Thứ sáu, 29/03/2024,


Đằng sau những tấm Huân chương. (12/10/2008) 

    

     Ông là cựu chiến binh Đinh Quang Kiểm, hiện đang nghỉ hưu và sống cùng gia đình ở xóm 10, Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam; điện thoại: 0351.214394. 'Gia tài' lớn nhất của ông là những tấm Huân chương các loại, mà đằng sau nó là cuộc đời ông và những đồng đội, nhiều người đã nằm lại chiến trường.

     Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ  dù ở cương vị nào ông cũng luôn  là một chiến sĩ trung thành, tận tuỵ, một người gan dạ, dũng cảm, mưu trí, luôn đưa ra những sáng kiến táo bạo, luôn xông pha vào những nơi gian nguy...

     Chuyện dưới đây, chúng tôi trích từ tác phẩm 'Gian nan không chùm, hiểm nguy không sợ' của tủ sách 'Chuyện đời tôi'.

 

            Người đại đội trưởng tài ba, chỉ huy linh hoạt, sáng tạo

Vào chiến trường miền Nam năm 1967 với vai trò là đại đội trưởng, đảng uỷ viên tiểu đoàn 409, Đinh Quang Kiểm phải phụ trách trên 200 cán bộ chiến sỹ.

Trên đường hành quân vào chiến trường B dòng dã 3 tháng trời, lúc đó chiến tranh phá hoại miền bắc đang diễn ra nên bộ đội phải hành quân bộ đa phần vào ban đêm. Từ cán bộ tiểu đội trưởng trở lên mỗi nguời được trang bị một đèn pin để soi đường đi. Đèn pin phải lấy mảnh giấy khoét một lỗ nhỏ như hạt ngô bịt trước mặt kính đèn, chỉ để phát ra một ánh sáng rất nhỏ, đủ để nhìn đường, để khỏi bị máy bay địch phát hiện. Đến khu 4 đúng vào mùa mưa, mưa liên tục,  muỗi vắt rất nhiều, có lúc y tá ốm tôi phải mang đỡ túi cho y tá, khi liên lạc ốm, tôi cũng mang cả súng giúp liên lạc. Cùng đó, không ít người trong ban chỉ huy đại đội cũng ốm khật khừ cả, riêng tôi trời phú cho một sức khoẻ dẻo dai nên không bị ốm.

 Cứ mỗi ngày liên tiểu đoàn họp để rút kinh nghiệm hành quân hôm đó và bàn kê hoạch hành quân hôm sau, tôi lên họp đồng chí tiểu đoàn trưởng lại quát: “Đồng chí muốn gương mẫu à, nếu đồng chí ốm thì ai chỉ huy quân cho đồng chí”. Nghe thấy vậy tôi chỉ cười và nói “ thủ trưởng cứ an tâm, tôi không ốm đâu”. Khi vào đến chiến trường thì cả đoàn quânđược giữ lại để bổ sung quân cho đoàn 559.

Khu vực tôi ở và tham gia chiến đấu đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam là Tà Khống, Làng Vây, Khe Sanh, Hội San, Lao Bảo, Tà Cơn, A Sầu, A Lưới. Trong quãng thời gian tham gia chiến trường tôi đã từng tham gia chiến đấu cũng như chỉ huy nhiều trận đánh để bảo vệ hành lang đường vận chuyển.  

 Sau tết Mậu Thân năm 1968, địch đánh phá rất giữ. Ban chỉ huy yêu cầu tôi đưa bộ đội ra tăng cường cho khu vực kho ở bản Cụ Lục và bãi giấu xe ở bản Mường Danh. Bãi giấu xe cách đường cái khoảng trên 200m, cứ lờ mờ sáng là xe lại phải vào bãi giấu hết, sau  đó tôi cho bộ đội  chặt cây nguỵ trang kín đoạn đường từ bãi dấu xe ra đường cái. Theo quy định là cứ 17 giờ 30 phút thì chúng tôi cho bộ đội dỡ cây nguỵ trang  đường ra để cho xe chạy. Hôm đó, khoảng 17 giờ các đồng chí lái xe đòi dỡ nguỵ trang đường ra để cho ô tô tranh thủ sang kho lấy hàng. Lúc đó chưa đến giờ quy định nên tôi không đồng ý dỡ nguỵ trang. Các đồng chí lái xe cứ nói thủ trưởng linh động cho chúng em tranh thủ, tôi thì kiên quyết không cho ra. Hai bên cứ nói qua nói lại mãi, khi ngoảnh lại tôi đã thấy 62 chiếc xe trong bãi  hầu hết đã nổ máy chờ xuất phát. Thấy anh em chuẩn bị tôi cũng không khỏi nóng ruột. Nhưng rồi thấy không yên tâm, tôi vẫn bảo anh em ngừng nổ máy trong sự hậm hực của mọi người.  Đến đúng 17giờ 15 phút thì có tiếng bom B52 gầm rú, kế đó là những tiếng nổ long trời , chuyển đất ở khu vực kho bản Cụ Lục. Không ai bảo ai, tiếng người và xe bỗng im bặt trong lo sợ. Lúc đó, gương mặt các đồng chí lái xe ai ai cũng thể hiện rõ sự  hoàng hồn. Sau loạt bom thứ nhất, cả đơn vị im lặng chờ đến lượt bom thứ 2. 15 phút sau máy bay địch lại đánh bom B52 một lần nữa vì đây là quy luật của địch thường đánh hai loạt bom B52 cùng một lúc, mỗi lượt cách nhau chừng 15 phút. Sau khi địch đánh loạt thứ 2 thì tôi mới đồng ý để anh em hoạt động trở lại. Tôi nói: “Các đồng chí thấy chưa? Nếu tôi không kiên quyết ngăn các đồng chí lại thì chuyện gì sẽ xảy ra”. Sau đó chúng tôi lại sang khu vực kho dọn dẹp , vì sau khi bị bom đánh thì kho hàng bị tan nát,  chỗ nào còn hàng thì anh em phải  nhanh bốc lên xe để tranh thủ chuyển đi, rồi lại có kế hoạch khác.

Một lần vào năm 1969, lúc đó tôi được ra Bắc an dưỡng, sau khi ăn dưỡng song thì trên cho biết là ở thôn Thanh Dã - xã Tam Dị xã viên bỏ cấy không làm ruộng đi buôn , trên giao nhiệm vụ cho chúng tôi về vận động nhân dân làm ruộng, khi đó tôi được phân công làm tổ trưởng, lúc về tôi ở nhà anh Nghĩa  phó chủ tịch xã, qua tìm hiểu  xã viên chúng tôi mới phát hiện ra là cán bộ hợp tác xã không minh bạch, vợ chủ nhiệm thì ra sân kho gánh trộm lúa xã viên bắt được, cán bộ phơi lúa thí điểm thì hao 40%, công điểm thì ghi gian nận, người làm ít thì ghi nhiều không rõ ràng… khi chia sản phẩm mỗi ngày công không được 3 lạng lúa thế là dân bỏ ruộng. Tôi họp dân lại giải thích nếu nơi nào cũng bỏ ruộng thế này thì có tiền cũng không có lúa gạo mà mua, còn cán bộ thì cũng do dân bầu ra, kinh nghiệm  thì chưa có, có khuyết điểm thì góp ý phê bình giúp đỡ họ trở thành người tốt, dân người ta nói: “Nếu bây giờ mà phê bình họ thì khi các anh đi chúng tôi chết, cứ các anh bộ đội ở đây làm chủ nhiệm, làm đội trưởng thì bảo chúng tôi thế nào chúng tôi làm thế”. Phản ánh tình hình ấy lên trên và vận động mãi dân mới về làm ruộng, sau khi cấy song lúa đến lúc làm cỏ thì xã  viên gặp tôi nói là: các anh cho chúng em  đi chạy chợ để lấy cái ăn ngay không có chúng em chết đói, anh cứ vào khám nhà chúng em mà xem không còn cái gì để ăn. Phản ánh tình hình ấy lên trên  lúc đó trên mới đưa về hỗ trợ cho dân mỗi người 1 kg bột mì, bấy giờ dân mới làm cỏ. Cũng may lúa năm  ấy rất tốt, sau đó chúng tôi mới được về đơn vị và trở về chiến trường miền Nam.

Cuối năm 1970 để chuẩn bị cho chiến dịch Nam Lào, tôi được giao nhiệm vụ  phụ trách tổ đi trinh sát để mở đường.   Lần ấy, chúng tôi đã cùng nhau đi men theo triền đá từ sáng sớm  mặc dù đang là mùa mưa với những cơn mưa rừng xối xả rất khắc nghiệt. Sau một vài giây sơ ý, tôi đã bị trượt chân ngã từ vách đá xuống. Cũng may, phía dưới lại là hố nước nên lần đó tôi đã thoát chết, chỉ bị thương nhẹ. Thoát chết trong gang tấc nhưng tôi không hề có sự sợ hãi mà ngược lại tôi còn cảm thấy tự tin hơn. Bình  thương mỗi lần đi tìm  đường, đêm tối anh em thường mắc võng trên cây để ngủ, nhưng hôm nay đường rừng không những ẩm ướt lại rất nhiều vắt nên không thể mắc võng. Nhìn xung quanh chúng tôi phát hiện ra một con suối  rất rộng, nước lại nông thế là chúng tôi nghĩ ngay ra ý định ngủ trên suối.Nghĩ là làm luôn, tôi và đồng đội cùng hì hục vun đá sỏi xung quanh thành ụ để ngủ qua đêm. Nói là ngủ chứ thực chất chỉ nằm cho đỡ mỏi lưng để sáng hôm sau có sức đi trinh sát tiếp.

Giữ mãi, rồi năm 1972 tôi cũng không tránh khỏi dich sốt rét nghiệt ngã. Những ngày nằm điều trị tại trạm xá tôi như bị trói chân, tôI chỉ mong sao chóng khỏi để trở về đơn vị. Nhưng rồi tôi cũng dần chiến thắng căn bệnh quái ác đó. Ngay sau khi khỏi ốm , tôi lại trở về đơn vị. Có lần, pháo cao xạ của ta bắn rơi một chiếc máy bay của địch. Thấy máy bay địch bị trúng đạn của ta, phát hiện được tên giặc lái đã nhảy dù ra ngay lập tức tôi chỉ huy quân kéo ra đón hướng giặc lái sẽ rơi xuống để bắt sống. Nhưng vì rừng Trường Sơn rậm rạp tên giặc lái bị rơi trúng ngọn cây. Lúc đó, biết được lính nhảy dù của chúng bị rơi trúng cành cây, hàng đoàn máy bay địch ùn ùn kéo tới. Phía dưới, tôi vô cùng lo lắng, mặcdù biết quân địch sẽ chưa thể thả bom vì chúng cũng lo cho tính mạng của tên giặc lái. Nghĩ ngợi một hồi, biết mình không thể bắt sống được giặc lái, tôi quyết định ra lệnh cho bộ đội đồng loạt bắn  tiêu giệt giặc lái rồi nhanh chóng rút quân về hậu cứ. Biết là tên giặc lái vướng trên cây đã bị chết, quân địch liền thả bom liên tiếp xuống mặt đất nhưng lúc đó cả đơn vị cũng đã rút  về hậu cứ an toàn.

Năm 1972, tôi được bổ nhiệm chức tiểu đoàn phó công binh. Nhiệm vụ chính là bảo vệ đường, mở đường vận  chuyển hàng vào Nam.

Có lần cùng đơn vị đi làm nhiệm vụ, khi đến một khu rừng hoang vắng ở A Sầu, A Lưới trông từ xa thấy những chiếc võng mắc trên sườn đồi cả đoàn đến xem. Thế nhưng khi chúng tôi lại gần, trên những chiếc võng đó hoá ra toàn xương người chết từ bao giờ. Cả đoàn không khỏi đau lòng. Thời gian không có nhiều nên tôi đã cử một vài anh em  trong đơn vị ở lại mai táng còn chúng tôi phải tiếp tục hành quân. Nhìn cảnh đau thương đó, chúng tôi càng hiểu thêm sự khắc nghiệt của chiến tranh. Chúng tôi cũng biết rằng, những anh em đồng đội nằm lại ở đây đều có thể là những người chết vì bệnh sốt rét chứ không phải chết vì bom đạn. Chẳng ai bảo ai, nhưng tất thảy anh em có mặt hôm đó đều tự ngầm hiểu sẽ phải cố gắng hơn nữa, làm sao để bù đắp cho sự hy sinh của những người đã  mãi mãi nằm lại mảnh đất này.

Trên đường 16A cứ mỗi khi mùa mưa chuyển sang mùa khô, đất trên triền núi lở xuống lấp hết mặt đường, xe không thể chạy được. Vào thời điểm này, các chiến sĩ công binh lại phải ra sức dọn và sửa lại đường để cho xe chạy. Cuối năm 1972 đầu năm 1973 tôi là cán bộ tiểu đoàn, thường xuyên phải đi kiểm tra công tác sửa đường. Trong quá trình đi kiểm ra xem các đơn vị dọn đường thế nào, khi đến đèo 300 đường 16A thì thấy một trung đội bộ đội công binh đang ngồi cạnh đoạn đường bị sụt, tôi hỏi:

- Sao các đồng chí còn ngồi đó?

Có đồng chí trả lời:

- Báo cáo thủ trưởng có lắm bom  bi qúa nên chúng em không dám làm. Lúc này nhìn ra tôi mới thấy trên mặt đường quả là có nhiều bom bi quả ổi loại 1, 2kg nằm dạt trên đường mà chưa nổ. Tôi hỏi:

- Thế đồng chí Thành đại đội trưởng đâu?

            - Một đồng chí trả lời là đại đội trưởng của chúng em xuống Ngầm bản đông rồi.

Tôi lại hỏi:

- Thế đồng chí trung đội trưởng đâu?

             Đồng chí khác lại trả lời:

             - Báo cáo thủ trưởng, đồng chí trung đội trưởng của chúng em ốm ạ.

            Ngay lúc đó tôi nghĩ, không có nhẽ anh em nó sợ lại bắt nó làm. Nên tôi mạnh dạn bảo các đồng chí : Hãy chuẩn bị cho tớ một ít bộc phá lấy thỏi thuốc nổ TNT loại 2 lạng cắt làm đôi ra, rồi tra kíp, dây cháy chậm và nụ xoè cố định lại, mỗi đồng chí làm cho tớ vài quả.

   Sau khi anh em làm được hàng trăm quả bộc phá rồi, tôi thấy bộ đội ngồi gần sẽ không an toàn nên  bảo anh em sang quả đồi bên kia ngồi còn  kệ tớ ở lại. Khi nhìn thấy anh em đã sang đến quả đồi bên kia, tôi mới lấy một quả bộc phá mà anh em đã tra sẵn, đặt vào cạnh quả bom bi, giật nụ xoè, rồi chạy vào cái hầm gần đó. Sau khi có tiếng nổ tôi mới chạy từ trong hầm ra xem, tôi thấy quả bom  bi không nổ, mà chỉ vỡ làm đôi rơi ra một cái kíp trắng bằng một quân cờ nhỏ, tôi liền cầm lên mâm mê xem xét một lúc. Tôi nghĩ: Tại sao bọc phá nổ mà bom bi lại không nổ chỉ vỡ ra thôi. Tôi lại nghĩ không biết vì sao máy bay ném từ trên cao rơi xuống mạnh thế cũng không nổ? Hay là máy bay nó bay thấp cho nên khi rơi xuống chưa đủ vòng quay? Lúc đó tôi mới liên tưởng là có khi mình nhặt ném đi cũng được. Nghĩ là làm luôn, tôi liền thận trọng cầm một quả ném thử. Vì là quả thử nghiệm đầu tiên nên khi cầm trên tay tôi giữ nguyên thư thế của quả bom, không dám quay vì sợ nó nổ trên tay. Khi ném quả bom xuống bên Tà Luy Âm (đường xuống suối), tôi lé mình xuống thấp để nếu quả bom có nổ thì mảnh bom bị vai đường che, không bắn đựoc vào người. Thực hiện xong quả thứ nhất  mà không thấy nổ, tôi yên tâm hơn, tôi tiếp tục ném quả thứ hai cũng không thấy nổ, thế là tôi cứ lần lượt ném hết hàng trăm quả bom xuống khe suối. Những quả rơi vào chỗ đất xốp lở từ Tà Luy Dương xuống lõm thành lỗ, tôi cũng bới lên ném hết. Sau khi ném hết bom rồi, tôi mới vẫy tay cho bộ đội ngồi trên quả đồi bên kia trở lại. Khi anh em về tới nơi, câu đầu tiên họ nói với tôi là “chúng em lo cho thủ trưởng quá”. Để trấn an anh em, tôi nói “Việc quái gì phải lo, bom tớ đã ném đi hết rồi, các cậu làm đi”. Thế là bộ đội lại bắt đầu làm, người thì cuốc, nguời thì kéo đất về bên Tà Luy Âm. Khi bộ đội làm ổn định rồi tôi mới tiếp tục đi đến các đơn vị khác. Mới đi được một đoạn thì tôi nghe thấy tiếng bom bi nổ. Tôi vội quay lại hỏi sự tình thì được biết, có đồng chí cuốc phải quả bom bi còn sót lại bởi đống đất lắp kín, nên đã gây ra vụ nổ vừa rồi, khiến hai đồng chí kéo đất bị thương nặng, phải đưa ra Bắc điều trị, còn đồng chí cầm cuốc bị thương nhẹ hơn phải đưa đi phẫu thuật.

            Năm 1972 cũng là năm địch bắn phá giữ dội ở quãng đường tiếp giáp giữa Bắc và Nam với mục đích là chặn đường vận chuyển tiếp viện của ta từ miền Bắc vào. Thường thì khi đường bị tắc là công binh phải sửa chữa ngay với khẩu hiệu: “Chỉ được tắc phút, tắc giờ, chứ không được tắc đêm”. Tại thời điểm đó, máy bay của địch thường xuyên hoạt động 24/24 giờ. Ban ngày thì chúng cho máy bay trinh sát đi thám thính tìm mục tiêu để máy bay phản lực bắn phá, còn ban đêm thì cho sử dụng máy bay C130 bắn đạn 40 ly bằng hồng ngoại tuyến.

            Thời điểm đó, tôi thường hay ở trạm chỉ huy đoạn km36 ngã ba đường ngang từ đuờng 16A sang đường 14. Nơi chúng tôi đóng quân thường xuyên bị địch bắn phá. Có một lần vào ban đêm  chiếc máy húc của tiểu đoàn 25 công binh ở gần đó bị máy bay C130 bắn cháy, đồng chí lái máy húc tên là Đồng sợ quá đã bỏ chạy, thấy vậy tôi liền lại gần do biết được đặc điểm của C130 là mục tiêu nào nó đã bắn cháy là nó bỏ đi đánh chỗ khác. Tôi nghĩ chiếc máy húc bấy giờ rất quan trọng trong việc khắc phục giải phóng mặt đường thế là tôi chạy xuống dập lửa đồng thời gọi với đồng chí lái máy húc quay lại dập lửa cùng tôi. Vì lửa cháy quá to, hai người dập mãi không xuể, tôi lại gọi các đồng chí ở trạm chỉ huy xuống cùng dập. Một lúc sau đám cháy lớn cũng dàn tắt, chỉ còn lại những đám cháy nhỏ râm rỉ ở ngay giữa máy húc. Lúc đó trời lại nổi gió nên hễ chúng tôi dập lửa bên này, theo chiều gió thổi đám cháy lại bén sang bên kia không làm sao tắt được.

            Tôi liền cởi luôn chiếc quần đang mặc ra bảo đồng chí Đồng  mang xuống suối nhúng nước rồi cầm lên dập lửa, thế nhưng cũng chỉ giải quyết đuợc một phía. Thấy tôi làm vậy đồng chí Đồng cũng cởi luôn chiếc áo mang xuống nhúng nước, rồi lại mang lên đắp vào đám cháy còn lại. Bấy giờ cả đám cháy mới đựơc dập tắt hoàn toàn. May nhờ cứu chữa kịp thời nên chỉ có phần đệm  ghế ngồi lái bị cháy hết gần nửa nhưng máy vẫn còn tốt chỉ cần sửa sơ là dùng được. Được tin tôi kịp thời cứu chữa máy húc đã được chuyển đến đồng chí tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 25 công binh. Không chỉ gửi lời cám ơn, mà đồng chí tiểu đoàn công binh còn gửi cho tôi một bức điện với nội dung : “nếu mất chiếc máy húc ấy thì chúng tôi cụt tay, 54 cấy số đuờng chỉ còn có mình nó”. Đồng chí còn nói sẽ gửi bộ quần áo xuống đưa lại cho tôi, nhưng tôi nói  tôi vẫn còn đủ quần áo để mặc, còn việc cứu tài sản Nhà nước là việc chung đồng chí không cần cảm  ơn.

            Lần khác, đoàn xe ở ngoài Bắc với chục chiếc vào đến gần trạm chỉ huy của chúng tôi thì các đồng chí phát hiện có máy bay C130 của địch đang bay ỏ trên đầu, thế là cả đoàn lái xe bỏ xe chạy hết. Tôi quan sát thấy máy bay đang tập trung bắn phá ở mục tiêu khác chứ chưa hề phát hiện được đoàn xe này nên tôi quát: các đồng chí nhanh chóng giấu xe ngay, nếu không nó bắn cháy hết bây giờ. Thấy tôi đứng đó thế là có mấy đồng chí lái xe quay lại lên xe nổ máy đi dấu, tôi còn chỉ cho xe vào chỗ dấu xong tôi lại chạy sang chỉ chỗ cho xe khác, thấy vắng tôi đồng chí lái xe nói “nó đâu rồi”, tôi phải quát to “tao đây chứ đâu”, vì có mình ở đó anh em sẽ an tâm hơn. Thấy đồng chí này giấu được xe thì đồng chí khác cũng quay lại dấu, cứ thế lần lượt các xe cùng đi giấu. Duy còn chiếc sau cùng, đồng chí lái xe chưa kịp nổ máy thì liền bị C130 của địch phát hiện, bắn trúng xe, cũng may đồng chí lái xe kịp thời nhảy ra ngoài nên không việc gì. Sau lần ấy, tôi bày cho các anh em trong đoàn xe một kinh nghiêm, cứ hễ thấy máy bay C130 của địch bắn gần nơi xe đậu thì chỉ việc dùng một tấm vải có thấm dầu đốt vứt ra một góc, máy bay của địch thấy vậy sẽ bỏ đi ngay. Thời gian đó sư đoàn xe do đồng chí Phạm Hồng Thái làm sư truởng, cứ mỗi lần vào Nam  là đồng chí đó dẫn đầu. Nhiều lần đến trạm chỗ chỉ huy của tôi đồng chí đó hỏi: “Đồng chí Kiểm có ở đây không? Tôi trả lời “có”. Đồng chí ấy lại nói: “Có cậu ở đây là tớ an tâm rồi. Tớ đi trước, phía sau có vấn đề gì cậu giải quyết giúp tớ”.

 

Một đời mấy lượt đò ngang...

Địch về tạm chiến ở địa phương từ năm 1950-1954. Lúc đó tôi đi hoạt động với bộ đội địa phương và du kích xã. Gia đình rất neo  đơn  vì chỉ có tôi là lớn, nhà lại phải cấy mẫy mẫu ruộng các em lại còn nhỏ, mẹ tôi bảo tôi phải lấy vợ thì mới đi hoạt động được. Vì vậy năm 1952  tôi cưới vợ, lúc đó tôi mới 17 tuổi (tuổi mụ là 18) vợ tôi là một người cùng quê, một cô gái hiền thục nết na, đảm đương được việc nhà, để tôi rảnh tay đi hoạt động. Nghi gia đình tôi là cơ sở kháng chiến, nhiều lần bọn địch đến doạ nạt nhưng gia đình vẫn chối là không. Một hôm vừa nhá nhem tối địch đã sang phục kích sớm, hôm đó có hai  thanh niên anh Sơn và anh Bạo thường ngày cứ đến tối là đi lên núi Cám ngủ không có sợ đêm nó đi càn bắt được. Vừa đi qua nhà tôi được khoảng 30m thì bị địch bắn chết. Thấy hai loạt súng nổ sợ quá gia đình tôi bỏ trốn tạm thời vào thôn Phù Thuỵ, ở đó nhà chặt hẹp  quá vợ tôi xin về nhà bố đẻ, tôi đồng ý. Sau đó cô ấy xin đi văn nghệ xã rồi lên văn công huyện về sau lên văn công tỉnh tôi cũng đồng ý. Khi đó vợ chồng tôi vẫn liên lạc với nhau. Sau hoà bình lặp lại năm 1954 đến khi cả cải cách ruộng đất gia đình tôi bị quy oan thế là hai vợ chồng ít liên lạc với nhau. Khi sửa sai gia đình tôi được minh oan. Năm 1954 tôi được đi bộ đội.

Lúc đó ở quê một số thanh niên xấu bịa ra chuyện tôi đi bộ đội để “giam đứng” vợ. Vợ tôi tưởng thật, năm 1959 tôi đang học tại trường sỹ quan lục quân cô ấy làm đơn xin ly dị, khi có giấy báo của toàn án tỉnh, tôi cầm  giấy lên báo cáo với thủ trưởng đơn vị, trình bày rõ hoàn cảnh của hai gia đình rồi nhờ thủ trưởng giúp tôi nên cắt hay nên để, vì tôi còn trẻ có thể suy nghĩ chưa  đúng, đơn vị cho người về điều tra ở địa phương. Sau một hồi điều tra, đồng chí đó lên báo cáo đúng như lời tôi trình bày. Thủ trưởng đợn vị liền gọi tôi lên và bảo là “cô ấy chủ động làm đơn thì cậu cứ theo đơn cô ấy”. Thế là tôi đồng ý ly hôn.

 Đến năm 1962, tôi lấy vợ thứ 2 và một năm sau thì sinh người con trai đầu lòng. Năm 1967 tôi được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Năm 1970 ở quê đồn  là tôi đã hy sinh thậm chí có nguời còn bịa ra là “chính tay tôI trôn ông ấy”. Vì thế vợ tôi đã bỏ con cho bà nội nuôi rồi đi bước nữa.

Định bụng sẽ ở vậy nuôi con, nhưng năm 1975, sau một hai lần về phép tại quê nhà, me tôi và họ hàng đã giới thiệu cho một ngưòi con gái hiền thục, nết na. Cô ấy cũng đã từng có chồng, nhưng chồng đã hy sinh. Gặp nhau thấy đồng cảm, vậy là tôi quyết định đi bước nữa. Đó chính là mẹ của 3 người con hiện giờ của tôi. Cảm cảnh trước đường tình duyên của mình, tôi đã tự sáng tác bài thơ có tựa đề “Tự Tình”:

Trách cho bà Nguyệt ông Tơ

Xe duyên sao lại hững hờ với duyên

Ván xưa đã được đóng thuyền

Đẹp đôi phải lứa sao duyên nhỡ nhàng

Một đời mấy lượt đò ngang

Thăng trầm mấy nỗi trái oan mấy lần

Trách Trời ăn ở chẳng cân

Để cho đời Nhện mấy lần vương tơ.

Sau khi giải phóng  miền Nam tôi được cấp trên cho đi học lớp trung cấp  lý luận khoá 5 tại trường quân chính binh đoàn Trường Sơn, hết khoá học tôi được nhà trường cấp giấy khen. Những đồng chí cùnghọc với tôi được ra trường, người thì ra làm trung đoàn trưởng, người làm trung đoàn phó, còn tôi được nhà trường giữ lại làm cán bộ khung và giáo viên. Lúc đó, tôi thì vẫn giữ chức tiều đoàn trưởng đóng quân tại thành phố Quy Nhơn. Học viên của tiểu đoàn tôi là những cán bộ từ đại đội trưởng trở lên đến tiểu đoàn trưởng. Anh em thường đùa “thủ trưởng  là tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn trưởng”. Năm 1982, tôi được phong hàm Thiếu tá, có khoá tôi phải giữ chức đại đội trưởng, bí thư chi bộ nhưng học viên lại toàn là cán bộ trung đoàn phó đến đại tá sư trưởng .

Năm 1979, lúc đó tôi đang làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 409, trường  quân chính binh đoàn Trường Sơn, đơn vị tôi học sang môn cầu đường. Để hỗ trợ cho môn học, tôi cho đơn vị đi thăm quan Cầu Máng Sông Thoa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Kế hoạch là mỗi đại đội tham quan 3 ngày, đơn vị tôi có 3 đại đội phải thay nhau đi thăm quan. Trước khi đi tôi về tìm hiểu phong tục tập quán nơi bộ đội đóng quân để thăm quan thì được biết là  ở đó thời gian kháng chiến chống Pháp chỉ có đơn vị ông Nam Long ở đó một thời gian. Dân ở đây ca ngợi đơn vị ông Nam Long hết lời. Còn sau này, chỉ có lính nguỵ về đây phá phách, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ rất dã man.

 Ngày ấy, tôi đã trực tiếp dẫn bộ đội đi thăm quan.  Khi đến nơi ở để thăm quan, tôi theo dõi  ngay khi về đến nơi ở, buổi chiều bộ đội đã tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, tối đến dân và bộ đội chuyện trò vui như tết, chỗ này thì bộ đội với thiếu nhi hò hát, chỗ kia thì bộ đội kể chuyện. Sáng ngủ dạy thì chỗ này bộ đội với dân tranh nhau gánh nước, chỗ kia thì bộ đội với dân tranh nhau quét nhà, quét sân. Thấy bộ đội với dân thân nhau như thế tôi rất phấn khởi. Nhiều lần, các cụ già ở ngay cạnh chỗ bộ đội đóng mời tôi sang nhà chơi rồi hết lời ca ngợi bộ đội. Sau đợt thăm quan, chúng tôi trở về trường, cụ già còn bảo con viết thư cho tôi, lá thư đó hiện giờ tôi vẫn còn lưu giữ làm  kỷ niệm.

Một lần khác, tôi đưa bộ đội đi học tập chiến thuật ở  miền núi, ở đây thực phẩm rất khan hiếm, bộ đội ở đây phải mua củ sắn làm thức ăn. Do làm công tác  dân vận tốt nên một hôm đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã đến báo  với tôi là hợp tác xã hợp tác xã  ủng hộ đơn vị  tôi 3 tấn sắn tươi để làm thực phẩm, nhưng tôi không nhận. Tôi nói: “đời sống người dân ở đây còn chưa bằng bộ đội, sắn lại do xã viên  trồng ra, các đồng chí  có ý cho thì tôi xin cám  ơn lòng tốt đó, nhưng chúng tôi chỉ mua chứ không thể lấy của dân”. Đến năm 1984, tôi xin nhà trường bố trí cho tôi ra công tác ngoài Bắc vì tôi đã công tác trong Nam quá lâu (1967-1984). Nhà trường nói không bố trí cho tôi ra Bắc được, thế là tôi xin nghỉ hưu trí. Đến mồng 1-1-1985 tôi được về nghỉ hưu.

Về địa phương biết tôi từng làm chỉ huy trong quân đội nhiều năm nên địa phương đã chỉ định vào Ban chấp hành  cựu chiến binh. Sau đại hội tôi được bầu vào làm uỷ viên thường trực cựu chiến binh phụ trách tuyên huấn kiêm chức chi hội trưởng, làm trưởng ban quản lý di tích lịch sử đền Trúc và Ngũ Động Sơn từ năm 1994-2004.       

Khi về nghỉ hưu sẵn có lá chữa bệnh gia truyền của mẹ để lại, cộng với quá trình sưu tầm trong thời gian ở quân đội, tôi đã thường xuyên lấy lá chữa bệnh cho nhiều người, nhất là chữa mụn nhọt. Ai mắc bệnh đến xin tôi đều cho không lấy tiền, trước thì chỉ cho người làng xã, sau lan truyền ra nhiều nơI, có những người ở huyện khác đến xin tôi đều cho không lấy tiền. Không ít người khỏi bệnh đã quay lại nhà tôi xin được trả tiền nhưng tôi nhất định không lấy. Với tôi sau nhiều năm chiến đấu ở chiến trường, sau nhiều lần thoát chết, giờ được sống trong những ngày đất nước hoà bình là một điều hạnh phúc. Chính vì vậy, khi tôi còn khỏe, khi tôi còn có thể giúp đỡ mọi người trong những lúc họ gặp khó khăn, thì tôi sẽ cố gắng hết sức mình, đó cũng là để phúc cho con cháu đời sau…

                      

                                                                         Thanh Huyền (ghi)

 

______________

LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: