Thứ hai, 23/12/2024,


Nguyễn Phan Quế Mai – “Gánh” yêu nước của một người Việt (27/06/2011) 
Một bộ áo quần chưng diện khi đi ra thế giới có thể đặc tả lòng yêu nước. Một giọng nói, ngôn ngữ viết càng thể hiện tinh thần dân tộc. Những trăn trở phải làm gì để có thể tự hào thẳng thắn cất lên “Tôi là người Việt Nam” vẫn luôn vang vọng đâu đó ở những người trẻ có tri thức, kiến văn.  
 
 
Trần Quang Quý – PGĐ Nxb Hội NV, nhà văn Võ Thị Xuân Hà TBT Tạp chí Nhà văn
Tặng hoa cho Nguyễn Phan Quế Mai và nhà văn Thùy Dương. Ảnh: Lãng Ma
 
Mấy năm gần đây, trong các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam thường xuất hiện một “nhân tố mới” có tên là Nguyễn Phan Quế Mai. Chị hồn nhiên tham dự các sự kiện, nhưng không phải đạo mạo ngồi vắt chân lên phán xét, đánh giá hoặc cổ vũ, chê bôi, mà là nhiệt tình, vui vẻ, gánh vác, mặc dù chẳng ai phân công sắp đặt trước, chẳng có thù lao gì và công việc thì vất vả bộn bề, ví dụ như việc chuyển ngữ cho rất nhiều phần trong cả một hội nghị văn học mang tầm quốc tế, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Cùng với đó, chị được biết đến là một dịch giả trẻ, chuyển ngữ nhiều tập thơ chất lượng của bạn nghề. Và, trên hết, là một Quế Mai với giọng thơ lạ, đầy những trăn trở, suy tư của một người Việt trẻ, từng đến nhiều nơi trên thế giới, để có đủ lắng đọng, suy ngẫm cần thiết, chứ không phải những tâm sự bồng bột mới lớn. 
“Cởi gió” của Quế Mai vừa giới thiệu đã được ghi nhận bởi giải thưởng Thơ năm 2010 của Hội Nhà văn Hà Nội. Liền sau đó, Quế Mai giới thiệu “Những ngôi sao hình quang gánh” (Tháng 5, 2011), như một bước chuyển mới mẻ, có sức nặng hơn hẳn trên con đường nhọc nhằn với thơ ca.
Vẫn giữ lại một số bài tuyển chọn từ “Cởi gió”, đủ để người đọc thấy được sự hình thành của một lối tư duy với những trăn trở rất thời đại, riêng tư, cá nhân nhưng biết tiết chế, không sa vào vụn vặt – Lời cảnh báo về những con kiến nhỏ nhoi, loanh quanh trong những lối hẹp quen thuộc đến mù lòa của sự lười biếng, tự mãn:
Một ngày gió nâng tôi lên cao
Tôi nhìn xuống thấy một con kiến bị cầm tù trong
hộp thư điện tử nhiều ngăn, trong chiếc điện thoại
di động thỉnh thoảng lại đổ chuông
 
Một ngày gió nâng tôi lên cao
Tôi nhìn xuống thấy con chim bị cầm tù trong
tiếng ca ngợi của bầy đàn, trong những mốc giới
hạn mỹ cảm đã được sắp đặt
 
Một ngày gió nâng tôi lên cao
Gió trao tôi đôi cánh
Và bảo tôi hãy cởi gió ra và bay lên trên ý nghĩ
(Cởi gió)
 
Nhưng, với “Những ngôi sao hình quang gánh”, người đọc bắt gặp một Quế Mai không chỉ trẻ trung, đương đại, chuyển ngữ thoăn thoắt, cập nhật tình hình thời sự trong nước và thế giới, quay cuồng làm từ thiện ở các bệnh viện, giúp đỡ trẻ em nghèo có hoàn cảnh thiếu may mắn… mà còn có những góc lắng đọng sâu thẳm, tự nâng mình bay lên khỏi cái thực của cuộc sống, nhìn nhận và kiến giải lịch sử từ góc nhìn của một người Việt trẻ chịu học, chịu đọc và chịu đi.
Đi qua “… Những triều đại lụi tàn. Người làm vườn miệt mài ươm từng mầm cỏ. Trên những triều vua đã đổ. Mồ hôi người vươn lên xanh tươi” (Người làm vườn trong đại nội). Đi qua “… Một xứ sở khác, một vòng tay khác. Những phận trẻ thơ ngơ ngác. Da bốc khói cuộc di tản… Lật 12.775 tờ lịch bằng nước mắt. Đi qua 35 năm bằng nỗi đau. Những câu hỏi vẫn trừng trừng mở mắt…” (BabyLife). Đi qua “… Những cánh hồng héo quắt. Những bức thư rải thảm dưới chân tường. Những con chữ chập chờn rỉ máu…” (Bức tường chiến tranh Việt Nam). Để rồi trở lại ngỡ ngàng “… Mùa thu còn con gái. Thăng Long vạm vỡ xanh. Ta kẻ lữ hành phố tri kỷ. Chạm môi lên mùa. Lá vàng sắc lộc…” (Ta phố).
Cái nhân văn trong thơ Quế Mai không phải là sự thương người mà là sự thương mình. Vì học nhiều, đọc nhiều, đi nhiều nên ý thức được mình là ai, đang ở đâu, sẽ đi về đâu. Từ đó mà trăn trở yêu thương, mà trân trọng những gian khó của chính mình, cha mẹ mình, gia đình mình, nói rộng ra là dân tộc mình. Như tinh thần triết lý của nhà Phật, rằng phải biết thương thân, thì mới có thể thương người.
Nhìn rõ được chính mình thì mới có thể đi tới. Nguyễn Phan Quế Mai là một phụ nữ Việt có quê ở cả hai miền Nam-Bắc, phải trải qua nhiều giai đoạn, hoàn cảnh sống nhọc nhằn. Thế nhưng trong thơ chị, nỗi cực nhọc ấy đã nâng cánh bay lên thành những ưu tư về cha, về mẹ, về đất nước.
Và, kỳ lạ là, đất nước trong thơ Quế Mai khi nào cũng trong trẻo, thương mến vô bờ, cho dù đôi quang gánh vẫn trĩu nặng bờ vai mỗi tấm lưng hình chữ S. Điều đó, chỉ có thể lý giải bằng hành trình yêu nước trên con đường xa thẳm đi tới của một người Việt có tri thức và luôn trăn trở phải làm gì để có thể tự hào thẳng thắn cất lên: “Tôi là người Việt Nam”.
 
Hòa Bình
 
 
Nguyễn Phan Quế Mai ký tặng bạn đọc Lucbat.com
 
 Nguyễn Phan Quế Mai trong đêm thơ “Khúc hát thành Cổ Loa”
Trái qua: Nguyễn Quang Thiều, Hữu Việt, gia đình GS Kevin Bowen,
NP Quế Mai, Jennifer Fossenbell, Chu Lượng. Ảnh: Lãng Ma (Lucbat.com)
 
 
Nguyễn Phan Quế Mai tốt nghiệp trường đại học Monash, Melbourne, Úc, theo học chương trình học bổng của chính phủ Úc. Là tác giả của ba tập thơ riêng, sáu tập thơ dịch. Các giải thưởng văn học bao gồm: Giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Hà Nội 2010, Giải nhất cuộc thi Thơ về Hà Nội 2008-2010, Giải thưởng VHNT Thủ đô năm 2010 của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Bằng khen của Hội Nhà văn VN về những đóng góp xuất sắc cho Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam 2010…
Tập thơ “Những ngôi sao hình quang gánh” được chuyển ngữ bởi giáo sư Bruce Weigl (Ohio, Mỹ) – tác giả của 13 tập thơ riêng, tập mới nhất “Đây những điều vô nghĩa” sẽ xuất bản năm 2011. Ông còn là tác giả quyển hồi ký nổi tiếng “Vòng tròn của Hạnh”. Nguyên chủ tịch chương trình Viết văn quốc gia, chủ tịch Hội đồng thẩm định thơ của Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ.
 
Xin giới thiệu hai bài thơ của Nguyễn Phan Quế Mai:
 
Lời của rác

Khi thành phố chìm vào cơn ngủ

Thế giới loài rác cất lên tiếng nói


Vỏ rau quả đẫm phóc môn quặt quệ vì chúng không thể

thối rữa

Những bào thai chưa đủ hình hài bị loại ra khỏi cơ thể mẹ,

ri rỉ cất lên tiếng côn trùng

Những chai rượu rỗng không bị quẳng từ bàn tiệc xa xỉ

Vẫn cố nhoi mình lên cao, dìm tất cả xuống thấp


Những chồng bản thảo lớn tiếng kèn cựa

Những lời hứa bị xé toang vẫn ra rả giảng bài


Bãi rác thành phố, có những người phụ nữ ngồi

Nhặt nhạnh chắp vá đời mình từ rác vụn


Ước vọng mây


Đổ tung tóe vào tôi cơn mưa rào mùa hạ

Những giọt mưa thanh tân hòa ca

Hóa thân từ biển cả, sông ngòi, đồng ruộng

Từ nước mắt sung sướng, khổ đau

Và một ngày mây

Và một chiều rơi

Òa lên tôi         

Sa bồi

Ca hát

Những giọt mưa ngân như rừng, những giọt buông như biển

Những giọt mưa không quốc tịch

Gõ vào tôi những cung bậc dương cầm ào ạt, rì rầm, tí tách

Xướng lên ca khúc sống

Và mưa và mưa quanh tôi những phận người ngắn ngủi

Chênh vênh

Một lần trắng giọt

Những phận người mang thèm khát, như mưa

Như triệu triệu hạt đan cài, xóa nhòa ranh giới

Được hạnh phúc một lần òa vỡ

Từ đâu đó trong thẳm sâu của đất

Bay lên

Những

Ước vọng

Mây 
(Nguồn: Vietnamnet)
                                                                                               

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: