Ấn tượng đầu tiên của bất cứ ai gặp chị là sự ám ảnh bởi cái chất giọng Hà Tĩnh nguyên sơ. Ngồi lại cùng chị, sẽ bị níu giữ bởi nụ cười duyên và đôi mắt đa tình sâu thẳm. Khi đọc chị, người ta sẽ trĩu lòng bởi những trang văn xúc động như rơi lệ… Chị là Như Bình, một cái tên đã trở thành quen thuộc đối với hầu hết các độc giả của Báo An ninh thế giới. Sau 10 năm sống và viết, chị lần lượt cho ra mắt các tuyển tập ký chân dung "đắt khách" của mình.Chị đã có cuộc trò chuyện về cuộc đời và trang viết.
* Thưa nhà văn Như Bình, "Người mang lại ái tình" là một tập sách ký chân dung tập hợp những bài báo của chị đã viết về các nhân vật nổi tiếng nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật: thơ, văn, nhạc, họa trong thời gian qua. Điều gì khiến chị quyết định cho ra mắt tuyển tập các chân dung này?
- Thật ra, ý định tập hợp lại thành một bộ tuyển tập chân dung những người nổi tiếng thì có từ lâu rồi. Khi mình còn đang là phóng viên của tờ ANTGGT-CT, đang làm việc trực tiếp cho nhà thơ Hồng Thanh Quang và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, mấy anh đã dặn mình: "Sau này nhớ tập hợp lại thành tập sách em nhé, sẽ được một tập sách quý đó". Tại vì chủ yếu mình viết về chân dung những người nổi tiếng, ghi lại những thời khắc, khoảnh khắc của họ khi còn sống, hay giúp họ nhớ lại một phần đời họ từng vùi quên. Các bức chân dung của mình đậm tính văn học, và có rất nhiều chi tiết đời thực quý giá, mình nghĩ nên lưu giữ lại và nó cũng là tài liệu cần thiết cho những ai yêu văn chương, quan tâm đến các tác giả, tác phẩm, hay những người nổi tiếng… Nhưng ý định đó ấp ủ mãi cho đến năm vừa rồi, khi mình tạm dừng hẳn viết báo và sang làm báo, một công việc tại chỗ và ít di chuyển, đi lại, gặp gỡ nên mình mới có thời gian ra mắt tập sách này.
* Hơn 400 trang sách với 24 nhân vật đã khắc họa được phần nào diện mạo đời sống, đời viết của các văn nghệ sĩ một thời vang bóng, nhiều trong số các chân dung ấy đã là người của một thế giới khác như họa sĩ Dương Bích Liên, họa sĩ Trần Văn Cẩn, danh họa Nguyễn Phan Chánh, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà thơ Quang Dũng… Bản thân chị khi viết về những nhân vật của một thời ấy thường lựa chọn góc độ nào để có thể có một góc nhìn mới?
- Mình đến với các nhân vật của mình đầy bản năng. Mình không có dự định, tính toán gì về họ trước trang viết. Mình đến, nhiều khi chỉ là để quan sát, để đắm chìm vào cái không khí ở đó, sống hoài tưởng cùng các chân dung của mình ngay cả khi họ không còn nói chuyện hay đối thoại được nữa, ngay cả khi họ không còn tồn tại... Ví dụ như chân dung về thi sỹ Hoàng Cầm, khi mình đến, ông chỉ còn là một cái bóng mỏng tang như một vệt nắng cuối chiều nằm trên giường ở tầng thượng. Ông nhìn mình đăm đắm, không nói được gì, chỉ có khoé mắt là khô cạn đi vì nỗi buồn của người đàn ông bất lực trước tất cả ước muốn và cảm xúc của mình. Mình đã ngồi im lặng với ông cả giờ đồng hồ để sau đó trở về nhà và viết. Chân dung Hoàng Cầm cũng là một trong những chân dung mình rất thích. Hay như chân dung về Dương Bích Liên, một chân dung được cho là "Lộng lẫy, kỳ lạ nhất" (chữ của Dương Bình Nguyên) thì mình có gặp được ông bao giờ nữa đâu. Nhưng khi mình ngồi trong căn biệt thự số 4 Hạ Hồi của nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải, đắm chìm trong những bức tranh của ông, nghe Hào Hải kể chuyện về ông mình đã có trọn vẹn cảm xúc. Cái quan trọng là mình phải biết lần theo cảm xúc của mình để tìm tới những ký ức của nhân vật. Hào Hải nói ít nhưng đủ cho mình viết, và lần nào kể về Dương Bích Liên, Hào Hải cũng ngồi vào cây đàn piano, chơi đàn cho mình nghe và cả Hào Hải, bản thân mình đều khóc khi sống trong không khí ấy. Có lần chứng kiến cảnh Hào Hải chơi đàn, còn mình thì không cầm lòng được làm cho Hoàng Phượng Vĩ nhìn mình lạ lùng. Mình nhớ cái không khí ở số 4 Hạ Hồi giờ đã mất, mặc dù mình chưa từng sống trong không khí đó. Mình đọc nỗi mất mát khôn cùng trong tiếng đàn của Hào Hải khi nhớ về quá khứ nhớ về những người bạn lớn, về những ký ức đã ra đi không bao giờ trở lại. Có lẽ những ai làm văn chương đều may mắn như mình vì trong tâm hồn họ mang một sự nhạy cảm thiên bẩm, điều đó rất thuận lợi cho những trang viết. Viết về Hào Hải cũng là một bức chân dung mà mình rất thích.
Nhà văn Như Bình và cuốn sách "Người mang lại ái tình".
* Hình như, khi viết về các nhân vật của mình, chị không chỉ viết để kể lại một câu chuyện đã qua, mà chị còn mang đến cho nhân vật của mình nhiều câu chuyện thú vị sau đó. Chẳng hạn như câu chuyện của nhà thơ Quang Dũng, chị có thể chia sẻ điều này?
- Mình nhớ mãi khi mình phát hiện ra vợ nhà thơ Quang Dũng còn sống, và bà sống khó khăn trong sự đùm bọc của các con cũng nghèo khó và vất vả của bà. Mình về kể lại cho nhà thơ Hồng Thanh Quang và anh rất xúc động. Anh Quang đã yêu cầu mình viết thế nào để người đời những ai yêu thơ Quang Dũng thì hãy nhớ tới người vợ còm cõi của ông ấy vẫn còn đang tồn tại khó khăn ở một góc nào đó trong đời sống bận rộn này. Chính cái tít của chân dung ấy là do anh Quang đặt với những ẩn nghĩa sâu xa: "Người đi Tây Tiến ai còn lại". Nhưng khó khăn bởi bà cũng đã là người còn sống nhưng tâm hồn, ý nghĩ đã lạc vào cõi khác. Lần gặp nào cũng chỉ ngồi để ngắm bà thôi, chẳng thể nào chuyện trò với bà được nữa nhưng cứ thấy một người vợ già nua, đầu óc và tâm trí đã lẫn vào cõi khác nhưng tay vẫn khư khư một cuốn thơ của chồng mình trong đó có bức ảnh chồng và cứ chỉ hoài vào đấy bảo là ngày xưa ông này yêu tôi lắm. Cuốn sách bà giữ bên mình ngay cả khi ngủ…Và chỉ chừng ấy thôi, một chi tiết nhỏ đủ sức gợi cho con chữ mình tuôn trào. Mình viết về một phần đời còn lại của nhà thơ Quang Dũng mà ít người hay biết, thậm chí đã quên lãng.
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét rằng: Chị không đi khỏi sự thật của các nhân vật nhưng lại sáng tạo ra các nhân vật của mình. Nên hiểu điều này như thế nào, thưa chị?
- Mình cũng không biết nữa. Có lẽ cái cách của anh Thiều muốn nói trong các chân dung của mình ấy là sự tự nhiên, bản năng và cá tính sáng tạo của mình trong cách dựng nhân vật. Khi mình đến với nhân vật, mình luôn muốn soi vào nhân vật một ánh sáng khác, một góc nhìn khác. Mình dựng lại nhân vật của mình trong một hào quang khác mà tự mình cảm thấy đúng, thấy đẹp. Nó thiên về cá tính sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Nói về điều này, mình lại nhớ đến chân dung đầu tiên mình viết về thi sỹ Giáng Vân mà mình rất thích. Trong bức chân dung ấy, Giáng Vân hiện lên trong thứ ánh sáng khác, vầng hào quang khác thật đẹp và lộng lẫy, ấy là khi bản thân mình đã chạm được một phần nào trong tâm hồn của nữ sỹ, và mình viết về tâm hồn của họ.
* Bản thân tôi thì nhận thấy rằng, đọc các nhân vật của chị, tôi có cảm tưởng mình nhìn được vào xuyên trong sâu thẳm con người họ, ở phần lõi, phần nhân văn và cả cái sự cô đơn của kiếp sống. Hình như mỗi nghệ sĩ, khi họ đạt tới đỉnh vinh quang, họ đã phải nếm trải quá nhiều mất mát, hy sinh thậm chí là đau đớn. Các nhà báo có quyền khoác cho các nhân vật của mình một chiếc áo phù hợp với đại đa số độc giả, chị làm được điều đó một cách rất xuất sắc là nhờ điều gì?
- Mình không biết đâu, biết nói thế nào được. Mình yêu, và cả thương nhân vật của mình vô điều kiện. Mình đắm chìm vào bất trắc, đau đớn, và cả mất mát của họ nữa. Mình đắm chìm trong danh vọng, hào quang của họ. Mình có quyền, có đủ lý lẽ, có đủ sự cực đoan để tạo ra một nhân vật theo cách của mình. Quan trọng là người đọc có chấp nhận bức chân dung đó không? Nếu bạn đọc chấp nhận, nghĩa là mình đã thành công khi tạo ra bức chân dung theo cách của mình, áp đặt cảm xúc cũng như cách nhìn của mình vào nhân vật đấy mà không bị phô quá, hay sai quá.
* Nhà văn Như Bình từng được nhắc đến với tư cách là tác giả của các tập truyện ngắn tình yêu được nhiều độc giả trẻ tìm đến những năm 1995 - 2005. Lâu nay, dường như quá bận rộn với công việc báo chí nên Như Bình ít xuất hiện trong tư cách là một tác giả văn chương. Chị có nghĩ đến việc phải sắp xếp thời gian hợp lý để… viết văn?
- Cũng thật lạ, trước đó mình viết văn và tưởng như không thể mà dừng viết đến một ngày nào đó. Trước khi ra ANTG, mình là biên tập viên truyền hình. Bởi thế, lao vào nghề báo mình mất sức, mất thời gian hơn người khác để tìm kiếm một vị trí trong lòng bạn đọc. Nhưng cả viết văn hay viết báo thì ở giai đoạn nào mình cũng tự hào là đã hết mình, đã cặm cụi và dâng hiến cho công việc một cách đắm say nhất. Với nghề, văn hay báo mình đều trân trọng và xem đó là một thánh đường. Mình không thể cẩu thả, hay dễ dãi. Mình sẽ cố gắng để trở lại với những gì mà mình đam mê. Mình luôn tâm niệm nếu không đến với văn chương từ đầu, mình không có được cuộc sống, công việc như ngày hôm nay. Cảm ơn văn chương đã giúp mình rất nhiều trong cuộc đời này.
* Sau 9 năm ra lập nghiệp ở Hà thành, (tháng 10/2002 đến nay) Như Bình đã trở thành một cái tên điển hình cho sự vượt khó, khéo xoay xở cho cuộc sống và sự nghiệp của mình để trở thành một người phụ nữ khiến nhiều người mơ ước. Chị có thể chia sẻ những tâm sự của mình về cuộc sống, tình yêu và sự thành đạt?
- Thôi, mình không biết trả lời gì khác ngoài viết và công việc. Có lẽ, đó là thứ làm cho mình luôn tự tin nhất. Sắp tới cuốn "Những số phận ẩn khuất" của mình sẽ ra mắt bạn đọc, đó là niềm vui và hạnh phúc của mình. Phải nói rằng, có được những tập sách, công việc như ngày hôm nay mình vô cùng cảm ơn anh Hữu Ước, Tổng Biên tập của những ấn phẩm mình đang làm việc. Cảm ơn hai người anh đã dạy cho mình từ những ngày đầu tiên chập chững ra Hà Nội và bước vào nghề báo với từng bức chân dung đầu tiên đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Hồng Thanh Quang. Cảm ơn toà soạn Báo Công an nhân dân đã rèn luyện cho mình cứng cáp hơn, trưởng thành hơn. Mình chỉ biết nói, cảm ơn tất cả mọi người.
* Hiện nay chị đang phụ trách ấn phẩm "Cảnh sát toàn cầu tuần" của Báo Công an nhân dân, một trong những tờ báo có lượng độc giả khá lớn, với chị, tiêu chí để có một tờ báo bán chạy trong thời buổi báo giấy bị sụt giảm như trong thời gian hiện nay?
- Mới, nóng, lạ, và những phóng sự độc quyền. Mình và Dương Bình Nguyên đang đi theo hướng đó. Tuy nhiên phải rất cảm ơn tất cả các sếp phụ trách trực tiếp mình từ những ngày đầu tiên mới vào công việc cho đến lúc này. Các sếp đã rất tôn trọng, tin tưởng, thậm chí cả chiều chuộng mình và cộng sự đắc lực của mình là Dương Bình Nguyên và các phóng viên của mình, khi để cho bọn mình được quyền tha hồ sáng tạo. Thú thật, chỉ có môi trường sống và làm việc như ở Báo CAND mình mới có được vị trí như hôm nay. Được làm thư ký toà soạn, đề xuất nội dung của một ấn phẩm lớn như CSTC, mình thật sự không mong ước gì hơn nữa.
* Thời gian tới, chị có dự định gì đối với chặng đường văn chương, cuộc sống riêng cũng như sự nghiệp báo chí của mình?
- Mình không biết nữa, chưa biết sẽ phải bắt đầu như thế nào. Có lẽ mình sẽ tiếp tục ra sách, công việc mà hơn 8 năm qua mình phải gác lại để làm báo. Với lại, cuộc sống luôn là những bất ngờ, hãy chờ đợi sự tự nhiên của đời sống đến với mình thôi. (cười).
* Trân trọng cảm ơn chị!
Thiên Kim thực hiện
(Nguồn: Báo CAND)