Thứ sáu, 27/12/2024,


Thân tằm dẫu chết vẫn còn vương tơ (18/10/2008) 

 

Có thể nói, nghệ sĩ Kim Sinh là một kho cổ nhạc vô giá. Ông khiếm thị từ nhỏ nên sớm gắn bó với cổ nhạc như một định mệnh. Cái bản thể nghệ sĩ trong ông đã trải qua không ít đắng cay, cơ hàn để tính kế mưu sinh bằng nghề mà vẫn giữ được tay đàn không tòng theo lòng người có tiền, vẫn nhẩn nha, túng tếnh đầy tài hoa.

 

Trong căn phòng nhỏ nằm trên tầng hai khá cách biệt với không khí ồn ã của khu chợ phía dưới nhà, người nghệ sĩ mù Kim Sinh từng được bạn bè mệnh danh là 'Paganini đàn nguyệt' (Niccolo Paganini - Nghệ sĩ người Italia diễn tấu đàn violon khi chỉ còn một dây) đang ôm đàn gảy khúc Nam Ðảo.

 

Căn phòng tối mờ đầy chật những nhạc cụ cổ truyền vang ngân từng âm giai rộn rã. Ấy là cách mà ông chào đón chúng tôi !

 

Nhìn ông lần tay trên phím đàn, khuôn mặt gầy hao và đôi mắt hướng về vô định, tôi bất giác thầm tự hỏi không biết sức mạnh nào đã giúp ông vật lộn với đời để tồn tại, nuôi mười người con trưởng thành, truyền nghề cho biết bao thế hệ trẻ và hơn hết là để được công nhận là một bậc kỳ tài cổ nhạc nổi tiếng Bắc Kỳ trong hơn nửa thế kỷ qua.

 

Thính giả cả nước biết đến Kim Sinh như một danh cầm nhạc tài tử cải lương, nhưng ông đã làm chúng rôi bất ngờ khi diễn tấu cho chúng tôi nghe nhiều khúc nhạc của các thể loại cổ nhạc như chèo, xẩm, hát văn, ca Huế... Với khả năng đặc biệt này, ông đã từng đàn cho rất nhiều nghệ sĩ như NSND Quách Thị Hồ; nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu; nghệ sĩ chèo Xuân Theo, Quý Bôn...

 

Căn nguyên của biệt danh 'Paganini đàn nguyệt' dành cho ông là một câu chuyện thú vị thời trai trẻ. Khi ấy, ông có vinh dự được hòa tấu cùng hai danh cầm lão luyện khác là nghệ nhân Ðinh Lạn (đàn cò), và nghệ nhân Bảy Nghì (đàn gáo).

 

Trong lúc hòa tấu bài Nam Ðảo, bất ngờ cây đàn nguyệt của Nghệ sĩ Kim Sinh bị long phím số sáu. Dù trong lòng có hơi cuống nhưng Kim Sinh vẫn cố giữ nét mặt bình thản chơi đến cuối bài mà không dừng lại giữa chừng để gắn phím. Do phím số sáu có vị trí rất quan trọng, ông phải sử dụng lối đánh mượn phím đến mức dây đàn ngoài do bị ấn căng đã đứt. Một sự kiện hy hữu trong làng nhạc cổ đã xảy ra, cây đàn nguyệt một dây, long phím dưới tay người nghệ sĩ mù đã hoàn thành những câu nhạc cuối cùng trong bài Nam Ðảo trong tiếng vỗ tay thán phục của khán giả.

 

Qua ông, tôi hiểu thêm về mối giao tình của những người nghệ sĩ cổ nhạc từ nam chí bắc. Họ trọng nhau vì tài, mến nhau vì nghiệp và vì cả cái sự lang bạt kỳ hồ nên cái tình giao hảo của những lớp nghệ nhân tiền bối cũng khác nay nhiều lắm. 

 

 

Nghệ sĩ Kim Sinh kể cho tôi nghe về một kỷ niệm thời chiến tranh chống Mỹ. Lúc ấy ông công tác tại đoàn cải lương Chuông Vàng và thường tham gia biểu diễn trên đài phát thanh Giải Phóng. Một hôm, đài phát thanh Tự Do (của chế độ Ngụy) bỗng vang lên một giọng nói: 'Này tên Việt Cộng Kim Sinh, hãy nghe đây', liền đó là sáu câu vọng cổ được đàn bằng ghi ta phím lõm (còn gọi là lục huyền cầm) của một nghệ sĩ khiếm thị Văn Vĩ, một danh cầm được giới mộ điệu xếp vào hàng Tam hùng cổ nhạc miền nam.

 

Ngay ngày hôm sau, nghệ sĩ Kim Sinh lập tức lên sóng của Ðài tiếng nói Việt Nam đàn lại sáu câu đối đáp. Sau ngày giải phóng, nhân một chuyến biểu diễn của đoàn Chuông Vàng, hai nghệ sĩ này đã có dịp tương phùng trong niềm xúc động. Nghệ sĩ Văn Vĩ cũng nói thêm rằng việc đánh đàn khiêu khích trên đài Tự Do là do ai đó cố tình sắp đặt, bản thân ông không hề hay biết. Rồi hai ông kết nghĩa anh em trước sự chứng kiến của nhiều nghệ sĩ Sài Gòn. Họ cùng nhau hòa tấu một bữa tiệc đàn ca tài tử đặc sắc, mang niềm vui của tình nghệ sĩ nam bắc thống nhất một nhà với nhiều cung bậc cảm xúc. Sau này, mỗi lần liên lạc với nhau, do không thể viết thư nên hai ông thường nói hoặc đàn một bản nhạc hay để ghi âm vào băng cát-xét rồi nhờ người chuyển giúp.

 

                         

 

Không chỉ nổi danh trong nước, nghệ sĩ Kim Sinh còn được thế giới biết đến và mời ông đi lưu diễn tại Mỹ, Nhật... Dưới ánh đèn sân khấu, người nghệ sĩ đã thăng hoa trên nền âm hưởng của cổ nhạc, tạo nhiều thưởng ngoạn đặc sắc cho khán giả nước bạn. Nhiều bản đàn cổ thu âm tại những quốc gia này đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá các loại hình âm nhạc của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

 

Tuổi xế chiều, gân đàn nghe đã chùng, tay chạy phím không còn được như xưa nhưng tiếng đàn Kim Sinh vẫn là một đỉnh cao hiếm người vượt qua. Dưới ánh đèn đỏ quạch, người nghệ sĩ ấy lặng lẽ sống trong thế giới của riêng mình với những nỗi niềm sâu kín.

Theo PHẠM VÂN ANH

   (Báo Nhân Dân)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: