Thứ bảy, 27/04/2024,


Nhà thơ Văn Công Hùng thuyết minh Cà phê cóc (21/06/2011) 
mưa
thiếu nắng
nắng
thiếu mưa
trên bàn
thừa cốc
cốc
thừa café
(Nói chuyện với cốc Café - Vũ Thanh Hoa)
 
 
Cà phê cóc. Ảnh Blog Văn Công Hùng
 
Mình sáng nào cũng một cữ cà phê, đen nóng, ngùn ngụt thơm, đắng chát, đường riêng của mình, rất ít, và bao giờ cũng quán cóc, chỉ có vài quán quen, chủ quán liếc qua đã biết mình cần gì, không hỏi nửa tiếng. Bao giờ cũng ngồi trong tư thế quay mặt ra đường, nửa mắt đọc báo nửa mắt nhìn đường. Chỉ có ngu hoặc đang bị truy nã mới ngồi quán cóc mà quay mặt vào trong. Hôm nào mà bị lôi vào nhà hàng cà phê là khó chịu lắm, là lại chạy về quán cóc của mình làm thêm ly nữa. Sang đến Singapore mà vẫn cứ hặm hụi đi tìm cà phê cóc chứ không chịu chui vào nhà. Thì ra nó không chỉ là cà phê mà còn là không khí cà phê, cái ấy mới quyết định nên văn hóa, nên hồn của cà phê...
Có lẽ không một đô thị nào ở Việt Nam ta mà lại không có quán cóc, đến mức đi trên mấy con đường mới mở, hiện đại và to đẹp, vỉa hè phẳng lỳ trống trơn, cứ thấy như thiêu thiếu một cái gì. Cũng không ai cắt nghĩa được một cách thấu đáo rằng tại sao lại gọi là quán cóc. Người thì bảo tại nó phải nhảy như... cóc vì bị đuổi. Người lại bảo bởi dáng ngồi như... cóc của khách khi uống cà phê ở những quán này?... Có người còn cắc cớ bảo: Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó các con phố ở Việt Nam không còn quán cóc?
Quán cóc gồm từ cà phê, chè chén, ăn sáng (phở, bún, cháo...), đến các quán nhậu bình dân, lấy vỉa hè làm... trụ sở. Lớn hơn các quán cóc là chợ cóc (có nơi còn gọi là chợ xổm, chợ đuổi, căn cứ vào... tư thế và dáng chợ), lấy lề đường và cả lòng đường làm nơi họp... Tôi là kẻ thú ngồi cà phê cóc nên xin khoanh lại ở các quán cà phê cóc vỉa hè. Dù đi đâu, Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Nha Trang, Cà Mau, Châu Đốc hay Lạng Sơn, Bằng Tường... tôi đều chọn những cái quán ở ngay vỉa hè với những cái ghế chênh vênh, cái bàn khấp khểnh, với những cú chạm chân chạm tay, né người tránh nhau, ngồi trong tư thế mặt luôn quay ra ngoài đường, bạn thử mà xem, thú lắm...
Có một thực tế là cà phê cóc thường ngon, lại rẻ, lại được mênh mông tầm mắt ngắm người ngắm phố. Trong khi các quán cà phê khách sạn, cà phê nhà, cà phê vườn... giá từ năm bảy ngàn đến trên chục ngàn thì cà phê cóc chỉ hai ngàn rưởi hoặc ba ngàn, mà lại tự do hít thở khí trời, tất nhiên là... hít luôn cả rất nhiều bụi. Đối với cánh nhà văn nhà báo thì cà phê cóc chính là nơi tốt nhất để họ tiếp cận đời sống và trao đổi thông tin. Cũng xin nói luôn, cà phê cóc trong Nam gồm một ly cà phê và một ấm trà, nếu hết kêu thêm chứ không như miền bắc, cà phê là cà phê, trà là là.
Cái thói quen uống cà phê sáng cũng chả biết nó du nhập vào xứ ta từ khi nào, nhưng bây giờ thì đã trở thành một nhu cầu phổ biến đến mức giống như phàm đã là đàn ông thì phải... uống cà phê sáng, đặc biệt là ở phía nam. Mà chả cứ đàn ông, các bà các cô các chị cũng chả thua kém gì, cũng lóng lánh lung linh mướt mát thơm lừng từ cà phê trong nhà đến vỉa hè, mà lại còn uống đặc hơn, ít đường hơn cánh đàn ông. Và cũng sẽ thật thú nếu buổi sáng bên ly cà phê đặc quánh bốc khói thơm ngát ta lại gật gù cùng tờ báo cũng đang... nóng hôi hổi.  Các quán cà phê cóc nắm được "gu" này của khách nên bây giờ thường kiêm luôn sạp bán báo lẻ. Ai mua thì bán, dừng xe bên đường kêu báo là chủ xăng xái mang ra, còn các vị khách ghiền cà phê thì... đọc cọp. Đọc báo nơi quán cóc có cái thú là vừa đọc vừa... bình luận, vừa phát biểu chính kiến. Có khi ông nhà báo cãi nhau với ông xe ôm như mổ bò, bà bán vé số phê bình ông bộ trưởng nhân một vụ gì đó trên báo, vô cùng bình đẳng và thú vị... Cà phê níu báo, báo níu cà phê, như kiểu quảng cáo bây giờ hay gọi là "Hai trong một", thế mà cũng "buôn thất nghiệp, lãi quan viên" lắm, bằng chứng là chả thấy quán cóc nào sập tiệm, mà lại còn có cơ phát triển.
Thú thực là sẽ thấy quạnh vắng thật nếu một ngày nào đó không còn quán cóc trên đường. Nhưng nếu cứ phát triển tràn lan thì cũng có vẻ ảnh hưởng đến văn minh phường phố và cả giao thông. Nhưng quán cóc, nó không chỉ là quán cóc, nó chính là một phần đời sống tâm hồn người đô thị, nó là cái góc khuất ở ngay mặt phố, chứa đầy kỷ niệm, đầy mới lạ và cả những phát hiện. Té ra, quán cóc nó không chỉ là... quán cóc. Nó còn là cái gì rất xốn xang, rất đời. Nó cũng phập phồng thở, trĩu nặng ký ức, trĩu nặng kiếp nhân sinh, như tôi, như bạn, như cái giọt cà phê đen sánh đang quặn lại trong phin kia để chiết cho ta cái vị đắng tê người mà lại ma mị ảo ảnh khiến ta cứ lâng lâng sướng khi nâng ly lên khẽ nhấp ngụm đầu tiên... Nếu biết ngồi... khuất khuất, đừng hung hăng bành trướng, khiêm nhường nép mình lại một chút, tôi nghĩ, quán cóc vẫn rất dễ thương trong ký ức mỗi người, và tiện dụng nữa, tất nhiên rồi...
Nhà thơ VĂN CÔNG HÙNG
(TBT Tạp chí Văn nghệ Gia Lai)
Email: vanconghungbvh@gmail.com
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: