Thứ năm, 25/04/2024,


Nhìn lại Văn học mạng: "Bỗng dưng nổi tiếng"… (18/10/2008) 

     Chưa bao giờ ba chữ “văn học mạng” được bàn tán nhiều như hiện nay, cảm giác như làn sóng này đang có xu hướng lấn lướt thị trường sách trong nước. Bằng chứng là những sản phẩm khai sinh từ mạng ngay lập tức được các đơn vị làm sách săn tìm.

 

Liên tiếp những "hiện tượng văn chương"

 

     Một cuốn sách được tái bản chỉ sau vài tuần phát hành. Và không ít báo chí lao vào viết bài, phỏng vấn tác giả, nhìn nhận cuốn sách như một “hiện tượng văn chương”. Thế nhưng tác phẩm được một số người phong tặng bằng mỹ từ “gây xôn xao dư luận”; “một hiện tượng, xu hướng mới” - rất tiếc - phần nhiều trong số đó giá trị văn chương lại chỉ dừng ở mức hết sức khiêm tốn mà thôi. Trong khi bản thân các tác giả của chúng hoàn toàn ý thức về việc viết của mình, không tham vọng – như chính họ bày tỏ:

 

   'Tác phẩm của tôi chỉ là một dạng tự truyện, không phải là một tác phẩm văn học trong đó chỉ có những câu chuyện và bài học cuộc sống thực tế tôi cóp nhặt và muốn chia sẻ' (Hà Kin).

 

     “Còn giọng văn, tôi đã cố gắng trau chuốt. Tuy nhiên chính bản thân tôi vẫn thấy không có được vẻ mượt mà, kín kẽ như những nhà văn chuyên nghiệp” (Keng).

     Thế nhưng dường như báo chí đã và đang khiến cho các tác phẩm phải rời khỏi vị trí mà chúng thực sự cần/nên đứng ở đó. Thử khảo sát một cuốn sách được nhìn nhận là “hiện tượng xuất bản” gần đây nhất– cuốn Dị bản của Keng - cuốn sách ngay từ ngoài bìa đã đưa ra dòng khuyến cáo “Chỉ đọc khi tuổi đã 18”. Đây là lời giới thiệu về cuốn sách Dị bản được đăng tải trên mạng:

 

     “Dị bản” là sản phẩm văn học mạng 100% gồm 13 truyện ngắn Keng tổng hợp lại từ blog…. Mỗi câu chuyện là một sự trăn trở về cuộc sống, tình yêu, lối sống… của thế hệ trẻ Việt Nam. Yêu thoáng, sống thoáng và quan hệ cũng thoáng, yêu là cho, là không mất gì, không phải chịu trách nhiệm là quan niệm mà cách đây năm, mười năm mọi người nhìn nhận về nó như một lối sống buông thả, trụy lạc và kém bản lĩnh nhưng hiện nay đang là lối sống thời thượng là trào lưu của giới trẻ thế hệ 8X, 9X. Keng đã dám nói ra một cách thẳng thắn những điều mà thế hệ trước không dám về tình dục…”


     13 đoạn viết trong Dị bản - được “đóng nhãn mác” truyện ngắn - thực chất mới chỉ dừng ở mức là những “phác thảo”, những “chuyện kể” . Nó kiến nhiều độc giả trẻ tò mò, và làm nên “cơn sốt” – có chăng là bởi Keng đã thẳng thắn phơi bày cuộc sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay: buông thả và đầy dục vọng. Và nếu chỉ dừng ở đó thì thiết nghĩ cũng không cần phải quá um xùm về một cuốn sách/ghi chép/nhật kí (?) thật thà và khá giản đơn như vậy.

 

     Bỗng dưng nổi tiếng, được nhiều báo chí “viếng thăm” , điều này đã/đang chứa một nguy cơ: đó là sự nhầm tưởng về những giá trị văn chương đích thực ở cả người viết và người đọc hôm nay

 

Xu thế mới?

 

     Dị bản là một trong những cuốn sách được xếp vào dòng văn học mạng mới trỗi dậy thời gian gần đây ở Việt nam.Thực chất, trào lưu này anh hưởng từ Trung Quốc - với sự xâm lấn một cách “ngoạn mục” của những sản phẩm văn học mạng made in China như Kì án ánh trăng của Quỷ Cổ Nữ, Tru Tiên của Tiêu Đình, Xin lỗi em chỉ là con đĩ của Bảo Thê… Ngay khi làn sóng này tràn sang Việt Nam, các cư dân mạng Việt nam đã lập tức nhập cuộc và tự “tạo sóng” .

 

     Hà Kin với Chuyện tình NewYork, Trần Thu Trang với Chỉ lấy người như anh, Phan An với Giường, Doãn Dũng với Me Tây, Giao Chi với Tuyết đen, Trang Hạ với Những đốm lửa trên vinh Tây Tử… và tất nhiên là cả Keng với Dị bản. Chưa kể, không ít những tên tuổi cũ, đang có nguy cơ bị độc giả lãng quên cũng nhanh chóng lấy lại “phong độ” và sự nổi tiếng qua blog như Trang Hạ, Đặng Thiều Quang, Di Li…Họ đã biết chớp lấy cơ hội cho mình, tận dụng nó một cách hiệu quả.

     Chưa bao giờ ba chữ “văn học mạng” được bàn tán nhiều như hiện nay. Nhiều cuộc tọa đàm trên báo chí, truyền hình cũng đã được mở ra với không ít băn khoăn, trăn trở của những người “trong cuộc”. Thế nhưng làn sóng văn học mạng đang có xu hướng lấn lướt thị trường sách trong nước. Bằng chứng là những sản phẩm khai sinh từ mạng ngay lập tức được các đơn vị làm sách săn tìm. Các biên tập viên thời nay phải là người thạo việc lướt web, thạo việc sục sạo các blog, tìm kiếm những tên tuổi mới, những blog hot nhất. Những entry viết đầy ngẫu hứng trên mạng được biên tập thành các “truyện ngắn” “tản văn”. Và chúng nối nhau xuất bản, ngự tại các quầy sách, ở những vị trí bắt mắt. Danh xưng “nhà văn mạng” bỗng dưng trở nên đầy hấp dẫn với không ít những người trẻ.

 

Văn chương mạng và sự lập lờ về giá trị

 

     Trước sự trăm hoa đua nở của văn chương mạng hiện nay, một độc giả có nick myeros viết : “Tiếc rằng, khi đọc những tác phẩm văn chương từ blog in thành sách, hoặc đọc trực tiếp trên blog, tôi lại không thấy đâu bóng dáng của cái đẹp. Rồi tôi cũng tìm đọc 'Tru tiên', 'Xin lỗi em chỉ là con đĩ', 'Những đống lửa trên vịnh Tây Tử'..., những tác phẩm nổi danh, những tiên phong của một trào lưu mới, những quả bom tấn đã được thị trường blog 'thẩm định' bằng số lượt người truy cập, và thấy... buồn. Buồn vì không tác phẩm nào đem lại cho mình những chiêm nghiệm về cuộc sống, và gây ra cho mình những rung cảm từ đáy lòng, đôi tay mình không sao nhấc lên để soi dưới ánh nắng xem điều gì ẩn giấu sau những con chữ kia như cách mà Gorky đã làm với các tác phẩm của Flobert. Nhưng có lẽ buồn hơn cả là thấy mình hình như là tụt hậu quá rồi, hình như bấy lâu mình chỉ quanh quẩn với những tác phẩm được coi là kinh điển, được thẩm định kĩ càng bởi thời gian và người đọc đi trước mà không sao tiếp nhận được cái mới, không ăn được món ăn mà đa số đang ăn một cách ngon lành.”

 

     Khi bắt gặp trong phần giới thiệu thơ trẻ của chuyên trang văn học của một báo điện tử chính thống có những câu thơ như sau: “Em save anh vào document tử cung/ Trét lên tường những gam màu bò cái/.../ bào thai rắn rớt... nhầy nhụa bàn phím/ hình dung anh cắn phải lưỡi khi làm tình”. – không ít độc giả đã chung mối âu lo: Không biết vài ba năm lẻ nữa, người đời ai khóc người viết những dòng thơ này chăng?

Tác giả Nhã Thuyên chia sẻ: Quan sát văn học trẻ ở Việt Nam trong vòng một, hai năm qua, cụm từ “văn học mạng” đã càng lúc càng trở nên lập lờ đánh lận con đen, nhất là khi được coi như một làn sóng văn học mới.


     Điều này được lý giải: Truyền thông có vai trò quan trọng trong văn hóa đọc. Nhưng nó trở nên đáng sợ khi tạo ra những cơn sốt, có thể “điều khiển” thị hiếu đọc của bạn đọc, nhất là những người trẻ tuổi, đồng thời gây một “ám thị” rằng đời sống văn học chỉ có vậy. Các nhà sách “thấy bở đào mãi” và vì lợi nhuận, họ sẽ càng chuyên tâm khai thác dòng sách dễ tính này.

Phong Điệp (Nhà văn)

 

'Dị bản' đã được… nối bản lần thứ 3!

 

Chỉ sau khi ấn bản đầu tiên phát hành chừng 1 tháng, Dị bản của Keng (tên thật là Đỗ Thị Thùy Linh, 1983) đã chính thức được in nối bản 2.000 cuốn. Theo Công ty Vinabook.com – đơn vị phát hành độc quyền cuốn sách - thì đây là lần in thứ 3, và tổng số 8.000 cuốn Dị bản đã được phát hành. Lần phát hành mới nhất này, cuốn sách đã được bổ sung lời giới thiệu của tác giả Song Phạm, ngoài ra bìa 4 của cuốn sách cũng được trích dẫn nhiều ý kiến mà báo chí đánh giá, bình luận về Dị bản trong thời gian qua.

 

Hương Thy

 

 

 

----------------

(Nguồn TT&VH)

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: