Thứ sáu, 27/12/2024,


Hữu Thỉnh đã cười ở Phan Thiết... (11/10/2008) 

   

     Đã 4 lần nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) vào Phan Thiết tìm anh. Nhưng chưa lần nào có tung tích gì. Nhà thơ 'một mình đứng khóc ở sau xe' và nghĩ rằng anh trai của mình đã 'ở với đồi anh xanh vào cỏ'. Thế mà cách đây 2 tuần lại có người chỉ dẫn cho Hữu Thỉnh nơi anh trai ông đang nằm.

 

      Hữu Thỉnh sinh năm 1942 tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc trong một gia đình có 8 người con trai. Ông nhập ngũ năm 19 tuổi, trở thành lính xe tăng. Năm 1968, anh trai ông - Nguyễn Xuân Đại - khi ấy đang là một nông dân hiền lành ở quê nhà tham gia lệnh tổng động viên cho miền Nam. Anh Đại có người vợ bệnh tim đau ốm liên miên và  3 đứa con nhỏ dại. Nhập ngũ, anh Đại đúng 30 tuổi. Hữu Thỉnh xin về tranh thủ chia tay anh trai. Cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt. Hữu Thỉnh dặn anh trai: 'Anh đi, chị và các cháu để gia đình lo, anh nhớ đừng bỏ vể nửa chừng'. Anh Nguyễn Xuân Đại hy sinh năm 1973 tại Bình Thuận, từ ngày ra đi hôm ấy anh chưa về thăm nhà lần nào. Mẹ của anh đã khóc và có ý buồn câu nói của Hữu Thỉnh, nhưng Hữu Thỉnh nghĩ rằng với người lính điều quan trọng nhất là đi đến cùng lý tưởng của mình, và những lời mộc mạc ấy ông nói từ gan ruột. Tuy vậy, khi nhắc lại chuyện này, đôi mắt nhà thơ có ánh nước.
Hữu Thỉnh đã viết về nỗi đau của mẹ mình trong nhiều bài thơ
          Ba đứa con có mặt trong này

          Mấy cuộc chiến tranh mẹ gánh cùng một lúc
          Chiến tranh bao giờ chấm dứt
          Nếu một đứa con của mẹ không về
          Mẹ ít ngủ mẹ thường thức khuya
          Đêm nào cũng dài
          Căn nhà có mười mấy mét vuông
          Làm lụng đến già còn bao nhiêu tất bật
     Và cũng từ năm ấy, đến chiến trường nào Hữu Thỉnh cũng hỏi tin về anh trai mình nhưng không có hồi âm. Năm 1975 trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn, Hữu Thỉnh mới biết cái chết của anh trai. Ngay lập tức, ông đến Bình Thuận, nhưng không tìm ra mộ. Đứng trước những cồn cát khô bỏng chói chang nắng và biển xanh đến quặn lòng, trong ông như đã hiện lên khá đầy đủ về cái ngày định mệnh ấy của anh trai.
     Lần này ông vào Bình Thuận và biết chính xác nơi anh trai ông ngã xuống, địa danh ấy là Cây Táo thuộc xã Hồng Sơn - huyện Hàm Thuận Bắc. Anh của ông cũng đã được đưa về nghĩa trang, đó là năm 1981, đúng vào năm Hữu Thỉnh viết bài Phan Thiết có anh tôi. Không phải là một sự trùng hợp lạ lùng mà là sự xui khiến của con tim. Ông viết một mạch, nước mắt giàn giụa không kịp lau, không câu nệ ngôn từ, viết theo sự điều khiển của những ký ức. Ngày nay, chúng ta có bản đã sửa, bản đầu không thật đúng như vậy. Ông lấy bút sửa lại vào bài thơ tôi in ra. Nhà thơ Đỗ Quang Vinh của Bình Thuận nhắc cho ông vài từ ông nhớ chưa chính xác. Qua anh Vinh và được rất nhiều cơ quan giúp đỡ tra cứu tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, Hữu Thỉnh đã tìm ra mộ anh trai.
     Hôm qua, khi khấn trước mộ, Hữu Thỉnh đã khóc rất nhiều, cũng như trước đây ông từng khóc vì không tìm ra anh. Hôm nay hài cốt của anh Nguyễn Xuân Đại đã đang trên đường về Tam Đảo. Ông cười và bảo đây là ngày trọng đại của ông. Vì thế mọi người đều nâng ly chúc mừng.
     May mắn là mẹ ông vẫn chờ được đến ngày hôm nay. Cụ đã 90 tuổi. Ngày Hữu Thỉnh hoàn thành bài thơ, ông không dám đọc cho cụ nghe, nhưng cụ đã biết qua đài TNVN. Cụ khóc: 'Đấy đúng là thằng Đại'. Vợ anh Đại mất sau khi chồng qua đời 2 năm, người đàn bà nhan sắc này 'sống' trong rất nhiều câu thơ viết về người phụ nữ trong chiến tranh của Hữu Thỉnh.
          Chị đợi chờ quay mặt vào đêm

          Hai mươi năm mong trời chóng tối
           Hai mươi năm cơm phần để nguội
          Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn
          Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi
           Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô
           Xóm làng thương không khoe con trước mặt
           Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
          Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
          Vẫn được tiếng là người đứng vậy
           Nhưng anh tôi vẫn còn
          Anh tôi che cho ngọn đèn khỏi tắt
          Hai mươi năm áo gấm đi đêm
          Chị màu mỡ mà anh tôi chẳng biết
          Nhưng chị tôi không thể làm như con rắn que cời
          Lột cái xác già nua dưới gốc cây cạm quẫy
          Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra
          Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại
          Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một mình
          Những đêm trở trời trái gió
          Tay nọ ấp tay kia
          Súng thon thót ngoài đồn dân vệ
          Một mình một mâm cơm
          Ngồi bên nào cũng lệch
          Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền
          (Đường tới thành phố 4)
    Tôi đã có cuộc phỏng vấn truyền hình, đúng hơn là trò chuyện với ông tới 53 phút về bài thơ Phan Thiết có anh tôi, về người anh trai của ông, về xu hướng lạ hoá ngôn ngữ Việt Nam, về xu hướng sex trong văn học Việt Nam... Ông đùa: 'Tôi chưa có cuộc trò chuyện nào quyết liệt thế này'.
     Nhân lúc bàn luận về các nhà thơ, nhà văn VN tôi hỏi ông về hot boy của chúng ta: Nguyễn Quang Lập. Hữu Thỉnh nói ông rất ấn tượng NQL, ngay từ những bài viết đầu tiên về vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị. Sau này là các truyện ngắn, phim. Ông nói NQL không hề sex hay tục, đấy là ngôn ngữ đời và khi khắc hoạ nhân vật NQL đã sử dụng nó. Theo ông, đọc NQL xong sẽ quên cái tục nếu có và chỉ nhớ cái tình. Tôi hoàn toàn đồng ý.
     Cuộc phỏng vấn còn xoay quanh những cái tên nhiều người biết như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thuý, Vi Thuỳ Linh... và cả chuyện blog. Tôi chắc chúng ta cũng muốn có một blog mang tên Hữu Thỉnh để đọc và trao đổi những cái 'còm' với ông.

Trần Ngọc Tỵ 'con rể đặt hàng', 'bố vợ hy vọng',

chủ nhà và nhà thơ Đỗ Quang Vinh.

 

     Biên tập viên của chương trình phỏng vấn Hữu Thỉnh là Ngọc Tỵ. Tên này người Cam Lộ (Quảng Trị),  đầu tháng là nhà văn Triệu Xuân, giờ là nhà thơ Hữu Thỉnh bảo: ' Sao cậu này có gương mặt hiền lành, trong sáng thế'. Hữu Thỉnh nói: 'Đừng lấy vợ, ra Hà Nội bác gả con gái út cho, nó đang học Thạc sĩ bên Trung Quốc'. Tỵ khoái quá kêu 'Ôi chao ơi'. Cameraman Xuân Ban phì cười: 'Nhầm lẫn, nhầm lẫn qúa'. Thực ra các nhà văn nhìn người rất tinh. Hữu Thỉnh bảo tôi có vành tai của người rất nghị lực và tiêu tiền, có 10đ tiêu 12đ, chưa có tiền đã tính cách tiêu. Có lẽ nhà thơ nói về nghị lực... tiêu tiền của tôi. Cái này đã được thực tế chứng minh lâu nay. 

     Sau những giọt nước mắt rơi ở Phan Thiết, Hữu Thỉnh đã cười: 'Tôi đã có bài Phan Thiết có anh tôi, hy vọng sẽ có bài Phan Thiết có em tôi. Chắc chắn nó sẽ vui vẻ và nhẹ nhàng.' Chúng tôi cùng hy vọng Phan Thiết có một bài thơ nữa của Hữu Thỉnh.

 

Theo Hoalucbinh.vnweblogs

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: