Thứ sáu, 26/04/2024,


Áo dài – Biểu tượng của văn hóa Việt (18/10/2008) 

     Thướt tha trong chiếc Áo Dài duyên dáng và gợi cảm. Tà Áo Dài được ví như dòng nước uốn lượn theo từng đường nét cơ thể thật mềm mại, thanh khiết. Vạt Áo Dài như đôi cánh làm dao động cả cảnh vật và không gian như bao hàm mùi hương của người mặc...

 

 

Áo ai trắng, trắng tinh khôi
Thướt tha bước để 'ai' ngồi ngẩn ngơ.
Để ai nghĩ vẩn nghĩ vơ
Áo ai như một trời thơ dịu dàng.

 (Vẩn vơ áo dài – Phạm Thị Minh Hương)

     Cũng không khỏi ngạc nhiên khi được hỏi, mỗi người chúng ta đều trả lời rằng: 'Áo Dài là một trang phục truyền thống của Việt nam'. Chiếc Áo dài là niềm kiêu hãnh của dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam - một hình thức không gian văn hóa có giá trị đã được UNESCO công nhận năm 2002.

 

     Mỗi chúng ta dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài trong những dịp Đại hội, lễ nghi, tiệc tùng, cưới hỏi hay cả trong cuộc sống thường ngày không thể thiếu đi hình ảnh chiếc Áo Dài truyền thống mang đậm nét văn hoá dân tộc Việt nam - một biểu tượng văn hóa qua bao thời đại.

 

Áo Dài Việt Nam:  Những thăng trầm lịch sử

 

     Đến nay vẫn chưa ai xác định được  chính xác nguồn gốc của chiếc Áo dài đã gắn bó với người phụ nữ Việt Nam từ lúc nào. Theo các nhà khảo cổ, hình ảnh chiếc Áo dài với hai tà phất phơ trong gió đã được tìm thấy trong các hình ảnh khắc trên các cổ vật như mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ, trên tháp đồng Đào Thịnh vào khoảng ba ngàn năm về trước. Theo truyền thuyết thì Hai Bà Trưng đã mặc Áo Dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng khi cưỡi voi ra trận. Sau này, vì tôn kính Hai Bà nên phụ nữ Việt đã tránh mặc áo hai tà và thay vào đó áo tứ thân.

 

     Tuy nhiên, chuyện được biết nhiều nhất là việc chúa Nguyễn Phúc Khoát ở đàng Trong, khi xưng vương (năm 1744) đã bắt quan, dân phải mặc lễ phục lấy mẫu từ “Tam tài đồ hội” của nhà Minh, Trung Quốc. Vì thế có giả thuyết cho rằng, Áo Dài Việt Nam xuất xứ từ phương Bắc.

 

     Cho đến đầu thế kỷ XX, phần đông Áo Dài phụ nữ thành thị mặc đều may theo thể năm thân. Mỗi thân áo  trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước. Tay Áo may nối phía dưới khuỷu tay. Sở dĩ áo phải nối thân và tay là vì các loại vải tốt như lụa, sa, gấm,... ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40 cm. Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chiết eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80 cm ở gấu, cổ áo chỉ cao khoảng 2-3 cm.

 

     Trong thập niên từ 1930 đến 1940, cách may Áo dài vẫn không thay đổi nhiều, nhưng phụ nữ thành thị bắt đầu dùng các loại vải màu tươi, sáng hơn, được nhập khẩu từ châu Âu. Thời kỳ này, gấu Áo dài thường được may trên mắt cá chân khoảng 20cm. Từ đây và tiếp tục cho đến gần cuối thế kỷ XX thiếu nữ khắp nơi mặc quần trắng với Áo Dài. Quần đen dành cho những phụ nữ đã lập gia đình. Một vài nhà tạo mẫu Áo dài đã bắt đầu xuất hiện, nhưng họ mới chỉ bỏ đi phần nối giữa sống Áo vì vải của phương Tây dệt có khổ rộng hơn vải ta. Tay áo vẫn may nối. Thời đó, Hà Nội đã có các nhà may nổi tiếng như Cát Tường ở phố Hàng Da và một số ở khu vực Hàng Trống, Hàng Bông. Năm 1939, nhà tạo mẫu Cát Tường đã tung ra một kiểu Áo mới có tên gọi là Le Mur mang mẫu dáng rất Âu hoá. Áo Le Mur vẫn giữ nguyên phần Áo dài may, không nối sống bên dưới, nhưng cổ Áo khoét hình trái tim; có khi Áo được gắn thêm cổ bẻ và một cái nơ ở trước cổ; vai Áo may bồng, tay nối ở vai; khuy Áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Vậy là Áo Le Mur được xem là táo bạo và chỉ có giới nghệ sỹ hay ăn chơi “thời thượng” lúc đó mới dám mặc. Nhưng chỉ đến khoảng năm 1943 thì loại áo này đã bị lãng quên.

 

     Đến khoảng những năm 1950, sườn Áo dài bắt đầu được may chiết eo. Các nhà may lúc đó đã cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau rộng hơn thân trước, đặc biệt là phần mông để áo ôm theo thân dáng mà không cần chiết eo; vạt áo cắt hẹp hơn, cổ áo cao lên trong khi gấu được hạ thấp xuống.

 

     Vào những năm 1960, Áo dài được thay đổi nhiều nhất vì cái nịt ngực được sử dụng ngày càng phổ biến hơn, nên Áo dài phải được may chiết eo, thậm chí người phụ nữ mặc rất chật để tôn ngực. Eo áo cắt cao lên để hở cạp quần; gấu áo cắt ngang thẳng và dài gần đến mắt cá chân, cổ áo khoét tròn.

 

          

Áo dài cách tân                                             Áo dài truyền thống

 

     Vào cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, để thích ứng với thời trang váy ngắn, quần loe của thanh niên theo lối hippy, Áo Dài mini đã xuất hiện và ngay lập tức trở thành mốt thời thượng. Vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối, áo may rộng ra và không chiết eo, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể; cổ áo may thấp 3 cm; vai áo bắt đầu được cắt lối raglan để ngực và tay áo ôm hơn; quần khi đó được may rất dài, gấu rộng đến 60 cm. Sau thời kỳ này trở về đến năm 1990, Áo dài không thay đổi nhiều lắm so với truyền thống, thỉnh thoảng cũng có vài mẫu đổi mới, chẳng hạn như quần và áo đồng màu, nhưng không phổ biến...

 

     Ngày nay, Việt Nam đã có một lực lượng đông đảo các nhà tạo mẫu Áo Dài, với đủ các loại chất liệu vải, họ vẫn luôn nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo đưa ra những mẫu mốt mới...Chất liệu mới cho Áo Dài được kết hợp từ những tấm vải mẫu, thường được trang trí bằng những đường nét thủ công hoặc thêu thùa. Song, cũng chỉ dừng lại ở việc thay đổi chất vải và hoa văn trên Áo Dài còn về kiểu dáng vẫn phải giữ theo “công thức” cũ, nghĩa là không khác gì nhiều với cái Áo Dài của pho tượng Ngọc Nữ thế kỷ XVII ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh.

 

     Chiếc Áo dài không chỉ là một trang phục, mà còn là một nét son trong văn hóa Việt, chuyên chở nhân sinh quan Việt Nam, một biểu hiện của bản sắc và tinh thần Việt Nam: 'Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng chỉ tiếp nhận tinh hoa, gạn lọc cặn bã, vun đắp thêm cái đẹp mà vẫn giữ cá tính độc lập'. Chiếc Áo Dài đã trở thành một biểu tượng trang phục kiêu hãnh của người Việt Nam.

 

Áo Dài : Trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam

 

     Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, dân tộc Việt Nam gần như phải luôn chống nạn ngoại xâm để trường tồn và bảo vệ những giá trị truyền thống về văn hóa, kỷ cương gia đình. Chiếc Áo Dài là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc. Ngoài vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, cách cấu trúc còn ẩn tàng ý nghĩa dạy dỗ về 'đạo làm người' của tiền nhân. Chiếc Áo Dài còn là thành quả biểu hiện của bản sắc và tinh thần Việt Nam. Hơn một ngàn năm Bắc thuộc, gần trăm năm bị Pháp đô hộ, chiếc Áo Dài đã tiếp xúc cả hai luồng văn hóa mạnh mẽ của nhân loại, Đông phương (Tàu) và Tây phương (Pháp). Chiếc Áo Dài đã vượt qua mọi thử thách để trở thành một thứ 'quốc phục', một biểu tượng của phụ nữ, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải trân trọng nâng niu và bảo vệ những di sản quý giá của tổ tiên để lại và tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của tiền nhân.

 

     Áo Dài - trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, ôm sát cơ thể, có cổ cao và dài khoảng ngang gối. Nó được xẻ ra ở hông, vừa quyến rũ lại vừa gợi cảm, vừa kín đáonhưng vẫn biểu lộ đường nét của một người thiếu nữ. “Ở đâu có phụ nữ Việt - ở đó có Áo dài Việt'. Không đơn thuần là trang phục truyền thống, mà Áo dài còn là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần Việt. Nói cách khác, đó chính là 'quốc hồn' của phụ nữ Việt Nam .

 

     Bà James Sterson, một sứ giả Mỹ đã nói rằng: “Không một đất nước nào có một trang phục dân tộc vừa đẹp, truyền thống mà lại có chiều sâu văn hóa như tà Áo Dài Việt Nam”.

 

 Nét đẹp giản dị thanh tao trong đời sống thường ngày

 

 

Tôi còn mắc nợ áo dài
một làn gió trắng một bài thơ hay
....

Ngoài kia trời đất giao thân
tôi còn mắc nợ giai nhân một đời.

(Tôi còn mắc nợ áo dài - Nguyễn Trọng Tạo)

     Không giống như kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sai, trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, người mặc Áo Dài không tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch, có lẽ chính vì vậy mà Áo Dài đã “len lỏi” vào cuộc sống hàng ngày của phụ nữ Việt Nam một cách tự nhiên và dễ dàng.

 

     Không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng khi mỗi sáng từng nhóm nữ sinh trong bộ đồng phục Áo dài trắng thướt tha đổ về các cổng trường. Trên những chuyến bay đường dài với những sự thay đổi thời tiết và khí hậu đột ngột, hình ảnh những thiếu nữ Việt xinh tươi đằm thắm trong tà Áo Dài chính là “linh hồn” làm dịu đi những nỗi mệt nhọc cho hành khách trong chuyến bay. Không chỉ có thế, ngày nay tại các công sở, cũng dễ dàng tìm thấy hình ảnh những phụ nữ gọn nhẹ trong tà Áo Dài nhưng vẫn hoạt bát nhanh nhẹn xử lý công việc thật ngăn nắp, chỉnh chu. Đúng như lời nhận xét của một chuyên gia thời trang Đông Nam Á: “Áo Dài Việt Nam tạo ra sự thoải mái cho người phụ nữ và cho phép người mặc có thể hoạt động tự do và nó cũng có sức cuốn hút hơn”.

 

     Qua bao thăng trầm, với bao biến tướng, có lúc thì rộng thùng thình trông đến là lạ mắt (đầu thế kỷ 19), có lúc lại cổ cao, ngực khít. Lúc dài trên đầu gối, lúc lại sát tận gót giày... Khi thì tơ tằm lên ngôi, lúc lại là thời của lụa, của tơ sống, của đũi... Nhưng tựu trung lại, chiếc Áo dài vẫn không bao giờ có thể thiếu vắng trong tủ quần Áo của mỗi thiếu nữ Việt Nam. Tà Áo dài và người con gái Việt, sự kết dính cứ nhẹ nhàng như 'tơ chăng'', nhưng lại bền bỉ và chặt chẽ. Những thiếu nữ Việt trong chiếc áo tinh khôi tới trường, chững chạc trước bạn bè quốc tế trong những cuộc thi hoa hậu. Khi thêm chiếc khăn vành trên đầu như 'vương miện' với chiếc áo choàng khoác bên ngoài sẽ kết hợp lại thành bộ lễ phục 'hoàng hậu' cho cô dâu ngày bước lên xe hoa. Tới lúc làm mẹ, đưa con gái, đón con dâu về nhà... cũng lại chiếc Áo dài nhung làm những bà mẹ trở nên sang trọng và ''chững chạc'' hơn... Trong các buổi dạ tiệc, chiếc Áo Dài Việt Nam cũng sẽ lộng lẫy, độc đáo, không thua bất kỳ bộ trang phục của các quốc gia nào khác trên thế giới.

 

     Bởi thế, Áo dài không bao giờ lỗi mốt. Các nhà thiết kế dường như chưa bao giờ cạn nguồn cảm hứng để làm cho nó thêm ''thi vị''. Dù thêm bớt thế nào, Áo dài vẫn cần giữ nguyên những gì là bản chất của nó. Kín đáo đấy mà các đường cong trên cơ thể người thiếu nữ vẫn được ''khoe''  ra, đơn sơ đấy mà vẫn là loại trang phục không gì thanh cao trang nhã bằng...

 

     Ngày nay, Áo Dài xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Những phụ nữ Việt Kiều biểu lộ tình cảm với quê hương qua chiếc Áo Dài. Nhiều du khách nước ngoài đã có những ấn tượng rất tốt về tà Áo Dài Việt Nam. Họ cảm thấy được tiếp đón rất nồng hậu khi những tà Áo Dài bay bay trước gió ở phi trường. Thật tiếc cho những ai đến Việt Nam mà không mang về một chiếc Áo Dài làm kỷ niệm và để khoe với những ai chưa từng đến Việt Nam. Tà Áo Dài xứng đáng với mệnh danh 'Nét duyên dáng Việt Nam'.

 

Và ngày càng vươn xa khắp thế giới…

 

Áo dài Việt Nam trong cuộc thi 'Hoa Hậu Trái Đất'

 

     Vào tháng 06/2001, lần đầu tiên Áo dài Việt Nam được giới thiệu tại thành phố Tour, Pháp với sự tham dự của khoảng 300 người hâm mộ văn hóa Việt, chiếc Áo Dài được xem là di sản văn hóa phi vật thể của nước Việt. Một cô gái người Singapore gốc Trung Quốc từng phát biểu: “nhiều người đang có khuynh hướng làm đẹp theo kiểu phương Tây nhưng với tôi và không ít người khác lại muốn kế thừa những nét đẹp Á Đông. Áo Dài đưa chúng tôi trở về với những giá trị châu Á”. Không chỉ tại châu Á, trong con mắt người phương Tây, từ lâu chiếc Áo Dài cũng đã được chú ý, chị Susan - một phụ nữ gốc Anh sống ở Úc từng qua công tác và làm việc ở Việt Nam, đã tìm may và sưu tầm cho mình ba bộ Áo dài đẹp để mặc vào những dịp lễ hội khi chị còn ở Việt Nam, khi về nước chị đã kỹ càng gói lại và đem về mặc lại cho những người thân của mình xem khi có dịp. Và như là một hình thức để giới thiệu về đất nước và con người Việt, đài truyền hình KBS của Hàn Quốc cũng đã từng làm một bộ phim dài 30 phút về Áo Dài Việt Nam để trình chiếu tại nước này.

 

     Áo Dài Việt Nam ngày nay mang đậm nét bản sắc dân tộc, được kế thừa một cách sáng tạo vẻ đẹp của chiếc Áo tứ thân của người Kinh, Áo dài của người Chăm, Tày, Nùng... Những năm gần đây, Áo Dài được thời trang hóa với nhiều sự cách tân, kết hợp nét văn hóa dân tộc với yếu tố thời trang hiện đại, tạo nên nét riêng độc đáocủa tà Áo dân tộc trong các buổi trình diễn tuần lễ thời trang quốc tế và trong các cuộc thi hoa hậu trong và ngoài nước, các festival trang trọng và bề thế. Nhiều nhà thiết kế Áo Dài Việt Nam đã được biết đến trên thị trường quốc tế như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, La Hằng...

 

     “Kín đáo, duyên dáng mà gợi cảm” là một trong những yếu tố đưa Áo dài trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt. Không chỉ là cái Áo nữa - chiếc Áo Dài đã trở thành biểu tượng của trang phục, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Theo CINET

--------------

Nguồn: cinet.gov.vn

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: