Cổng làng khuất bóng bao giờ
Luỹ tre xơ xác để trơ hồn làng
Con sông đào chảy ngỡ ngàng
Cái tôm, cái tép theo đàn về đâu?
(Ký ức làng - Nguyễn Duy Nhiệm)
Ai cũng có quê để mà nhớ, mỗi khi rong ruổi trên đường xa, nhất là bất ngờ gặp đâu đó hình ảnh của cổng làng, ắt hẳn lại nhớ quê. Tôi đã đi nhiều nơi và đã thấy được nhiều cổng làng, nhưng chưa bao giờ tôi lại hồi hộp đến thế khi nhận ra đôi mắt ấy hiện lên một ánh nhìn thăm thẳm hồn quê.
Tôi có nhiều bộ cổng làng qua hàng trăm lần viễn du, nhưng chưa bao giờ tôi giật mình vì bị đôi mắt của cổng làng dõi theo như níu kéo, như vời vợi nỗi chia xa.
Tôi khó bước đi bởi biết bao điều xáo trộn trong lòng. Bởi phía sau tôi là đôi mắt mẹ già đang ngồi bên hiên nhà chờ đợi; phía sau tôi còn là đôi mắt của em đang mong ngóng của sự trở về, và phía sau kia còn nữa đôi mắt u buồn của người cha cùng đôi mắt trẻ thơ đang háo hức chờ những bước chân lặng lẽ... Vậy đó đôi mắt làng gợi cho tôi bao điều qua bức ảnh “Mắt quê”.
Hồn quê còn hiện lên qua bao hình tượng bất ngờ từ dáng cây, hòn đá, giếng nước, mái nhà hay một bờ tường nắng. Còn nữa, đó là đàn gà tơ ríu rít trong lòng mẹ chúng. Và rồi hình ảnh gia đình bỗng hiện lên với bao điều thân thương. Đó là bàn tay mẹ dịu dàng chở che, vỗ về trong lời ru ngọt ngào, ấm áp, thân quen... Sao tôi thấy cay cay nơi khoé mắt. Một nỗi nhớ quê day dứt khôn nguôi.
Chắc hẳn chẳng phải riêng tôi nhớ quê, mà ai cũng vậy đều thổn thức con tim, mỗi khi gặp làn gió thơm ngát hương đồng ùa tới, hay mỗi lần nhặt chiếc lá đa rơi bên đường. Và đôi mắt kia ơi! Vương vấn làm sao. Bàn chân bỗng díu lại trên đường, chẳng thể bước đi...
Cát Cát
(Nguồn: Đại đoàn kết)