Anh là một thành viên thường trực của lucbat.com, nhưng anh còn là người đang vượt lên số phận và thử thách của cuộc đời.
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có quyền được ước mơ về hạnh phúc. Nếu bỗng nhiên được hỏi: Mơ ước lớn nhất của bạn hiện nay là gì? Chắc chắn sẽ có cả ngàn vạn câu trả lời khác nhau... Nhưng với Trần Hồng Giang thì cũng giống như bao người tàn tật khác, ước mơ của anh thật giản dị: Được lành lặn, khỏe mạnh và có thể làm việc được bình thường như mọi người! Bởi đã hơn một phần tư thế kỷ rồi, anh phải nằm liệt trên giường bệnh...
“Tôi muốn được sống có ích cho cuộc đời này”! Không cam tâm đầu hàng số phận nghiệt ngã, bằng nghị lực phi thường, Giang đã tự vượt lên bằng cách kiên trì học tập và sáng tác văn học. Và anh đã thành công...
Sinh năm 1974 tại xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; Trần Hồng Giang lớn lên trong một gia đình có sáu anh chị em, mẹ làm ruộng, cha là giáo viên trường làng. Như bao đứa trẻ khác, thuở nhỏ Giang rất thông minh và hiếu động. Nhưng rồi năm lên năm tuổi, một tai họa bất ngờ đã ập xuống cuộc đời cậu bé: Một tai nạn đã dẫn tới một chấn thương nặng vào đốt sống cổ, làm thân thể của Giang vĩnh viễn bại liệt. Thương con, cha mẹ Giang đã bán đi tất cả những thứ gì có thể bán được, rồi vay mượn thêm tiền của anh em, họ hàng bà con làng xóm cố đưa cậu bé đi chạy chữa ở rất nhiều bệnh viện gần xa... Nhưng vì vết thương quá hiểm, các bác sĩ đành chịu bó tay. Và từ đó đến nay, đã hơn một phần tư thế kỷ Trần Hồng Giang phải nằm liệt trên giường bệnh.
Ông Trần Hồng Sâm, bố của Giang năm nay đã ngoài bảy mươi, nguyên là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, là thương binh nặng, bị sức ép của bom và mất một tay. Vợ yếu, con đau, thường xuyên đi bệnh viện, tiền thuốc nhiều hơn tiền cơm, cuộc sống gia đình quá khó khăn, nên vào năm 1981, mặc dù đang làm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Hùng, lại chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông Sâm đã xin về mất sức sớm, để có điều kiện và thời gian chăm sóc đứa con tật nguyền.
Cảm động trước sự quan tâm chăm sóc của mọi người trong gia đình, bằng ý chí và nghị lực vượt khó của chính mình, mặc dù phải nằm liệt trên giường, nhưng Giang đã tự học văn hóa, hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Hơn thế nữa, anh còn tự học ngoại ngữ qua chương trình tivi và băng cassette để có trình độ tiếng Anh tương đương với bằng C.
Tôi đã được chứng kiến nhiều người tàn tật viết chữ: Có người viết bằng cách kẹp bút vào kẽ chân như thày giáo Nguyễn Ngọc Ký; ở Thái Bình có nhà văn Trần Văn Thước phải bó chân mình vào nẹp sắt để đứng viết và nhà thơ Đỗ Trọng Khơi thì nằm ngửa hoặc nằm nghiêng mà viết; còn ở Quảng Ngãi, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết nửa nằm nửa ngồi... nhưng chưa thấy ai viết cực nhọc vất vả như Trần Hồng Giang: Anh phải nằm nghiêng, tì bút vào má và khi viết thì cái đầu cũng phải chuyển động theo nét chữ... Vậy mà đã bao năm nay, những con chữ nhọc nhằn của Giang vẫn hiện lên trang giấy. Chúng không chỉ thấm đẫm những giọt mồ hôi, mà còn có cả nỗi đau của anh ngấm vào.
Hồi còn làm phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nam Định, khi đưa tôi đến thăm Giang, nhà văn Lê Hoài Nam cứ kêu trời và nói rằng: Nếu viết mãi kiểu này thì đôi mắt Giang sẽ bị cận thị rồi hỏng sớm. Vì khi viết, từ mắt anh đến trang giấy chỉ cách... mười xăngti. Nhưng Giang còn biết làm sao đây, khi mà nhu cầu học và viết của anh vẫn diễn ra hằng ngày, cần như cơm ăn nước uống vậy?
Từ chỗ say mê tìm đọc sách văn học, Giang bắt đầu tập sáng tác văn học. Nhiều bài thơ và truyện ngắn của anh đã được các báo và tạp chí như: Thanh niên, Tuổi trẻ, Tài Hoa Trẻ, Mực tím, Áo trắng, Tạp chí Văn nhân v.v… giới thiệu. Năm 2003, tập thơ đầu tay “Nỗi nhớ mùa hè” của Trần Hồng Giang đã được Hội Văn học nghệ thuật Nam Định ấn hành.
Tuy vậy nhưng trong Giang cũng đã từng có những phút giây cô đơn và mềm yếu lòng mình. Xin đừng vội trách Giang bởi nếu ở trong hoàn cảnh như anh, ai cũng vậy thôi. Giang chỉ là một con người bằng da bằng thịt bình thường, biết đau đớn và buồn vui. Đã nhiều lúc anh muốn buông xuôi để tìm đến cái chết. Trong bài thơ “Nghe nhạc Trịnh – Chợt nhận ra tôi!” Giang viết: “Bao tháng ngày đắm chìm trong tuyệt vọng/ Thả linh hồn như một cánh diều rơi/ Tôi nào biết có con đường xa tắp/ Và không hay nắng vẫn rọi bên trời”. Nhưng rồi lại tự an ủi mình: “Đừng tuyệt vọng! Tôi ơi, đừng tuyệt vọng/ Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng... / Nghe câu hát tôi ngỡ ngàng chợt hiểu/ Đâu chỉ riêng mình mới là nắng phai nghiêng!”. Còn với bài “Tôi ơi, đừng khóc”, Giang lại có cách động viên mình chẳng giống ai: “Những hồn ma bóng quỷ/ Nơi âm phủ tối tăm/ Đang hiện hình ám ảnh/ Làm thân tôi nhục nhằn/ Tôi ơi, xin đừng khóc!/ Hãy cứ toét miệng cười/ Sống vui cùng năm tháng/ Không uổng một kiếp người/ Rồi một ngày hạnh phúc/ Khi số phận mỉm cười/ Tôi sẽ bắt ma quỷ/ Nhốt vào lồng ngắm chơi...”
Thậm chí, có lần Giang còn tưởng tượng ra... đám tang của mình trong bài lục bát có tựa đề là 'Chết vờ':
Hình như tôi mới qua đời
Đám tang chỉ có mấy người tiễn đưa
Bảo rằng sống cũng như thừa
Thế mà khi chết vẫn chưa hài lòng!
Tôi muốn người đến thật đông
Tôi muốn cười nói rộn ràng
Giống như những đám hội làng đông vui
Tôi muốn đừng khóc ỉ ôi
Than trời than đất lôi thôi làm gì!
Khói hương nghi ngút xanh rì
Hồn tôi bỗng thấy biệt ly kinh hoàng
Tôi đâu có muốn hoa tang
Và đâu muốn cảnh nghĩa trang lạnh lùng...
Giật mình, tôi tỉnh giấc nồng
Hoá ra cái chuyện “tử vong” là đùa!
Thật ra, nếu lành lặn bình thường, với tư chất thông minh vốn có như cha mẹ và anh em trong nhà, học xong phổ thông Giang sẽ không khó khăn gì khi thi vào một trường đại học văn, hay báo chí để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết. Rồi anh sẽ in dấu chân mình lên khắp mọi miền đất nước, để viết thật nhiều những trang văn, những bài thơ mà mình tâm đắc nhất... Nhưng giờ thì những điều ấy chỉ là mơ ước mà thôi!
Chỉ nằm một chỗ trên giường đã từ bao năm nay, nên Giang thường tưởng tượng đủ thứ. Trong thơ anh nhắc đến nhiều những kỷ niệm tuổi thơ, đến bạn bè, người thân, quê hương đồng nội. Nhưng nhiều nhất có lẽ là cảm nhận tất cả những khía cạnh của cuộc sống đang diễn ra quanh mình và khát khao hạnh phúc bình dị.
Ai đó đã nói rằng thành công lớn nhất với mỗi con người chính là tự vượt lên chính mình. Với những người khỏe mạnh bình thường mà sự vượt lên thành công đó đã khó một, thì với những người tàn tật như Giang càng khó khăn hơn gấp bội! Gần ba mươi năm nằm trên giường bệnh, nhưng anh vẫn gắng gỏi tồn tại, để tự mình vượt lên số phận nghiệt ngã. Giang đã tự học bằng tất cả những cách thức, trong điều kiện có thể. Ngoài học qua đài phát thanh, ti vi, Giang còn học qua sách báo. Xung quanh chiếc giường Giang nằm toàn sách là sách. Giang không chỉ tự học để có thể hoàn thiện chương trình học phổ thông, mà còn tự học tiếng Anh và vi tính. Bây giờ, ngoài sáng tác văn học (Trần Hồng Giang đã được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định) thì công việc chính của anh là làm cộng tác viên dịch thuật cho một số tờ báo trong nước. Nhờ tấm lòng của bạn đọc, Giang đã có máy tính nối mạng internet, hầu như suốt ngày anh online. Và từ khi trang website lucbat.com khai trương, Trần Hồng Giang cũng là một trong những thành viên thường trực tích cực nhất.
Trong tập thơ Nỗi nhớ mùa hè của Trần Hồng Giang do Hội Văn học nghệ thuật Nam Định ấn hành năm 2003, anh đã cho in hai dòng bút tích bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trên bìa bốn: Don’t cry for me! (Xin đừng khóc cho tôi) và dòng chữ tiếng việt: “Tôi muốn được sống có ích cho cuộc đời này!”. Đó chính là khát vọng thật bình dị nhưng cháy bỏng. Nó đã giúp Giang không chỉ sống có ích mà còn có thể ngẩng cao đầu, tự hào với cuộc đời gian khó.
Đặng Vương Hưng
Chú thich ảnh trong bài:
- Chân dung Trần Hồng Giang trong tác phẩm 'Con người và sự lao động'
được giải của nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi ĐăngThanh.
- Nhà thơ Đặng Vương Hưng đến thăm Trần Hồng Giang năm 2004.
- Trần Hồng Giang và một chuyến đi chơi hiếm hoi.
Nguyễn Đình Phi - phinguyendinh202@yahoo.com.vn - 0902669659 - Trảng Bpm, Đồng Nai
(Ngày 21/07/2012 21:47:11)
Nay tôi mới biết Trần Hồng Giang, em thật sự là một con người phi thường, ngoài sức tưởng tượng. Chúc em khỏe, có thêm nhiều nghị lưc vươn lên...
Lục Thị Bích Hạnh - tuoixechieu113@yahoo.com.vn - 01665460480 - Thanh Trì _ Hà Nội
(Ngày 14/03/2012 17:25:29)
Thật xúc động khi đọc về TRẦN HỒNG GIANG tôi rất khâm phục anh, một số phận không may mắn, nhưng đã vượt lên chính mình để rồi đã làm được những điều mà người bình thường cũng khó làm được. |