Thứ sáu, 26/04/2024,


Người đàn ông vượt lên số phận (18/10/2008) 

 

 

        Ông là Đinh Công Luận hiện ở xã Tuy Lai, huyện Mĩ Đức (Hà Nội). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh em không có, ông lớn lên trong sự đùm bọc, thương yêu của họ hàng, làng xóm. Đó là một người đàn ông giàu lòng nhân ái, cương trực, luôn sống vì mọi người. Mấy chục năm chung sống cùng người vợ mắc chứng bệnh động kinh bẩm sinh, ba con trai ham mê cờ bạc... Những câu chuyện định mệnh đó cứ nối tiếp đến với cuộc đời thiếu may mắn của ông. Nhưng điều đó không đưa ông đến con đường bế tắc mà ngược lại, ông đã tìm mọi cách chữa khỏi bệnh cho vợ và kiên trì, dạy dỗ, khuyên nhủ những người con của mình, không những thoát khỏi “con bệnh” đó mà đều học hành đến nơi đến chốn. Trồng cây cũng đến ngày hái quả, giờ cuộc sống của gia đình ông Luận – luôn đầy ắp những tiếng cười hạnh phúc.

 

Vào những năm đầu Thập kỷ 50, thực dân Pháp đã biến dải bán sơn địa này thành vành đai trắng, là nơi bất khả xâm phạm. Tuy Lai còn là nơi căn cứ du kích nên giặc thường xuyên thả những trạn mưa bom, bão đạn làm cho nhà cửa, ruộng vườn tan hoang. Dân trong làng đều đi sơ tán, chẳng còn lại mấy ai. Bố ông Luận là cán bộ xã,  lúc đó vừa bị ốm, mẹ thì mù loà nên gia đình ông ở lại làng, không đi sơ tán.

Ông ngậm ngùi kể: “Lúc đó bố tôi lại bị bỏng sau một trận cảm nên bệnh tình càng nặng thêm. Thời gian trước đó, mẹ tôi không may bị hỏng mắt nên phải đi tản cư cùng với bà con trong làng. Mình tôi ở nhà nuôi bố. Lúc đó vào tháng 2, trời rét căm căm, tôi và bố trải rơm để nằm, lấy chiếu làm chăn. 15 ngày sau thì bố tôi qua đời. Đêm hôm đó, mặc dù biết bố đã mất, nhưng tôi vẫn phải nằm đắp chiếu cùng bố. Vì còn nhỏ nên tôi không thấy sợ và làm gì có nhà ngoài chỗ đó đâu. Sáng hôm sau Tây về càn, tôi quỳ lạy chúng nói bố tôi đã chết, vậy mà chúng đâu có tha còn lấy cả lưỡi lê hất cái chiếu lên, khi biết chắc ông cụ đã chết chúng mới bỏ đi. Hôm sau nữa vẫn không thấy ai về làng, tôi phải ra xã ngoài để nhờ bà cô giúp đỡ, không một manh vải che thân nên lính Mỹ cứ mặc để tôi đi.

Đến tối, cô tôi  nhờ một số người về đốt đuốc mang bố tôi đi chôn. Mới đào được một tí, thì Tây nã đại bác vì thấy có ánh lửa. Việc chôn bố tôi đành để đến đêm hôm sau. Chôn cất bố xong, tôi ra với mẹ. Một thằng bé 10 tuổi thì có thể làm gì để kiếm sống, và nuôi người mẹ mù loà đây? Thế là mẹ con tôi bắt đầu một cuộc sống lang thang, xin ăn đây đó. Ban đầu, tôi dắt mẹ đến nhà những người quen biết, họ hàng rồi đến nhiều nơi khác xin ăn, xin tiền.

Cùng bom đạn, chiến tranh, cuộc sống của chúng tôi đã trải qua chuỗi ngày bần hàn như thế. Thấy hoàn cảnh của mẹ con tôi khổ cực quá, ông cậu và bà mẹ già cho ở nhờ mỗi nhà 1,2 năm. Trong thời gian đó tôi đi chăn trâu đổi công nuôi mẹ. Hôm Tây đánh Bốt Đào, tôi dẫn mẹ đi chạy sang Hoàng Dương, Ứng Hoà. Ngày ngày tôi đi mò cua, bắt ốc đem bán lấy tiền nuôi mẹ. Sinh hoạt khổ sở lại thiếu ăn, một thời gian sau mẹ tôi ngã bệnh. Tôi phải nhờ người đưa mẹ về quê chăm sóc. Hai mẹ con tôi phải sống trong gian chuồng trâu, được hơn 10 ngày thì mẹ tôi qua đời cũng vào lúc nửa đêm. Mất bố, rồi mất mẹ. Trong làng, người cho nắm cơm, người cho ít muối vừng…Rồi tôi theo Tây đến các nhà nhặt những hạt gạo thừa rơi vãi, sống vất vưởng như thế hết ngày này, qua ngày khác. Chiều nào tôi cũng ra mộ kêu trời, kêu đất, và chỉ biết khóc lóc thảm thiết. Khi ấy, tôi mới 13 tuổi”.

Mấy ngày sau ông Luận tìm đến nhà ông trưởng họ xin chăn trâu, nuôi ý định theo học nghề may như lời mẹ dặn trước khi mất. Nhưng các bạn cùng trang lứa trong thôn được đến lớp học còn ông Luận, ban ngày đi chăn trâu, tối về học trần khuyết, đơm cúc, máy quai nón. Thua thiệt bạn bè, ông Luận nói: “Tủi thân vô cùng. Có ông thầy thương cảnh ngộ của tôi nói cho vào lớp và không mất tiến, nếu xin được bác cho đi học. Cuối cùng bác tôi cũng đồng ý, tôi được đi học vào các buổi chiều. May mà năm lên 6,7 tuổi bố tôi đã dạy tôi đọc thông, viết thạo, giải được bốn phép tính số nguyên nên được học lớp 2 ngay. Khi vào lớp, tôi buộc trâu ngoài cổng trường cho nó ăn cỏ, và học xong tôi không quên cắt cỏ trước khi về nhà. Một năm sau bà cô ruột đón tôi về nuôi. Tôi sẵn sàng làm mọi việc, chỉ xin cô tiếp tục cho đi học. Đương nhiên, bà cô tôi ưng thuận. Năm lớp 3, tôi đạt học sinh giỏi. Tôi ở lại đây cho đến khi bà cô tôi mất mới quay về ở một mình”.

Sau đó, ông Luận đến ở nhờ nhà người anh họ, hàng ngày cấy bừa lấy cơm ăn học. Ông Luận phấn đấu học hành mong thoát khỏi cảnh bần hàn như bố mẹ mình, và ông đã thi đỗ vào cấp II trường công ở huyện, cách thôn 15, 16 cây. Lên đó, quay quắt cũng chỉ đủ cái ăn cho một tuần rồi chẳng biết kiếm đâu ra nữa. Ông về Ứng Hoà ở nhờ nhà người chị là con dâu nuôi của mẹ ông. Biết thân phận mình nghèo, ông chịu khó làm lụng, xay lúa đến tận đêm để có cơm ăn học. Chẳng được bao lâu, ông Luận lại trở về làng mở lớp vỡ lòng dạy cho 26 em. Thay vì đóng học phí, chúng chỉ cần đóng lúa giúp ông Luận có cái ăn để theo học hết cấp II. Năm 19 tuổi, ông Luận thi đỗ vào Trường sư phạm sơ cấp. Trong lớp có nhiều cô xinh xắn thuộc thành phần gia đình trung nông đem lòng quý mến, nhưng ngày đó làng ông có câu vè:

Thấy anh em cũng muốn theo

Anh sợ em nghèo em bán anh di

Lấy anh, em biết ăn gì

Lộc sắn thì chát lộc si thì già

Lấy anh không cửa không nhà

Không cha không mẹ biết là cậy ai.

Sự mặc cảm ấy đã ngự trị trong tâm hồn ông Luận tự bao giờ, chính vì lẽ đó ông không đủ tự tin đến với ai. Trong khi ấy, người anh họ thì muốn ông lập gia đình với ai đó cùng cảnh ngộ nhưng có nhà cửa để ông Luận có chỗ dựa, yên ổn trong cuộc sống. Cuộc đời thất trớ chêu, người mà ông quyết định ăn đời ở kiếp là một người phụ nữ bị động kinh bẩm sinh và có một bà mẹ ngơ ngẩn do bom đạn. Vậy mà cho đến nay, ông chưa một lần oán thán, kêu ca. Đầu năm 1960, lấy vợ xong ông vẫn đi học sư phạm và tốt nghiệp năm 1961. Sau khi ra trường, về làng dạy học, ông tích góp  mua được mảnh đất mà hiện nay gia đình ông đang sinh sống. Vừa đi dạy, ông Luận vừa làm kinh tế bởi cả nhà nếu chỉ trông vào 29 đồng tiền lương của ông thì không đủ sống. Ông Luận  nói: “Vợ tôi bị bệnh nên chẳng lo toan được cuộc sống gia đình. Thỉnh thoảng lại bất chợt lên cơn động kinh, xong rồi hết ngay. Tại mất bố mẹ từ nhỏ, là con độc nên tôi vẫn thấy rất hạnh phúc. Tôi yêu vợ, và chiều mẹ vợ tôi chẳng khác nào mẹ đẻ của mình”.

Năm 1963 vợ chồng ông sinh người con gái đầu lòng. Do công tác tốt và có nhiều thành tích trong giảng dạy, năm 1965, ông Luận được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường tiểu học xã Tuy Lai. Năm 1966, vợ ông sinh cho ông người con gái thứ hai. Không những luôn phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ để dạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, ông Luận còn luôn chăm lo, trách nhiệm hết mình với gia đình của mình. Nhưng trong năm học 1967-1968, ông bị cách chức Hiệu phó vì Phòng giáo dục phát hiện ông để giáo viên chữa điểm cho học sinh. Sau đó, ông xuống nhận dạy lớp 4, có 50 em học kém nhất khối. Thời gian này, ông càng thể hiện là một nhà giáo mẫn cán, lo lắng thương yêu học trò. Cuối năm học đó, 100% học sinh của ông đều lên lớp. Thành tích ông đạt được đã gây tiếng vang lớn trong toàn huyện. Một năm sau ông Luận lại được đề bạt lên làm Hiệu trưởng, mức lương nâng lên 47 đồng. Cũng trong năm đó, vợ chồng ông có thêm một cậu con trai. Tuy hoàn cảnh gia đình càng lúc càng khó khăn, nhưng ông Luận vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của người Hiệu trưởng. Không vì thế mà ông sao nhãng chuyện nhà, ông luôn chăm lo, trách nhiệm hết mình với gia đình của mình. Có điều, bệnh tình của vợ ông càng ngày càng nặng, chạy chữa khắp nơi, mà chẳng có kết quả. Năm 1972 ông Luận có thêm người con thứ 4. Do sức khoẻ không đảm bảo được công việc, năm học 1973- 1974 ông Luận xin thôi giữ chức Hiệu trưởng. Cuộc sống của gia đình ông Luận trở nên chật vật hơn và cứ thế trôi. Nhà ông nghèo đến mức, chị em trong trường được phân phối lụa, mỗi người phải cho nửa ống quần để may đủ 2 cái quần cho hai cô con gái ông mặc tết. Còn thì ông mua xà cạp về cắt sửa thành quần cho con trai mặc.

Trong những tháng ngày giữ chức hiệu trưởng, ngoài công việc đó, ông Luận còn phải chạy chợ mới đủ tiền nuôi gia đình, cho con ăn học, vì vợ ông yếu chẳng phụ giúp ông được, kể cả việc đi chợ. Chiều tối, ông lại đạp xe mang chè xanh ra Hà Nội bán, lấy tiền mua vài, ba đôi chiếu, mấy cái áo may ô lấy ở chợ Bắc Qua, có khi là gạo, mì, bột, nói chúng gặp gì mua nấy mang về bán lại cho mấy bà háng xén. Rồi ông đi Hoà Bình đổi lúa tẻ lấy lúa nếp, và sắn về bán. Theo lời mách bảo của bạn bè, năm 1976, ông Luận vào Sài Gòn để mua cao hổ về chữa bệnh cho vợ. Khi về ông bị trường kiểm điểm vì đi không xin phép và bị kỷ luật ra khỏi Đảng. Là người dám làm, dám chịu, ông Luận đứng ra nhận khuyết điểm mình đã vi phạm. Vì hoàn cảnh gia đình, 5 năm sau ông bị viêm ruột thừa phải đi mổ. Do hoàn cảnh khó khăn, sức khoẻ yếu, năm đó ông Luận xin nghỉ hưu. Người ta vẫn nói cái thân làm tội cái đời chẳng sai, về nghỉ hưu ông Luận vẫn làm thư ký đội sản xuất của làng 3 năm liền. Cho đến năm 1987, ông tiếp tục bị mổ cắt đi 1/3 dạ dày ông mới thôi dữ chức vụ này.  

Trước đó, rất may vợ ông lại khỏi bệnh chính nhờ vào chỗ cao hổ ông mang về, và có sức khoẻ để lao động sản xuất đồng ruộng. Năm 1978, người con trai út của ông bà đã ra đời.

       

                  Gia đình ông Đinh Công Luận hạnh phúc bên nhau.

 

 Nói đến ba người con trai của ông, do được sinh ra trên mảnh đất có truyền thống cờ bạc, nên vị ba quý tử đều ham mê đỏ đen ngay từ nhỏ. Đêm đêm ông Luận lại rọi đèn đi tìm con khắp xóm, có hôm đến tận 4 giờ sáng mới về. Không giống như nhiều người cha khác, ngày qua ngày ông nhẫn nại, thủ thỉ khuyên dạy các con biết kính trên nhường dưới, không tham của chung, chưa bao giờ ông phải dùng đến roi vọt. Mưa dầm thấm lâu, sau 7 năm ông kiên trì theo sát, dạy dỗ  những quý tử, cậu thì lì lợm, cậu thì lớn gan mang lúa đi bán lấy tiền đánh bạc, thế mà đều học hành đến nơi đến chốn. Bây giờ năm người con chính là niềm tự hào của ông bà, họ đều có sự nghiệp vững vàng và là những người hữu ích cho xã hội.

Công sức của ông Luận đối với vợ con thật là hiếm có. Câu chuyện về cuộc đời của ông, người đã vượt lên số phận chính là tấm gương sáng để lại cho con cháu ông sau này. Bây giờ lẽ ra ông phải nghỉ ngơi khi bước vào cái tuổi thất thập, nhưng sự cống hiến của ông với nơi mình đã sinh ra, lớn lên có bao những ký ức vui, buồn, mất mát không bao giờ ngừng nghỉ.

Năm 1989 ông Luận được bầu vào Ban chấp hành Hội phụ lão cao tuổi Thôn, đến năm 1998 làm Chi hội trưởng người cao tuổi của thôn. Năm 2001 làm Bn thường trực người cao tuổi của xã, năm 2003 sang làm Phó Chủ tịch UBMTTQ xã. Và từ năm 2004 đến nay, ông Luận là Chủ tịch người cao tuổi xã Tuý Lai.

Cũng từ sau khi nghỉ hưu mấy năm, xã  tin tưởng giao cho ông công việc quản nghĩa trang liệt sỹ. Ông Luận là người có đầu óc tổ chức và siêng năng nên đã biến nơi này trở nên khang trang đẹp đẽ. Ông tận dụng đất trồng hoa để làm vòng hoa bán, chứ không lấy tiền công của xã. Ông đã tham mưu cho xã tu bổ, kiến thiết một phần nghĩa trang, đồng thời tổ chức bài bản việc đón người đến thăm viếng. Thậm chí, có nghi lễ, khẩu hiệu, bài viếng, sơ đồ mộ chí, lý lịch của từng bia mộ. Và đã xây được 2 danh bia, ốp mộ, lát đường vào tạo cảnh quan, không khí rất trang trọng.

Năm 1993, 1997 ông được đi dự Quản trang tiêu biểu của tỉnh và được tặng giấy khen của UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Ông Luận tâm sự: “Giờ tuổi cao rồi, có lúc mệt muốn nghỉ nhưng tôi vẫn cố gắng làm tốt việc được giao. Còn rất nhiều người nằm dưới kia chỉ có tên không biết tuổi, không biết quê quán nên tôi phải tìm hiểu để mách bảo cho người đến tìm mộ”. Tuy có vóc dáng nhỏ bé do lam lũ, khổ ải từ tấm bé, sức khoẻ lại yếu nhưng ông Luận là người kiên trì, luôn đấu tranh với bệnh tật để kéo dài sự sống. Khiêm tốn, có phần tự ti, nghe nhiều nói ít, tránh mọi sự ganh đua, suy ngậm chắt lọc lẽ phải ở đời, đó là tính cách của ông Luận. Người làng ai cũng nói, ông là người dễ gần, dễ mến.  

 

                                                                         Minh Hằng

 

 

 

________________ 

LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: