Thứ hai, 23/12/2024,


Văn trẻ thành phố Hồ Chí Minh: Chờ một mùa văn chương mới (02/07/2011) 
 
Rõ ràng đội ngũ các nhà văn trẻ của thành phố Hồ Chí Minh rất phong phú và đa dạng. Điều quan trọng là làm sao tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho các cây bút trẻ phát triển tài năng, gắn bó lâu bền với nghề, để họ cống hiến hết khả năng sáng tạo văn học của mình, cũng chính là góp phần sáng tạo nên những sản phẩm văn hoá cao cấp cho đời sống tinh thần của thành phố và đất nước ta.
 
Như vậy Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 3 của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc sau 3 ngày làm việc - từ 27/5, với nhiều hoạt động văn học thiết thực. Hội nghị đã quy tụ được hơn 100 đại biểu, với hơn 70 nhà văn trẻ trở thành một cuộc hội tụ văn chương trẻ đông đảo nhất so với 2 kỳ Hội nghị trước và vượt xa so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên cũng như tình hình văn học nói chung của cả nước, chuyên ngành thơ và văn xuôi vẫn chiếm ưu thế hơn so với lý luận phê bình và dịch thuật. Số người tham dự về lý luận phê bình và văn học dịch là 6 người chia đều hai chuyên ngành, trong khi văn xuôi và thơ có số người tham dự nhiều hơn gấp 8 lần.
Trong số các cây bút trẻ tham gia Hội nghị có người đã từng đoạt giải thưởng cao nhất của một số cuộc thi: như Phương Trinh - Giải Nhất về văn học thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức năm 2007, Trương Anh Quốc - Giải Nhì văn học tuổi 20 lần thứ 3 và Giải Nhất văn học tuổi 20 lần thứ 4 năm 2010. Bên cạnh đó là những tên tuổi khá quen thuộc trong các hoạt động văn học như: Lê Thiếu Nhơn, Tuệ Nguyên, Đinh Thị Thu Hiền, Trần Hoàng Nhân, Nguyệt Phạm, Song Phạm, Lê Thuỳ Vân, Đồng Chuông Tử, Vũ Đình Giang, Nguyễn Mạnh Hà, Hải Miên, La Thị Ánh Hường…
Theo nhà thơ Phan Hoàng - Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh nhận xét thì: chưa bao giờ lực lượng các cây bút tuổi đời dưới 40 của thành phố lại xuất hiện đông đảo như hiện nay, khoảng gần 100 người. Có người đã xuất bản cả chục đầu sách. Có người đã đoạt các giải thưởng văn học của thành phố, quốc gia, quốc tế. Có người đã có vị trí nhất định trên văn đàn. Và cũng có người còn ngồi trên ghế nhà trường, mới bước đầu tìm cách khẳng định mình nhưng sớm thể hiện được tài năng và nhiệt huyết văn chương...
Hoàn cảnh xuất thân của các nhà văn trẻ thành phố cũng là một nét văn hoá đặc biệt ít nơi nào có được. Có người sinh trưởng tại thành phố Hồ Chí Minh. Có người từ miền Tây lên. Có người từ miền Đông xuống. Có người từ miền Bắc, miền Trung vào. Đa số họ tốt nghiệp từ các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, có người học từ nước ngoài về, nghĩa là họ có nền tảng cơ bản về văn hoá tri thức trước khi đi vào con đường văn chương.
Rõ ràng đội ngũ các nhà văn trẻ của thành phố Hồ Chí Minh rất phong phú và đa dạng. Điều quan trọng là làm sao tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho các cây bút trẻ phát triển tài năng, gắn bó lâu bền với nghề, để họ cống hiến hết khả năng sáng tạo văn học của mình, cũng chính là góp phần sáng tạo nên những sản phẩm văn hoá cao cấp cho đời sống tinh thần của thành phố và đất nước ta.
Ý kiến của nhà thơ Phan Hoàng: “làm sao tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho các cây bút trẻ phát triển tài năng, gắn bó lâu bền với nghề” chính là câu hỏi có ý nghĩa không chỉ mang tính thời cuộc mà còn là thử thách với người cầm bút và hội nghề nghiệp.
Dù đội ngũ viết văn trẻ của thành phố khá đông đảo, tuy nhiên, trong cơ cấu giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh năm qua vẫn để trống giải thưởng dành cho nhà văn trẻ. Điều này, một lần nữa đòi hỏi các cây bút trẻ khi đặt bút sáng tác cần phải hướng đến chất lượng cao hơn nữa.
Hội nghị những người viết văn trẻ đã khép lại với nhiều bài tham luận bổ ích. Cuộc hội ngộ văn chương của những người âm thầm viết đã khép lại, chỉ còn 12 người tiếp tục ở lại tham dự trại sáng tác. Phải 5 năm nữa cánh cửa của Hội nghị mới mới mở ra để tiếp tục một hành trình văn học mới. Có thể lúc đó, nhiều cây bút đã trưởng thành và trở thành khách mời của Hội nghị, nhiều cây bút vẫn tiếp tục trên con đường gian nan cùng những gương mặt mới. 
 
 
Hiền Nguyễn
(Nguồn: Văn học quê nhà)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: