Thứ hai, 23/12/2024,


Nhà văn Khuất Quang Thụy: 'Chẳng cuốn tiểu thuyết nào vĩ đại hơn cuộc đời' (11/05/2011) 

Là nhà văn đi ra từ chiến tranh, dường như các tác phẩm của Khuất Quang Thụy đều phản ánh đề tài này. “Đối chiến”, cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, cũng không vượt ra khỏi dòng chảy mãnh liệt đó.

 

* Là nhà văn trưởng thành từ cuộc chiến, ấn tượng về ngày thống nhất đất nước đọng lại thế nào trong ông?

 

- Đó là những ngày tháng mà một đời người may mắn mới được chứng kiến. Biết bao đồng đội của chúng tôi đã không có được sự may mắn ấy.

 

* Ở thời khắc tin giải phóng Sài Gòn được loan đi, ông đang làm gì, ở đâu?

 

- Tôi đang ở ven Sài Gòn, gần khu vực Cầu Bông và cố tìm mọi cách để len qua được dòng người xe của quân ta và hàng binh để vào nội đô.

 

* Ngay từ khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến, ông đã có “Trong cơn gió lốc”, “Trước ngưỡng cửa bình minh”, rồi sau này là “Không phải trò đùa”, “Những bức tường lửa”. Năm 2010 ông lại vừa cho ra mắt tiểu thuyết “Đối chiến”, có vẻ như vốn văn chương về đề tài chiến tranh cách mạng trong Khuất Quang Thụy còn khá dồi dào?

 

- Có lẽ tôi còn mắc nợ nhiều. Tôi sống chiến đấu như một chiến sĩ ở chiến trường từ năm 1968 đến tháng 4/1975. Tuy vậy, từng ấy thời gian cũng chẳng thể đủ để hiểu được cuộc chiến này. Vì

thế từ sau năm 1973, tôi dành nhiều thời gian để tiếp tục tìm hiểu chiến tranh từ nhiều góc khác nhau. Tuy vậy, tới giờ cũng chưa thể nói là mình đã hiểu hết được cuộc chiến. Chẳng ai dám nói là hiểu hết nó cả.

 

* Ở góc độ người viết, ông thấy hài lòng và thành công khi xây dựng tuyến nhân vật nào hơn trong 'Đối chiến', bên này hay bên kia chiến tuyến?

 

- Tôi chưa thật sự hài lòng với cả hai tuyến nhân vật. Nhưng có thể nói tuyến nhân vật phía quân đội Sài Gòn khiến tôi mất nhiều thời gian, tâm sức hơn. Chỉ mong người đọc thấy nó khác với cách mà xưa nay chúng ta quen nhìn, quen viết về đối phương là được.

 

* Rất nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh của Việt Nam đều được viết từ cảm hứng từ một chiến dịch cụ thể. “Đối chiến” theo như bật mí của ông cũng lấy cảm hứng từ Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào mùa xuân năm 1971. Một số nhân vật trong tiểu thuyết cũng được giữ nguyên tên từ nguyên mẫu có thật. Ông nghĩ thế nào khi có người đánh giá tác phẩm chưa đạt đến tầm của chiến dịch này?

 

- Chẳng có cuốn tiểu thuyết nào vĩ đại hơn cuộc đời cả, nhất là những mảng cuộc đời trong chiến tranh. Tầm vóc của chiến dịch Đường 9 -Nam Lào mùa xuân 1971 rất vĩ đại. Vả lại, tôi đâu có ý định viết một cái gì đó hoàn toàn giống chiến dịch này! Nó chỉ là những mảng tái hiện, chấm phá thôi.

 

* Một nét mới nổi bật ở “Đối chiến” mà các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng trước đây, ngay cả những cuốn của chính ông cũng không có, đó là ngoài “đối chiến” ở chiến trường thì bạn đọc còn thấy một sự “đối chiến” về hậu phương với những tình cảm riêng tư của người lính, cũng vì thế tiểu thuyết “đời” hơn. Phải chăng vì đã có một độ lùi xa hơn nên người cầm bút cũng có một cái nhìn tổng quan và thấu đáo hơn?

 

- Đúng vậy. Thời gian là người thầy vĩ đại, giúp chúng ta nhận thức ra nhiều vấn đề. Đã có lần tôi ví như khi chúng ta đang trong một đám cháy thì chỉ thấy cay mắt, rát mặt, khói mù mịt chứ có thấy gì đâu. Thậm chí người chết bên cạnh cũng chẳng nhìn thấy. Khi chạy bà hỏa, có khi thứ đồ gia bảo ta không lo chạy mà lại vớ lấy mấy thứ vớ vẩn để mang ra khỏi đám cháy. Lùi ra ngoài đám cháy sẽ thấy đám cháy to hay bé, rồi phải tìm hiểu hỏi han vài ba ngày mới hiểu vì sao lại cháy, thậm chí lúc đó chúng ta lại vô cùng kinh ngạc khi nguyên nhân xảy ra đám cháy lại rất vớ vẩn, chứ không vì lý do to tát nào như ta vẫn tưởng khi ở trong đó.

 

* Có một chuyện vui trong nghiệp viết của nhà văn Khuất Quang Thuỵ, rằng cuốn sách đầu tay của ông được in tại NXB Quân đội Nhân dân khi tác giả còn đang ở chiến trường, cán bộ NXB đã đánh xe mang nhuận bút về tận nhà trao cho mẹ ông khiến bà lầm tưởng rằng ông đã hy sinh và đó là tiền… tử tuất. Thực hư chuyện này thế nào?

 

- Chuyện này bạn nên hỏi bác Đỗ Gia Hựu, cựu biên tập viên của Nhà xuất bản thì biết rõ hơn. Chính tôi cũng được nghe ông ấy kể về chuyến đi trả nhuận bút “kinh hoàng” ấy. Hồi đó mẹ tôi đã làm cả làng hoảng sợ vì mấy đồng nhuận bút ấy đấy.

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy sinh năm 1950 tại Phúc Thọ, Hà Nội. Hiện ông công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông cũng là ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Kiểm tra Hội nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập website vanviet.net của Hội nhà văn Việt Nam.

“Đối chiến” (NXB Quân đội Nhân dân – 2010) là cuốn tiểu thuyết được viết trên nền chiến dịch Đường 9 - Nam Lào mà phía Mỹ và quân đội Sài Gòn thời ấy gọi là chiến dịch Lam Sơn 719.

* Để khắc hoạ thành công các nhân vật của phía bên kia, ông đã có thời gian ở “Nhà hoà hợp” - một mô hình trong chiến tranh chống Mỹ giai đoạn sau Hiệp định Paris 1973 nhằm mục đích để những người lính hai phía hiểu nhau hơn. Thời gian này làm ông thay đổi điều gì vẫn nghĩ về phe “đối chiến”?

 

- Những ngày ấy khi được tiếp xúc với các sĩ quan binh lính phía bên kia, tôi chỉ thấy ngạc nhiên, thấy lạ thôi. Cũng may mà tôi ghi chép cẩn thận và có ký ức bền vững nên khi viết “Đối chiến”, mảng ký ức này được huy động làm tài liệu giúp tôi tái hiện các nhân vật phía quân đội Sài Gòn. Tôi thực sự đã may mắn khi được quan sát họ sống động khi họ còn đầy đủ danh dự sĩ quan, danh dự người lính chứ không phải chỉ là khi họ đã trở thành tù binh hay người bại trận.

 

* Một số nhân vật của phe “đối chiến” như Đại tá Sơn Đường, Thiếu tá Huỳnh Xuân Thời, Đại uý Ngô Thanh Vân được ông khắc hoạ chân thực và thành công, phải chăng ông từng “gặp” họ tại Nhà hoà hợp?

 

- Có một chút gì đó trong những binh lính sĩ quan mà tôi đã gặp làm nên các nhân vật này. Nhưng bạn ơi, đây là nhân vật tiểu thuyết, là sản phẩm của trí tưởng tượng… (cười)

 

* Ông có quan tâm đến việc các nhân chứng của cuộc chiến từ phía bên kia đọc tác phẩm của mình và sẽ cảm nhận thế nào không?

 

- Tôi chỉ quan tâm đến hiệu ứng nghệ thuât của cuốn tiểu thuyết tác động tới người đọc ra sao, bất biết là họ thuộc phía nào. Không nên phân “phe” độc giả, như thế sẽ bất công bằng cho họ.

 

* Sẽ ngày càng ít đi những nhà văn thế hệ chống Mỹ viết về chiến tranh bằng những trải nghiệm thực tế của bản thân họ. Ông nghĩ các nhà văn Việt Nam sau này sẽ tiếp cận đề tài chiến tranh cách mạng theo hướng nào?

 

- Tôi đã nói nhiều lần rằng mỗi thế hệ sẽ có cách “đọc” lịch sử khác nhau, có cách để “kể” về lịch sử khác nhau. Có ai sống từ thời Nguyễn Trãi, thời Hồ Quý Ly đến giờ đâu mà chúng ta vẫn có những tác phẩm viết về thời ấy? Tôi thực sự thấy rằng chẳng cần phải lo những thế hệ mai sau sẽ viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thế nào. Họ sẽ có cách riêng để “khai quật” lịch sử.

 

 

Dương Tử Thành thực hiện

(Nguồn: Evan.VnExpress)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: