờ nhất hôm ra thăm các con, bố  mẹ cùng các con đi xem phim ở Rạp Chiếu phim Quốc gia (phim Chuyện của Pao) mẹ lại thấy 'Hoa không tên' - một loài hoa dại đã được ai đó (chắc là họ cố tình mang vào) trồng ngay trước của rạp chiếu phim.

Sau những chuyến đi xuyên Việt, đi Trung Quốc, và đặc biệt sau lần đi xem phim cùng các con ở Rạp Chiếu phim Quốc gia… Mẹ như thấy nhẹ lòng phần nào, hình ảnh những cánh 'Hoa không tên' nhỏ xíu, đáng yêu hình như đã có mặt ở tất cả mọi nơi mặc dù rất ít người để ý đến…

Một chi tiết rất đáng nói là: mặc dù là một phụ nữ đã có tuổi, một cán bộ Nhà nước đã nghỉ hưu, nhưng chị Bùi Thị Bình vẫn tiếp tục học sử dụng máy vi tính và truy cập mạng Internet - một phương tiện rất hữu ích với người viết, nhưng hầu như chỉ lớp trẻ mới có khả năng. Nhờ vậy, hầu hết những sáng tác của mình đều được chị  tự nhập dữ liệu vi tính, để không phải phiền hà và nhờ vả ai. Hơn thế, chị còn thường xuyên viết cả Blog (một dạng tạp chí trực tuyến, hoặc nhật ký dựa trên web, rất phổ biến với thế hệ '8X', '9X'). Nhờ hai bài viết trên Blog của chị Bùi Thị Bình năm 2007 là 'Cuộc đời' và 'Mẹ là Hoa không tên', mà chúng tôi đã có thêm tư liệu để trích dẫn trong lời tựa của tập thơ này.

Cuối năm 2007, qua email, chị Bùi Thị Bình đã gửi cho chúng tôi một số trang hồi ký viết  năm 2002, khi chị tròn 50 tuổi. Đó là những lời tâm sự đầy tình cảm yêu thương của một người mẹ viết cho các con. Những trang viết kể về thời thơ ấu của mình với  quê hương, họ hàng và những người thân thiết nhất trong gia đình bằng  một tình cảm thật đằm thắm và trong sáng. Sau này, chúng tôi biên tập và  tạm đặt một cái tên 'Những trang sách này viết cho các con của mẹ' đã in trong tập đầu tiên của Tủ sách 'Chuyện đời tôi', được nhiều bạn đọc trân trọng.

 

 

      Vợ chồng tác giả Bùi Thị Bình cùng các con và cháu - 2008.

 

Cũng thời gian trên, chị Bùi Thị Bình đã gửi cho chúng tôi bản thảo tập thơ gồm 60 bài. Tiếp đó, qua người con trai là bác sĩ trẻ Trần Việt Anh đang công tác tại Khoa sau đại học của Trường Đại học Y khoa Hà Nội, chị đã nhiều lần bổ sung thêm bản thảo và đề nghị: 'Mong anh đọc và viết giúp tôi một lời tựa, để bạn bè và một số người yêu thơ biết và hiểu thêm về tôi khi đọc những câu thơ chân thành mộc mạc này. Đây chỉ là một số trong hơn một  trăm bài thơ tôi đã viết. Nhờ anh xắp xếp, chỉnh sửa và giúp cho in càng sớm càng tốt, vì bạn bè yêu thơ của tôi  đang muốn tôi có một đêm thơ của riêng mình'.

Và cuối cùng thì bản thảo tập thơ 'Hoa không tên' cũng đã hoàn thành. Một sáng Chủ nhật, tôi đã hẹn đến thăm chị Bình tại nhà người con trai ở Khu Đô thị mới Định Công để chị đọc lần cuối cùng trước khi xuất bản. Rất may hôm đó, tôi còn được gặp cựu chiến binh Trần Văn Cường, người chồng của chị. Điều thú vị là, cả gia đình họ đều yêu thơ và hết lòng ủng hộ chị Bình in tập sách này.

Tập thơ này giống như những trang nhật ký - dấu ấn tâm hồn cuộc đời một người phụ nữ bình dị - người đã làm tròn phận sự với xã hội, giờ đang thanh thản sống cùng gia đình, hết mực yêu thương chồng con và những người thân yêu.

Nếu bạn đọc đồng cảm và muốn được giao lưu cùng nữ tác giả, xin vui lòng liên hệ: Bùi Thị Bình - ĐT: 0912129748; Email: binhcuong206@yahoo.com; hoặc blog.360'yahoo.com/binhcuong206.

 

                                       Hà Nội, tháng 10 năm 2008

                                            Đặng Vương Hưng

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: