Ngày 14/7/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà văn Sơn Tùng.
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8/8/1928; quê ở làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Là thương binh nặng chống Mỹ cứu nước (hạng 1/4), hiện ông là nhà văn sống và viết tại căn hộ khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Nhà văn Sơn Tùng tham gia cách mạng từ năm 1944, hoạt động Việt Minh tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau năm 1945, ông làm công tác Đoàn Thanh niên, viết báo phục vụ kháng chiến chống Pháp; năm 1955 là đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam dự Đại hội Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ V tại Vacsava, Ba Lan, sau đó công tác giáo vụ tại Trường Đại học nhân dân. Từ những năm 1960, nhà văn Sơn Tùng làm báo tại các báo Nông nghiệp, Tiền Phong, làm phóng viên chiến tranh tại các tỉnh Khu IV cũ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh và vượt Trường Sơn vào Nam Bộ làm báo. Năm 1971, ông bị thương nặng tại miền Đông Nam Bộ, thương binh hạng 1/4…
Từ bấy đến nay ông phấn đấu với nghị lực phi thường “tàn mà không phế”, cột bút vào tay để viết văn. Đến nay, ông đã xuất bản gần 30 đầu sách, để lại những tiếng vang lớn, làm xúc động nhiều tầng lớp độc giả cả trong và ngoài nước; trong đó tiêu biểu là các tác phẩm Nhớ nguồn; Kỷ niệm tháng Năm; Con người và con đường; Người vẽ cờ Tổ quốc, Nguyễn Hữu Tiến; Trần Phú; Anh thương binh tạc tượng Bác Hồ; Búp sen xanh; Bông sen vàng; Trái tim quả đất; Lõm; Hoa râm bụt; Bác về; Vườn nắng; Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh; Nguyễn Ái Quốc qua ký ức của các bà mẹ Nga; Tấm huy hiệu Bác Hồ… Đặc biệt, tác phẩm Búp sen xanh của ông từ năm 1982 đến nay được tái bản hơn 20 lần, xuất bản lên tới hơn 800.000 bản, được dịch ra tiếng Anh phát hành ra nước ngoài.
Nói đến Sơn Tùng, đồng nghiệp và bạn đọc luôn cảm phục ý chí, nghị lực phi thường của một nhà văn thương binh, vừa liên tục phải chiến đấu với di chứng thương tật chiến tranh, vừa lao động sáng tạo nghệ thuật với sự giúp đỡ, hi sinh của người vợ. Hiện ông bị di chứng xuất huyết não, nhưng vẫn kiên trì luyện tập hàng ngày để có thể nói và cầm bút trở lại khi còn ấp ủ nhiều đề tài lịch sử cách mạng về Bác Hồ, về các lãnh tụ xuất sắc của Đảng…
Hy vọng tin vui ngày nhà văn Sơn Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động sẽ giúp ông có thêm nghị lực chữa khỏi bệnh để có thể tiếp tục cầm bút sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới.
Hồng Thái
(Nguồn: Báo CAND)