Trong bức ảnh hai vợ chồng chụp 3 năm sau ngày cưới, ai cũng phải xuýt xoa khen bà Nguyễn Thị Doanh là một phụ nữ nhan sắc. Nhưng bà lại bảo: ‘Hồi đó tôi xấu nhất đoàn văn công đấy’.
Ông bà kết hôn năm 1958, khi đó ông 28 tuổi và bà 24 tuổi. Nguyễn Minh Châu từng thổ lộ trong một bức thư gửi người vợ Nguyễn Thị Doanh: “Anh thấy hãnh diện có em, một con người biết sống có ý nghĩa cho cuộc đời mình, anh càng yêu tha thiết và vui sướng có em cùng bước trên mọi khó khăn của đường đời”. Chi tiết này đã được Nhà xuất bản Kim Đồng đưa vào cuốn Nguyễn Minh Châu - Từ Dấu chân người lính đến lão Khúng ở quê vừa phát hành.
Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng và tạp chí Văn nghệ Quân đội
thăm nhà bà Nguyễn Thị Doanh sáng 15/7 để tặng bà cuốn sách
Nguyễn Minh Châu – Từ Dấu chân người lính đến lão Khúng ở quê mới ra mắt.
Sách nằm trong bộ Nhà văn của em. Trong ảnh, bên trái bà Doanh là
ông Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Về chuyện nhân duyên với người chồng đã gắn bó với bà trong hơn 30 năm của cuộc đời, người vợ 77 tuổi của nhà văn nói: “Chuyện dài lắm”. Nhớ lại thời đầu yêu nhau, đôi mắt bà ánh lên niềm vui tươi trẻ. “Hai chị em tôi cùng lấy hai anh em ông ấy, chị em ruột về làm dâu cùng một nhà. Nhưng đó là may nhờ ông ấy và tôi cùng ra ngoài này sống nên mới đến được với nhau, chứ ở quê nhà (Nghệ An) thì có thể đã không lấy nhau đâu”.
Bà Doanh giải thích: “Nhà ông Châu giàu còn nhà tôi thì nghèo, hai chị em cùng gả vào một nhà như thế thì người ta lại cho là mình tham của”. Anh trai của nhà văn Nguyễn Minh Châu là Nguyễn Huy Trân, còn chị gái bà Nguyễn Thị Doanh là Nguyễn Thị Mão.
Biết nhau từ trước nhờ hai gia đình là thông gia, nhưng ông Châu và bà Doanh chỉ để ý đến nhau khi thỉnh thoảng gặp mặt ở Hà Nội. Đó là những ngày chủ nhật khi cả hai tới thăm nhà anh chị ở Đội Cấn. Lúc đó bà Doanh là văn công của Đoàn Ca Vũ 2, Tổng Cục Chính trị, còn ông Châu đang học trợ lý văn hóa.
Bức ảnh vợ chồng Nguyễn Minh Châu - Nguyễn Thị Doanh
chụp khoảng năm 1961, ba năm sau ngày cưới của hai người.
Nhìn lại bức ảnh này, bà Doanh cười bảo: "Ngày xưa thì thế, bây giờ thì trông giống bà già 90".
“Lúc đó tôi đang định yêu một người khác, còn ông ấy thì thỉnh thoảng mới gặp mặt nên tình cảm tôi dành cho ông ấy cũng bình thường. Còn ông ấy thấy tôi con gái mà không chăm chút điệu đà gì cả, về đến nhà chị thì thay ngay bộ quần áo ở nhà, rồi gánh nước, tắm cho các cháu, làm việc lu bù. Nhưng chính vì thế nên ông ấy có cảm tình với tôi”, người vợ của nhà văn nhớ lại.
Những năm ở tuổi 20, khi còn là văn công, bà Nguyễn Thị Doanh từng thể hiện giọng hát với Ru con hay Câu hò bên bến Hiền Lương và còn tham gia nhiều tiết mục múa. Lấy chồng rồi, bà sớm rời đoàn văn công để chuyển sang làm một cán bộ bình thường. Bà học dược, công tác trong ngành dược suốt mười mấy năm để đỡ đần chồng theo nghiệp sáng tác.
Bà Doanh bật cười khi kể lại cách chồng thuyết phục bà từ bỏ đoàn văn công. Ông đã sưu tầm rất nhiều câu chuyện về các người vợ của những đại văn hào hay danh nhân nối tiếng thế giới để kể lại cho bà nghe. Dần dần bà cũng xuôi theo. “Khi về chăm chồng, tôi cũng chỉ lo cho ông ấy được chuyện ăn uống, sinh hoạt thôi, còn về văn chương tôi hoàn toàn không biết chút gì”.
Bà Doanh cùng mọi người xem lại các bức ảnh và kỷ vật bà lưu giữ về chồng.
Những ngày tháng cuối đời của nhà văn là quãng thời gian cảm động khiến bà Doanh luôn rưng rưng nước mắt khi nhớ lại. Bà kể, năm 1988, ông đang viết dở 30 trang Phiên chợ Giát - truyện ngắn để đời của ông, thì phát hiện mắc bệnh ung thư. Lúc đó, bà Doanh đã mang bản thảo của chồng lên gác xép cất kỹ, bà đã nghĩ đó là thời điểm “chấm dứt đời văn của ông ấy”.
Gia đình đưa Nguyễn Minh Châu vào Sài Gòn điều trị 3 tháng, sau đó sức khỏe có khá hơn, ông trở về Hà Nội nhưng vẫn không quên ý tưởng về truyện ngắn còn dang dở. Nhà văn nói với vợ: “Bây giờ anh ngồi không lại suy nghĩ đến bệnh tật, vậy nên anh phải viết để quên đi”. Bà lại xuôi lòng, lên gác xép lấy bản thảo trả lại cho ông. Nguyễn Minh Châu cũng không quên dặn vợ nhớ giấu bác sĩ chuyện ông viết lách. Nhà văn hoàn thành Phiên chợ Giát trong tình trạng bệnh tật hiểm nghèo. Đến tháng 1/1989, ông qua đời, lúc hấp hối vẫn đòi vợ mang giấy bút đến để nắm chặt trong tay rồi mới trút hơi thở cuối cùng.
Danh sách các anh em, bạn bè ủng hộ tiền cho Nguyễn Minh Châu
khi ông lâm bệnh nặng, được gửi vào ngày 20/12/1988.
Tổng số tiền là 19.500 đồng cùng với lời nhắn "Kính gửi anh
Nguyễn Minh Châu, Hà Nội, tấm lòng từ anh em văn nghệ Bình Trị Thiên".
Trong đó các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Trọng Tạo, Lâm
Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Thị Mây...
Trong ký ức của các đồng nghiệp cũ ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Nguyễn Minh Châu là người lặng lẽ và khiêm tốn. Ông thường ít nói chuyện, chỉ lặng yên nghe mọi người cười đùa. Ở nhà, theo lời kể của bà Nguyễn Thị Doanh, ông luôn kính trọng, ca ngợi các nhà văn lớn như Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Khải. Bà nhớ chồng từng nói: “Anh Khải viết giỏi hơn anh nhiều”.
Những ghi chép, hồi ức của Nguyễn Minh Châu cũng là các tư liệu quý mà một số nhà xuất bản, trong đó mặn mà nhất là Nhà xuất bản Phụ nữ, đề nghị gia đình cho phép tổng hợp và xuất bản. Bà Doanh nói, bà rất cảm động với tấm lòng của nhà xuất bản, nhưng ghi chép hay nhật ký của Nguyễn Minh Châu là những gì riêng tư nhất của ông, bà đã hứa với các nhà xuất bản rằng: “Hãy để đến sau này khi tôi mất đi hãy in. Bởi khi đó những tư liệu này mới không còn là của riêng tôi nữa”.
Pham Mi Ly
(Nguồn: Evan.VnExpress)