Xây xẩm vì sự quái lạ nhưng thánh thiện trong thơ Bùi Giáng, nhạc sĩ Cõng mẹ đi chơi Trần Quế Sơn nhiều năm qua đã âm thầm phổ nhạc nhiều bài thơ của Bùi thi sĩ. Hiện, Trần Quế Sơn và ca sĩ Quang Hào đang thực hiện DVD các ca khúc từ ý thơ Bùi Giáng mang tên “Ôi một người con gái”, dự kiến ra mắt trong hai tháng tới.
* Anh đến với thơ Bùi Giáng từ khi nào để rồi có ý định phổ nhạc cho thơ của “thi sĩ đười ươi” này?
- Khi đi ra đường, tôi nghe những câu như “Dạ thưa xứ Huế bây chừ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” hay “Xin chào nhau giữa con đường, mùa xuân phía trước miên trường phía sau” lất phất bay ở đâu đó, trên miệng người này người kia, trong những cuộc vui, cuộc buồn… Thơ Bùi Giáng chạm tới tôi từ đó. Nhờ một số người bạn tri kỷ giúp tôi tìm tư liệu thơ Bùi Giáng và một số người anh như anh Nguyễn Thiên Chương, Ngô Anh Tùng, Thái Viễn Phương… tư vấn cho tôi về ngôn ngữ, tôi dần cảm được thơ Bùi. Và khi đã mê đắm rồi thì tôi phổ nhạc cho thơ rất nhanh, phổ như điên. Cao điểm một tháng viết được đến 11 bài, trong khi bình thường trước đó, một năm tôi chỉ viết vài ba ca khúc. Hai ca khúc đầu tiên tôi phổ từ thơ Bùi Giáng là bài Phụng hiến và Gót son lấp vùi (từ bài thơ Em đi) cách đây khoảng sáu, bảy năm, đến nay tôi có khoảng 15 ca khúc và dự kiến sẽ phổ khoảng 50 ca khúc.
* Vì sao anh lại liều lĩnh làm việc này khi thơ Bùi Giáng, với nhiều người, đọc chưa chắc đã cảm được huống gì hát lên?
Album “Ôi một người con gái” dự kiến có sáu ca khúc lấy từ ý thơ Bùi Giáng gồm có: Ôi một người con gái, Gót son lấp vùi, Thưa các em miền Nam, Thôn nữ, Một buổi trưa, Người yêu của tôi; và hai ca khúc nhạc và lời Trần Quế Sơn. |
- Thực ra có nhiều người đã phổ thơ Bùi Giáng nhưng chỉ hát chơi với nhau chứ không công bố rộng rãi. Hầu như chưa có ai phổ nhạc thơ ông thành công, lý do lớn nhất là ngôn ngữ thơ ông rất siêu việt nên việc cắt bỏ thơ, viết thêm lời cho tương xứng với thơ ông rất khó. Thơ kén người nghe thì phổ thành nhạc cũng kén người nghe. Với tôi, phổ thơ Bùi Giáng chỉ là từ chung chung mà chính xác là tôi lấy ý thơ, cảm thơ Bùi Giáng rồi sáng tác ca khúc chứ không lấy nguyên xi từng câu chữ trong thơ Bùi. Cảm thơ, lấy ý thơ, viết nên một ca khúc nhưng khi hát lên, người nghe sẽ biết đây là phong cách Bùi Giáng. Tinh thần, cốt cách Bùi Giáng nhưng ca từ tôi phải viết thêm rất nhiều. Thơ của ông có bài đọc lên cả ngàn lần vẫn thấy mới lạ, mỗi câu mỗi chữ đều khiến tôi xây xẩm. Phổ thơ Bùi là phải cảm nhận được cái dòng chảy thời gian, dòng chảy của con người trong cuộc “tồn lưu”. Một ví dụ về sự cảm thơ để viết nhạc là Bùi Giáng có viết: “Hôm mùng ba mùng bốn theo nhau đẩy lùi mồng một mồng hai của hôm nay Nguyên đán”. Từ ý đó, tôi viết tiếp “Bởi vì em ạ, mùa xanh mùa vàng tiếp nối, cuốn xô đời em, sương lạnh đẫm mi hờ. Bởi vì em ạ, chiều mai chiều mốt chiều kia, xuôi con én nhỏ, bùi ngùi chạy ngược chạy xuôi. Bởi vì em ạ, mùa xuân hồng nào đã khép, để rồi đêm nay cơn mộng vỡ một phen, em ngồi em ngó, triền miên đời phố thị, dặm dài đìu hiu xe cộ nhảy như hươu”.
* Người yêu mến thơ Bùi Giáng rất nhiều, anh và ca sĩ Quang Hào có e ngại các ý kiến trái chiều về “dự án” này?
- Với nhiều tầng lớp người nghe, có thể tôi sẽ phải nhận nhiều lời bình phẩm có khi bất lợi cho tôi khi phổ thơ ông, nhưng tôi vẫn tự tin làm vì tình yêu thơ ông và bằng sự hồn nhiên của tôi. Với ca sĩ Quang Hào cũng vậy, khi nghe tôi hát thơ Bùi, Quang Hào đã mê và giờ thì hắn đang bị ông Bùi cuốn đi rồi.
Nguyễn Trâm Anh
(Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp thị)