Ít giao du với giới viết lách, ít tụ tập văn chương, Đặng Thiều Quang luôn tự giấu mình sau những trang viết. Đến với văn chương khá sớm, có những giai đoạn đậm, nhạt khác nhau để rồi một ngày anh nhận ra, văn chương là cái nghiệp không thể từ bỏ và chấp nhận đồng hành cùng nó.
Thời điểm hiện tại dường như đang là giai đoạn sung sức của Đặng Thiều Quang khi anh liên tiếp công bố những tiểu thuyết mới bên cạnh những cuốn còn dang dở…
Kẻ viết sex không thứ hạng
* Trong vô vàn những lời phàn nàn về sex và cách thể hiện nó trong tác phẩm của các cây bút trẻ, thậm chí cả những nhà văn kỳ cựu ở ta, thì Đặng Thiều Quang lại được thừa nhận là… viết sex đẹp. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tất nhiên là tôi tự hào về điều đó khi được một số người đọc thừa nhận, bởi tôi thích chủ đề này, và bởi chủ đề này rất đẹp. Nếu anh thấy nó đẹp, anh sẽ viết về nó đẹp, cho dù ngay cả khi đó là những vẻ đẹp trần trụi.
* Nhưng anh cũng nổi tiếng là tác giả mà tỉ lệ sex dày đặc với nồng độ đậm đặc trong các tác phẩm. Thách thức của một nhà văn khi viết về sex nhiều, tinh tế mà không lặp lại là gì?
- Viết về bất cứ cái gì cũng luôn luôn đầy thách thức, luôn phải tránh sự lặp lại và những điều sáo mòn. Đặc biệt khi mô tả về tình dục, tình yêu, những cảnh yêu đương… lại đòi hỏi một thứ mà theo tôi nó là ở sự nhạy cảm và dũng cảm của người viết. Kỹ năng viết và trải nghiệm sống cũng rất quan trọng, nó là sự tích lũy và dồn nén, khi đến thời điểm và cộng hưởng bởi cảm hứng sáng tạo, người ta có thể viết về nó một cách thoải mái, tự nhiên, tự tin, và cũng đầy trân trọng. Viết một cách dễ dãi hời hợt thì thôi, khỏi bàn, nó sẽ thuần túy là truyện khiêu dâm mà thôi.
* Nếu có một sự phân chia “đẳng cấp viết sex” thì anh thấy mình ở thứ hạng nào?
- Tôi tự nhận là tôi đang đi riêng một con đường, không cần xếp hạng, và cũng chẳng so sánh với ai. Hãy đọc những gì tôi viết, rồi muốn xếp tôi vào đâu cũng được. Trong cuốn tiểu thuyết “Bóng giai nhân” mới tái bản, tôi đã tự trào về mình là “một chuyên gia tiểu thuyết khiêu dâm” nên mọi sự phân loại xếp hạng có lẽ là không cần thiết.
* Trong những tên tuổi lớn của văn chương thế giới, anh đánh giá cao cách viết về sex của nhà văn nào?
- Tôi không thực sự đánh giá cao một nhà văn nào nếu chỉ xét về khía cạnh này, nhưng nếu phải kể ra thì tôi thích cách viết của E. Hemingway, M. Kundera, Apollinaire, Romain Gary, J.M. Coetzee. Khi họ đề cập đến tình dục, phải nói là với những phong cách tuyệt vời, cuồng nhiệt, háo hức, hoặc chế giễu, hài hước, giản dị… nhưng đều chân thành, và cuốn hút. Và tất nhiên phải kể đến một tác giả cực kỳ quan trọng nữa của Việt Nam, đó là… Đặng Thiều Quang (!) - Hãy thử đọc anh ta thì biết!
Sau ngôn ngữ tự sự là sự thật văn chương
* Với cách dùng ngôi thứ nhất cho nhân vật chính trong hầu hết các truyện ngắn, tiểu thuyết giàu tính tự sự triết lý của anh đã khiến cho tác phẩm của Đặng Thiều Quang như những tự truyện đỏm dáng như anh từng tự thừa nhận. Nhận ra điều đó rồi sao anh vẫn cứ xưng “tôi” với bạn đọc vậy?
- Điều quan trọng là những câu chuyện kể phải sống động, thu hút. Lối viết như thể tự sự vẫn là cách đơn giản và được ưa thích hiện nay. Những sự điệu đà đỏm dáng, cụ thể hơn, có thể đó sẽ là những suy tư ngôn từ, những thủ pháp viết lách, hoặc những ý đồ nghệ thuật ẩn chứa phía sau mà chỉ một số nhà phê bình nhạy cảm, chuyên nghiệp mới có thể nhận ra, chúng hoàn toàn là cần thiết để làm nên sự hài hòa, khoảng đối trọng, tạo nên chiều sâu hay sự đa dạng cho tác phẩm. Sẽ không còn là văn chương, nếu những câu chuyện chỉ thuần túy là những mô tả khô cứng, hay kể cả khi đó là những câu văn vẻ đi nữa, chúng cũng dễ biến thành sáo mòn, nhàm chán. Trong làn sương mù điệu đà rối rắm ngổn ngang của thế giới văn chương, thế giới nhân sinh sẽ phần nào được hé lộ ra từ chính làn sương mù đó. Tôi gọi đó là sự thật tiểu thuyết, sự thật của văn chương.
* Nhà văn Lê Anh Hoài từng nhận xét rằng, Đặng Thiều Quang “bóc vỏ bản thân” để viết. Anh có ý định thay đổi không, hay vẫn sẽ tiếp tục bóc tách mình để “bán” cho những trang văn?
- Lê Anh Hoài nhận xét khá chính xác. Nhưng chẳng có nhà văn thực thụ nào trên thế giới này lại không phải “tự bóc vỏ mình” để viết, theo cách này hay cách khác. Nếu không viết bằng tư duy, cảm xúc, tri thức, trải nghiệm của mình... thì nhà văn còn viết bằng cái gì nữa? Tôi nghĩ nhiều người hay nhầm lẫn sự sáng tạo văn chương của nhà văn giống như một thứ thiên phú, một thứ vốn liếng nhỏ bé, mài ra dùng dần, hết vốn là thôi. Có lẽ họ đã quên rằng thế giới sáng tạo, trí tưởng tượng của con người, là một thứ gần như vô tận. Vấn đề là ta có dám theo đuổi nó đến tận cùng hay không, ta dám đi xa tới đâu mà thôi. Tôi đang viết những chương cuối cuốn tiểu thuyết phiêu lưu “Săn cá thần”, một cuốn sách với những đoạn đối thoại đời thường trần trụi, thô tục, với những cảnh làm tình tay ba… Thế nhưng nó lại cũng không thiếu những điều tưởng như hoang đường, phi lý và khó tin nhất, những thông điệp nghiêm túc nhất ẩn chứa phía sau… Kết thúc “Săn cá thần” tôi sẽ viết tiếp bộ tiểu thuyết “Vua xứ mù” đang dang dở, kể về một nhân vật thời nay bị vứt quay trở ngược lại lịch sử hàng ngàn năm - Đó mới thực sự là một thế giới của trí tưởng tượng, mà một khi đã đặt chân vào, người ta sẽ không còn muốn quay về thực tại nữa.
* Nghĩa là anh đã có thay đổi?
- Chúng ta luôn thay đổi từng ngày, từng giờ. Nhưng tôi muốn nói rằng tôi vẫn “bóc tách” chính mình, vẫn là những trải nghiệm đó, cảm xúc đó, trí tưởng tượng đó… Nhưng đẩy nó đi xa hơn nữa, đào sâu hơn nữa, đến mức triệt để nhất có thể. Văn là người, điều đó không thể khác được, dù cho cách viết của anh có thay đổi như thế nào.
Nhà văn cần… ảo tưởng
* Các nhà văn thường ít nhiều ảo tưởng về bản thân, anh thì sao?
- Các nhà văn cần phải có ảo tưởng để theo đuổi công việc viết lách, nếu không họ nên tìm nghề khác mà làm. Tôi có nhiều ảo tưởng, trong đó ảo tưởng lớn nhất là tôi sẽ viết ra những cuốn sách mà nhiều người yêu thích.
* Đọc “Đảo cát trắng”, “Chờ tuyết rơi” trong tập truyện ngắn “Phải lòng” của anh có thể nghĩ Đặng Thiều Quang là người thích… tự sướng với những sáng tác của mình bởi lẽ các truyện ngắn này đều có tình huống giả định các tiểu thuyết của anh có hành trình may mắn với một “kết thúc có hậu”, được bạn đọc đón nhận và si mê?
- Đó là một trò chơi thú vị, giống như anh tự tạo ra danh tiếng cho chính mình, xây dựng cho chính mình một thế giới riêng, mà vòng hào quang hào nhoáng của đời sống sẽ không bao giờ chi phối được anh. Hãy tự trào chính mình và vui đùa với độc giả bằng những câu chuyện như vậy. Trong truyện ngắn “Phải lòng” tôi đã đẩy nhanh thời gian vào thời điểm mấy chục năm sau, khi “nhà văn nổi tiếng Đặng Thiều Quang” đã qua đời, và người tình của ông ta, một bà già nào đó, đã hồi tưởng lại những năm tháng tuổi trẻ quý giá, khi bà còn là một cô sinh viên văn khoa, say mê “tác giả trẻ mới nổi Đặng Thiều Quang”. Anh có thấy thông điệp là tất cả mọi thứ rồi đều sẽ qua đi, lụi tàn, rơi vào quên lãng? Nếu anh coi văn chương chỉ là một thứ phù phiếm cho sang, thì anh sẽ viết ra những thứ phù phiếm, giả dối, rẻ tiền… Tôi nghĩ các nhà văn nên “tự sướng” nhiều hơn nữa, họ nên chìm đắm trong cái thế giới văn chương của họ và bịa đặt ra thật nhiều thứ hay ho cho chúng ta đọc, thay vì họ mải “bán mình” cho những thứ khác.
* Vốn đã có một đội ngũ fan là các độc giả teen hâm mộ và dành cho những lời tán dương suốt một thời gian dài, liệu có khi nào anh say sưa với những hào quang đó mà “quên mất” rằng độc giả của mình nay đã “lớn”?
- Như đã nói, tôi quá hiểu sự phù phiếm của cái gọi là “hào quang”, vả lại từ lâu rồi tôi không còn viết cho tuổi teen. Hầu như tôi ẩn mình để viết, ít khi tham gia những hoạt động văn nghệ. Sự thực thì khi viết tôi quên hết các độc giả, dù lứa tuổi nào cũng thế thôi. Tôi sống cùng những câu chuyện, những nhân vật, tôi lấy cảm hứng từ lịch sử, khoa học, những trải nghiệm, những người đẹp… Có lần nào đó tôi đã nói về những độc giả lý tưởng. Họ có tồn tại, đúng, mỗi nhà văn ít nhiều đều hình dung đến những mẫu độc giả lý tưởng nào đó của mình. Truyện ngắn “Phải lòng” là một ví dụ hay, tôi muốn tất cả độc giả một khi đã đọc sách của tôi, đàn ông hay phụ nữ, già hay trẻ, họ đều đọc mê mệt, và đều “phải lòng” cả. Họ không có tuổi.
* Đọc tác phẩm của anh bạn đọc luôn thấy thấp thoáng một… bóng nam nhân với khát vọng yêu đương vô bờ bến và kiếm tìm tình yêu lý tưởng một cách vô vọng để rồi luôn cảm thấy hụt hẫng, trống rỗng và lạc lõng, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ bóng nam nhân đó là tác giả. Có bao nhiêu phần trăm của “nguyên mẫu” Đặng Thiều Quang đằng sau những con chữ?
- Một trăm phần trăm luôn. Khi viết, người ta phải nhập vai, và thành thật với chính mình, chỉ như thế mới thuyết phục (đánh lừa), hấp dẫn được độc giả. Còn về con người Đặng Thiều Quang của đời sống hiện thực, thì tôi cũng như muôn vàn người đàn ông khác. Tôi tin là đa phần những người đàn ông khác trên đời này cũng khát vọng yêu, cũng tìm kiếm tình yêu một cách vô thức, cũng có lúc hụt hẫng, lạc lõng.... Tôi sẽ nói hộ họ tất cả những điều đó.
* Và nếu có một phần bóng dáng tác giả của nó thôi thì bạn đọc cũng có quyền nghĩ Đặng Thiều Quang là kẻ đào hoa và rất si tình?
- Hẳn rồi, hãy để bạn đọc nghĩ như thế. Đến một lúc nào đấy, có lẽ chính tôi cũng sẽ tin vào điều đó. Tôi vẫn cho rằng công việc của nhà văn, là kể lại những giấc mơ, khơi gợi những giấc mơ.
Không dành cho bạn đọc dưới 18 tuổi
* Trở lại với cuốn tiểu thuyết “Bóng giai nhân”, đây là một bước chuyển của Đặng Thiều Quang, là cơ sở để khẳng định anh có thể đi xa hơn, còn anh, anh có hài lòng với nó không?
- Chưa bao giờ tôi hoàn toàn hài lòng với những thứ mình đã viết ra, nhưng “Bóng giai nhân” được một số nhà phê bình và nhiều độc giả đánh giá là tác phẩm hay nhất của tôi, và thực tế là sách bán được, đang tái bản. Họ cũng nói đúng, tôi đã đi xa hơn nữa sau “Bóng giai nhân”. Ở cuốn “Săn cá thần” sắp in tới đây, độc giả sẽ được đọc một thứ hoàn toàn mới mẻ, so với những gì tôi đã viết. Hiện nay tôi mới post trên mạng chừng 50%, nhưng đã có hàng trăm ngàn lượt truy cập, độc giả thực sự thích thú, bị cuốn hút không dứt ra được. Nó tạo sức ép và cảm hứng rất tốt để tôi viết nhanh hơn nữa.
* Có bao giờ anh ngồi lại và tự hỏi, đã có bao nhiêu “bóng giai nhân” đi qua cuộc đời mình?
- Có chứ, nhưng đếm sao nổi? Chẳng ai đong đếm được nhịp đập trái tim mình.
* Viết văn, dừng viết mở quán cà phê mưu sinh, đóng cửa quán để tiếp tục viết, rồi lại mở quán và vẫn viết văn, nhìn vào hành trình văn chương và hành trình mưu sinh của anh thấy có vẻ như Đặng Thiều Quang không được kiên nhẫn cho lắm?
- Chưa bao giờ tôi từ bỏ viết văn, và chưa bao giờ từ bỏ những ước muốn kinh doanh của mình. Cuộc sống mỗi người như những dòng sông nhỏ, có những khúc quanh, có những lúc thác ghềnh hoặc êm ả, nhưng vẫn luôn miệt mài chảy về biển cả.
Đặng Thiều Quang sinh năm 1974 tại Lào Cai. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1997. Đã xuất bản các tiểu thuyết: Hoen gỉ, Chờ tuyết rơi (2007); Đảo cát trắng (2008); Bóng giai nhân (2009). Và các tập truyện: Tôi và D’Artagnan (2007), Phải lòng (2009). Hiện anh làm việc và sinh sống tại Hà Nội, viết văn, viết báo và kinh doanh, thiết kế kiến trúc tự do. Đang viết: Săn cá thần, Vua xứ mù (tiểu thuyết); Sin City (truyện dài).
|
* Blog của anh thường tràn ngập những sáng tác được post lên trước khi chúng được in thành sách và đã lôi kéo một lượng fan đông đảo, anh có định xây dựng cái tên Đặng Thiều Quang như một tác giả văn học mạng?
- Không, tôi không thích phân loại văn học kiểu đó, vì internet với tôi chỉ là phương tiện truyền tải, với tôi chỉ có một thứ văn học duy nhất, dù in thành sách hay post trên mạng. Internet, blog, mạng xã hội, là một nơi tuyệt vời để xuất bản và nhìn thấy những độc giả đọc truyện của mình mỗi ngày, là một không gian tương tác thú vị với độc giả, bạn bè... Vậy thôi.
* Với tạng sáng tác của mình, anh nghĩ sẽ thu hút đối tượng bạn đọc nào hơn cả?
- Những cuốn sách của tôi hầu hết đều đề cập khá nhiều đến tình dục, thậm chí cả bạo lực, xung đột, vì thế độc giả dưới 18 tuổi không nên đọc. Còn lại thì như đã nói, những độc giả lý tưởng trong hình dung của tôi, họ không có tuổi.
(Nguồn: Evan.VnExpress)