Thứ hai, 23/12/2024,


Bệnh "sốc ảo" của văn chương mạng (04/06/2011) 
 
 
Thiếu vốn sống, “né” nhiều đề tài nóng của xã hội: Chưa bao giờ đội ngũ viết văn tuổi đời dưới 40 của TP.HCM lại đông đảo như hiện nay, với hơn 100 người.
 
Nhiều người trong số đó đã từng xuất bản cả chục đầu sách, cũng có người đang là sinh viên tập tành vào nghề văn. Sự xuất hiện của những cái tên như: Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Phan Thị Hồn Nhiên, Dương Thụy, Trần Minh Hợp, Yến Linh, Nguyễn Thiên Ngân…đã tạo nên sự phong phú trong làng văn trẻ.
Mỗi người trong số họ đều ít nhiều tạo dấu ấn trong các sáng tác của mình. Tuy nhiên, một số nhà văn thế hệ trước cho rằng, lực lượng cầm bút trẻ khá hùng hậu này vẫn chưa xây dựng được nhân vật điển hình của thế hệ mình trong tác phẩm. Nhiều đề tài nóng của xã hội chưa được phản ánh trong các trang viết. Thay vào đó, những cảm xúc yêu đương, những tâm hồn cô đơn, những vấn đề nhạy cảm lại đang trở đi trở lại trong các trang sách. Nó khiến cho các cây bút trẻ dè dặt với chính những vấn đề nóng đang diễn ra hằng ngày trong xã hội.
Nhà văn Trần Trưng Trắc cho rằng: “Đề tài để các bạn viết không đâu xa ngay trong chính bản thân mình. Hãy bộc lộ cái bên trong con người ra cái thực tại bên ngoài xã hội. Nhà văn phải biết mình là gì, thuộc phong cách nào, thói quen gì thì mới viết hay được. Nguyễn Ngọc Tư có sở trường khai thác đề tài dân gian, hiện thực theo phong cách phê phán; Nguyễn Nhật Ánh sở trường là… thiếu nhi… Họ là những người đã thành công khi viết đúng sở trường của mình. Vậy các nhà văn trẻ, hãy đi vào thế giới thực của chúng ta, cả một thành phố rộng lớn như vậy không có lí do gì không xây dựng được một nhân vật điển hình. Hãy đi vào những vấn đề của đất nước”.
Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi thì chia sẻ: “Đề tài mà các nhà văn muốn gửi gắm vào trong tác phẩm của mình, nó cần có thời gian sống, thời gian dấn thân chứ không thể dựa vào trí tưởng tượng mà viết hay được. Bởi thực tế khác xa với trí tưởng tượng nhiều lắm. Thực tế không chỉ nằm trong hiện thực đời sống mà còn là sự thật nằm trong tâm trạng đời sống mỗi con người. Trong khi, có những mảng đề tài quá quen thuộc lại tập trung thể hiện quá nhiều như tình yêu, tình dục. Có những mảng đề tài, xét về chất hiện thực trong xã hội hiện tại còn quá mỏng, chưa đủ sức lay động sự lưu tâm của bạn đọc”.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng thẳng thắn bày tỏ: “Đặc điểm chung của các tiểu thuyết trẻ từ Tiến Đạt, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang… đều khai thác sự bế tắc và trống rỗng trong đời sống hiện đại. Tiểu thuyết của họ chủ yếu quẩn quanh lối sống cá nhân nên chưa đủ sức khái quát để bạn đọc hài lòng với những nhân vật đang biến đổi trong xã hội và định hình nhân cách do cuộc đời tác động”.
 
Đằng sau “sốt”, “sốc ảo” của văn chương mạng.

 Đừng để người ta nhớ đến mình bằng những um sùm, nhốn nháo ngoài văn chương. Hãy trải nghiệm, hãy sống và viết để là nhà văn đúng nghĩa, trước khi là “nhà văn” mua bán văn chương.
(Nhà văn Nguyễn Thu Phương)

Tràn ngập trên các trang mạng xã hội là thông tin về những tác phẩm đang nóng, thậm chí còn chưa được phép xuất bản. Nhiều cây viết trẻ coi đây là nơi để post lên các tác phẩm, bày tỏ quan điểm hay chia sẻ các thông tin thời sự, suy nghĩ, tâm tư tình cảm, tận dụng khả năng viết để tiếp cận với bạn bè, độc giả… Thực tế, rất nhiều nhà văn trẻ đã sống và chọn cách này để tiếp thị thành công tác phẩm của mình. Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh là một trong những cây viết trẻ đầu tiên bán văn trên facebook thành công.
Tuy nhiên, mặt trái của việc “tiếp thị” văn chương trên mạng đã khiến nhiều cây viết trẻ ảo tưởng về tài năng của mình. Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương thẳng thắn: “Nếu như những người kém tài trong giới show¬biz Việt kiếm sự nổi tiếng bằng còn đường tạo scandal, thì trong giới văn chương cũng đã và đang có không ít cây viết kiếm danh, thu lợi với những cuốn sách “có vấn đề”. Thế nên, mới có những kiểu nói đùa trong và ngoài giới: Sách càng bị cấm càng được chú ý, văn càng “có vấn đề”, người viết càng có scandal thì độc giả càng quan tâm nhiều”.
“Trong dòng chảy của thị trường, nhà văn trẻ xem ra chẳng ngại biến mình thành “những người bán hàng” và văn chương xét cho cùng đã chỉ còn là thứ “hàng hóa”. Với quan niệm đó, tất cả các chiêu thức cần có của nghề kinh do¬anh đều có thể đem áp dụng, từ việc “rao” văn mình rất kêu đến tặng kèm, khuyến mãi, chơi nổi gây sốc…”, một cây bút trẻ ngậm ngùi.
Hướng đến những lợi ích cụ thể thông qua con đường văn chương, thực tế đã sản sinh ra cả một thế hệ viết lách tập trung đưa yếu tố ăn khách lên hàng đầu trong sáng tác, “lạm phát” sex, đồng tính, ho¬ang tưởng kinh dị… đều nhằm đánh trúng tâm lí giải trí, nhu cầu đọc theo kiểu bình dân, hoặc theo hiệu ứng đám đông.
Sự ngộ nhận về nổi tiếng đã khiến không ít cây bút mới chỉ lo chăm chút cho những thứ hoàn toàn phi văn học để khuyến mãi kèm theo ấn phẩm thay vì tập trung tâm huyết để viết lách. Nên vẫn còn những cách ứng xử nông nổi theo kiểu chụp ảnh sex của bản thân tặng kèm trong sách như một nữ tác giả đã từng làm với cuốn “Sợi xích” của mình.
 
 
Trần Hà
(Nguồn: Báo Văn Hóa)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: