Tiếng chuông ngân vọng xưa sau
(Đọc “Lục bát làng” của Hồ Phong Tư - Nhà xuất bản Hội nhà văn 2011)
“Lục bát làng” Tập thơ thứ ba của Hồ Phong Tư ra đời khẳng định một tâm thế sống, một phong cách thơ riêng có của thi nhân họ Hồ. Người đọc không khó khăn gì khi nhận ra chân dung của thi sĩ bởi mỗi chữ, mỗi lời trong “Lục bát làng” đều không quá cầu kỳ, diêm dúa. Một chất thơ dung dị, chân phác, đằm sâu đầy ám ảnh, xu thế hướng nội mà không hề bí hiểm, cách vời. Ngược lại rất gần gũi và dễ dàng loang ra đại chúng. Những bài Lục bát mỏng như những làn sương khói bảng lảng, mung miêng ấy luôn ló rạng một phong cách hồn hậu, tươi mới của một hồn thơ đa sầu, đa cảm và trĩu nặng duyên nợ với thi ca.
Đến với “Lục bát làng” ta càng thấu cái tình dành cho thơ của Hồ Phong Tư - Một nhà thơ kinh qua bao biến cố thăng trầm và chắc chắn đã có một cuộc đời đầy nếm trải! Thật thế, 41 bài thơ trong “Lục bát làng” là 41 dấu lặng trong bản nhạc trữ tình đa âm, đa sắc của cuộc sống. Nhà thơ lặng lại để chiêm nghiệm, để thấu thị sự đời. Lặng lại để cảm thương những số phận thiệt thòi chịu nhiều vất vả, cam go. Lặng lại để chia sẻ những buồn vui, ngọt đắng của cuộc đời này.
Men theo từng con chữ, ta gặp hết sự bất ngờ này đến điều ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên khi thơ mới đang trên đà phát triển, xã hội đang trên đà đô thị hóa với tốc độ chóng mặt thì thơ Hồ Phong Tư lại miệt mài tìm về nguồn cội của mình. Sống ở đô thị nhưng anh luôn thường trực một tâm thức nông thôn trong trẻo đến nguyên sơ. Cứ như nhà thơ được sinh ra từ đất bùn, rơm rạ vậy. Một nét thân thuộc mang dáng dấp chợ quê hôm nào từ “mớ rau, con cá, bó chè,…” đều khiến nhà thơ nôn nao, quyến luyến, đều lay thức tâm tư nhà thơ, và những câu thơ chất chứa hoài niệm, lắng đượm suy tư kia được chắt ra từ một trái tim đa cảm:
“Hương gừng, hương húng bay lên
Người quê lại gặp những miền chân quê...”
(Chợ đêm Hà thành)
Ấm áp, gần gũi là vậy khi những hình ảnh thân thuộc vốn bước ra từ ca dao hôm nào được nâng lên thành làn điệu rồi đậu hờ lên những bài Lục bát của Hồ Phong Tư mà gây ám ảnh trong từng con chữ. Thoáng “Bóng cò chao trắng cỏnh đồng heo may” gợi miền cổ tích lung linh, huyền diệu. Mặc dù ở đó, ta không được gặp bà Tiên, ông Bụt, hay quả thị thơm cô Tấm dịu hiền mà ta được gặp bà, gặp mẹ, gặp em… những người thân yêu nhất trong cuộc đời ta. Xúc động lắm, bình yên lắm khi ta chợt gặp lại hình ảnh:
“Bà tôi bỏm bẻm nhai trầu
Vẫn ngồi cái quán chẳng cầu bán mua
Vuông đất nhỏ, gốc đa xưa
Tựa như cái thuở bà chưa lấy chồng...”
(Làng trong phố)
Cầm lòng sao được trước câu thơ đầm đìa nỗi xót xa, nhớ tiếc tới héo lòng. Ai đó ra đi vì chí trai, nghiệp lớn, vì loạn lạc binh đao... nay trở về ao ước phút bình yên bên mẹ thì “Mẹ giờ nằm ở mom sông/ Bóng cò chao trắng cánh đồng heo may...” để người con bao năm chinh chiến yêng hùng, nay:
“Một mình ngồi tựa trước hè
Như ngày đợi mẹ…
Bốn bề
Chiều loang…”
(Về thăm mẹ)
Bao nhiêu cảnh là bấy nhiêu tình. Trên cánh đồng màu mỡ của Lục bát ấy, Hồ Phong Tư dành cả một vùng rộng lớn cho nỗi buồn không hạn định. Ta bắt gặp trong “Lục bát làng” một nỗi buồn khi mơ hồ tiêu tao dịu nhẹ trong chân dung một khách tình thơ đi “Tìm cái chung chiêng mạn đò” bởi “Câu chờ lỡ hẹn” hay u uất tới lặng lòng:
“Thôi thì tình đã tình câm
Thì trăm năm, dẫu trăm năm
Vẫn là…”
(Thơ tình không gửi)
Khi ngằn ngặt một duyên cớ, căn nguyên bởi nỗi buồn nhiều khi cựa quậy bứt ra ngoài câu chữ, xoáy vào lòng người đọc dù trong không gian tâm linh khi thi nhân “ở đền” hay khi bàn chân phiêu du tới miền đất hứa trong nỗi tức tưởi trần tình: “Dã hương tôi lại lại tìm về/ Tựa cây tôi khóc lời thề dưới trăng” (Dã hương).
Nỗi buồn loang tỏa từ tâm hồn thi nhân sang tâm hồn độc giả tựa như có một sợ dây giao cảm vô hình. Trân trọng biết bao trước nỗi buồn trong sâu và thấm thía, nỗi buồn khi vẻ đẹp trong cốt cách bị bào mòn, hao khuyết:
“Đêm qua mưa gió ngập trời
Tôi buồn biết tượng đền tôi có buồn?”
(Ở đền)
Xã hội phát triển trong xu thế hiện đại hóa khiến thị hiếu cà phê, rượu nữa đã trở nên xô bồ, cẩu thả hơn trước thì sự trường tồn đầy kiêu hãnh của những quán cà phê nhỏ nằm khiêm nhường trong lòng thành phố hay một quán rượu đơn sơ, trống trải nơi heo hút, vắng người đã khảng định sức sống của một nét văn hóa cà phê, văn hóa rượu của những tâm hồn trong trẻo, thanh cao. Họ tìm đến những thú vui tao nhã rất mực thi nhân để ở đó họ được đắm mình trong nỗi cô đơn, những sự đời oan trái, những nỗi đau tưởng đến kiệt cùng:
“Quán nghèo nghe lạnh mưa rơi
Ly cà phê đắng khoảng trời hoàng hôn”
(Mưa gầy)
Hay:
“Tiếng đờn em gửi về đâu
Hơi men tôi buộc đáy sâu lòng mình…”
(Tiếng đờn đêm)
Ngôn ngữ thơ giản dị, mang đậm hơi thở của cuộc sống dân dã mà khởi thủy là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật chủ đạo đậm chất trữ tình. Chiều dài của không gian, thời gian, tình yêu, nỗi nhớ thương, trăn trở… trải dài theo mỗi câu thơ, tạo sự mềm mại, tích chứa, khơi gợi, êm đềm đúng phong thái nhẩn nha, điềm tĩnh của nhịp thơ 6/8:
Mái chèo giữ ngấn phù sa
Vầng trăng lên muộn còn là trăng xanh?
(Chốn xưa)
Âm thầm chảy dọc ca dao
Ầu ơ lời mẹ xôn xao bến bờ…”
(Giếng làng)
Không chỉ là nỗi đau dịu dàng, đôi khi còn là những quằn quại lo toan trần thế và sự nhen nhúm mong manh ngọn lửa tâm linh trước những biến thái cuộc đời. Nhà thơ day dứt thả vào thơ những câu hỏi ai oán “Qua bao nhiêu kiếp liệu rồi hết đau?” cứ như nỗi đau của sự luân hồi vậy. Không chỉ dừng lại ở khẩu khí, mà Lục bát của Hồ Phong Tư với sự vạm vỡ, trần trụi của ngôn từ đâ đẩy thơ đi chiếm lĩnh những khoảng không mới lạ. Đó là những triết lý nhân sinh gửi gắm trong những câu thơ êm ái, nhẹ nhàng. Thấm nhuần quy luật nhân quả nên thơ anh luôn xuất hiện những hệ thống của sự hội tụ và hóa giải. Bởi “Đắng cay lời ấy chát chao đến giờ” khi trở lại “Ngã ba xưa” nên nhà thơ nguyện: “Gồng mình gánh một chữ tâm/ Cô đơn đi giữa lỗi lầm thế gian” (Tâm)…
Một sự độc đáo, bất ngờ, hướng tứ gây dư chấn cho người đọc chính là “phong cách kết” của Hồ Phong Tư. Có cái kết tao tác âm thanh: Đêm hoang rụng trắng tiếng gà (Đùa). Có cái kết vắng âm thanh mà vùng nội suy ngập tràn hình ảnh: Hoa lau trắng dọc câu thề (Qua sông Lô). Màu trắng mênh mang vùng không giới hạn. Nào ai biết bến bờ “dọc câu thề cũ” là đâu? Lại có cái kết gây cảm thức cái buồn quánh quện trong nỗi cô đơn đối diện với chính mình như trong “Tháng giêng trảy hội”. Có cái kết mà cõi hồn tứ bề thông thốc gió trong một “Chợ đêm Hà thành”…
Mang trong hồn nỗi buồn đồng quê phiêu bạt, như một đọt cây, càng xa cội rễ thì sức hút càng mạnh, cảm hứng thơ càng dồn nén rồi trào tuôn khi hướng về hoài niệm hun hút của tâm tưởng. Chính cách nói giản dị đến chắt lọc đã mang đến cho “Lục bát làng” của Hồ Phong Tư nỗi buồn trong muốt. Nỗi buồn của tiếng chuông rung nhẹ trong không gian tĩnh lặng ảo mờ. Tiếng chuông ấy không ướt mềm, ẻo lả, cũng chẳng gồ ghề, chát chúa. Đó là tiếng chuông thanh thoát, dịu nhẹ chất chứa bên trong những thanh âm của một miền giông bão. Miền vọng ngân nơi có những trái tim thao thức nỗi nhân tình.
Cố đô, Tháng 4/ Tân Mão
Diệu Thoa