Nhân ngày Nhà báo Việt Nam 21/6, VanVN.Net có cuộc trò chuyện với nhà văn Võ Thị Xuân Hà – TBT Tạp chí Nhà văn và nhà thơ Văn Công Hùng – TBT Tạp chí Văn nghệ Gia Lai về những khó khăn, thuận lợi cũng như những điều thú vị khi nhà văn gánh trên vai nghiệp báo.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (trái)
và các nữ nhà văn duyên dáng ở Hàng Buồm. Ảnh: Lãng Ma
- Tính đến năm 2011 này, anh/ chị đã làm báo được bao nhiêu năm? Trước khi làm báo, anh/ chị đã trải qua những nghề gì? Cơ duyên nào đưa anh/ chị đến với nghề báo?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tôi vốn là cô giáo dạy Toán, rồi theo nghiệp văn chương. Sau khi có danh trên văn đàn rồi mới đi làm báo. Tôi lênh đênh mấy báo Vì trẻ thơ, Thiếu niên tiền phong, Điện ảnh Kịch trường, rồi sau sang Nhà xuất bản Văn học. Lênh đênh tiếp bằng việc có mấy năm xin nghỉ không lương ra ngoài bán cà phê, nhất quyết không viết báo kiếm tiền. Rồi về làm vị trí chuyên viên tại Ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2011 mới nhận nhiệm vụ của Ban chấp hành giao về làm Tổng biên tập tạp chí nhà văn. Sau bao nhiêu năm, giờ quay lại làm báo, âu cũng là cái số.
Nhà thơ Văn Công Hùng: Tôi tốt nghiệp trường đại học Tổng hợp Huế năm 1981 và bập vào nghề báo luôn. Từ bấy đến nay tôi làm tờ Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, hiện nay là tổng biên tập của tờ này và cộng tác thường xuyên với gần chục tờ báo khác. Thú thật, tôi làm báo là để nuôi... thơ và nuôi mình. Mỗi tháng nhuận bút viết báo của tôi khoảng ba bốn triệu gì đó, tôi... nộp cho vợ cùng với cái thẻ ATM lương của tôi, xong là ung dung chơi và làm thơ.
- Bằng sự trải nghiệm của chính mình, anh/ chị thấy khó khăn đặc trưng nhất và thuận lợi lớn nhất khi nhà văn/ nhà thơ đi làm báo là gì? Vì khi làm báo, tính thời sự, cập nhật và sự chính xác của thông tin đòi hỏi một cái đầu lạnh và tỉnh táo, điều này có phải một thử thách đối với những người mang trong mình trái tim nóng như anh/ chị?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Khó khăn nhất là mọi người cứ nghĩ dân văn chương làm báo sợ không tỉnh táo. Còn lại là khá thuận lợi. Tôi không thấy có gì trở ngại cả. Thử điểm lại trong làng báo, sẽ thấy khá nhiều nhà văn nhà thơ mang trọng trách lớn như Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn, Trưởng ban biên tập… các tờ báo lớn nhỏ. Sự lãng mạn văn chương và “cái đầu lạnh, tỉnh táo” trong lĩnh vực thông tin là hai mặt bổ trợ nhau, rất cần thiết đối với một nhà quản lý báo chí. Tuy nhiên, có một phản biện mà tôi muốn nhấn mạnh rằng, mọi người cần phải biết, nhà văn, nhất là văn xuôi, rất cần cái đầu tỉnh táo để sáng tác.
Nhà thơ Văn Công Hùng: Các nhà văn đều có thể viết báo và ngược lại các nhà báo không thể đều biết viết văn. Sáng nay tôi vừa trao đổi với một bạn đang làm luận văn thạc sĩ về thơ tôi, rằng là may mắn, đối với tôi thôi, báo chả ảnh hưởng gì đến thơ, mà thậm chí nó còn làm cho tôi có điều kiện đi, tiếp xúc, cảm nhận và học hỏi. Thêm nữa, như đã nói, báo nuôi tôi làm thơ và gia đình tôi yên tâm vì tôi... làm thơ... Tất nhiên khi nhà văn làm báo họ sẽ có cách để khai thác sở trường của họ, hạn chế sở đoản, như họ chủ tâm viết bút ký, ghi chép, phóng sự... ít tham gia khai thác tin nóng chẳng hạn...
- Anh/ chị đều là những người hiện đang phụ trách một ấn phẩm báo chí, liệu tiêu chí để chọn phóng viên, cộng sự, cộng tác viên có kèm theo điều kiện “phải biết viết văn/ làm thơ” không?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Không thể có mẫu số chung được đâu. Tùy theo cá nhân nhà báo, phóng viên có khả năng đáp ứng ra sao cho tờ báo. Tuy nhiên như tạp chí Nhà văn thì cũng rất cần những cộng tác viên là nhà văn, những phóng viên có hiểu biết về văn chương.
Nhà thơ Văn Công Hùng
Nhà thơ Văn Công Hùng: Tờ tạp chí mà tôi là tổng biên tập là tạp chí Văn Nghệ nên đương nhiên tiêu chuẩn ấy là đầu tiên.
- Có một thực tế là các nhà văn/ nhà thơ trẻ hiện nay đều tìm cách sống bằng nghề báo nên thời gian và khoảng lặng cần thiết để “nuôi” cảm xúc văn thơ đang dần bị thu hẹp. Và ngược lại, các bạn trẻ được đào tạo báo chí chuyên nghiệp lại cho ra những bài viết thiếu chất văn (ngay cả những bài viết về văn hóa nghệ thuật). Theo anh/ chị, có cách nào để dung hòa?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Đừng nghĩ nhà văn, nhà thơ trẻ cần phải có khoảng lặng kiểu như trong thế giới phẳng. Mỗi tài năng tự biết tạo ra khoảng lặng cho mình, không cần ai cho. Vẫn kiếm sống khỏe bằng nghề viết báo và viết văn khỏe, đó là hình ảnh của rất nhiều nhà văn thành danh của nước ta cũng như trên thế giới.
Việc các cử nhân báo chí ra trường thiếu chất văn trong các bài viết về văn hóa nghệ thuật của mình, đó là do kiến văn quá nông cạn. Họ sẽ tự bị đào thải. Nhưng cũng không tránh khỏi trong làng báo những người viết báo sáo rỗng, dùng ngôn từ loảng xoảng để át đi tính truyền tải thông tin cần có.
Nhà thơ Văn Công Hùng: Thực ra lâu nay đời sống xã hội và đời sống văn chương báo chí chưa ổn định nên nhiều giá trị bị lệch chuẩn. Cũng trong làng báo chẳng hạn, thì truyền hình luôn luôn được coi trọng. Nhiều báo nên cách viết cũng "đa dạng", cách nhìn nhận cũng nhiều chiều, nên nhiều khi làm hỗn loạn cách viết. Tôi biết thường thì những phóng viên trẻ, mới vào nghề thì được cử làm văn hóa văn nghệ, một mảng rất quan trọng và đòi hỏi một phông văn hóa rất rộng, một sự hiểu biết rất sâu. Thế thì làm sao đòi hỏi chất văn. Còn chuyện nhiều nhà văn nhà thơ trẻ lao vào viết báo và quên văn là chuyện đã xảy ra và còn tiếp tục xảy ra. Nó như sự đào thải tự nhiên thôi. Văn chương nó khắc nghiệt và cần những người thủy chung, cần mẫn. Những ai lấy sự nổi ngay tắp lự, cả danh tiếng và vật chất, đều khó bền với văn chương.
- VanVN.Net xin cảm ơn nhà văn Võ Thị Xuân Hà và nhà thơ Văn Công Hùng. Chúc các nhà văn, nhà thơ dồi dào sức khỏe và cảm hứng sáng tạo. Chúc các nhà báo thêm một tuổi nghề với nhiều thành tựu!
(Nguồn: Vanvn.net)