Thứ hai, 23/12/2024,


Cẩn thận nếu không muốn giết thơ Việt (01/06/2011) 
Nhiều nhà thơ và độc giả tỏ ý băn khoăn và e ngại với việc dịch và quảng bá thơ Việt Nam ra nước ngoài, bởi nếu không hiểu tư tưởng của tác giả, việc chuyển ngữ sẽ “giết” thơ Việt.
 
 
Các nhà thơ và độc giả Việt lo ngại
khi chuyển thể thơ Việt sang tiếng nước ngoài.
 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Chuẩn bị có Trung tâm dịch thuật đầu tiên mang tính chính thống có sự quản lý của nhà nước nhằm dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Những bài thơ hay nhất thế kỷ 20 và những tác phẩm hay thế kỷ 20 đã được hội đồng tuyển chọn Hội nhà văn lựa chọn làm nền tảng cơ sở cho việc triển khai dịch của Trung tâm dịch thuật”.
Giới thiệu, quảng bá thơ Việt
Dịch thơ Việt Nam ra nước ngoài tới thời điểm này mới chỉ nhận được sự đóng góp mang tính cá nhân những người yêu thơ và thực sự tâm huyết. Có thể kể tới nhóm dịch giả tại Mỹ gồm nhà văn người Việt Nam đang làm việc tại Trung tâm Wiliam Joyner, ĐH Massachussetts (Boston, Mỹ) như Nguyễn Bá Chung, tác giả người Mỹ như Bruce Weigl và một số dịch giả Việt Nam khác như Ngô Vĩnh Khải, Ngô Vĩnh Long…Tới nay, họ đã chọn khá nhiều tác phẩm thơ Việt để chuyển ngữ, như tuyển tập thơ Sông núi hay tuyển tập Thơ rút từ những tài liệu bị bắt giữ từ những cuốn số ghi chép của chiến sỹ Việt Nam mà phía Mỹ có được…
Tháng 3/2011 nhà thơ Kevin Bowen, người có nhiều  đóng góp trong việc truyền bá văn học, văn hóa Việt Nam vào Mỹ, đã giới thiệu đến bạn đọc tập thơ Khúc hát thành Cổ Loa của ông do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Và tháng 5/2011 hai nhà thơ Paul Hoover và Nguyễn Đỗ đã giới thiệu với bạn đọc Việt Nam tập thơ chọn lọc của Nguyễn Trãi Beyond the Court Gate – Rời xa triều đình do Counter Press tại Denver, Colorado ấn hành năm 2010. Có thể nói, đó là điều đáng ghi nhận về công sức của những người yêu thơ Việt.
Không gì khó bằng từ ngữ Việt Nam
Nhà thơ Paul Hoover chia sẻ, trong quá trình dịch do không biết tiếng Việt nên nhà thơ Nguyễn Đỗ đã dịch nghĩa các bài thơ của Nguyễn Trãi trước, sau đó ông mới dịch sang tiếng Anh. Quá trình đó gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển thể được tính nhạc của câu thơ và cả tính triết lý. “Khi dịch thơ Nguyễn Trãi, có những lúc tôi trở thành nhà thơ sáng tác chứ không phải người dịch và lúc đó tôi lại phải kiềm chế sự sáng tạo để không rời xa tư tưởng của tác giả”, Paul Hoover cho biết. Ông cũng thừa nhận: “Thật khó có thể giữ nguyên vần và mạch cảm xúc trong các bài thơ của Nguyễn Trãi, tôi đã cố gắng hiểu và thể hiện tư tưởng và ý nghĩa chủ đạo của tác giả trong bản dịch của mình”.
Còn với nhà thơ Kevin Bowen: “Nếu không chuyển ngữ thì không thể mang tác phẩm của Việt Nam giới thiệu với bạn bè thế giới được. Dịch thuật thực sự là một nghệ thuật và để làm tốt việc này các bạn phải xây dựng một đội ngũ dịch giả nắm chắc hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa. Mỗi dịch giả cũng cần phải là một nhà thơ, nhà văn”.
Cẩn thận nếu không muốn “giết” thơ Việt 
Nói về vấn đề dịch thơ sang tiếng nước ngoài, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Dịch giả cần vượt qua những rào cản về ngôn ngữ chuyển tải được tính hiện đại, những giá trị văn hóa và tính nhạc trong thơ Việt. Để làm được điều này, cần tìm những người thực sự có tâm huyết và trình độ”.
Trong khi đó thì có những bạn đọc yêu thơ Việt thì tỏ ra rất lo ngại và so sánh: “Đưa dân ca đến thành phố thì nhận được sự thích thú, nhưng đưa nhạc thính phòng về quê thì những người nông dân ít muốn nghe. Việc dịch thơ Việt ra nước ngoài có thể so sánh giống như đưa nhạc thính phòng về nông thôn. Văn hóa phương Đông và phương Tây có nhiều sự khác biệt nên việc chuyển tải nền văn  hóa Việt thực sự khó khăn”, SV trường ĐH Văn hóa.
Thậm chí, có người còn lo lắng vì nếu dịch mà không hiểu tư tưởng nhà thơ là “báo tử” thơ dịch, là giết thơ Việt. Muốn việc quảng bá thơ có hiệu quả, thì dịch giả phải thực sự hiểu tư tưởng của tác phẩm và tình cảm của tác giả thể hiện ở đó”.
 
Phạm Thủy
(Nguồn: Đất Việt) 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: