Yêu văn chương, cầm tấm bằng của Trường Trung học Nghiệp vụ đi xin việc và được trung tâm giới thiệu vào một... nhà nghỉ. Kể từ đây, số phận của Nguyễn Văn Học tưởng chừng gắn liền với công việc của mình là một "bảo kê". Nhưng không, từ trong chốn nhớp nhơ hôi tanh đó vẫn âm ỉ một khát khao sáng tác. Thế rồi, những thân phận trong nhà nghỉ đã đánh thức, tiếp thêm sức mạnh để anh vững tâm cầm bút.Cho đến khi có khả năng sống được bằng ngòi bút, anh ra khỏi nhà nghỉ, làm báo tự do, thi tiếp vào đại học. Giờ đây, Nguyễn Văn Học là một nhà văn trẻ đầy triển vọng và một nhà báo năng nổ.
Tiểu thuyết “Hỗn danh” Nxb HNV năm 2011 của Nguyễn Văn Học
Cánh đồng ước mơ
Nhìn vào dáng vẻ phong độ hiện nay, hẳn nhiều người nghĩ anh chưa bao giờ đi qua những năm tháng vất vả và chán chường của cuộc sống mưu sinh. Nhưng chàng trai trẻ ấy đã có một tuổi thơ đầy thiệt thòi.
Là anh cả của gia đình bốn anh em trai nghèo ở cái làng Thành Lập thuần nông xa tít tắp, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Bố mẹ tuy còn trẻ nhưng bệnh tật hoành hành. Lên 10 tuổi, Học đã phải làm lụng vất vả như một người lớn, rồi lần lượt trông nom em thứ ba và thứ tư khi mẹ đẻ ra. Những năm học phổ thông, anh đã sáng tác nhiều và được các thầy cô khen ngợi. Gia đình chẳng thể ngờ được, ở cái làng công giáo thất học lâu đời này lại nảy nòi một cậu bé tập tọe làm thơ, viết văn. Vì thế mà có thơ: "Thơ tôi/ Tiếng cười chưa thành tiếng của đứa cháu ba tháng/ Cái cười rồi sẽ sinh sôi/ Đôi mắt cháu trong veo mùa thu vắng/ Dòng sữa mẹ no nê/ Đôi mắt cười... Thơ tôi/ Hồn thiêng những ngày xưa/ Lời đau còn thấm trong thớ đất/ Tôi tìm mình trên nắng vàng sỏi cát/ Được ngày xanh cho đến kiệt cùng". Anh ước mơ trở thành một nhà văn, có thể viết lên được những vất vả đói no quê mình.
Nhìn những người dân, những đứa trẻ bé tẹo teo đã phải nghỉ học ra đồng làm quần quật, hay người lớn giữa trưa hè nắng gắt phải ra đồng để "bán mặt cho đất" mà lòng anh xót xa. "Sao quê mình khổ thế!".
Lại nữa, chính bà nội của Học nhiều năm bị bệnh tâm thần, là nguyên nhân gây ra những đau đớn cho mẹ Học, cũng là người gây cho Học cảm hứng để sáng tác với quyết tâm cao. Mỗi khi bà lên cơn là sẵn sàng dùng bất cứ thứ gì để đánh mẹ Học. Ông Hoan phải mua đất, chuyển gia đình đến cuối làng sống cho xa bà nội, từ đây, Học và gia đình phải sống trong ngôi nhà vách đất lỗ chỗ thủng và những con chó có thể chui từ bên nọ sang bên kia.
Cố gắng học xong THPT, Học không đủ sức để thi vào Khoa Báo chí (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) vì "đầu óc lãng đãng thơ" và cũng vì quá vất vả không có thời gian học chuyên sâu. Anh vào học lễ tân trong Trường Trung học Nghiệp vụ du lịch Hà Nội. Đây cũng là thời gian Học có nhiều điều kiện để sáng tác hơn.
Khi tôi hỏi, điều gì có trong những sáng tác của anh, Học nói: "Quê tôi, cánh đồng và con người. Tôi thấy quê mình khổ quá, cố gắng được đi học như tôi là rất hiếm, còn thì bỏ học và sớm lấy vợ lấy chồng đẻ con. Tôi biết rằng, chính những gì gần gũi, nỗi nhọc nhằn ở quê hương mình xui tôi viết. Tôi sẽ viết để cảm thông với quê và viết để vơi đi nỗi đau quê. Tôi ước quê hương mình có thể quan tâm đến chuyện học hành hơn nữa".
Vâng, Học đã cố gắng học để kiếm lấy một nghề, báo hiếu bố mẹ, chăm lo cho các em và âm thầm nuôi khát vọng của mình bằng ngòi bút một ngày kia tỏa sáng. Cầm tấm bằng trung học nghiệp vụ đi xin việc, nếu ở Hà Nội chỉ được vài trăm ngàn, lại mất tiền thuê nhà, coi như hết. Học quyết định nhờ trung tâm giới thiệu cho một việc làm ở xa, có chỗ ăn ở với mức lương ban đầu là 300 ngàn đồng/tháng. Học đã được giới thiệu vào làm việc trong một nhà nghỉ.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh
Vào nhà nghỉ, công việc đầu tiên là dắt xe, dọn phòng nghỉ rồi đến nấu cơm, có kinh nghiệm mới được làm bảo kê. Nhưng bảo kê nhà nghỉ cũng chỉ vào hạng "tép riu" so với bảo kê những nơi khác. Ở đây, nhiều cám dỗ nên rất dễ sa ngã. Học đã giữ vững quan điểm của mình chỉ là kiếm tiền gửi về cho bố mẹ nuôi các em, chứ chẳng chút ít dính dáng đến chơi bời. Kết quả là sau mấy năm, anh trở lại "đời thường" vẫn là một chàng nhà báo trong sáng, không "hôi tanh mùi bùn", chẳng gái gú, chích hút, không nghiện chè thuốc, cà phê...
Trong nhà nghỉ, anh gần gũi, hỏi han để tìm hiểu thân phận về những cô gái hành nghề mại dâm. Đêm về, khi công việc kết thúc, anh lại thắp đèn trong nhà bếp để viết. Ông chủ nhà nghỉ biết chuyện, vỗ vai bảo: "Cậu đừng viết về ai ở đây nhé" rồi cả hai cùng cười. Không ai ngờ được, từ trong chốn nhà nghỉ này, tiểu thuyết của Học ra đời, song hành với nó là những bài thơ trong sáng, anh mạnh dạn gửi đi các báo và lần lượt được in.
Sau này, khi ra khỏi nhà nghỉ, Học bắt đầu in những cuốn sách của mình, từ thơ đến truyện và tiểu thuyết, tác giả đã có đến chục tập. Truyện ngắn và tiểu thuyết lấy nguồn cảm hứng từ những số phận đàn bà "bán thân". Tác giả dùng một lối viết sắc lạnh, không cầu kỳ nhiều về ngôn từ, lấy những chi tiết đời rất thực để diễn tả nỗi đau của những người đàn bà "đứng khóc".
Từ những trang văn, người đọc có cảm tưởng như có một ống kính cận cảnh đằng sau sân khấu trò đời: những cô gái rơi vào đường lầm lạc. Khi không còn quyền lựa chọn con đường nào để đi, người ta vẫn hay đi vào những góc tối của cuộc đời để đợi chờ một ngày hồi sinh.
Với người viết văn như anh, khi yêu cuộc sống và con người, nuối tiếc vì những giá trị tốt đẹp của cuộc đời, của nhân phẩm con người cứ thế tan trôi, anh không thể nằm yên gác bút được. Có khi Học hoá thân để diễn tả những suy nghĩ của nhân vật. Có khi Học lại biến thành một anh nhà báo mê nghiệp văn chương dám dấn mình vào những hang động bẩn thỉu. Học biết được rằng cô gái nào cũng ấp ủ trong lòng niềm hi vọng mong manh về một cuộc sống bình thường, ước mơ một mái ấm tình yêu, một gia đình bình dị an lành.
Thế nhưng, càng cố với tới ước mơ, họ càng tuyệt vọng. Họ càng không thể vượt qua những "barie" cuộc đời. Những người phụ nữ bị khinh miệt, dường như khó xếp nổi mình vào dòng chảy của cuộc sống cho yên vị. Nguyễn Văn Học viết những câu văn bạo, gấp, ngắn, nhiều khi cụt lửng. Học không chỉ yêu mà còn khóc, gắng gượng tìm đường đi cho những nhân vật của mình.
Tôi hoàn toàn đồng cảm với thông điệp đầy ý nghĩa nhân sinh và nhân bản của anh: "Hãy trân trọng, yêu thương và cứu vớt con người. Cho dù bị đày mình trong hang tối của cuộc đời, vẫn có những con người luôn cố gắng và khát khao hướng thiện". Phải chăng đó là quan điểm viết văn khá "chín" của Nguyễn Văn Học?
Một lúc nào đó, ngồi nói chuyện về văn chương, trao đổi một truyện hay cuốn sách mới hoàn thành, tôi thấy Học vẫn không mất đi vẻ trong sáng của một chàng chân đất nhà quê ngày còn học ở Trường Du lịch. Anh hiền lành, dễ mến, hay giúp đỡ người khác. Không biết tâm hồn anh có liều thuốc "kháng sinh" nào mà những cám dỗ không thể tấn công được vào anh, trong khi đó có rất nhiều người đã ngã khuỵu. Tôi có thể hiểu được rằng, anh vì công việc, vì ước mơ của mình mà sẵn sàng lao vào chốn đầy nhuốc nhơ đó, chứ không phải vào đó để chơi bời.
Cảm thông với nhân vật
Như đã nói, Học đã từng khóc cho nhân vật trong truyện của mình, cũng chính là khóc cho những thân phận mình đã từng biết rõ. Anh không bao giờ tỏ ý khinh miệt họ, ngược lại, anh ao ước họ có thể hoàn lương, trở về với cuộc sống lương thiện và có thể tìm được một công việc nào đó để làm. Chính anh cũng đã đưa một cô gái ra khỏi nhà nghỉ, xin cho cô công việc, nhưng cô gái lại từ bỏ công việc này để trở lại làm gái mại dâm. Và, cô gái này cũng được Học viết thành phóng sự đăng lên mặt báo. Những chi tiết được coi là chi tiết văn học, anh gìn giữ để viết thành truyện ngắn và tiểu thuyết.
Viết văn và viết báo là hai công việc cần phải tách bạch, không thể lẫn lộn, Học may mắn không để cho mình lẫn lộn hai lĩnh vực này. Văn là văn, báo là báo. Nhiều khi, nỗi đau của nhân vật cũng chính là nỗi đau của anh. Còn ám ảnh bao nhiêu số phận vẫn đang tơi bời sống trong những ổ chứa. Làm sao để họ ra ngoài được? Lúc này, khi tôi đang ngồi đây viết về anh, không biết anh đang lên đường đến một tỉnh xa xôi nào đó, cũng có thể đang ngồi bàn trăn trở cùng trang giấy, với những số phận đang cựa quậy tìm đường sống. Và dù có làm gì, thì tôi vẫn thấy ở anh một tâm hồn trong sáng, với ngòi bút giàu nhân văn, chọn một con đường gập ghềnh và chẳng giống ai.
THÀNH VĂN
Bạn đọc có thể chia sẻ với tác giả Nguyễn Văn Học qua:
Điện thoại: 0904811719; Email: nhavantre@gmail.com