Nhà văn Vũ Bằng sinh năm 1913 tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông bắt đầu cầm bút từ rất sớm, 16 tuổi in bài báo đầu tiên. Khi tác phẩm văn xuôi đầu tay "Lọ văn" ra đời, ông còn đang là học sinh trường Albert Sarraut. Đến khi tốt nghiệp trường này, với tấm bằng tú tài Pháp, Vũ Bằng bước hẳn vào con đường văn chương...
Tuổi 24 (1937) Vũ Bằng đã in tiểu thuyết đầu tay "Một mình trong bóng tối" tại nhà Trung Bắc tân văn. Rồi sau đó là các tác phẩm "Hai người" (1940), "Ba truyện mổ bụng" (1941), "Cai" (1942), "Bèo nước (1944)... Đó là những tác phẩm Vũ Bằng sáng tác tại miền Bắc vào giai đoạn đầu đời của mình. Chỉ tính ngần ấy cũng đã làm nên tên tuổi một nhà văn sáng danh. Nhiều nhà văn, nhà phê bình đánh giá cao tác phẩm thời kỳ này của Vũ Bằng, cho rằng Vũ Bằng là một trong những người có công lớn cách tân tiểu thuyết Việt Nam, hiện đại hóa nền văn xuôi Việt Nam từ những năm ba mươi.
Nhưng số phận thật trớ trêu. Khi tiếng tăm của Vũ Bằng vừa được công chúng mến mộ thì cũng là lúc ông dính vào thuốc phiện. Nói về hiện tượng đáng buồn này, nghệ sĩ Tạ Tỵ, bạn thân của Vũ Bằng, trong một bút ký chân dung đã viết: "Vũ Bằng bước chân vào văn nghiệp với một thế hệ "đàn anh" sa ngã, trụy lạc trong những đêm dài ca quán, trong hương khói quê nâu, trong vòng môi ân tình đĩ điếm. Vì muốn tỏ ra mình cũng xứng đáng là tay "tiểu tướng" trong chốn "giang hồ lạc phách" của "trường văn trận bút", Vũ Bằng, với tự ái tuổi trẻ, lao đời mình vào đam mê để hủy hoại đời sống và tin rằng mình đã làm một việc đáng làm, không ân hận gì hết, nếu ngày nào đó thân xác mình bị vùi lấp bởi ô nhục thì cũng cứ được đi.
Cái tâm trạng chán đời của lứa tuổi thanh niên những năm 1930 - 1940, nó là mẫu số chung cho bài toán của một dân tộc bị đô hộ… Ở giữa cái không khí ấy, chả riêng gì Vũ Bằng "bị" mà có rất nhiều thanh niên làm văn nghệ "bị", nhưng họ không có cái can đảm và sự may mắn kinh qua như Vũ quân, cũng chính vì thế, họ chết dập vùi ở một xó xỉnh nào đó giữa cuộc đời ngàn vạn lối đi vào quên lãng..."
Quả đúng vậy, Vũ Bằng dính nghiện từ rất sớm, nhưng ông lại cũng sớm ý thức về sự tàn phá của thuốc phiện và thấy cần phải cai nghiện. Ông có cái ý thức ấy là bởi trong lồng ngực ông vẫn còn nguyên vẹn một trái tim ẩn chứa nhiều trắc ẩn yêu thương, biết sám hối trước đồng loại mà trước nhất là một người mẹ, một người vợ và một người tình.
Người cha của Vũ Bằng mất sớm. Người mẹ, một phụ nữ tảo tần, hết lòng vì con trai. Bà mở một hiệu sách báo ở phố Hàng Gai làm nguồn sống cho cả gia đình và đặc biệt là vì tương lai của con trai, với nguyện ước sau này Vũ Bằng sang Pháp du học, trở thành bác sĩ để giúp người, giúp đời.
Vũ Bằng cưới vợ từ năm 22 tuổi. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Quỳ, một phụ nữ miền quan họ, hơn Vũ Bằng tới 7 tuổi. Trước đó bà đã có một đời chồng, không hợp nhau, rồi bỏ. Kết hôn với Vũ Bằng ít lâu thì họ có con trai.
Ở cái thời điểm Vũ Bằng mới cưới bà Quỳ thì có lẽ ông đã chưa cảm hết được những gì là cao quý nhất, thẳm sâu nhất trong con người bà. Ông dính nghiện, sớm hôm quăng mình vào chốn ăn chơi như không hề có mặt bà trên đời. Còn bà, bà kiên trì tìm mọi cách để khuyến khích ông cai nghiện, kể cả lấy tình yêu mà đánh thức lòng trắc ẩn, nhưng xem ra lực bất tòng tâm.
Rất nhiều khi Vũ Bằng tỏ ra ân hận trước họ, nhưng ông chỉ thực sự mang cảm giác của kẻ tội đồ khi nhận ra chính vì dính với thuốc phiện mà ông đã làm tàn đời một thiếu nữ trong trắng, xinh đẹp mà ông đã rất mực yêu thương. Thiếu nữ có tên là Liên Hường, người xứ Huế. Nàng đẹp một vẻ đài các, mong manh, thướt tha, biết ngâm thơ, hát bội, rất "hợp khẩu vị" với một nhà văn có tư chất "đại gia" như Vũ Bằng. Trong một cuộc tao ngộ ngẫu nhiên hai người gặp nhau, nàng đã mê ngay nhà văn trẻ có phong độ nho nhã hào hoa. Thậm chí, Liên Hường còn bồng bột bỏ Huế ra Hà Nội để được sống gần nhà văn trẻ. Nàng ngây thơ theo Vũ Bằng đến tiệm, thoạt đầu nàng chỉ xem Vũ Bằng hút, sau châm lửa phục vụ, rồi nàng hút thử và nghiện lúc nào chẳng hay.
Với Vũ Bằng, những ngày đầu đến với Liên Hường, chỉ có ba thứ ông tôn thờ: văn chương, Liên Hường và thuốc phiện. Nhưng cùng với nhịp đi của thời gian, thuốc phiện ngày càng làm xơ xác thân thể, tha hóa tinh thần hai người thì văn chương - thứ mà Vũ Bằng không thể không có nó - chừng như cũng có những dấu hiệu cùn quằn, trì độn, suy đồi. Những gì Vũ Bằng viết ra cứ như đang phản lại chính ông.
Phải, chính thuốc phiện chứ không phải tác nhân nào khác đã và đang làm thoái hóa văn tài của ông, bóp ngẹt trái tim người mẹ, người vợ và người cô của ông; chính thuốc phiện đang dọn một con đường thật ngắn để đưa ông và Liên Hường ra nghĩa địa.
Vũ Bằng quyết định tự cai nghiện. Một cuộc cai nghiện cực kỳ khó khăn. Vũ Bằng đã viết hẳn một cuốn sách kể về chuyện này. Ông gửi cho đăng tải nhiều kỳ trên báo Trung Bắc chủ nhật từ năm 1940, đến năm 1942 (năm Vũ Bằng 29 tuổi) thì Nhà Thế Giới in thành sách với tiêu đề "Cai", dài tới 300 trang.
Hơn hai mươi năm sau, Vũ Bằng cho tái bản dưới một tên mới "Phù dung ơi, vĩnh biệt" ở Sài Gòn, nghe nói sách bán rất chạy. Thanh niên Sài Gòn thời đó cũng nghiện hút rất nhiều. Họ tìm mua sách của Vũ Bằng, ngõ hầu muốn học tập phương pháp cai nghiện của ông nhà văn nổi tiếng.
Người ta đổ xô tìm đọc "Phù Dung ơi, vĩnh biệt" là còn bởi Vũ Bằng viết rất thành thực, có khi thành thực đến phũ phàng với chính ông, về tất cả những gì diễn ra trong quá trình ông dính nghiện và cai nghiện. Mở trang đầu cuốn sách, độc giả đã tiếp cận với những lời "tự bạch" rất chân thành của nhà văn: "Nếu bất ngờ trong các thanh niên, thiếu nữ có người nào cần xem cuốn sách này, tôi chỉ mong ước một điều là đừng bao giờ nghĩ rằng tôi đem việc cai của tôi ra phóng đại để do đó chứng tỏ thuốc phiện là nguy hiểm. Tôi chỉ mơ ước một điều là đọc xong sách này, họ sẽ thấy rằng họ không phải là những người đơn độc trên con đường đời muôn ngả. Trước chiến tranh, cha anh của họ cũng đã mắc bệnh thời đại, u buồn, trống rỗng và đau xót cái đau xót của họ ngày nay...".
Khi đi vào phần chính của tác phẩm, Vũ Bằng mô tả rất chi tiết quá trình ông dính nghiện, những hệ lụy diễn ra sau đó bằng những trang văn rất khó quên. Chẳng hạn ông kể lần đầu ông dính với thuốc phiện là ở trên cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn, nơi có Hồ Gươm linh thiêng: "...Nửa giờ đi qua, tôi cứ đứng vịn thành cầu mà rỏ dãi xuống hồ. Toàn thân tôi không còn phải bằng da, thịt hay gân, sụn. Nó là một cái gì rỗng mà nhẹ. Bảo là một con búp bê nhựa có lẽ đúng, bởi vì chân tôi như không còn bám được trên mặt đất. Giá lúc đó có một vài ngọn gió to, tôi đến bay lên không mất rồi...".
Đã mấy lần Vũ Bằng toan bỏ, nhất là khi người cô ruột qua đời vì quá đau khổ và thất vọng về ông. Nhưng ông không sao chừa nổi, khi thì bởi sự kháng cự rất mạnh của cơ thể, khi lại bởi một ý nghĩ ngông cuồng, tự ái của tuổi trẻ với một quan niệm khá phổ biến thời đó: làm trai không biết ăn chơi là đồ quỷnh! Thế là cứ sau mỗi lần định chừa mà không chừa được, Vũ Bằng lại hút dữ dằn hơn.
Nhưng rồi cuối cùng Vũ Bằng vẫn cai được. Ông cai được là nhờ một trận ốm thập tử nhất sinh, đúng dịp tết, phải đưa vào bệnh viện. Trên giường, căn bệnh kịch phát khiến ông đau đớn, nhưng nó không hành hạ cơ thể ông bằng cơn thèm thuốc. Cơn thèm thuốc làm ông đau lục phủ ngũ tạng, chừng như muốn xé xác ông ra từng mảnh. Có lúc cơn thèm khiến Vũ Bằng không thể chịu nổi, toan buông xuôi cuộc đời mình cho số phận đưa đẩy, ông vùng dậy đi mua thuốc, nhưng ông không thể cất mình lên được, lại không có người sai bảo, ông đành nằm xuống. Cơn thèm qua đi, ông lấy bút viết ra giấy, như một lời thề, treo lên đầu giường: "Cha ta sống lại mà bảo ta hút thuốc phiện ta cũng không được hút". Ở cuối giường thì treo lời tự sám hối, tự xỉ vả mình: "Thuốc phiện giết chết cả dân tộc mày, làm cho bao nhiêu người xung quanh mày sống ai oán, chết khổ sở, mày có nhớ không?".
Đau đớn và mang mặc cảm tội ác nhất, ấy là khi Vũ Bằng đã chừa hẳn. Một lần ông đến tiệm hút để tự thử thách lòng can đảm của mình, thì ông chợt bắt gặp Liên Hường đang nằm nghiêng bên đèn say sưa hút. Vũ Bằng mô tả đoạn này thật xót xa: "...Đôi đứa chúng tôi vẫn nằm bên khay đèn như hồi trước. Ngọn đèn dầu lạc vẫn soi bóng tờ mờ vào đôi mái đầu xanh. Nhưng Liên Hường thực của tôi đã đi đâu mất rồi? Nằm đối diện tôi bây giờ chỉ còn lại một Liên Hường gầy guộc, xanh xao, má trát phấn son tô không đủ che được một làn da quá bủng. Chung quanh cặp mắt bồ câu, những đường nhăn đã bắt đầu và những nét buồn. Gân chằng mạng nhện ở cổ.
Từ một thiếu nữ trong trắng, xinh đẹp, cứ nhớ đến nàng là nhà văn họ Vũ lại rạo rực niềm yêu mà giờ đây chỉ mới vài năm qua đi, nàng đã trở thành một "bộ hài cốt sống". Sự tàn phá băng hoại của thuốc phiện thật đáng sợ biết bao!
Nhà văn Vũ Bằng, may mắn sao, đã đào thoát ra được, vĩnh biệt hẳn với nàng tiên nâu, nhờ thế mà chúng ta mới còn có những tác phẩm "Khảo luận về tiểu thuyết" (1955) "Miếng ngon Hà Nội" (1957), "Bốn mươi năm nói láo" (1969), "Món lạ miền Nam" (1970), "Cái đèn lồng" (1971), "Nhà văn lắm chuyện" (1971), "Những cây cười tiền chiến" (1971), "Nói có sách" (1971) và đặc biệt là tuyệt phẩm "Thương nhớ mười hai" (1972)... để đọc.
Lê Hoài
(Nguồn: Báo VNCA)