Thứ hai, 23/12/2024,


NSND Thanh Huyền: Tình yêu ở lại (15/06/2011) 
 
Tôi tìm đến căn nhỏ của NSND Thanh Huyền ở phố Nghĩa Tân. Trước nhà, giàn hoa leo bừng nở trong nắng sớm, khoảng sân bình yên quyện mùi khói hương. Bà ngồi trên chiếc ghế nhỏ, trước ban thờ của người chồng thân yêu- NSND Thanh An, người vừa từ biệt nhân gian để về cõi vĩnh hằng chưa lâu. Trên khuôn mặt còn hiện rõ những đường nét xinh đẹp thời trẻ của bà, nỗi buồn như bóng cây đổ xuống. Và những kỷ niệm về ông, cùng với những giọt nước mắt nhớ thương lăn dài.

 
NSND Thanh Huyền thời trẻ.

Thắp thêm một nén nhang trên bàn thờ của chồng, NSND Thanh Huyền pha trà mời khách. Bà kể: "Sau ngày ông mất, bà bị nặng tai, bác sĩ nói vì bà đã khóc quá nhiều. Bà nghe không rõ nữa, thế là phải điều trị ngoại trú. Hàng tuần bà thỉnh các nhà sư về nhà làm lễ cho linh hồn của ông được siêu thoát. Sau 49 ngày ông mất bà sẽ đưa ông lên chùa để vong linh ông được mát mẻ nơi cửa Phật.
NSND Thanh An mất ngày 21/4, hưởng thọ tuổi trần gian ở con số 78. "Vẫn biết cuộc đời là hữu hạn. Không ai tránh được quy luật của đời sống. Chúng tôi đã cùng nắm tay nhau đi trong cuộc đời 46 năm, gần nửa thế kỷ, biết bao hạnh phúc và cả đắng cay vui buồn đã nếm trải.
Giờ đây chỉ còn lại một mình trong ngôi nhà, các con đều đã trưởng thành và ở xa, thì tôi càng nhớ đến anh. Nhìn vào đâu cũng là gặp lại những kỷ niệm. Tôi tưởng như anh vẫn ngồi đây, trên chiếc ghế này, để trò chuyện cùng vợ về một bộ phim hay, một bài hát yêu thích".
NSND Thanh An sinh ngày 25/12/1934 tại Quảng Trị, trong một gia đình nông dân. Ông mồ côi cha mẹ khi còn rất nhỏ. Lớn lên trong thiếu thốn tình cảm và nghèo khó, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia vệ quốc đoàn từ năm 16 tuổi. Là người có năng khiếu nghệ thuật, ông được cử đi học tại Trường Nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia sau này).
Thay vì trở thành một nhạc sĩ, ông lại trở thành một nhà điện ảnh, vì niềm đam mê quá lớn của ông dành cho môn nghệ thuật này. Suốt đời mình, NSND Thanh An chỉ theo đuổi điện ảnh tài liệu. Ông bị hấp dẫn bởi tính chân thực của điện ảnh tài liệu.
Bằng những tác phẩm giàu tính triết lý, có giá trị nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ cao, NSND Thanh An đã ghi tên mình vào danh sách những đạo diễn thuộc thế hệ vàng của điện ảnh tài liệu Việt Nam, cùng với NSND Đào Trọng Khánh, NSND Lê Mạnh Thích , NSND Ngọc Quỳnh, NSND Trần Văn Thủy…
Những bộ phim nổi tiếng của ông có thể kể đến như Ngọn đèn cửa biển, Những bài ca từ chiến hào, Bài học về một con người…Gắn bó tự thân với hiện thực đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh, với tài năng và nhiệt huyết của mình, ông đã lao động nghệ thuật không mệt mỏi và trở thành một nhà làm phim tài liệu tiêu biểu của thời đại mình.
Nhưng một sự gắn bó định mệnh khác đối với NSND Thanh An, ông đã gặp được một người bạn đời cùng chí hướng làm nghệ thuật là nghệ sĩ biểu diễn Thanh Huyền. Thế hệ trẻ chúng tôi không có cơ hội được nhìn thấy nghệ sĩ Thanh Huyền trên sân khấu. Nhưng với những thế hệ đi trước, thì Thanh Huyền là một trong những giọng hát đẹp nhất, sáng giá nhất của nhạc cách mạng.
Bà được xem là giọng hát dân ca kế thừa của cố nghệ sĩ nức tiếng Thương Huyền. Qua làn sóng phát thanh, tiếng hát Thanh Huyền đã in đậm dấu ấn trong trái tim của hàng triệu khán giả với các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, những ca khúc cách mạng, trữ tình. Thanh Huyền còn có vinh dự được nhiều lần biểu diễn trước lãnh tụ Hồ Chí Minh và được Người ngợi khen. Thanh Huyền được phong tặng danh hiệu NSND cao quý ngay từ đợt đầu tiên.
Trong một gia đình có hai người làm nghệ thuật, lại ở vào thời điểm đất nước đang trải qua muôn vàn gian khổ, để tồn tại, mỗi người đã phải hy sinh rất nhiều. NSND Thanh Huyền tâm sự: "Thời đó, chúng tôi nghèo lắm. Anh Thanh An nghèo đến nỗi không có nổi một cái xe đạp để đi. Chúng tôi cưới nhau và sống trong một gian nhỏ, và mỗi người cần mẫn với công việc của mình. Anh An thường phải đi làm phim xa nhà, còn tôi thì phải đi biểu diễn. Khi các con con nhỏ, mỗi khi đi diễn, tôi thường phải gửi con nhờ hàng xóm trông giúp. Có đêm 11h mới về đến nhà, lọ mọ đi đón con, đứa nào cũng ngủ gà ngủ gật. Anh Thanh An rất hiểu nỗi khổ của người nghệ sĩ. Anh thường động viên vợ phải cố gắng. Những lúc vắng nhà thì thôi, nhưng hễ anh ở nhà là mỗi lần tôi đi diễn về thế nào anh cũng nấu sẵn một bát cháo gà bồi dưỡng vợ, để vợ giữ sức khỏe mà hát  hay hơn. Anh là người nhân hậu và nhiệt tình với tất cả mọi người. Ai nhờ việc gì, anh cũng giúp. Ngay cả những việc anh biết mình không làm được, nhưng vì cả nể, anh vẫn cứ nhận lời. Anh thương yêu vợ thương con hết mực". 
 
NSND Thanh Huyền và cố NSND Thanh An.
 
NSND Thanh Huyền tự hào rằng cuộc đời đã ban cho bà một người chồng mà bà không có gì để phàn nàn cả. "Khi chúng tôi gặp nhau ở trường nhạc, tôi chưa từng yêu ai cả. Chúng tôi gắn bó số phận với nhau và trở thành một gia đình. Gần như chúng tôi không bao giờ cãi nhau. Chúng tôi sống đơn giản và không bao giờ nghĩ nhiều về vật chất. Trong nghệ thuật, chúng tôi góp ý cho nhau, và cùng hiểu rằng phải làm nghề bằng toàn bộ tình yêu và niềm đam mê không toan tính thì mới mong được khán giả nhớ đến. Bạn bè tôi nhiều người đổ vỡ trong hôn nhân, có người lập gia đình nhiều lần trong đời. Có người trêu tôi: Suốt đời chỉ sống cạnh một người đàn ông mà không thấy chán à, tôi chỉ cười. Trong đời nghệ sĩ biểu diễn, tránh sao khỏi những phút giây mình chao đảo bởi một ánh mắt nhìn, một cử chỉ ân cần của ai đó. Nhưng đó chỉ là những ngọn gió thoảng qua mà thôi. Gặp ai, tôi vẫn thấy người chồng thân yêu của mình là số 1. Anh sống tử tế với mọi người, hy sinh nhẫn nại cho gia đình, yêu thương vợ con hết mực, tôi còn mong gì hơn nữa".
Với giọng hát lộng lẫy, thấm đẫm tâm hồn Việt Nam, NSND Thanh Huyền có cơ hội đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Bàn chân của bà đã đến các châu lục khác nhau. Bà có nhiều khán giả ái mộ. Nhưng bản tính vốn khiêm nhường, ưa sự yên tĩnh nên bà chọn lối sống giản dị, lấy việc chăm sóc gia đình, con cái là nguồn vui, mà ít có mặt ở những nơi hội hè, phù hoa.
Bà bảo: "Trên sân khấu mình có thể rất lộng lẫy, nhưng về đời thường mình chỉ muốn làm một người đàn bà bình thường nhất, chăm chút cho tổ ấm gia đình. Tôi không muốn làm một người nổi bật. Tôi nghĩ, với người ca sĩ thì quan trọng nhất là giọng hát, không phải cái đẹp bề ngoài. Chồng tôi từng nói, ông yêu quý vợ hơn cũng bởi vì đức tính đó".
Nhớ về những năm tháng chiến tranh, NSND Thanh Huyền kể lại chuyến đạp xe từ Hà Nội vào Nghệ An biểu diễn phục vụ bộ đội. Bà với các đồng nghiệp phải đi xuyên đêm, xe đạp phải tháo chắn bùn ra vì bị sợ máy bay Mỹ phát hiện. Đi dưới bầu trời đầy tiếng máy bay địch như vậy thì sợ lắm, nhưng nghĩ đến những người lính ngoài mặt trận, bàn chân bà như guồng nhanh hơn những vòng xe.
"Ngay cả lúc nghèo nhất, vợ chồng tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng mình làm nghệ thuật là vì tiền. Thế hệ tôi, đi biểu diễn về, bụng đói meo là chuyện bình thường. Chúng tôi cứ sống trong căn nhà nhỏ hơn chục mét vuông cho đến khi tôi được phong NSND và được Nhà nước phân cho căn hộ này.
Lúc tôi mới nghỉ hưu, thanh sắc vẫn còn đủ để xuất hiện trên sân khấu, có nhiều lời mời tham gia biểu diễn cho một số chương trình phù hợp, nhưng tôi từ chối. Tôi hiểu rằng, mỗi người nghệ sĩ đều có thời của mình, và cần phải biết rút lui đúng lúc để giữ cho trọn vẹn hình ảnh đẹp của mình trong ký ức khán giả.
Những năm cuối đời, NSND Thanh An mắc phải căn bệnh Parkinson. Nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Bà Thanh Huyền dành thời gian để chăm lo cho sức khỏe của chồng. Hai ông bà thường cùng dắt nhau đi bộ, tập thể dục, cùng xem một bộ phim, lắng nghe một bài hát và bàn luận say sưa như thời tuổi trẻ.
Bà kể lại: "Chúng tôi có 2 con. Con trai cả thì đi du học, hiện đang là trợ giảng cho một trường đại học danh tiếng ở Đức. Cháu đã có vợ và hai con gái nhỏ. Con gái thứ 2 của tôi là Thanh Hằng, sở hữu một giọng hát rất đẹp và chúng tôi đã hướng cho con theo nghiệp mẹ. Nhưng Thanh Hằng bị đau cột sống, đã trải qua 3 lần phẫu thuật nên không thể tiếp tục đứng trên sàn diễn. Hằng buồn lắm, chúng tôi động viên con nhưng thực lòng cũng rất buồn vì con không thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình được nữa".
Sau ngày ông mất, căn nhà nhỏ im ắng hẳn đi. Con trai ở Đức về chịu tang bố rồi lại phải hối hả trở lại với công việc của mình. Con gái Thanh Hằng thương mẹ, mướn thêm một người giúp việc, dù trong nhà đã có một người giúp việc rồi, để có người ra vào, trò chuyện cho mẹ đỡ buồn, đỡ cô quạnh. Căn nhà trở nên rộng thênh thang.
NSND Thanh Huyền nghẹn lời: "Các con thương tôi lắm. Hơn nữa chúng nó đều có điều kiện cả. Con trai bảo, hay là mẹ sang Đức ở với con. Tôi bảo mẹ không thích ở nước ngoài, cả đời làm nghệ thuật mẹ đã đi biểu diễn ở hơn chục nước, nhưng mẹ vẫn thích ở Việt Nam mình nhất. Giống như mẹ luôn hát thành công những bài hát có âm hưởng dân ca hơn là những bài hát phương Tây. Con gái lại bảo, vậy thì sau khi cúng thất tuần cho bố, mẹ chuyển sang ở nhà con. Có các cháu mẹ sẽ vui hơn. Tôi bảo, thôi cứ để mẹ ở đây, trong căn nhà của bố mẹ. Ở đây mẹ sẽ có được cái cảm giác như vẫn được trò chuyện với bố mỗi ngày. Căn nhà này đã dung chứa biết bao kỷ niệm buồn vui, mẹ muốn được đối thoại với những kỷ niệm ấy, ngắm nhìn lại nó, và mẹ thấy lòng nhẹ nhàng hơn".
Những giọt nước mắt lại rưng rưng trên gương mặt của NSND Thanh Huyền. Mất đi một người thân yêu trong cuộc đời, với bất kỳ ai, cũng là nỗi buồn lớn nhất. Ông bà, hai người đồng nghiệp, và là bạn đời của nhau đã chia sẻ với nhau những ngọt ngào của hạnh phúc và cả những chiêm nghiệm vui buồn thời cuộc mà họ đã đi qua.
Đã vắng bóng dáng ông trong ngôi nhà nhỏ và trong cuộc đời, nhưng nơi trái tim bà, ông chưa bao giờ đi vắng. Bởi tình yêu ông dành cho bà thì vẫn còn lại đầy ắp. Cũng như những kỷ niệm không bao giờ có thể mờ phai trong ký ức bà.
Và chúng ta, khi xem lại những thước phim tài liệu quý giá mà NSND Thanh An đã đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng cũng có một cảm giác chung như vậy, là ông vẫn hiện hữu trong cuộc đời này, bằng chính những tác phẩm giá trị của mình.
 
 
Vũ Quỳnh Trang
(Nguồn: An ninh Thế giới Cuối tháng)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: